“Mái trường đại dương”: 64 năm vững bước

Ngày 01/4/1956, cách đây tròn 64 năm, gần một năm sau khi Thành phố Cảng Hải Phòng được giải phóng, trường Đại học Hàng hải Việt Nam chính thức được ra đời, tiền thân là Trường Sơ cấp Lái tàu, Trường Sơ cấp Máy tàu, Trường Trung cấp Hàng hải,... với những lớp học tranh tre, nứa lá, với phấn trắng, bảng đen, với những thầy cô giáo, những học viên, sinh viên đầu tiên vừa bước chân ra khỏi cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ mà vẻ vang của cả dân tộc.

Năm tháng qua đi, lớp lớp các thầy cô giáo, các cán bộ giảng viên, sinh viên của nhà trường đã không tiếc công sức, xương máu, với trí tuệ và lòng nhiệt huyết đã góp phần không nhỏ cho sự nghiệp thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ chủ quyền cả trên đất liền và biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Nhiều thầy giáo, nhiều cựu sinh viên đã thiết kế, chế tạo ra những con tàu không số, nhiều người khác kiên cường trực tiếp giữ vững tay lái những con tàu đặc biệt đó, những con tàu đã làm nên đường mòn Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại, trực tiếp chi viện vũ khí cho chiến trường Miền Nam. Nhiều thầy cô giáo, cựu sinh viên khác đã dũng cảm vận hành các con tàu rà phá thuỷ lôi trên khu vực Cảng Hải Phòng trong những năm tháng đế quốc Mỹ điên cuồng bắn phá Miền Bắc, mà mỗi lần trước khi bước lên tàu là một lần họ được truy điệu sống. Có những cựu sinh viên khác đã viết những bức tâm thư bằng máu để được lên đường nhập ngũ trong những năm 1969 - 1970 và trong những năm chiến tranh biên giới Tây Nam, phía Bắc. Trong số đó, có những người đã anh dũng hy sinh trên các chiến trường chống Mỹ và 2 cuộc chiến tranh biên giới, trong cuộc chiến đấu bảo vệ từng tấc biển thân yêu của tổ quốc; có những người còn sống trở về, trên mình đầy thương tích. Nhưng sâu thẳm trong trái tim và khối óc của họ, luôn có hình ảnh của Mái trường Đại dương thân yêu.

PGS.TS Phạm Xuân Dương tại một buổi Tọa đàm Khoa học quốc tế

Qua 64 năm xây dựng và trưởng thành, với những đóng góp vô cùng to lớn của lớp lớp các thầy cô giáo, các cựu sinh viên của trường Đại học Hàng hải Việt Nam, nhà trường đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng những phần thưởng cao quý nhất mà không phải trường đại học nào cũng có được. Đó là: Danh hiệu Anh hùng Lao động (2006), Huân chương Độc lập Hạng Nhất (2006), Huân chương Hồ Chí Minh (2011), Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang (2016),...

Nhà trường đã góp phần không nhỏ đưa Việt Nam trở thành một trong 73 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tiên trên thế giới được công nhận vào Danh sách Trắng (White List) của Tổ chức Hàng hải Quốc tế (12/2000), và được công nhận là thành viên đầy đủ thứ 44 của Hiệp hội các Trường Đại học Hàng hải Quốc tế (IAMU) năm 2004.

Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định đưa nhà trường vào danh sách các trường được đầu tư để trở thành trường đại học trọng điểm quốc gia, khẳng định vị thế quan trọng của nhà trường trong “Chiến lược phát triển bền vững Kinh tế biển Việt Nam đến 2030 tầm nhìn đến 2045”.

Trong những năm qua, với sự tâm huyết của các thầy cô cán bộ, giảng viên, viên chức, người lao động Nhà trường, chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, sản xuất kinh doanh, hợp tác quốc tế và mọi mặt công tác khác của trường đã ngày càng được nâng cao.

Chất lượng sinh viên tốt nghiệp của trường được các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp trong và ngoài nước, cộng đồng xã hội đánh giá rất cao. Nhiều công trình nghiên cứu của các nhà khoa học cũng như sinh viên nhà trường đã được ứng dụng trong thực tiễn, đạt hiệu quả cao; số lượng và chất lượng các công bố quốc tế ngày càng được nâng cao rõ rệt. Công đoàn, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Hội Sinh viên nhà trường luôn đứng vị trí dẫn đầu trong mọi hoạt động, mọi phong trào của ngành giao thông vận tải, thành phố Hải Phòng.

Trung tâm nghiên cứu Hệ động lực tàu thủy
 

Nhà trường hiện đang đào tạo 44 chương trình hệ đại học, 13 chương trình cao học, 08 chương trình nghiên cứu sinh liên quan trực tiếp đến kinh tế biển với hơn 15.000 sinh viên theo học.

Các chuyên ngành thế mạnh: Thiết kế và sửa chữa máy tàu thủy, Thiết kế tàu và công trình ngoài khơi, Đóng tàu và Công trình ngoài khơi, Hàng hải, Máy tàu biển, Logistics và quản trị chuỗi cung ứng, Cơ Điện tử, Điện - Điện tự động, Kỹ thuật xây dựng công trình thủy, Kỹ thuật Môi trường,…

Trong thời gian tới, trước yêu cầu ngày càng khắt khe của quá trình hội nhập quốc tế, của Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển quốc gia, đặc biệt trước yêu cầu của quá trình tự chủ đại học, nhà trường thực sự rất cần đến sự ủng hộ, chung tay một cách đầy tâm huyết, trách nhiệm, đồng thuận của các thầy cô cán bộ, giảng viên, viên chức, người lao động toàn trường trong mọi chiến lược, mọi kế hoạch, mọi hoạt động của Trường, thực sự coi người học là trung tâm,... để trong thời gian tới, nhà trường sẽ vượt qua mọi khó khăn thách thức, tự chủ thành công và hiện thực hoá mục tiêu sớm đưa trường trở thành trường trọng điểm quốc gia.

Kỷ niệm sinh nhật lần thứ 64 của Mái trường Đại dương năm nay đúng vào thời điểm Việt Nam và toàn thế giới đang tập trung cao độ cho công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành và thành phố Hải Phòng, nhà trường đã quyết định không tổ chức các hoạt động tập trung đông người, mọi hoạt động giảng dạy, học tập, hội nghị, hội thảo, họp hành,... đều chuyển sang hình thức trực tuyến.

Nhân dịp này, nhà trường mong muốn các cựu giáo chức, các thầy cô cán bộ, giảng viên, viên chức, người lao động và các sinh viên trong toàn trường hãy cùng lãnh đạo nhà trường kỷ niệm ngày lễ trọng đại này bằng tình cảm chân thành, sâu lắng, xuất phát từ trái tim, từ tấm lòng của mình đối với Mái trường Đại dương thân yêu.

Trong thời đại bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trường Đại học Hàng hải Việt Nam đã tập trung đổi mới toàn diện trên tất cả các mặt hoạt động. Đến nay, trường Đại học Hàng hải Việt Nam đã khẳng định được vị thế là cái nôi đào tạo số 1 của ngành Giao thông Vận tải và cả nước.

PGS.TS Phạm Xuân Dương