“Cơ hội vàng” đang lặp lại

Trong khi nhiều ngành nghề, lĩnh vực kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid-19 thì ngành đóng tàu trong nước lại có tín hiệu khởi sắc. Đây có lẽ cũng như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã từng phát biểu: “tận dụng nguy thành cơ”.

Những mặt trận khởi sắc

Trong những năm qua, ngành đóng tàu trong nước nói chung đã ghi nhận rất nhiều thành tựu đáng kể ở cả trên 4 mặt trận, mặt trận nào cũng đều để lại những dấu ấn khởi sắc.

Cụ thể, đối với mặt trận đóng tàu dân sự, cả DQS và SBIC đều là hai doanh nghiệp chủ lực, nắm giữ thị phần lớn trong thị trường ngành đóng tàu. Riêng SBIC vẫn được coi là đơn vị chủ lực với 8 nhà máy lớn, được đầu tư hiện đại, có khả năng, đã  đóng được các tàu lớn, vì điều này họ đã đón được những đơn hàng từ nước ngoài chuyển sang.

Còn trên mặt trận quốc phòng, quân đội, trong đó nổi lên có nhiều doanh nghiệp đóng tàu thuộc Bộ Quốc phòng cũng đã chiếm một thị phần đáng kể trong ngành công nghiệp đóng tàu Việt Nam những năm gần đây. Về năng lực, kỹ thuật, mặt trận này cũng đang thể hiện sự tiến bộ không ngừng, vượt lên hẳn về mặt khoa học công nghệ trong các việc đóng mới cũng như sửa chữa ngày càng chứng minh được vai trò rất quan trọng của một lực lượng chủ chốt trong công tác phục vụ vì mục đích an ninh quốc phòng, bảo vệ đất nước.

Ở mặt trận thăm dò và khai thác dầu khí những năm qua cũng ghi nhận nhiều bước tiến rất lớn từ ngành dầu khí Việt Nam như: đã đóng được những dàn khoan có mớn nước sâu, hệ thống tàu dịch vụ mà trước đây phải nhập ngoại hoặc thuê nước ngoài,… Phải nói rằng ngành công trình biển phục vụ cho công tác thăm dò và khai thác dầu khí Việt Nam có một bước tiến lớn.

Và cuối cùng là trên mặt trận thăm dò và đánh bắt hải sản của Bộ Nông nghiệp  Phát triển Nông thôn (NNPTNT). Vừa qua với Nghi định 67 của Chính phủ thực hiện Nghị quyết (NQ) của Bộ Chính trị đã tạo điều kiện vô cùng quan trọng cho ngành Hải sản Việt Nam có một đội tàu công suất lớn đảm bảo vươn khơi đánh bắt cũng như bảo vệ vùng biển chủ quyền của Việt Nam.
Những tín hiệu đáng mừng

Nhìn vào những thành tựu đã đạt được cùng với lịch sử truyền thống của ngành đóng tàu trong nước, việc các đối tác quay trở lại đặt hàng đóng tàu tại Việt Nam cũng không khó hiểu.

Có nhiều lý do khiến đơn hàng đóng tàu trong nước tăng lên. Trong đó, lý do trực tiếp là do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhiều đối tác nhận thấy môi trường Việt Nam an toàn, doanh nghiệp Việt Nam có năng lực, uy tín  nên lượng tàu chuyển đến sửa ở Việt Nam nhiều hơn.

Nhiều đơn đặt hàng nước ngoài đã chuyển sang chọn doanh nghiệp đóng tàu Việt Nam. Điển hình có Công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS) vừa lâm cảnh khó khăn nay cũng đã quay lại sản xuất. Theo số liệu thống kê của DQS, trong bốn tháng đầu năm 2020, DQS đã tiếp nhận sửa chữa số tàu bằng hai năm 2018 và 2019 cộng lại.

Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) cũng xác nhận các nhà máy đóng tàu của SBIC trên cả nước có đơn hàng sửa chữa tàu biển ở mức cao so với trước đây cả về số lượng tàu sửa và giá trị doanh thu.

