Công ty Đóng tàu Hồng Hà: 55 năm ngày truyền thống

Công ty TNHH MTV Đóng tàu Hồng Hà (Nhà máy Z173) thuộc Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, Bộ Quốc phòng thành lập ngày 30/10/1965. Chặng đường 55 năm xây dựng và phát triển, Công ty đã trở thành một trong những cánh chim đầu đàn của ngành đóng tàu quân sự nói riêng và ngành đóng tàu trong cả nước nói chung. Với đội ngũ cán bộ, kỹ sư năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và giàu nhiệt huyết, Công ty đã nhanh chóng trở thành thương hiệu đóng tàu có uy tín đối với thị trường trong nước và ngoài nước.

Công ty Đóng tàu Hồng Hà đón nhận danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới năm 2000

Ngày 30/10/1965, tại cảng Phà Đen thuộc huyện Gia Lâm, Thủ đô Hà Nội, thực hiện chỉ thị của Tổng cục Hậu cần, Cục Quản lý xe chính thức ra quyết định thành lập Ban ca nô - tiền thân của Công ty Đóng tàu Hồng Hà (Nhà máy Z173) ngày nay. Nhiệm vụ được giao lúc đó là: đặt hàng sản xuất các phương tiện thuyền gỗ, thuyền nan, thuyền gắn máy, ca nô, sà lan phục vụ nhiệm vụ quốc phòng. Những ngày đầu thành lập, tuy quân số ít, cơ sở vật chất nghèo nàn, nhưng chỉ trong 3 năm, Ban ca nô đã đặt hàng sản xuất hàng trăm phương tiện để trang bị cho các Quân khu, Quân chủng và Tổng cục. Theo yêu cầu phát triển của nhiệm vụ, tháng 4/1968, Cục Quản lý xe đã ra quyết định thành lập Nhà máy Q173W, có nhiệm vụ sản xuất, sửa chữa ca nô, sà lan phục vụ vận chuyển và rà phá bom từ trường. Năm 1972, Nhà máy đổi phiên hiệu từ Q173W thành A173.

Trong điều kiện chiến tranh gian khổ, cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn; địa bàn hoạt động của đơn vị rộng, phải sơ tán nhiều địa điểm để tránh bom đạn của đế quốc Mỹ, song lớp lớp thế hệ cán bộ, công nhân viên Công ty luôn giữ vững quyết tâm, tích cực hưởng ứng phong trào thi đua "Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược"; vừa xây dựng, vừa tổ chức sản xuất và phục vụ chiến đấu, đáp ứng kịp thời yêu cầu nhiệm vụ. Với các khẩu hiệu hành động và phong trào thi đua như: “Mỗi người làm việc bằng hai”; “Tất cả vì Miền Nam ruột thịt”, Công ty đã nghiên cứu, sản xuất, sửa chữa hàng trăm ca nô, sà lan, phương tiện vận tải thuỷ; hoán cải hàng chục ca nô rà phá thuỷ lôi để làm nhiệm vụ khai thông các tuyến đường sông, cửa biển, cải tiến nhiều xe Zin 130 thành xe phao vượt sông, xe thùng thành xe tec chở dầu; xe AM có lắp cuộn từ trường để kích nổ bom nổ chậm và nhiều mặt hàng phục vụ quân đội. Sức lực và trí tuệ của cán bộ, công nhân viên, người lao động Công ty đã góp phần quan trọng cùng quân và dân cả nước làm nên cuộc đại thắng lịch sử mùa xuân năm 1975, giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước. Nhiều tấm gương anh dũng hy sinh khi đang làm nhiệm vụ, nhiều hình ảnh lao động sáng tạo, vượt khó trong giai đoạn này sẽ mãi khắc sâu vào lịch sử 55 năm xây dựng và phát triển của Công ty.
Đất nước hoà bình, thống nhất, bước vào thời kỳ xây dựng phát triển kinh tế và hàn gắn vết thương chiến tranh. Nhiệm vụ sản xuất quốc phòng của đơn vị được giao ít, chủ yếu chỉ sửa chữa chữa các phương tiện đường sông. Năm 1977, Công ty chuyển địa điểm đóng quân từ cảng Phà Đen, Hà Nội về xã Kim Lương, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương. Năm 1981, đơn vị tiếp tục chuyển địa điểm về xã Lê Thiện, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng. Đến năm 1983, đổi tên thành Xí nghiệp 173.

