Ngành đóng tàu Việt Nam vượt khó trước nhiều thách thức

Mặc dù Ngành đóng tàu Việt Nam đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức nhưng nhiều chuyên gia cho rằng thị trường đóng tàu Việt Nam đang dần có sự tăng trưởng trở lại. Bởi sự phục hồi của vận tải biển chính là cơ hội cho ngành đóng tàu trong việc sửa chữa, nâng cấp, đóng mới để đáp ứng nhu cầu vận tải hiện nay.

 

 

Mới đây, trong khuôn khổ Hội thảo “Hàng hải Việt Nam – Hàn Quốc 2018” được tổ chức vào ngày 06/09 tại TP. Hồ Chí Minh, hầu hết các đại biểu đều đồng tình với quan điểm rằng ngành hàng hải Việt Nam thời gian qua không phát triển nhiều nhưng những năm gần đây đã có những dấu hiệu khởi sắc nhờ những thay đổi mạnh mẽ về công nghệ cũng như sự hợp tác giữa ngành đóng tàu Việt Nam với thế giới.

Đánh giá về vấn đề này, GS. TSKH Đặng Vũ Minh – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kĩ thuật Viêt Nam cho biết: “Việc hợp tác phát triển ngành hàng hải giữa Việt Nam và Hàn Quốc đã có từ rất lâu. Tuy nhiên trong những năm gần đây việc hợp tác này liên tục phát triển nhanh và đạt được nhiều thành tựu to lớn”.

Đồng quan điểm trên, ông Đỗ Thành Hưng, thành viên HĐTV Tổng Công ty Công nghiệp tàu thuỷ cho biết: “Trong 10 năm qua ngành đóng tàu đang phải vật lộn với sự suy thoái lâu nhất trên thế giới. Tuy nhiên, trong 5 năm trở lại, nhờ chú trọng đến khoa học công nghệ mà các nhà máy đóng tàu đều có dự án sản phẩm. Các đơn vị đã tập trung bán sát thị trường, đáp ứng được yêu cầu của khách hàng với giá thành cạnh tranh. Chỉ trong mấy năm qua Tổng công ty đã đóng 80 tàu kiểm ngư chất lượng cao và hoạt động hiệu quả tham gia phục vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam. Đây cũng chính là minh chứng khẳng định sự nỗ lực của các công ty thành viên trong việc đưa ra các sản phẩm có tính ưu việt cao”.

Hội KHKT Công nghiệp tàu thủy Việt Nam và Đoàn đại biểu Hàn Quốc thăm Công ty TNHH MTV Đóng tàu và Công nghiệp hàng hải Sài Gòn

Tuy nhiên, do thị trường đóng tàu của các nước trong khu vực Châu Á được sự bảo trở rất lớn từ phía Chính phủ của họ, nên các đơn hàng được đưa ra ngoài rất ít, do vậy rất ít đơn hàng được đặt về Việt Nam. Nhưng ngược lại ở những nước này lai tiến hành xúc tiến thương mại ngành hàng hải rất lớn. Do đó, đây cũng là những triển vọng mới cho ngành đóng tàu Việt Nam trong thị trường công nghiệp tàu thủy của liên doanh. Đặc biệt là tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và Hàn quốc đang có những kết quả rất tích cực.

Hội KHKT Công nghiệp tàu thủy Việt Nam và Đoàn đại biểu Hàn Quốc thăm Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Sài Gòn

Hiểu được vấn đề công nghệ là yếu tố quan trọng để phát triển, ông Trần Tấn Châm - Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Sài Gòn cho chia sẻ: “Trong bối cảnh khó khăn của ngành đóng tàu nhưng công ty vẫn duy trì bộ phận công nghệ với các phần mềm được đầu tư hợp lý. Nhờ việc làm chủ công nghệ nên các sản phẩm đều đạt được yêu cầu của khách hàng và các cơ quan đăng kiểm. Bên cạnh các sản phẩm truyền thống thì công ty đã phát triển thêm hàng loạt sản mới như tàu chở khách vỏ bằng hợp kim nhôm. Chỉ sau 3 năm đã làm chủ được công nghệ và tiến tới sẽ chuyên sâu hơn, sản phẩm đặc trưng là phà, tàu khách. Riêng năm 2016, công ty đã đóng được 11 tàu, năm 2018 bàn giao 6 tàu, đặc biệt năm 2019 dự kiến cung cấp tàu khách cao cấp cho các khách hàng tiềm năng khác”.

Còn theo ông Le ChaSoo - Giám đốc kĩ thuật Hiệp hội Kĩ thuật Đóng tàu Hàn Quốc (KOSEC): “Từ năm 2008 đến nay, các đơn đặt hàng đóng tàu bắt đầu giảm và giảm mạnh nhất từ năm 2009. Nguyên nhân chính do sự quá tải về mức độ cung ứng tàu. Đặc biệt, tình trạng cung vượt cầu trên thị trường khiến giá cước giảm nên một số đơn vị giảm giá đóng tàu của các loại tàu chính (giảm 25%). Do đó việc thanh toán giá tàu bị các ngân hàng từ chối khiến các hãng tàu gặp khó khăn. Ngoài ra, yêu cầu về môi trường khiến các chủ tàu phải hoãn lại đơn đặt hàng khiến xu hướng của thị trường tàu thế giới giảm mạnh”.

Dù ngành vận tải biển vẫn trong giai đoạn khó khăn nhưng trong năm 2018 tình hình đang tiến triển tốt hơn, đơn đặt hàng đã tăng 4% so với năm 2017. Lượng hợp đồng đóng tàu đang dần tăng lên với những đơn đặt hàng tàu công nghệ mới. Tuy nhiên việc bảo lãnh và hoàn tiền cho các đơn hàng mới vẫn còn khó khăn đối với các công ty đóng tàu hiện nay.

“Cùng với xu hướng sử dụng công nghệ mới, các ngành đóng tàu Hàn Quốc đang dần tập trung vào công nghệ thân thiện với môi trường. Sự thay đổi cần phát triển thêm các nhà cung cấp hàng hải và công nghiệp phụ trợ liên quan. Việc này sẽ tạo ra xu hướng mới cho ngành công nghiệp đóng tàu ở Việt Nam” – ông Le ChaSoo nhấn mạnh thêm.

Hương Lan