Những rào cản đối với việc áp dụng năng lượng tái tạo cho các cảng biển tại khu vực Hải Phòng (Phần 1)
Ngày nay, thế giới phải đối mặt với những thách thức to lớn từ biến đổi khí hậu. Sự nóng lên toàn cầu và biến đổi khí hậu, suy giảm tầng ozon, xói mòn đất, ô nhiễm không khí và nước là những vấn đề có tác động trên diện rộng đối với dân số loài người, cũng như các vấn đề an ninh nghiêm trọng liên quan đến việc sử dụng quy mô lớn nhiên liệu hóa thạch.
Cảng biển là hạt nhân phát triển, giữ vai trò quan trọng trong việc hoạt động ngoại thương nói riêng và tăng trưởng kinh tế nói chung của các quốc gia. Hiện nay, có tới 90% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu được lưu chuyển bằng đường biển. Cảng biển được coi là mắt xích quan trọng trong hệ thống vận chuyển, phân phối hàng hóa của nền kinh tế. Tuy nhiên, theo Peris Mora và cộng sự (2005), với tổng cộng 63 dạng tác động tiềm ẩn đến môi trường, cảng biển chính là một trong những nguồn gây ô nhiễm nghiêm trọng đến môi trường và nguyên nhân của biến đổi khí hậu [1].
Trước những lo ngại ngày càng gia tăng về khủng hoảng năng lượng, môi trường ô nhiễm và biến đổi khí hậu, nhiều công nghệ năng lượng xanh đã được triển khai giữa các cảng biển trên toàn thế giới để thực hiện quá trình chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch và bền vững [2].
Tại Việt Nam, xanh hóa cảnh biển là một trong những định hướng trọng tâm để xây dựng nền kinh tế xanh, phát triển bền vững, nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà nghiên cứu và quản lý nhà nước. Hiện nay, trên thế giới việc sử dụng các năng lượng tái tạo trong nền kinh tế, đặc biệt tại các cảng biển diễn ra khá phổ biến. Tuy nhiên, vấn đề này ở Việt Nam còn khá hạn chế.
Mặc dù vai trò của năng lượng tái tạo đối với việc phát triển Cảng xanh và mục tiêu phát triển bền vững đã được khẳng định, tuy nhiên việc áp dụng còn gặp rất nhiều thách thức. Chính vì vậy, mục đích của nghiên cứu này là chú trọng đến tìm hiểu về các yếu tố cản trở các doanh nghiệp cảng áp dụng năng lượng tái tạo vào trong hoạt động sản xuất của mình, qua đó làm căn cứ quan trọng để đưa ra những đề xuất giải pháp để tháo gỡ những khó khăn này.
2. Cơ sở lý luận
2.1. Năng lượng tái tạo
Theo Hội nghị Thượng đỉnh thế giới về Phát triển bền vững năm 2002 cho biết: “Phát triển bền vững là quá trình phát triển có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa 3 mặt của sự phát triển, bao gồm: phát triển kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường”.
Tại Việt Nam, cảng Xanh được định hướng phát triển như là một giải pháp đối phó với biến đổi khí hậu, giúp bảo vệ môi trường mà vẫn duy trì động lực tăng trưởng kinh tế. Theo Đề án phát triển cảng Xanh của Bộ Giao thông Vận tải, có 6 nhóm tiêu chí cần áp dụng đối với một cảng để được gọi là cảng Xanh. Một, người lao động có nhận thức về cảng Xanh. Hai, cảng sử dụng tài nguyên đất, nước, không khí hiệu quả. Ba, cảng có kiểm soát phát thải ra môi trường. Bốn, cảng có sử dụng nguồn năng lượng hiệu quả để giảm thiểu phát thải. Năm, cảng có áp dụng công nghệ để giảm thiểu và kiểm soát phát thải. Sáu, cảng có kế hoạch đối phó với các hiểm họa tự nhiên. Trong đó, tiêu chí thứ tư là cần giảm thiểu phát thải thông qua kế hoạch sử dụng năng lượng. Tiêu chí này có thể đạt được thông qua việc cảng sử dụng nguồn năng lượng tái tạo.
Theo Engelken và cộng sự (2016) cho biết: Năng lượng tái tạo có nguồn gốc từ các quá trình tự nhiên được bổ sung liên tục. Những năng lượng này được tạo ra từ năng lượng mặt trời, gió, nhiên liệu sinh học, địa nhiệt, thủy điện và tài nguyên đại dương, và nhiên liệu sinh học và hydro có nguồn gốc từ nguyên liệu tái tạo [3]. Ngày nay, con người đã có những cách thức để cải tiến và đổi mới các thiết bị để khai thác và nguồn năng lượng của mặt trời và gió để sử dụng. Những thiết bị này ngày càng hiệu quả trong việc sản xuất và vận hành, điều này giúp cho nguồn năng lượng tái tạo trở nên quan trọng, cần thiết và rất hứa hẹn trong tương lai.
