Nâng cao năng lực Cảng biển quốc tế Chân Mây

Nhằm phát huy hệ thống hạ tầng cùng lợi thế cảng biển quốc tế Chân Mây, thời gian qua, Công ty Cổ phần Cảng Chân Mây đã đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng; mở rộng tìm kiếm khách hàng; không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ... Bà Hồ Hoàng Thi, Thành viên Hội đồng quản trị kiêm Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Cảng Chân Mây cho biết.

Bà có thể chia sẻ về kết quả dự kiến thực hiện các mục tiêu năm 2020 của Công ty?

Thời gian qua, do tác động của đại dịch Covid-19 nên nguồn hàng khan hiếm, vận tải suy giảm, hàng hóa thông Cảng cũng giảm mạnh. 9 tháng đầu năm 2020, Cảng Chân Mây đón 214 lượt tàu hàng với sản lượng 1.818 nghìn tấn, đạt doanh thu 105 tỷ đồng; 14 tàu du lịch gồm 31.909 du khách và thuyền viên. Cuối năm thậm chí đầu năm 2021, kinh tế thế giới còn suy giảm nên xuất nhập khẩu hàng hóa chưa hết khó khăn. Dự kiến cả năm 2020, Cảng sẽ đón 274 lượt tàu với sản lượng 2.400 nghìn tấn, đạt 90% và doanh thu 132 tỷ đồng, đạt 75% so năm 2019.

Cảng Chân Mây - cảng tổng hợp đầu mối loại 1 nằm giữa hai đô thị lớn nhất miền Trung (Huế - Đà Nẵng), là cửa ngõ ra biển Đông gần nhất và thuận lợi nhất đối với Hành lang kinh tế Đông - Tây (kết nối miền Trung Việt Nam với các nước Đông Nam Á)”

Việc đưa vào vận hành Bến số 2 tới đây có ý nghĩa thế nào với hoạt động của Cảng Chân Mây?

Theo kế hoạch, Bến số 2 được khai thác vào giữa năm 2021, sẽ giảm áp lực đối với Bến số 1 và tăng năng lực cạnh tranh của Cảng. Thời gian tới, với điều kiện cầu bến cải thiện, Cảng sẽ sử dụng các biện pháp tối ưu hóa năng suất sử dụng cầu bến, đẩy mạnh thu hút nhiều hàng hóa mới, tiếp nhận thêm nhiều hãng tàu du lịch, du khách quốc tế đến Cảng Chân Mây; qua đó góp phần thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh và khu vực miền Trung.

 

“Cảng Chân Mây hiện có Bến số 1 với cầu bến dài 480m, độ sâu trước bến 12,5m đủ khả năng tiếp nhận tàu hàng tổng hợp đến 50.000DWT, tàu du lịch quốc tế dài đến 362m và 225.282GT. Tuyến mép bến phía bờ dài 120m, độ sâu 6,1m khả năng tiếp nhận tàu hàng 3.000DWT. Bến số 2 với cầu tàu dài 280m cho tàu hàng 50.000DWT cũng đang được đẩy mạnh thi công và sẽ đi vào hoạt động giữa năm 2021”

Công ty đã triển khai những giải pháp nào nhằm thúc đẩy kinh doanh, dịch vụ, phát huy tốt vai trò của Cảng Chân Mây trong thời gian qua?

Nhằm củng cố, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ tạo sự tăng trưởng cho doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh và đất nước, Công ty đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp. Cụ thể như:
Trong điều hành sản xuất đã khai thác tối đa công suất Bến số 1, đảm bảo việc điều động nhân lực thiết bị, kỹ thuật hợp lý; chú trọng giám sát hoạt động tác nghiệp từng công đoạn và từng chủng loại hàng hóa tại các bộ phận. Công ty cũng tích cực tìm kiếm đối tác phù hợp để ứng vốn, hợp tác kinh doanh hoặc cho thuê hạ tầng cảng biển. Cùng với chủ động kiểm soát định phí, giảm biến phí, Công ty còn lập kế hoạch tài chính chi tiết để điều phối dòng tiền; thực hiện tiết kiệm tối đa nguồn lực trong quá trình hoạt động.

