Nghiên cứu rủi ro, ảnh hưởng của sự cố môi trường phát sinh từ hoạt động vận chuyển hàng nguy hiểm trên đường thủy nội địa (Phần 2)

Nghiên cứu rủi ro, ảnh hưởng của sự cố môi trường phát sinh từ hoạt động vận chuyển hàng nguy hiểm trên đường thủy nội địa (Phần 2)

4.       Tác động của các sự cố đối với môi trường

Ngoài việc tác động đến sức khỏe con người, kinh tế - xã hội [11], sự cố phát sinh từ vận chuyển HNH còn có ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường tự nhiên. Các sự cố này thường làm phát tán HNH ra môi trường xung quanh, tạo ra các phản ứng cháy, nổ, tác động trực tiếp đối với môi trường đất, nước, không khí khu vực. Mức độ tác động có thể là tức thời, cũng có thể để lại các hậu quả khắc phục lâu dài đối với các sự cố lớn với các HNH có tính chất độc hại.

4.1.    Ảnh hưởng đến môi trường nước

Sự cố HNH, đặc biệt là tràn dầu có nguy cơ gây ô nhiễm vùng nước xung quanh và ven bờ. Hàm lượng dầu trong nước cao, một phần lắng xuống thềm lục địa tạo nên lớp trầm tích ô nhiễm gây ảnh hưởng lâu dài đến môi trường sống của thủy sinh các tầng đáy. Ô nhiễm nước do dầu ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nguồn nước, do dầu khó phân hủy, nó phát tán dễ dàng vì vậy nó rất dễ gây ô nhiễm trên diện rộng, làm tổn hại rất lớn đến chất lượng nước nguồn tiếp nhận.

Bên cạnh đó, tràn dầu còn làm ảnh hưởng đến hoạt động của các cảng cá, cơ sở đóng mới và sửa chữa tàu thuyền, ảnh hưởng đến hoạt động lấy nước phục vụ tưới tiêu nông nghiệp. Tương tự như hoạt động bốc xếp, lưu chứa và vận chuyển dầu, đối với các loại hóa chất nguy hiểm dễ cháy khác, nguy cơ cháy nổ dẫn tới chìm tàu và dò rỉ hóa chất ra sông/kênh cũng luôn thường trực.

4.2.    Ảnh hưởng đến môi trường trầm tích đáy

Khi xảy ra sự cố từ HNH, một số chất nguy hiểm có thể tràn đổ, phát tán và tồn tại với thời gian dài trong môi trường trầm tích đáy, bao gồm các kim loại nặng (Hg, Pb, Cu, S,…) và một số hợp chất hữu cơ như thuốc trừ sâu và những chất khó bị phân hủy.

Các chất nguy hiểm như kim loại nặng, lưu huỳnh và các thành phần khác sẽ lắng xuống và tích tụ dưới tầng đáy gây ô nhiễm cho các loài thủy sinh ở tầng đáy, các loại khác (động vật đáy không xương sống khác như trai, sò, động vật da gai và loài giáp sát). Các cặn dầu và các phần dầu nhẹ dễ tan trong nước hơn sẽ làm các loài cá và động vật không xương sống bị nhiễm bẩn (có mùi), đặc biệt là các loài sống bằng cách ăn lọc.

Khi dầu xâm nhập vào tầng đất trong rừng ngập mặn, ảnh hưởng của nó có thể kéo dài hàng chục năm. Ngay cả đối với trường hợp rò rỉ dầu mức độ nhỏ cũng có thể ảnh hưởng đến hệ sinh thái ven bờ. Chất nguy hiểm, đặc biệt là dầu thấm vào cát, bùn ở ven biển có thể ảnh hưởng trong một thời gian rất dài; đã có nhiều trường hợp các loài sinh vật chết hàng loạt do tác động của sự cố tràn dầu. Đối với hóa chất nguy hiểm, khi vào trong đất một phần hóa chất trong đất được cây hấp thụ, phần còn lại được keo đất giữ lại. Hóa chất tồn tại trong đất dần dần được phân giải qua hoạt động sinh học của đất và qua các tác động của các yếu tố lý, hóa. Tuy nhiên tốc độ phân giải chậm nếu hóa chất tồn tại trong môi trường đất với lượng lớn, nhất là trong đất có hoạt tính sinh học kém. Lượng hóa chất, đặc biệt là thuốc bảo vệ thực vật, đặc biệt là nhóm Clo tồn tại quá lớn trong đất mà lại khó phân hủy nên chúng có thể tồn tại trong đất gây hại cho thực vật trong nhiều năm. Sau một khoảng thời gian nó sinh ra một hợp chất mới, thường có tính độc cao hơn bản thân nó. Ví dụ: sản phẩm tồn lưu của DDT trong đất là DDE cũng có tác dụng như thuốc trừ sâu nhưng tác hại đối với sự phát triển của phôi bào trứng chim độc hơn DDT từ 2-3 lần [12].

