Ngành công nghiệp đóng tàu: Cơ hội mới, vận hội mới

Ngành công nghiệp đóng tàu dân dụng luôn được xác định có vị trí không thể thiếu đối với nền kinh tế. Nhưng, trong những năm qua, toàn ngành gặp khủng hoảng do nhu cầu vận tải đường biển thế giới cũng như trong nước suy giảm mạnh. Tuy nhiên, với những nỗ lực không ngừng nghỉ, các công ty đóng tàu Việt Nam đã và đang từng bước tinh giản bộ máy, cơ cấu lại sản phẩm theo hướng tìm kiếm những mẫu mã thị trường có nhu cầu để quyết tâm bám trụ với nghề.

Nhân dịp đầu xuân Kỷ Hợi, phóng viên Tạp chí Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam đã có buổi trao đổi với ông Hoàng Hùng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hội Khoa học kĩ thuật Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (VISIA) về những khó khăn và cơ hội của ngành đóng tàu trong thời kỳ mới.

Phóng viên (PV): Thưa ông, ông có thể cho biết về vai trò, vị trí của tàu thuyền nước ta trong lịch sử mấy ngàn năm dựng nước khi chưa hình thành hẳn một ngành Công nghiệp tàu thủy như ngày nay?

Ông Hoàng Hùng: Đất nước chúng ta trước thế kỷ 19, giao thông từ Bắc tới Nam với chiều dài hơn 3600 Km bờ biển và chằng chịt hệ thống sông ngòi nội địa, chúng ta chủ yếu dùng tầu thuyền là phương tiện chính  để đi lại, giao thương cũng như bảo vệ bờ cõi. Cha ông chúng ta bao đời nay có những trang sử chiến thắng ngoại xâm oanh liệt trong đó vai trò của tầu thuyền rất quan trọng, tiêu biểu như năm 938, Ngô Quyền được mệnh danh là “Vua của các vị vua” đã dùng tàu thuyền dụ quân giặc trên cửa sông làm nên chiến thắng đại quân Nam Hán trong trận Bạch Đằng. Rồi đến năm 1288, Hưng Đạo Đại Vương vẫn lại dùng kế cũ của Ngô Quyền và vẫn ở trên sông Bạch Đằng với các thuyền chiến nhỏ dụ quân địch và đã đánh tan 400 chiến thuyền to lớn của giặc từ phương Bắc vượt biển tới.

Việt Nam chúng ta trước đây chỉ có những thuyền buồm không cơ giới hành hải ven bờ. Mãi cho đến gần cuối thế kỷ 18 đến nay  cùng với sự xuất hiện những phương tiện vận tải khác như ô tô, tàu hỏa, thiết bị, động cơ… do phương tây du nhập, tàu thuyền mới được trang bị máy móc như ngày nay.

PV: Từ những lịch sử oanh liệt đó, ông có thể cho độc giả biết rõ hơn về lịch sử của ngành công nghiệp tàu thủy hiện nay?

Ông Hoàng Hùng: Ngành đóng tàu Việt Nam hình thành rõ nét được khoảng trên dưới năm mươi năm nay. Từ thế hệ tàu hơi nước của các ông chủ người Pháp , người Hoa, rồi không lâu giành thế độc tôn về tàu bè là nhà tư sản dân tộc nổi tiếng người Việt Bạch Thái Bưởi. Ngoài việc chạy tàu khắp cả nước, năm 1917, Bạch Thái Bưởi đã từng cho đóng tàu tới 600T có công suất máy 450 mã lực tại Cửa Cấm Hải Phòng. Nơi đây ngày nay cũng là một trong những trung tâm đóng tàu lớn của Việt Nam. Với nhiều nhà máy đóng và sửa chữa tàu có qui mô lớn, hiện đại đã đóng  những con tàu biển lớn có tải trọng tới 53.000T, 56.000T lớn gần gấp một trăm lần con tàu mà Bạch Thái Bưởi đã đóng và cho ra đời cùng nhiều loại tầu đặc chủng có tính năng đặc biệt, hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế để phục vụ nhu cầu sử dụng trong nước và xuất khẩu.

