Phát huy truyền thống Anh hùng, Hồng Hà phát triển bền vững

Trải qua 55 năm xây dựng chiến đấu và trưởng thành, bằng trái tim nhiệt huyết, tinh thần đoàn kết, trách nhiệm và bản lĩnh của Bộ đội Cụ Hồ, cán bộ, chiến sĩ, người lao động Công ty TNHH MTV Đóng tàu Hồng Hà (Nhà máy Z173), Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng đã viết nên một hành trình chinh phục và làm chủ công nghệ về đóng mới và sửa chữa các con tàu hiện đại với trọng tải hàng nghìn tấn phục vụ cho nhiệm vụ quốc phòng và kinh doanh, góp phần đưa vị thế và uy tín của công ty lướt trên sóng nước Hồng Hà vươn ra biển lớn, ngang tầm khu vực và quốc tế. Nhân kỷ niệm 55 ngày truyền thống, nhóm phóng viên Tạp chí Công nghiệp tàu thủy Việt Nam đã có buổi phỏng vấn với Trung tá, TS Phạm Văn Tuấn - Giám đốc Công ty Đóng tàu Hồng Hà để tìm hiểu hành trình huyền thoại trên.

Trung tá, TS. Phạm Văn Tuấn - Giám đốc Công ty Đóng tàu Hồng Hà

Phóng viên (PV): Công ty TNHH MTV Đóng tàu Hồng Hà đã có 55 năm xây dựng và phát triển với nhiều thành tích to lớn. Xin ông cho biết các dấu son thành công đáng ghi nhớ của Công ty trong 55 năm qua?

Trung tá, TS. Phạm Văn Tuấn: 55 năm qua là một chặng đường dài qua nhiều thách thức, thăng trầm với các tên gọi khác nhau: Ban Ca nô (30/10/1965), Nhà máy Q173 (26/4/1968); Nhà máy A173 (6/1972); Xí nghiệp 173 (1983); Công ty Đóng tàu Hồng Hà (4/1996). Và rất đáng tự hào, cán bộ, công nhân viên, người lao động của công ty đã phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ viết nên những mốc son chói lọi trong trang sử vàng của Công ty nói riêng và của Quân đội nói chung trong công tác phục vụ chinh phục đường thủy và hàng hải.

Ngay từ những ngày đầu thành lập, quân số của Công ty chỉ có 20 cán bộ và cơ sở vật chất chỉ có hai chiếc xe Gat vận chuyển thiết bị, vật tư đến các cơ sở sản xuất ở Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Phòng để gia công đặt hàng. Nhiệm vụ thì mới và rất khó khăn vì bom đạn chiến tranh, tuy vậy, nhưng chỉ trong 3 năm, đơn vị đã nhận và sản xuất hàng trăm phương tiện các loại, kịp thời phục vụ nhiệm vụ vận chuyển vũ khí, lương thực chi viện cho chiến trường miền Nam.

Mốc son thứ 2 là vào tháng 4/1968, Công ty được giao nhiệm vụ đóng mới các loại ca nô, sà lan và rà phá bom từ trường phục vụ chiến trường. Tuy nhận nhiệm vụ mới nhưng, cán bộ, chiến sĩ nhà máy với tinh thần quyết tâm cao, luôn hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Điển hình như ở “Chiến dịch C38 (03/8/1968)” - cải tiến những chiếc ca nô thành những con tàu cao tốc để thực hiện nhiệm vụ rà phá thủy lôi. Với phương châm “Kẻ thù dùng thủy lôi chiến lược thì anh em mình cùng phải dùng sự cố gắng chiến lược. Đây là cuộc giao tranh giữa hai nền khoa học tân kỳ và còn thủ công, nhưng chúng ta nhất định thắng bởi trong lồng ngực chúng ta có trái tim người cộng sản, trái tim người lính…”. Sau 45 ngày đêm hừng hực khí thế thi đua, chiếc ca nô lắp bộ cải tiến rà phá bom từ trường nổ chậm được hoàn thành, góp phần mở đường nối mạch máu giao thông vận tải đường thủy, hàng hải chuyển hàng hóa, vũ khí, lương thực từ hậu phương ra chiến tuyến được thông suốt,…

Trong thời kỳ đổi mới, đứng trước  thách thức, khó khăn về sự chuyển dịch cơ cấu của nền kinh tế, Đảng ủy, Ban Giám đốc Công ty đã đồng cam cộng khổ, chủ động phát huy nội lực, đề ra hướng phát triển mới từ sửa chữa tàu sông, sang sửa chữa tàu biển. Và sự đổi mới tư duy được đánh dấu bằng thành công khi công ty tiếp nhận và sửa chữa thành công tàu vận tải Đại Khánh 400 tấn và tiếp đó là các tàu 500, 600 tấn. Năm 1989, qua Báo Quân đội nhân dân, cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã gửi thư khen ngợi công ty, vì đã “chấp nhận cuộc cạnh tranh giành ưu thế trên thị trường”.