4.3.    Ảnh hưởng đến môi trường không khí

Khi xảy ra các sự cố cháy nổ trong quá trình bốc, xếp, lưu giữ, vận chuyển hàng dễ cháy, khói bụi sẽ được tạo thành. Bên cạnh đó là hơi dầu, hơi hóa chất sẽ lan truyền ra khu vực không khí xung quanh và có thể ảnh hưởng trên phạm vi rộng lớn. Môi trường không khí chịu sự ô nhiễm nặng và có khả năng xảy ra sự cố cháy nổ nếu gặp phải các nguồn cháy (tia lửa điện). Ngoài ra, sự cố cháy nổ dễ lan rộng và gây cháy các loại hàng hóa khác gây phát tán chất ô nhiễm ra ngoài không khí có thể bao gồm cả kim loại nặng như As, Hg, Pb,... nếu chất cháy có chứa hàm lượng các kim loại trên. Khói bụi từ các đám cháy sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và tính mạng của họ. Tác động này có thể tức thời hoặc tích tụ theo thời gian tùy theo quy mô, tính chất chất của chất cháy nổ.

4.4.    Ảnh hưởng đến hệ sinh thái

Trong trường hợp nơi xảy ra sự cố gần hệ thống cây ngập mặn, loại cây này có bộ rễ mọc lên từ bề mặt lớp bùn, nơi rất nghèo ôxi và giàu chất hữu cơ. Rừng ngập mặn là môi trường thích hợp cho các loài thuỷ sản như: cá, tôm, cua, sò, ốc,… Một số loại HNH không hòa tan trong nước như các loại dầu, khi tiếp xúc với lớp dầu ô rò rỉ, tầng rễ cây sẽ bị bịt kín, do đó sự trao đổi chất đặc biệt là quá trình hô hấp của cây sẽ bị cản trở, sự bốc hơi dầu trong không khí sẽ tác động đến quá trình quang hợp của lá và quá trình cân bằng muối trong cây gây nên sự rụng lá, dẫn đến chết cây.

Các sinh vật thường lọc nước để làm thức ăn, chẳng hạn như nhuyễn thể hai mảnh vỏ (hàu và trai), đặc biệt dễ bị tổn thương khi tiếp xúc. Sự gia tăng tuần tự nồng độ của một chất tích lũy sinh học từ con mồi đến động vật ăn thịt, cũng có thể xảy ra trong chuỗi thức ăn. Do đó, nồng độ cao nhất của chất thường được tìm thấy trong các mô của động vật ăn thịt cao hơn, ví dụ, tăng từ số lượng nhỏ trong sinh vật phù du đến nồng độ cao hơn ở cá và cuối cùng dẫn đến gánh nặng đáng kể ở người.

Các sự cố HNH như tràn dầu ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hệ sinh thái. Đặc biệt là hệ sinh thái vùng nước khu vực trước bến và khu vực thượng lưu, hạ lưu dòng chảy. Ô nhiễm dầu làm giảm khả năng sức chống đỡ, tính linh hoạt và khả năng khôi phục của các hệ sinh thái. Do dầu nổi trên mặt nước làm ánh sáng giảm khi xuyên vào trong nước, nó hạn chế sự quang hợp của các thực vật biển và phytoplankton. Điều này làm giảm lượng cá thể của hệ động vật cà ảnh hưởng đến chuỗi thức ăn trong hệ sinh thái.

