Công ty CP Cảng Chân Mây: Nỗ lực khôi phục và phát triển kinh tế sau đại dịch

Cảng Chân Mây nằm ở vị trí trung tâm giữa hai đô thị lớn nhất miền Trung là Huế và Đà Nẵng. Cùng với lợi thế về độ sâu khu nước, không bị bồi lấp, cảng nước sâu Chân Mây có lợi thế và tiềm năng rất lớn để trở thành cảng du lịch chuyên dụng kết hợp vận tải biển, trung chuyển quốc tế, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tỉnh Thừa Thiên Huế và các tỉnh lân cận.

Tàu chở thiết bị điện gió cập Cảng Chân Mây

Những tháng đầu năm 2022, tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều chủng mới với tốc độ lây lan nhanh chóng. Bên cạnh đó, tình hình kinh tế thế giới và trong nước chịu ảnh hưởng lớn từ việc giá nhiên liệu tăng do cuộc xung đột Nga - Ucraina. Đặc biệt, trong tháng 3, việc các tỉnh, thành phố lớn tại Trung Quốc bị phong tỏa do dịch bệnh đã khiến một số mặt hàng phải giảm sản lượng hoặc tạm ngừng nhập vào thị trường này. Chi phí vận chuyển tăng cao, nhu cầu nguyên liệu thị trường giảm dẫn đến sản lượng hàng xuất khẩu trong khu vực Chân Mây giảm mạnh.

Theo lãnh đạo Công ty Cổ phần Cảng Chân Mây, mặc dù bị ảnh hưởng của việc nghỉ Tết và tình hình dịch bệnh, nhưng quý I/2022 cảng đã đạt được sản lượng gần 900.000 tấn, đáp ứng chỉ tiêu đề ra. Hàng hóa thông qua cảng hiện nay chủ yếu vẫn là hàng rời như: Clinker, đá vôi, titan, dăm gỗ,...  Trong quý I/2022, sản lượng hàng cát trắng qua Cảng tăng hơn 12 lần so với cùng kỳ năm 2021, đạt 190.000 tấn và đảm bảo kế hoạch 2022.

Tàu chở thiết bị cập Cảng Chân Mây

Là cảng du lịch quốc tế nên sản lượng khách du lịch đường biển qua Cảng Chân Mây luôn tăng trưởng cao. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên hai năm vừa qua không có lượt tàu du lịch cập cảng. Mặc dù du lịch nội địa đã có dấu hiệu phục hồi trong thời gian gần đây nhưng ngành du lịch tàu biển quốc tế vẫn chưa thể hoạt động trở lại tại Việt Nam. Đến quý IV/2022, tàu du lịch dự báo bắt đầu quay trở lại Cảng Chân Mây, giúp tăng một phần trong tổng doanh thu. Vì vậy, Công ty sẽ thực hiện công tác hỗ trợ tối đa đối với các hãng tàu du lịch và đại lý hàng hải nhằm giúp dịch vụ đón tàu khách phục hồi nhanh chóng.

Dù gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh khiến các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh trong quý I/2022 đều giảm so với cùng kỳ năm trước, song lãnh đạo Công ty Cổ phần Cảng Chân Mây vẫn quyết tâm đảm bảo quyền lợi cho người lao động tại doanh nghiệp. Công ty đã thực hiện đóng đầy đủ các khoản BHXH, BHYT và BHTN cho 309 CB - CNV với số tiền hơn 1,7 tỉ đồng. Tiền lương và các chế độ đãi ngộ cũng được đảm bảo; thu nhập bình quân trong quý I/2022 đạt 8,77 triệu đồng/người/tháng.

Nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch năm 2022, Ban lãnh đạo Công ty Cổ phần Cảng Chân Mây đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Ban lãnh đạo công ty luôn đẩy mạnh xúc tiến tìm kiếm khách hàng mới; xúc tiến hợp tác đầu tư hạ tầng kho bãi hiện đại, chú trọng chăm sóc, hỗ trợ khách hàng,... Ngoài ra, Công ty tiếp tục đẩy mạnh đa dạng hóa dịch vụ, tập trung phát triển các dịch vụ hỗ trợ như đại lý hàng hải, sửa chữa bảo dưỡng, vận tải, cung ứng điện, nước, xăng dầu,... nâng cao chất lượng dịch vụ.

Khai trương Bến số 2 Cảng Chân Mây

Dự kiến đầu quý III/2022, Công ty Cổ phần Cảng Chân Mây sẽ triển khai hoạt động khai thác hàng container tại Bến cảng số 2 – mới đưa vào khai thác sử dụng giữa năm 2021. Với chỉ tiêu sản lượng khai thác gần 3,9 triệu tấn hàng hóa năm 2022, Bến số 2 sẽ đáp ứng nhu cầu hàng hóa đến và đi qua Cảng Chân Mây, góp phần đưa Cảng Chân Mây phát triển xứng tầm là cảng biển quốc tế với quy mô, dịch vụ hiện đại, là điển đến hấp dẫn, thân thiện và an toàn cho các hãng tàu và du khách.

                                                                             Hải Phong