Thành công nối dài ý chí, từ sửa chữa tàu biển, đến năm 1993, Đảng ủy, Ban Giám đốc công ty đã mạnh dạn xây dựng chủ trương, đường lối đổi mới nâng tầm, mở rộng hướng sản xuất sang đóng mới các loại tàu biển hiện đại.. Đây chính là mốc son đưa nhà máy tiếp cận, nắm bắt và làm chủ công nghệ đóng tàu hiện đại, giữ vững sự phát triển bền vững đến bây giờ. Đường lối đúng đắn này đã góp phần đưa công ty vững bước tiến lên trong tình hình mới.

PV: Công ty Đóng tàu Hồng Hà đạt được nhiều thành tích trong 55 năm qua. Xin ông cho biết những nguyên nhân và bài học kinh nghiệm lớn của những thành công trên.

Trung tá, TS. Phạm Văn Tuấn: Như trên chúng tôi đã đề cập, nền tảng tiên quyết để Công ty Đóng tàu  Hồng Hà đạt được thành công trên đó là cán bộ, công nhân viên, người lao động Công ty Đóng tàu Hồng Hà đều mang trong mình phẩm chất cao quý Bộ đội Cụ Hồ: “Dù gian lao khổ hạnh không sờn lòng, vào sống ra chết không nản chí”. Chính phẩm chất đó, đã giúp tập thể Công ty đoàn kết, thống nhất một lòng, đồng cam chịu khổ vượt gian khó đi lên từ các cột mốc số 0 từ những ngày đầu thành lập hay trong những bước chân đầu tiên tham gia vào nền kinh tế thị trường để chiếm lĩnh đỉnh cao trong ngành sửa chữa và đóng mới tàu trong khu vực và quốc tế.

Nguyên nhân chính yếu nữa là Công ty Đóng tàu Hồng Hà có các thế hệ cán bộ, lãnh đạo nắm bắt chắc tình hình, đề ra tầm nhìn chiến lược. Với tư duy nhạy bén, dám nghĩ, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước những quyết sách lớn mang tính quyết định để thay đổi “số phận” của Công ty. Điển hình là: Trong thời kỳ đổi mới, việc quyết định từ sửa chữa tàu sông sang tàu biển đã có những rào cản lớn do cơ sở trang thiết bị vật chất và lối mòn trong kinh doanh bao cấp. Thế nhưng, Đảng ủy, Ban Giám đốc đã tạo cú hích đầu tiên trong sự đổi mới về tư duy, đó là quyết định nhận sửa chữa con tàu Đại Khánh 400 tấn. Trong khi đó, sức chịu tải của triền đà theo thiết kế chỉ dành cho tàu 200 tấn. Với sự quyết tâm của tập thể công ty, con tàu Đại Khánh đã được sửa chữa vượt tiến độ, theo tiêu chí, chất lượng cao, giá thành giảm,… vừa giúp nâng tầm uy tín của công ty, vừa là nền tảng là cội nguồn sức mạnh tinh thần để toàn công ty tiếp tục nhận những nhiệm vụ khó khăn hơn gian khổ hơn đó chính là chuyển từ sửa chữa tàu biển sang đóng mới tàu biển – một “đỉnh cao” lúc đó được coi là ngoài tầm đối với Công ty Đóng tàu Hồng Hà bởi vì thời điểm này các nhà máy tầm cỡ quốc gia đang lao đao vì không thể thực hiện được. Thế nhưng, sự quyết tâm của tập thể công ty đã thực sự nhận được lòng tin của các cấp lãnh đạo, cố Trung tướng Nguyễn Phúc Thanh, nguyên Tổng cục Trưởng Hậu cần đã phê duyệt đề án vì: “Quân đội phải đi đầu thực hiện đường lối của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và cơ chế mở cửa của Nhà nước ta. Nhiệm vụ của quân đội là phải phát triển phương tiện hiện đại, bảo vệ lãnh hải của Tổ quốc. Công ty đóng tàu Hồng Hà đã làm đúng chủ trương của Đảng và Quân đội”.
PV: Bên cạnh đó, xin ông cho biết Công ty Đóng tàu Hồng Hà đã chăm lo đến đời sống và môi trường làm việc cho người lao động như thế nào để có được thành tựu ngày hôm nay?