Bước vào thời kỳ đổi mới, nền kinh tế đất nước chuyển đổi từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường định hướng XHCN, Xí nghiệp được phép tự chủ trong hạch toán kinh doanh, song phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức do sự cạnh tranh gay gắt của thị trường, trong khi cơ sở vật chất của xí nghiệp xuống cấp, trang thiết bị lạc hậu, thiếu đồng bộ, máy móc, thiết bị chuyên dùng cho đóng tàu chưa có nên không thu hút được khách hàng. Đứng trước thử thách khắc nghiệt này, Đảng uỷ, chỉ huy đơn vị đã phát huy nội lực, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đề ra hướng đi mới, khi chuyển từ sửa chữa tàu sông sang sửa chữa tàu biển. Sau hơn một năm củng cố, Xí nghiệp dần thu hút được khách hàng, đã tiếp nhận, sửa chữa tàu vận tải Đại Khánh 400 tấn; tàu cuốc trọng tải 570 tấn và các loại tàu vận tải 500 tấn, 600 tấn. Những lời khen về “Chất lượng tốt, tiến độ nhanh, giá thành rẻ”, đã thu hút các bạn hàng ngày càng nhiều. Năm 1989, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã gửi thư khen ngợi Xí nghiệp, vì đã “Chấp nhận cuộc cạnh tranh giành ưu thế trên thị trường”, đây là sự động viên khích lệ hết sức to lớn đối với toàn thể cán bộ, công nhân viên của Xí nghiệp.

Không thoả mãn với những kết quả ban đầu, Đảng uỷ, chỉ huy Xí nghiệp luôn xác định tiếp tục tìm hướng đi mới. Với sự nhìn nhận, đánh giá đúng đắn về tiềm năng biển của đất nước, về nhiệm vụ chính trị của quân đội trong quá trình xây dựng và bảo vệ tổ quốc, do vậy mục tiêu của Xí nghiệp phải vươn lên đóng tàu biển, trước mắt là những tàu nhỏ, chạy tầm gần, sau đó tiến tới đóng tàu có trọng tải lớn, hoạt động dài ngày trên biển. Với quyết tâm cao, tinh thần chủ động, đơn vị đã đóng mới thành công tàu tuần tra cho Binh chủng đặc công, tàu vận tải 450 tấn cho Quân chủng Hải Quân, các tàu chở xăng dầu từ 150 - 450 tấn cho Cục Vận tải, các sản phẩm đóng mới đều bảo đảm tiến độ, chất lượng tốt, được bạn hàng đánh giá cao.
Với quy mô phát triển mới, ngày 17/4/1996, Bộ Quốc phòng đã ký Quyết định số 471/QĐ-BQP thành lập Công ty Hồng Hà. Với những thành tích và kết quả đạt được trong những năm đổi mới, năm 2000, đơn vị vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, đây là phần thưởng cao quý đánh dấu một mốc son trong lịch sử phát triển của Công ty.