2.2. Các rào cản đối với việc áp dụng năng lượng tái tạo tại cảng biển
Mặc dù năng lượng tái tạo có tầm quan trọng không thể phủ nhận, tuy nhiên trong quá trình xây dựng và vận hành có một số rào cản sau đây:
2.2.1. Thiếu các chính sách cụ thể
Theo Lam và Notteboom (2014), đầu tư vào năng lượng nhiệt điện và thủy điện sẽ rẻ hơn so với việc đầu tư vào nguồn năng lượng tái tạo, nhưng điều này không có nghĩa là chính phủ không thể làm bất cứ điều gì để giúp thu hút đầu tư vào nguồn năng lượng tái tạo. Việc hình thành các chính sách ưu tiên để trợ giúp bao gồm những chính sách ưu đãi về thuế hay phí về tài nguyên môi trường, thuế thương mại, khấu hao và giảm lãi suất vốn vay, ân hạn hoặc bảo lãnh cho các khoản vay là vô cùng cần thiết đối với việc phát triển nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là đối với các cảng biển theo xu hướng bền vững [4]. Rào cản đầu tư và tài chính đối với năng lượng tái tạo đang dần giảm bớt trước những áp lực của thế giới về giảm áp lực khí thải gây nên hiệu ứng nhà kính và ô nhiễm môi trường [5].
Tại Việt Nam, hiện nay, một số chính sách đã có tác động thúc đẩy đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo như chính sách phát triển hạ tầng giao thông để tăng nhanh năng lực vận chuyển của các phương tiện thiết bị lớn. Về điện gió (tuabin, cột điện gió), chính sách phát triển nông thôn mới, chính sách phát triển kinh tế miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số, chính sách kinh tế biển đảo cũng góp phần đẩy mạnh việc đầu tư vào nguồn năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, đối với việc phát triển nguồn năng lượng tái tạo tại các cảng biển hiện nay, còn thiếu các chính sách ưu đãi cụ thể dành riêng cho các nhà đầu tư. Theo nghiên cứu của Barragan - Escandon và cộng sự (2022) chỉ ra rằng việc thiếu chính sách năng lượng, thiếu sự khuyến khích là những rào cản làm cho các dự án trở nên không có tính khả thi. Ngoài ra, một khung pháp lý liên quan đến tài chính giúp các nhà đầu tư có niềm tin lớn hơn vào việc đầu tư phát triển nguồn năng lượng tái tạo tại các cảng biển [6]. Do vậy, tác giả cho rằng:
Giả thuyết 1: Thiếu chính sách cụ thể sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến việc áp dụng nguồn năng lượng tái tạo tại các cảng biển.
2.2.2. Thiếu nguồn cơ sở dữ liệu
Haberl tuyên bố rằng thông tin về dòng năng lượng là một trong những bước đầu tiên để tăng hiệu quả của các nguồn lực được sử dụng, thúc đẩy các quốc gia, và đặc biệt là các thành phố, không còn là những người tiếp nhận và đạt được sự độc lập về năng lượng [7].
Việc thiếu hụt hệ thống thông tin gây cản trở rất lớn cho chủ đầu tư trong việc phân tích dữ liệu, cơ hội để tiến hành đầu tư vào nguồn năng lượng tái tạo. Qua những nghiên cứu đã cho thấy sự thiếu hụt thông tin về năng lượng gió, mặt trời và sinh khối hoặc những ngành khác nhau sẽ làm ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận, đi sâu để phân tích và giải quyết vấn đề của các doanh nghiệp. Do tính đặc thù của năng lượng tái tạo là phân tán, phụ thuộc mùa vụ, thời tiết nên nguồn số liệu là không sẵn có. Hiện nay, chưa có cơ quan nào được giao thu thập, cập nhật và thống kê như đã làm với các dạng năng lượng thương mại. Ví dụ điển hình như thiếu dữ liệu về dải phổ của cường độ ánh sáng mặt trời khiến việc lựa chọn tấm pin phù hợp trở nên khó khăn hơn. Hay thiếu số liệu cần thiết và tin cậy về tốc độ gió cho nghiên cứu phát triển nguồn điện gió ở các khu vực khác nhau của đất nước, các dự án điện gió cũng gặp trở ngại khi tua-bin gió để sản xuất năng lượng thường được lắp đặt ở độ cao 50-80 (m), trong khi các trạm khí tượng chỉ có số liệu gió ở mức thấp (độ cao < 10m) [8]. Những lỗ hổng từ việc thiếu thông tin sẽ gây cản trở việc tìm hiểu, nghiên cứu, so sánh, khiến các nhà đầu tư ở Việt Nam phải bỏ ra nguồn đầu tư ban đầu rất lớn để đánh giá tiềm năng nguồn năng lượng trước khi đầu tư. Điều này trở thành một rào cản đối với các nhà đầu tư nếu họ muốn phát triển nguồn năng lượng tái tạo tại các cảng biển để chuyển đổi sang cảng Xanh.