Trên thực tế, ngành đóng tàu trong nước cũng từng đón một làn sóng dịch chuyển tương tự vào những năm 1976 - 1978, ở thời điểm đó, nhiều đơn hàng từ Trung Quốc cũng như các nước khác chuyển sang Việt Nam đóng tàu nhưng không phải do ảnh hưởng của dịch bệnh mà vì muốn tận dụng nguồn nhân công giá rẻ của Việt Nam.

Sau đó, do ảnh hưởng của nhiều yếu tố khách quan và chủ quan trên cả thế giới và trong nước như: suy thoái kinh tế, đầu tư dàn trải,… Các doanh nghiệp đóng tàu trong nước cũng không giữ được đơn hàng, ngành đóng tàu trong nước cùng vì thế mà đi xuống.

Ở thời điểm này, do thực hiện tiêu chuẩn khí thải mới của tàu biển từ năm 2020 và ảnh hưởng từ dịch Covid-19, cơ hội sửa chữa tàu biển đến nhiều hơn, ngành đóng tàu trong nước cũng có tiềm năng vực dậy để phát triển mạnh mẽ hơn. Đây chính là “cơ hội vàng” đang lặp lại, là điều rất đáng mừng nhưng nếu muốn duy trì và phát huy được tốt thì cần phải tận dụng, nắm giữ chặt cơ hội, không để vuột mất những đơn hàng lớn.

Trước mắt, cần phải rút kinh nghiệm từ làn sóng dịch chuyển trước đó, lựa chọn những bước đi phù hợp, chắc chắn. Ví dụ ngành sửa chữa tàu của Việt Nam với vị trí địa lý thuận tiện, tay nghề sử chữa có trình độ cao và truyền thống đang được đánh giá cao, thì nên tập trung vào các đơn hàng sửa chữa tàu thật tốt. Minh chứng là Công ty TNHH Nhà máy tàu biển Hyundai Vinashin (Khánh Hòa), ban đầu chỉ là sữa chữa nhưng bây giờ Nhà máy đã có một thị phần đóng mới rất cao. Hay Công ty TNHH MTV Đóng tàu Phà Rừng (SBIC) là một địa chỉ mà nhiều nước biết tới với kỹ thuật sửa chữa và qui trình làm việc được tiếp thu từ Phần Lan đã ba mươi năm nay và hiện nay đã áp dụng các phần mềm tiên tiến vào khâu sản xuất.

Những yếu tố quyết định

Có “cơ hội vàng” nhưng muốn tận dụng được tốt cơ hội cũng như để duy trì, phát triển cơ hội đang có thì ngành đóng tàu cũng cần được quan tâm tháo gỡ nhiều khó khăn trước mắt.

Thứ nhất: Nguồn vốn. Đây là yếu tố vô cùng quan trọng bởi đặc trưng của ngành đóng tàu là một ngành công nghiệp tổng hợp bao gồm nhiều ngành công nghiệp phụ trợ cùng tham gia, ví dụ như: ngành công nghiệp sản xuất sắt thép, nội thất, điện, máy móc, vật liệu,... Vì thế, chu kỳ sản xuất  một con tàu rất dài hơi, đòi mất rất nhiều thời gian. Chính vì là một ngành công nghiệp dài hơi, nên doanh nghiệp muốn tồn tại và trụ vững được đòi hỏi phải rất trường vốn mới có thể xoay trở được. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, yếu tố khó khăn nhất với các doanh nghiệp đóng tàu chính là vấn đề về vốn, do đó, cần phải có chính sách, cơ chế về tài chính phù hợp chứ không chỉ áp dụng các chính sách tài chính chung chung như tất cả các lĩnh vực kinh doanh ngắn hạn khác.

Hơn nữa, các nhà đầu tư chỉ đặt cọc ban đầu một tỷ lệ nhất định sau đó sẽ cấp vốn theo tiến độ của hợp đồng thi công, mà muốn đạt được tiến độ thực hiện hợp đồng thi công thì cũng phải phụ thuộc vào năng lực tài chính của doanh nghiệp. Doanh nghiệp càng có tiềm lực tài chính mạnh, tiến độ thực hiện hợp đồng càng nhanh.