Ban chấp hành Đảng bộ Z173 nhiệm kỳ 2020 - 2025 ra mắt

Với vị thế mới, đơn vị phải vươn tới những thành công mới, đó chính là điều mà Đảng uỷ, chỉ huy Công ty luôn nghĩ đến. Đất nước bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa, đòi hỏi quân đội cũng phải hiện đại hoá để xứng tầm nhiệm vụ, tuy nhiên ngành đóng tàu trong nước, đặc biệt là đóng tàu trong quân đội chưa đủ năng lực, công nghệ để đóng được các loại tàu hiện đại có trang bị vũ khí, vì vậy hàng năm vẫn phải chi nhiều ngoại tệ để mua tàu từ nước ngoài. Với những đánh giá, nhìn nhận đúng đắn về tình hình nhiệm vụ quân đội trong thời kỳ mới, Đảng uỷ, Ban giám đốc Công ty đã nghiên cứu, đề xuất các dự án mới, trong đó có dự án tàu Cảnh sát biển vỏ thép cường độ chịu lực cao, lượng giãn nước 200 tấn. Đây là công nghệ lần đầu tiên được ứng dụng trong nước. Được sự tin tưởng và quan tâm, tạo điều kiện của Bộ Quốc phòng, đơn vị đã tích cực triển khai dự án, bên cạnh việc tiếp tục đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, mua sắm thêm thiết bị công nghệ, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực để tiếp cận với các công nghệ đóng tàu hiện đại, đặc biệt là công nghệ đóng tàu vỏ thép cường độ chịu lực cao, Công ty đã chủ động mua thiết kế sơ bộ của nước ngoài kết hợp với cơ quan thiết kế của Viện Kỹ thuật Hải quân thiết kế kỹ thuật và thiết kế công nghệ. Sau hai năm triển khai, Công ty đã đóng mới thành công tàu TT200 số 1, bảo đảm chất lượng và có hiệu quả kinh tế cao so với nhập ngoại. Với kết quả đạt được, đơn vị đã vinh dự được được Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải về thăm và chạy thử. Thành tích trong đóng mới tàu CSB TT200 đã góp phần nâng cao uy tín, thương hiệu của Công ty trên thị trường đóng tàu trong nước, làm nền tảng để những năm tiếp theo Công ty tiếp tục triển khai đóng mới thành công loạt tàu Cảnh sát biển TT400, trong đó tàu CSB 4031, được Bộ Quốc phòng chọn là công trình tiêu biểu chào mừng 30 năm ngày giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước.

Không ngừng phát huy những thành quả đạt được, trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, với tinh thần chủ động, sáng tạo, từ năm 2005, Công ty đã chủ động nghiên cứu, đề xuất với Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân và Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng cho phép triển khai đóng mới các sản phẩm tàu quân sự có hàm lượng công nghệ cao, giá trị kinh tế lớn, điển hình là lớp tàu pháo tuần tiễu 400 tấn, ký hiệu TT400TP, đây là sản phẩm có tiêu chuẩn kỹ thuật cao, phức tạp về công nghệ và được phát triển, hiện đại hóa trên cơ sở thiết kế của tàu TT400 Cảnh sát biển, lần đầu tiên đóng mới thành công trong nước. Từ năm 2010 đến 2016, Công ty đã hoàn thành và bàn giao cho Quân chủng Hải quân 06 chiếc, quá trình khai thác được các đơn vị quản lý sử dụng đánh giá cao. Thành công trong việc triển khai dự án đóng tàu pháo tuần tiễu đã khẳng định năng lực, trình độ công nghệ đóng tàu của Công ty, khả năng tiếp cận và làm chủ công nghệ đóng tàu chiến hiện đại trang bị cho quân đội trong tương lai.

Bên cạnh đó, đơn vị đã triển khai và đóng mới nhiều sản phẩm phục vụ nhu cầu trang bị của các lực lượng như: tàu chở quân, tàu vận tải 450 tấn, tàu chở dầu 1.000 tấn, phà quân sự, tàu tuần tra 150 tấn,... Trong đó, tàu 8003 (một trong 03 tàu của Cảnh sát biển do Hàn Quốc viện trợ được Công ty nghiên cứu cải hoán) đã hoạt động rất hiệu quả trong đợt đấu tranh bảo vệ lãnh hải của tổ quốc khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD981 trên vùng biển Việt Nam.

Năm 2014, Công ty đã chủ động đề xuất với Chính phủ và Bộ Quốc phòng cho triển khai đóng mới 04 tuần tiễu 400 tấn và 02 tàu vận tải đa năng tiếp dầu trên biển cho Cảnh sát biển và Hải quân theo chương trình Nghị quyết 72 của Quốc hội, với yêu cầu tiến độ gấp rút, khẩn trương (phải hoàn thành trong năm 2015). Đây là cơ hội rất quan trọng song cũng là thử thách rất lớn, vì đây là lần đầu tiên, Công ty phải hoàn thành đồng thời nhiều sản phẩm công nghệ cao, tiến độ nhanh. Tuy nhiên Công ty đã có nhiều giải pháp để tổ chức thực hiện, đồng thời đã phát huy những truyền thống quý báu của đơn vị về tinh thần chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường, khắc phục mọi khó khăn, quyết tâm hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ được giao theo đúng tiến độ.

