Đề xuất nâng quy chuẩn an toàn tàu VR-SB tương đương tàu biển

Cục Hàng hải Việt Nam (Vinmarine) vừa có kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) bổ sung quy chuẩn trang thiết bị an toàn trên tàu sông pha biển (VR-SB) tương đương như tàu biển mang cấp hạn chế 3 trở lên.

Để phòng, tránh tai nạn liên quan đến phương tiện VR-SB, thực thi trách nhiệm của quốc gia thành viên của Tổ chức Hàng hải thế giới (IMO), Cục Hàng hải Việt Nam đã kiến nghị Bộ GTVT sửa đổi một số quy định như: Sửa đổi quy tắc giao thông và tín hiệu của phương tiện VR-SB để phù hợp với quy tắc phòng ngừa đâm va tàu thuyền trên biển (COLREG 72).

Đồng thời, bổ sung quy định về thuyền viên làm việc trên các phương tiện VR-SB có trọng tải toàn phần từ 5.000 tấn trở lên hoạt động trên biển (ven biển) phải có giấy chứng nhận khả năng chuyên môn hàng hải tương đương với thuyền viên làm việc trên tàu biển có cấp hạn chế III trở lên; Sửa đổi chương trình bồi dưỡng cấp chứng chỉ điều khiển phương tiện thuỷ nội địa đi ven biển nhằm nâng cao chất lượng việc huấn luyện và thực hành các Quy tắc COLREG 72 và việc sử dụng và vận hành các trang thiết bị hàng hải.

Theo thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam, từ năm 2014 đến nay, trên các vùng nước cảng biển và vùng biển Việt Nam đã xảy ra 38 vụ tai nạn gây chìm đắm 26 phương tiện, trong đó có 14 phương tiện VR-SB. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2019, số vụ việc liên quan đến tàu VR-SB là 7 vụ, trong đó có 4 vụ phương tiện tự chìm đắm.

Phương tiện VR-SB thường không đảm bảo các điều kiện như: thuyền viên không được huấn luyện về các tình huống khẩn cấp trên tàu, không đủ năng lực khai thác thiết bị thông tin liên lạc, thiếu kiến thức và kinh nghiệm về hàng hải, cảnh giới, tránh va, điều động phương tiện hoạt động trên biển, tác nghiệp hải đồ, sử dụng máy đo sâu, radar, kiến thức tính toán ổn định tàu,…

Ngoài ra, theo quy định về vùng hoạt động phương tiện VR-SB được cho phép hoạt động cách bờ hoặc nơi trú ẩn không quá 12 hải lý. Tuy nhiên, hiện hầu hết các phương tiện VR-SB lớn thường chạy cắt thẳng Vịnh Bắc bộ (cách bờ khoảng 100 hải lý) trong điều kiện thiết bị an toàn không đảm bảo dẫn đến nguy cơ mất an toàn cho người, phương tiện luôn thường trực.

BT