Tiến độ thực hiện hợp đồng từng là vấn đề khiến ngành đóng tàu trong nước bỏ lỡ nhiều cơ hội có hợp đồng lớn, thậm chí còn thua lỗ. Yếu tố này cần phải khắc phục và thay đổi nếu muốn tồn tại và phát triển.

Thứ hai: Nhân lực. Nhân lực phải đáp ứng được tiến độ thi công để không kéo dài thời hạn hợp đồng vì càng kéo dài thời gian thi công doanh nghiệp càng thua thiệt.

Hiện nay nguồn nhân lực đang là vấn đề lớn do ảnh hưởng của cả một thời gian dài không có sản phẩm để thi công nên nhiều trường hợp đã nghỉ việc, chuyển việc hoặc ra nước ngoài. Do đó, muốn khắc phục được tình trạng chậm tiến độ phải chuẩn bị được nguồn nhân lực thật tốt, sẵn sàng thích ứng được với tiến độ do chủ hàng yêu cầu. Bởi vậy để đón đầu thời cơ, ngành công nghiệp tàu thủy cần có nhưng đơn đặt hàng với các trường đại học về công nghệ để đón những kỹ sư, công nhân kỹ thuật có kiến thức mới và dần đào tạo lại những nhân lực hiện có cập nhập theo mặt bằng mới về khoa học công nghệ trong khu vực cũng như thế giới.

Một trong những khâu vô cùng quan trọng trong một ngành công nghiệp lớn như đóng và sửa chữa tầu là khâu thiết kế. Nhưng hiện nay khâu này tuy rất quan trọng nhưng đã bị phân tán manh mún. Với “cơ hội vàng” này, ngành công nghiệp tàu thủy nên dần phục hồi cơ quan thiết kế chính để đảm đương phần thượng tầng kiến trúc cho ngành. Tất nhiên phải tổ chức theo cơ chế thị trường gọn nhẹ hiệu quả.

Thứ ba: Nối lại hoặc tìm kiếm các nhà cung ứng vật tư, phục vụ cho quá trình sản xuất.  Như đã nói, Việt Nam đóng  tàu nhưng ngành phụ trợ trong nước nội địa hóa chưa được nhiều, nguồn vật tư như sắt thép, máy móc, máy chính, các hệ thống máy phụ, trang thiết bị, vi khí hàng hải,... vẫn chủ yếu đi nhập từ nước ngoài. Vì thế, muốn khôi phục lại và vận hành hệ thống sản xuất một cách trơn tru thì tất cả phải có đội quân túc trực, sẵn sàng cung ứng theo tiến độ đóng tàu.

Tất nhiên, mấu chốt của của mọi vấn đề vẫn phải là tháo gỡ được vấn đề vốn. Nguồn vốn được tháo gỡ, mọi rào cản khác sẽ được khơi thông.

Thứ tư: phải nhanh chóng tiến hành triển khai đóng tàu khi có nguồn vật tư. Không để tình trạng vật tư nhập về bị ứ đọng dẫn tới những lãi phát sinh trên vật tư chưa sử dụng, khiến chi phí sản xuất tăng lên, giá thành sản xuất cao, rất khó có thể cạnh tranh được. Như vậy, điều quan trọng nhất là phải điều phối nhịp nhàng trong vấn đề sử dụng nguồn vốn và cung ứng vật tư kịp thời cho các đơn hàng nhằmbảo đảm đáp ứng được tiến độ đóng tàu cũng như bảo đảm về cam kết chất lượng, tiến độ thực hiện đóng tàu với đối tác là rất quan trọng, quyết định bạn hàng có tiếp tục lựa chọn Việt Nam để đóng tàu hay không.

Vẫn còn nghiều vấn đề để nói và bàn về Công nghiệp tàu thủy Việt Nam. Nhưng trước mắt,  với “cơ hội vàng” này chúng ta nên nắm bắt thật chặt và kịp thời dù còn nhiều khó khăn nhưng sẽ dần giải quyết. Quyết không để cơ hội này vuột mất.

KS. Hoàng Hùng

Phó Chủ tịch, Tổng thư ký

Hội Khoa học Kỹ thuật Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (VISIA)