Có được một bước trưởng thành như vậy phải nói đến những chủ trương chính sách đúng đắn mang tính chiến lược của Đảng và Nhà nước suốt thời gian qua, nhất là từ Đại hội Đảng lần thứ V đến nay. Trải qua gần 50 năm phát triển và trưởng thành, Công nghiệp tàu thủy Việt Nam đã thực sự trở thành một ngành công nghiệp trọng điểm quốc gia với một hệ thống các nhà máy đóng tàu lớn nhỏ từ Bắc vào Nam, các nhà máy liên doanh với nước ngoài. Cùng với đội ngũ hết sức đông đảo gần 50 vạn CBCNV  trở thành một nguồn nhân lực và trang bị kỹ thuật quan trọng, thiết yếu của quốc gia.

Điều này được thể hiện như sau: Ngành GTVT, với đội tàu vận tải nội địa và viễn dương nhiều năm có độ tăng trưởng cao. Ngành Quốc phòng, với đội tàu có tính năng kỹ thuật cao để làm công tác sẵn sàng chiến đấu và bảo vệ an ninh quốc phòng. Ngành thủy sản, với một đội tàu đánh bắt gần và xa bờ trên cả một bờ biển dài, rộng và có nhiều tiềm năng kinh tế. Ngành dầu khí, với một hệ thống giàn khoan thăm dò khai thác, tàu chở dầu thô, chở khí đốt, tầu dịch vụ. Ngoài ra còn ở nhiều địa phương và các ngành kinh tế khác Công nghiệp tàu thủy cũng có sự phát triển cao và chiếm vị trí quan trọng.

Đã có thời kỳ ngành Công nghiệp tàu thủy đã được xác định là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, có tác dụng đầu tàu để kéo theo các ngành công nghiệp hỗ trợ vệ tinh khác phát triển, nên đã được tập trung đầu tư chiều sâu và mở rộng sản xuất góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.

PV: Thưa ông, sau gần 10 năm trải qua cuộc suy thoái, các nhà máy đóng tàu Việt Nam cần chú trọng vào các yếu tố nào, cách nào để vực dậy hoạt động, tìm ra “ánh sáng cuối đường hầm” để có sức hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài?

Ông Hoàng Hùng: Như chúng ta đã biết tại thời điểm những năm 2010 trở về trước, Vinashin rất phát triển, thị phần về đóng tàu chiếm tới 70% của Việt Nam. Với vai trò chủ chốt như vậy nên sau khi vấp ngã vì nhiều lý do, đồng thời ập đến là sự khủng khoảng kinh tế gần như toàn cầu, thị trường đóng tàu quốc tế cũng như trong nước giảm đi rất nhiều dẫn đến không có việc làm và giảm tới 14.000 CBCNV . Việc này ảnh hưởng nặng nề đến ngành Công nghiệp tàu thủy nước ta buộc Nhà nước  phải cơ cấu lại ngành.

Tuy vậy cũng trong thời gian trên,  các cơ sở đóng tàu của Quốc phòng, liên doanh, doanh nghiệp ngoài quốc doanh, thủy sản... có những hướng đi năng động phù hợp với thị trường nên đã có sự phát triển tốt. Trong số này phải kể đến đóng tàu trong Công nghiệp quốc phòng. Sau năm năm thực hiện nghị quyết 06-NQTW của Bộ Chính trị Khóa XI về “Xây dựng và phát triển Công nghiệp Quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo”, với một hệ thống các nhà máy đã trang bị hiện đại và đóng được những con tàu đặc chủng qui mô nhỏ gọn nhưng có giá trị kinh tế và tính năng kỹ thuật rất cao. Còn các đơn vị liên doanh với nước ngoài tiếp tục đóng các tàu xuất khẩu theo đơn hàng quốc tế. Ở ngành Thủy sản  thì với nghị định 67 của Chính phủ, đã ra đời nhiều tàu cá công suất lớn đánh cá xa bờ. Các nhà máy lớn của Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) đã ký hợp động trực tiếp một số khách hàng để sửa chữa và đóng mới. Đây cũng chính là “Ánh sáng cuối đường hầm ”.

