CẢNG CHÂN MÂY: NHIỀU BƯỚC ĐỘT PHÁ MẠNH MẼ

Không chỉ là một cảng tổng hợp mạnh, sau gần 15 năm khai thác, Cảng Chân Mây giờ đang trở thành một cảng biển thu hút khách du lịch quốc tế lớn nhất Việt Nam.

Nằm ven biển huyện Phú Lộc (ThừaThiên - Huế), Chân Mây là cảng biển tổng hợp đầu mối loại 1 của Việt Nam, cũng là cảng biển duy nhất của miền Trung trên con đường biển kết nối Singapore,

Philippines và Hồng Kông, đủ khả năng đón tiếp nhận tàu du lịch quốc tế cỡ lớn. Ngoài lợi thế nằm ở vị trí trung điểm của các trung tâm du lịch ở miền Trung là Huế - Đà Nẵng - Hội An, cảng biển này còn là cửa ngõ hướng ra biển Đông gần nhất và thuận lợi nhất đối với hành lang kinh tế Đông - Tây qua cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị).

Đáng chú ý, giữa tháng 4/2019, tàu du lịch Costa Venezia đạt chuẩn 5 sao quốc tế đã đưa gần 5.000 du khách nước ngoài, cùng 1.200 thuyền viên và thủy thủ đoàn cập Cảng Chân Mây.
Theo lãnh đạo Cảng Chân Mây, cùng với sự cố gắng, nỗ lực của toàn cán bộ, công nhân viên, năm 2019 Cảng Chân Mây phấn khởi hoàn thành sớm hơn 2 tháng kế hoạch được đại hội đồng cổ đông đề ra. Ước tính đến thời điểm cuối năm Công ty Cổ phần Cảng Chân Mây sẽ vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch.

Theo đó, sản lượng hàng hóa thông qua Cảng dự kiến đạt được là 2.570.000 tấn, đạt 116,82% so với kế hoạch năm 2019 (2.220.000 tấn) và tăng 10,54% so cùng kỳ năm 2018 (2.324.982 tấn); Tổng số lượt tàu ra vào cảng ước đạt đến cuối năm là 360 lượt bằng 116,51% so với năm 2018 (309 lượt tàu); Lượng tàu du lịch đến Cảng Chân Mây là 46 lượt tàu, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2018 (41 lượt tàu), với tổng số 119.105 lượt khách và thuyền viên, bằng 96,22 % so với cùng kỳ năm 2018 (123.787 lượt khách và thuyền viên).
Đồng thời, doanh thu hoạt động sản xuất kinh doanh ước thực hiện năm 2019 là 160 tỷ đồng, đạt 118,5% so với kế hoạch năm (135 tỷ đồng), tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2018 (145,905 tỷ đồng).


Theo bà Hồ Hoàng Thi, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Cảng Chân Mây, năm 2019 là năm bản lề cho kế hoạch của 5 năm sắp tới 2020 – 2015, Cảng Chân Mây sẽ có nhiều bước đột phá mạnh mẽ trong công tác quản lý và hoạt độngsản xuất kinh doanh, do vậy, ngay từ đầu năm công ty đã nỗ lực để hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu đề ra, thêm vào đó với điều kiện thời tiết thuận lợi, hiệu quả che chắn của công trình đê chắn sóng đang trong quá trình hoàn thiện đã tạo điều kiện cho Cảng Chân Mây khai thác tối đa công suất sử dụng bến.
Ngoài việc duy trì sự ổn định, nề nếp trong công tác xếp dỡ hàng hóa, giải phóng tàu nhanh, an toàn, chất lượng, giá cả hợp lý, công ty luôn hướng đến sự hài lòng của khách hàng và qua đó để tìm kiếm thêm thị trường và khách hàng mới.
Một số dịch vụ mới như dịch vụ đại lý tàu biển, cung ứng thực phẩm… được đẩy mạnh, góp phần đa dạng hóa, hiện đại hóa trong hệ thống dịch vụ tại Cảng Chân Mây và được nhiều khách hàng đón nhận. Đặc biệt, bà Thi cho biết thêm, năm 2020 sẽ là dấu mốc quan trọng không chỉ đối với Công ty Cổ phần Cảng Chân Mây nói riêng mà cả khu Bến Chân Mây nói chung. Với sự ra đời của công trình đê chắn sóng, bến số 2 - Cảng Chân Mây, Bến số 3- Hào Hưng thì khu Bến Chân Mây sẽ thay đổi quy mô và tăng năng lực để tiếp nhận thêm nhiều nguồn hàng mới, thu hút nhiều nhà đầu tư đến với địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Trong khi đó, theo đánh giá của Hiệp hội Cảng biển Việt Nam (VPA) vào đầu tháng 12/2019, lượng hàng hóa thông qua cảng biển trong thập kỷ qua ở mức tăng trưởng bình quân từ 12% - 13%, nhu cầu phát triển của thị trường là rất lớn. Những tiềm năng thế mạnh của khu vực Cảng Chân Mây đều đã được khẳng định rõ ràng. Tuy nhiên, bà Thi nhấn mạnh, cơ hội mở ra thì thách thức càng lớn, việc biến các tiềm năngthế mạnh thành hiện thực đòi hỏi phải có sự chung tay của các cấp các nghành và sự phát triển của khu hậu phương cảng biển, trong đó quan trọng nhất là sự vận động của tự thân các doanh nghiệp, vượt qua các khó khăn to lớn trước mắt về nguồn vốn đầu tư, thiếu hụt diện tích kho bãi... Đi tìm lời giải cho bài toán đó là vấn đề đầy trăn trở của lãnh đạo và cán bộ công nhân viên Công ty để đạt đến khát vọng vươn tầm phát triển. Mặt khác, các cơ quan quản lý nhà nước là Bộ Giao thông Vận tải cần tập trung xây dựng chính sách và thực hiện nhiều giải pháp giúp CảngChân Mây cũng như các cảng trọng điểm trong khu vực như Đà Nẵng, Quy Nhơn.... tăng sự liên kết để phát triển, qua đó tạo ra giá trị chuỗi của các cảng ở miền Trung.

Đông Nghi