Ngoài ra, một số HNH khi bị rò rỉ như: Amoniac, các loại muối trong danh mục quy định HNH hoặc các loại dầu sau khi bị rò rỉ tại khu vực mặt nước sẽ làm tăng độ muối cục bộ tại khu vực. Điều này tác động đến sinh vật theo các mức độ là kích thích, gây tai biến nhẹ, gây chấn thương làm chết sinh vật hoặc bị chết hoặc nhiễm độc trong một vài ngày đầu xảy ra sự cố. Số lượng và thành phần các loài trong khu vực chịu ảnh hưởng sẽ bị thay đổi và đa dạng sinh học sẽ bị giảm đi. Năng suất sinh học sơ cấp giảm dẫn đến việc cạn kiệt nguồn thức ăn cho các sinh vật sống dưới nước cũng như thiếu hụt nguồn thức ăn cho các khu nuôi trồng thuỷ sản.

5.       Kết luận

Mặc dù được đánh giá là phương thức vận tải có nhiều ưu thế nổi trội, nhưng phương thức vận chuyển HNH trên ĐTNĐ cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, sự cố gây ô nhiễm môi trường. Bài báo tập trung phân tích các rủi ro, sự cố môi trường và ảnh hưởng tiêu cực của chúng; mặc dù mỗi loại, nhóm HNH khác nhau sẽ có thể xảy ra các sự cố môi trường theo phương thức và hậu quả đôi chút khác biệt, nhưng bài báo đã khái quát chung thành các nhóm rủi ro, sự cố để từ đó đánh giá các tác động tiêu cực của chúng đối với môi trường. Các nghiên cứu trong bài báo này sẽ là cơ sở định hướng nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định về vận chuyển HNH trên ĐTNĐ trong thời gian tới. Khi việc vận chuyển HNH được điều chỉnh bởi hệ thống quy phạm đầy đủ, toàn diện thì phương thức này mới thực sự an toàn và phát triển bền vững.

Nguyễn Cao Hiến - NCS Trường Đại học Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh

Đồng Văn Hướng - Trường Đại học Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh

Tài liệu tham khảo:

[1] Cục Đường thủy nội địa Việt Nam. Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ môi trường “Xây dựng quy trình kiểm soát rủi ro và ứng phó sự cố môi trường trong hoạt động xếp, dỡ HNH tại các cảng thủy nội địa; thí điểm áp dụng tại cảng thủy nội địa khu vực Đồng bằng sông Cửu Long”, 2020.

[2] Hassan Kanj. Contribution to risk analysis related to the transport of hazardous materials by agent- based simulation. Communiti University Crenble Alpes, 2016.

[3] Bernhard Tilanus. Information systems in logistics and transportation. Pergamon London, p.10, 1997.

[4] Khoản 10 Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014.

[5] https://thanhphohaiphong.gov.vn/tiem-an-nguy-co-chay-no-phuong-tien-thuy-noi-dia.html

[6] https://congan.dongnai.gov.vn/Pages/newsdetail.a spx?NewsId=9485&CatId=105.

[7] Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền, hướng dẫn, giám sát, phòng ngừa, ứng phó , khắc phục và giải quyết hậu quả sự cố tràn dầu trên biển cho các báo cáo viên, tuyên truyền viên, 2020.

[8] https://vtv.vn/chuyen-dong-24h/co-ban-khac-phuc-su-co-tran-dau-tai-cong-ty-xi-mang-o-hai- phong-20191112182722287.htm

[9] https://nhandan.vn/tin-tuc-xa-hoi/300-tan-hoa-chat-bi-tran-ra-cang-cua-cam-218649.

[10] Galierikova and colleagues. Threats and risks during transportation of lng on european inland waterways. Transport problems,

[11] Nguyễn Cao Hiến, Phan Văn Hưng. Phân tích tổng quan hoạt động vận chuyển hàng nguy hiểm trên đường thủy nội địa. Tạp chí Giao thông vận tải, Số 8/2021, 2021.

[12] Tổng cục Môi trường. Hiện trạng ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vận tồn lưu thuộc nhóm chất hữu cơ khó phân hủy tại Việt Nam. 2015.