Cũng từ năm 2006 đến nay, Công ty thực hiện tốt việc kết hợp phát triển quốc phòng gắn với kinh tế và kinh tế với quốc phòng, đã triển khai đóng mới thành công 8 tàu xuất khẩu 2.600 tấn và 3.300 tấn sang thị trường châu Âu; 10 xuồng cao tốc cho Ghana; 02 tàu chở nhựa đường và nhiều sản phẩm cho Hải quan, Cục Kiểm ngư, Công ty Bảo đảm hàng hải Việt Nam, Tập đoàn ĐuaFat,... Qua đó, đã góp phần bảo đảm việc làm, ổn định thu nhập, giữ vững và duy trì đội ngũ sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ quốc phòng được giao.
Có thể khẳng định, trước yêu cầu nhiệm vụ thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển, Công ty đã kế thừa và phát huy xứng đáng truyền thống đoàn kết, chủ động, sáng tạo mà bao thế hệ cán bộ, công nhân viên, người lao động vun đắp nên. Cùng với thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, Công ty luôn chú trọng giữ vững và phát triển mối đoàn kết quân dân, tích cực tham gia các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, ủng hộ các tổ chức chính trị, xã hội, các gia đình chính sách, tham gia các phong trào do địa phương phát động, phối hợp cùng với đảng bộ, chính quyền và các tổ chức của địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, góp phần ổn định chính trị địa bàn nơi đơn vị đóng quân.  

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao Công ty đã thường xuyên chăm lo xây dựng đảng bộ, xây dựng đơn vị vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, xây dựng tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh, các tổ chức quần chúng vững mạnh xuất sắc. Chú trọng xây dựng đội ngũ cấp uỷ và cán bộ chủ trì các cấp, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức Đảng để thực sự là hạt nhân lãnh đạo, đoàn kết trong đảng bộ và đơn vị. Tập thể cán bộ, công nhân viên, người lao động luôn có nhận thức chính trị, lập trường tư tưởng vững vàng; không ngừng phát huy bản chất cách mạng và phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Nội bộ đoàn kết thống nhất, Đảng bộ liên tục đạt trong sạch, vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện; thường xuyên có quan hệ gắn bó mật thiết với các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân địa phương nơi đóng quân.

Đại tá Bùi Duy Chinh - Nguyên Trưởng phòng Thiết kế công nghệ nhận giải thưởng Nhà nước

Trải qua 55 năm xây dựng và phát triển, lớp lớp các thế hệ cán bộ, đảng viên, công nhân viên, người lao động của Công ty luôn đoàn kết, chủ động khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Với những thành tích đã đạt được, Công ty đã vinh dự được Đảng, nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới (2000); Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân (2015); tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì (2010), Huân chương Độc lập hạng Nhất (2020); Huân chương Lao động hạng Nhất; Huân chương Chiến công hạng Nhất; 03 Huân chương Lao động hạng Ba; 05 Huân chương Chiến công hạng Ba và nhiều phần thưởng cao quý khác. Đã có hàng trăm lượt cá nhân được tuyên dương và khen thưởng, đặc biệt năm 2001, đồng chí nguyên giám đốc Nguyễn Đức Lâm - nguyên là trung tướng, Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Trong hoạt động khoa học công nghệ, đã có rất nhiều đề tài đạt giải thưởng các cấp, trong đó có 02 đề tài đạt Giải thưởng nhà nước và Giải thưởng Sáng tạo Khoa học công nghệ Việt Nam (VIFOTEC).

Trung tá, TS. Phạm Văn Tuấn – Giám đốc Công ty Đóng tàu Hồng Hà