Về nguồn nhân lực, Công ty đã đẩy mạnh tổ chức sắp xếp nhân sự theo hướng tinh gọn, hiệu quả; xây dựng và theo dõi định mức lao động; khuyến khích cán bộ công nhân đưa ra sáng kiến nâng cao năng suất lao động và hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Công ty luôn đẩy mạnh xúc tiến tìm kiếm khách hàng mới; chú trọng chăm sóc, hỗ trợ khách hàng; thực hiện các chính sách khuyến mãi, ưu đãi giá cả nhằm thu hút khách hàng mới từ Lào và Thái Lan đối với các mặt hàng như: bột giấy, than, sắn lát, khoáng sản, lâm sản, thiết bị...

Cùng với nâng cao năng suất, chất lượng, an toàn và đáp ứng tốt nhất nhu cầu các chủ tàu, Công ty cũng chú trọng chất lượng dịch vụ đón và phục vụ tàu khách tại Cảng, luôn tạo môi trường cảnh quan sạch sẽ, thông thoáng, đưa vào các mặt hàng lưu niệm phong phú đáp ứng nhu cầu mua sắm của du khách.

Ngoài ra, Công ty tiếp tục đẩy mạnh đa dạng hóa dịch vụ, tập trung phát triển các dịch vụ hỗ trợ như đại lý hàng hải, sửa chữa bảo dưỡng, vận tải, cung ứng điện, nước, xăng dầu. Đồng thời, rà soát và phấn đấu giảm giá thành dịch vụ, đưa ra khung giá điều chỉnh linh động.

Nhận định của bà về xu hướng số hóa đang tác động mạnh mẽ đến ngành Logistics cũng như chia sẻ về việc thực hiện số hóa tại Cảng Chân Mây?

Xu hướng cảng thông minh ngày càng phổ biến, nhất là với các cảng chuyên dùng hàng container, việc số hóa giúp giảm thiểu thời gian chờ đợi, giảm lượng hàng hóa, container nhàn rỗi và lao động dự phòng, giảm chi phí và cải thiện năng suất các cảng.

Hiện Cảng Chân Mây tuy chưa được số hóa toàn phần nhưng đã ứng dụng công nghệ vào các quy trình quản lý như: Mạng máy tính đồng bộ gồm 2 máy chủ với hơn 100 máy tính; hệ thống website quảng bá thông tin hình ảnh kết hợp tích hợp phần mềm quản lý đăng ký tàu đến hỗ trợ công tác xây dựng kế hoạch, điều động tàu ra vào cảng, đồng thời giúp khách hàng có kế hoạch xuất hàng hợp lý… cùng các phần mềm ứng dụng kế toán, văn thư lưu trữ, quản lý trạm cân, chấm công điện tử… Công ty cũng đã lắp đặt hệ thống hơn 40 camera giám sát toàn bộ khu vực cảng, tại các vị trí đảm bảo tốt công tác điều hành và giám sát an ninh trật tự.

Với mục tiêu mở tuyến xuất nhập container qua Cảng Chân Mây trong thời gian tới, Ban lãnh đạo Cảng sẽ chú trọng định hướng phát triển theo hướng hiện đại, huy động các nguồn lực để có thể đáp ứng yêu cầu số hóa trong ngành cảng biển.

Nhằm đón bắt xu thế hội nhập, tăng năng lực cạnh tranh, tăng sút hút đầu tư, Công ty chuẩn bị các điều kiện và giải pháp như thế nào?

Cảng Chân Mây luôn nêu cao tinh thần làm việc linh động, nhạy bén nhằm đáp ứng nhu cầu hợp tác đầu tư của khách hàng và yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Xúc tiến và hợp tác phát triển dịch vụ logistics, đẩy mạnh truyền thông quảng bá hình ảnh Cảng Chân Mây. Đồng thời, xúc tiến đầu tư hạ tầng kho bãi hiện đại, nâng cao năng suất bốc xếp, chất lượng dịch vụ; đưa ra mức giá cả hợp lý; đầu tư thiết bị làm hàng, thiết bị container,…

Trân trọng cảm ơn bà!