Giả thuyết 2: Thiếu nguồn cơ sở dữ liệu sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến việc áp dụng nguồn năng lượng tái tạo tại các cảng biển.
2.2.3. Thiếu nguồn các thiết bị và xây lắp
Theo Aslani và Mohaghar (2013), một trong những rào cản đối với việc phát triển nguồn năng lượng tái tạo tại các quốc gia, đặc biệt là tại các nước đang phát triển đó là công nghệ yếu kém và thiếu hụt các thiết bị phục vụ cho việc xây dựng các dự án năng lượng tái tạo [9].
Tại Việt Nam, còn thiếu công ty trong nước, nước ngoài, hoặc liên doanh để sản xuất tua-bin gió vừa và nhỏ, pin năng lượng mặt trời phục vụ cho việc phát triển các dự án điện gió và điện mặt trời. Một vấn đề nữa là thiết bị điện gió thường lớn và cần nhiều thiết bị thi công chuyên dụng như cần cẩu khổng lồ, xe siêu trường, siêu trọng, thuyền, tàu để vận chuyển. Hầu hết các thiết bị này còn thiếu tại Việt Nam, các chủ đầu tư thường phải nhập khẩu, do đó làm tăng chi phí đầu tư. Rõ ràng, với những dẫn chứng trên, việc phát triển nguồn năng lượng tái tạo cho các cảng biển tại Việt Nam sẽ đối mặt với những khó khăn về thiếu nguồn các thiết bị và xây lắp.
Giả thuyết 3: Thiếu nguồn các thiết bị và xây lắp sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến việc áp dụng nguồn năng lượng tái tạo tại các cảng biển.
2.2.4. Thiếu nguồn nhân lực
Cũng theo Aslani và Mohaghar (2013), thiếu nguồn nhân lực có chuyên môn về năng lượng tái tạo cũng đang là rào cản quan trọng đối với phát triển các dự án năng lượng tái tạo nói chung. Lý do giải thích cho điều này, ngành năng lượng tái tạo là một ngành mới trong thời gian gần đây. Việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho lĩnh vực này cần một khoảng thời gian. Do vậy, nguồn cung chưa thể đáp ứng được với nhu cầu tuyển dụng gia tăng trong ngành này [9].
Tại Việt Nam, hiện nay có khoảng 460 trường đại học và cao đẳng đào tạo trong cả nước, tuy nhiên số trường đào tạo phát triển nguồn nhân lực cho ngành năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo còn khá khiêm tốn [10]. Tháng 2/2022, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu thành lập Trung tâm năng lượng tái tạo, giúp đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực này (Bộ Công thương, 2022) [11]. Tuy nhiên, hiện tại nguồn nhân lực vẫn còn là một bài toán khó dành cho nhà quản lý trong việc phát triển nguồn năng lượng tái tạo tại Việt Nam nói chung, và tại các cảng biển nói riêng.
Giả thuyết 4: Thiếu nguồn nhân lực sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến việc áp dụng nguồn năng lượng tái tạo tại các cảng biển.
2.2.5. Thiếu cơ sở hạ tầng kỹ thuật
Việt Nam có tiềm năng năng lượng gió tốt với 39% lãnh thổ có tốc độ gió lớn tại độ cao 65m và tiềm năng về điện mặt trời với cường độ bức xạ lớn, số giờ chiếu cao ở các khu vực miền Trung và các tỉnh Tây Bắc [8]. Nhưng đồng thời, địa hình các khu vực đó thường dốc, đường lầy lội do chưa phát triển đầy đủ hệ thống giao thông đường nhựa đã cản trở không ít việc vận chuyển để tiến hành xây lắp hay bảo trì thiết bị, đặc biệt là những thiết bị kích thước lớn.