 Biển cả và các đại dương vẫn còn, nhu cầu vận tải vẫn còn, những con người đã từng đóng ra những con tàu vượt đại dương mang thương hiệu Việt Nam sánh tầm với các nước có trình độ cao về công nghệ đóng tàu vẫn còn và lại được đào tạo lại nâng cấp về quản lý cũng như tay nghề... Với tất cả những điều đó nhất định “ánh sáng cuối đường hầm” sẽ bừng sáng đối với Công nghiệp đóng tàu Việt Nam. Sự tất yếu này được thể hiện ở sự quyết tâm từ Bộ Chính tri, Chính phủ, Bộ ngành quản lý đến toàn ngành. Đỉnh cao là Nghị quyết hội nghị TW 8 Khóa XII, ngày 22/10/2018 của BCHTƯĐ đó là: “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045”.

Nghị quyết đã nêu: Tiếp tục cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước thuộc các ngành kinh tế biển, bảo đảm nâng cao năng lực quản trị, hiệu quả sản xuất kinh doanh, sức cạnh tranh. Trong đó nói về đóng tàu: “Phát triển hợp lý các ngành sửa chữa và đóng tầu”. Thực hiện chủ trương này, rồi đây lực lượng đóng tàu trong các Bộ ngành sẽ có những bước đi cụ thể để phục hồi và phát triển.

PV: Trong năm 2018, VISIA đã có rất nhiều chương trình kết nối với doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài để tìm kiếm cơ hội cả về thị trường cũng như học hỏi về công nghệ mới cho các thành viên. Vậy xin ông cho biết thêm dự kiến về định hướng phát triển tiếp theo trong năm 2019 của Hội?

Ông Hoàng Hùng: Là một Hội Khoa học kỹ thuật chuyên ngành về Công nghiệp tàu thủy. Trong những năm qua, cũng như năm 2019 và những năm tiếp theo việc đóng góp cho ngành chủ yếu là trong lĩnh vực lĩnh vực Khoa học và kỹ thuật thông qua các đề tài, hội thảo, tập huấn cho các đơn vị hội viên. Bên cạnh đó là việc mở rộng hợp tác với các tổ chức chuyên ngành nước ngoài để tranh thủ học hỏi, cập nhật những thành tựu mới về khoa học công nghệ trong khi ngành công nghiệp tàu thủy nước ta chưa phục hồi, chưa có điều kiện áp dụng nhưng không bị lạc hậu với thế giới.

Hội cũng tham gia tư vấn phản biện vào các chương trình, đề án về qui hoạch chung về ngành của Chính phủ thông qua nhiệm vụ được giao của Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam.

Để chuẩn bị nguồn nhân lực, Hội đã có một số chương trình hợp tác với Anh Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Trung Quốc... để đào tạo sinh viên tại các trường đại học trong nước có chuyên ngành đóng tàu bằng những kiến thức và phần mềm về quản lý và thiết kế đóng tàu tiên tiến. Việc làm này nhằm mục đích trước mắt có thể tham gia làm việc cho nước ngoài để giữ lực lượng và sẵn sàng phục vụ khi ngành Công nghiệp tàu thủy Việt Nam phục hồi .

Bên cạnh đó, Hội cũng hợp tác tạo vốn ODA với các chương trình chuyên ngành cho các đơn vị thuộc hội có nhu cầu phát triển sản xuất.

PV: Xin cảm ơn ông về những chia sẻ trên!

Đông Nghi (thực hiện)