Trong quá trình vận hành các dự án năng lượng tái tạo, để duy trì khả năng hoạt động thì việc xây dựng hạ tầng bảo dưỡng đầy đủ sẽ giúp giảm sự lo ngại của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng như các khu vực, địa điểm bảo trì, bảo dưỡng phục vụ cho các nhà sản xuất, nhà cung cấp thiết bị hay cửa hàng sửa chữa của tư nhân liên quan tới năng lượng tái tạo tại Việt Nam lại chưa có. Đối với cảng biển, cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc lắp đặt, xây dựng các dự án năng lượng tái tạo cũng chưa được tính đến, thiếu cả về không gian lắp đặt. Ngoài những cảng biển hiện đại được đầu tư xây dựng gần đây, thì các cảng biển khác có phạm vi không gian hẹp, cơ sở hạ tầng thấp kém. Trong khi đó, việc triển khai các dự án năng lượng tái tạo đòi hỏi cần có không gian, cơ sở hạ tầng phù hợp. Sự thiếu đồng bộ về cơ sở hạ tầng sẽ là một thách thức lớn đối với việc phát triển các dự án năng lượng tái tạo tại cảng biển tại Việt Nam [12]. Đặc biệt, tại Hải Phòng cơ sở hạ tầng xung quanh khu vực cảng biển còn nhỏ, thường xuyên xảy ra tình trạng tắc nghẽn. Do vậy, tác giả cho rằng:
Giả thuyết 5: Thiếu cơ sở hạ tầng kỹ thuật sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến việc áp dụng nguồn năng lượng tái tạo tại các cảng biển.
2.2.6. Thiếu vốn đầu tư ban đầu
Vốn đầu tư cho dự án năng lượng tái tạo bao gồm vốn cho công tác nghiên cứu, xây dựng và lắp đặt hệ thống điện tái tạo, đầu tư cho chuyển đổi thiết bị công nghệ mới, đào tạo nhân sự. Việc xây dựng các dự án năng lượng tái tạo tại các cảng biển đòi hỏi một nguồn vốn đầu tư ban đầu lớn. Trong khi đó, rất ít doanh nghiệp có thể huy động được nguồn vốn tự có để đáp ứng việc đầu tư này. Do vậy, các doanh nghiệp cần tiếp cận được nguồn vốn vay với một mức lãi suất hợp lý. Barragan - Escandon và cộng sự (2022) chỉ ra rằng việc cấp vốn cho một dự án trong lĩnh vực phát điện là rất cần thiết. Trong một số trường hợp, một số dự án xuất sắc hoặc sáng kiến công nghệ đã bị hủy bỏ hoặc thất bại do thiếu nguồn vốn đầu tư [6]. Tại Việt Nam, các doanh nghiệp phát triển dự án năng lượng tái tạo, đặc biệt là tại các cảng biển đang gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn, do phần lớn các dự án đòi hỏi một nguồn vốn quá lớn so với năng lực tài chính của doanh nghiệp. Do vậy, tác giả cho rằng:
Giả thuyết 6: Thiếu vốn đầu tư ban đầu sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến việc áp dụng nguồn năng lượng tái tạo tại các cảng biển.
(Hết phần 1)
Bài viết liên quan
- Xu thế phát triển ngành công nghiệp đóng tàu và phát triển đội tàu trên thế giới trong kỷ nguyên mới (06/12/2024)
- Nghiên cứu Quy định Công ước Luân Đôn 1972 và Nghị định thư 1996, kinh nghiệm cho Việt Nam (Phần 2) (15/11/2024)
- Nghiên cứu Quy định Công ước Luân Đôn 1972 và Nghị định thư 1996, kinh nghiệm cho Việt Nam (Phần 1) (15/11/2024)
- Nghiên cứu phát triển các bản tin ứng dụng đặc biệt của hệ thống nhận dạng tự động trong cảnh báo nguy cơ đâm va tàu thuyền (30/10/2024)
- Đánh giá thực thi Phụ lục VI Công ước quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm từ tàu thuyền tại Việt Nam (Phần 2) (10/10/2024)
- Đánh giá thực thi Phụ lục VI Công ước quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm từ tàu thuyền tại Việt Nam (Phần 1) (26/08/2024)
- Điều tra các nhân tố tác động đến hoạt động chuyển đổi số trong các doanh nghiệp logistics tại khu vực Hải Phòng (19/07/2024)
- Nghiên cứu một số vấn đề pháp lý về tàu mặt nước tự vận hành và tác động tới quy định của quy tắc phòng ngừa đâm va tàu thuyền trên biển (22/05/2024)
- Phân tích tác động tổng thể của chuyển đổi số đến hoạt động của tàu biển (23/04/2024)
- Xây dựng hệ thống bảo trì theo kế hoạch cho tàu huấn luyện VMU Việt – Hàn (22/12/2023)