Trung tá, TS. Phạm Văn Tuấn: Đảng ủy, Ban Giám đốc Công ty luôn xác định: Con người là yếu tố quan trọng nhất quyết định đến thành công hay thất bại trong mọi chiến lược sản xuất, kinh doanh. Chính vì vậy, việc chăm lo đến đời sống vật chất, tinh thần và môi trường lao động luôn được Đảng ủy, Ban Giám đốc chú trọng quan tâm rõ nét được thể hiện ngay từ mối quan hệ giữa lãnh đạo và người lao động. Nếu như đối với công ty bên ngoài là quan hệ ông chủ - người làm thuê thì ở Hồng Hà cán bộ lãnh đạo vừa là người cha, người chú, người anh, người bạn của người lao động, đây là một trong những giá trị cao quý của phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ. Mối quan hệ này đã tác động tích cực đến những chủ  trương, chính sách, đường lối của Đảng ủy, Ban Giám đốc trong thực hiện nhiệm vụ chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần và môi trường lao động cho người lao động.

Thứ nhất, người lao động luôn được hỗ trợ tối đa về vật chất và tinh thần, luôn nhận được sự đùm bọc, sẻ chia của tập thể Công ty khi gặp gian khó bằng những việc làm thiết thực như: Trợ cấp gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong đơn vị, xây tặng nhà tình nghĩa, nhà đồng đội; tổ chức trao thưởng học sinh giỏi, gia đình tiêu biểu và các hoạt động vui chơi tập thể nhân dịp lễ, tết hàng năm; lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức quần chúng thanh niên, phụ nữ, công đoàn phát huy tốt vai trò, chức năng nhiệm vụ là cơ quan đại diện, bảo vệ, chăm lo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho hội viên.

Thứ hai, chấp hành nghiêm các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của Quân đội và thực hiện đầy đủ các chế độ theo quy định và các chế độ chính sách đối với người lao động như: chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Luôn quan tâm, chăm lo nâng cao thu nhập và điều kiện sống cho người lao động. Từng bước nâng cao chất lượng bữa ăn ca, phục vụ bồi dưỡng giữa ca đảm bảo định lượng, vệ sinh, an toàn thực phẩm. Hàng năm tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho 100% cán bộ, công nhân viên, khám bệnh nghề nghiệp cho hơn 1.000 lượt người làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại, đảm bảo quân số khỏe thường xuyên đạt 98,5%.

Thứ ba, chăm lo đầu tư bồi dưỡng trình độ chuyên môn kỹ thuật nghiệp vụ tại chỗ, hay gửi đi đào tạo tại các trường kỹ thuật cao trong và ngoài nước cho đội ngũ cán bộ, người lao động các cấp theo đúng chuyên môn lao động. Khuyến khích, hỗ trợ cán bộ, người lao động tham gia các khóa học, chương trình đào tạo để nâng cao chuyên môn. Nhờ vậy, chất lượng tay nghề của cán bộ, người lao động ngày càng được nâng cao, nắm bắt và đáp ứng tốt với yêu cầu kỹ thuật tiên tiến hiện đại.

Những biện pháp thiết thực trên đã góp phần thắt chặt tình đoàn kết và xây dựng Công ty thành “mái nhà chung” cho cán bộ, công nhân viên, người lao động. Từ đó, nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý thức cống hiến, tận tâm, tận lực vì công việc chung, vì nhiệm vụ xây dựng Công ty vững mạnh toàn diện tiêu biểu. Nổi bật là: Giai đoạn 2010 - 2019, tập thể Công ty đã thực hiện được gần 500 đề tài, giải pháp, sáng kiến áp dụng vào sản xuất mang lại giá trị kinh tế cao (trong đó, một công trình được tặng giải thưởng cấp Nhà nước năm 2012, một công trình được tặng thưởng giải Nhì giải thưởng sáng tạo Việt Nam VIFOTEC và giải Ba giải thưởng WIPO,…) Các công trình, đề tài, giải pháp, sáng kiến đều được áp dụng vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Loạt tàu kiểm ngư đóng cho Cảnh sát Biển Việt Nam

PV: Đại dịch Covid -19 đã tác động mạnh đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của hầu hết các ngành nghề, trong đó có ngành đóng tàu Việt Nam và thế giới. Xin ông chia sẻ về phương hướng, kế hoạch của Công ty Đóng tàu Hồng Hà nhằm vượt qua khó khăn trước mắt cũng như định hướng chiến lược phát triển của Công ty trong những năm tới?

Trung tá, TS. Phạm Văn Tuấn: Dịch bệnh Covid-19 trong nước và thế giới diễn biến phức tạp, cũng đã gây ra những tác động không nhỏ với tình hình sản xuất kinh doanh của Công ty. Nổi bật là: Một số hợp đồng đã ký với đối tác nước ngoài đều phải tạm hoãn, chưa có phản hồi; chi phí mua sắm vận chuyển vật tư, trang bị và các chi phí khác tăng cao. Trước tình hình đó, Đảng ủy, Ban Giám đốc Công ty xác định: Tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, giáo dục truyền thống, khơi dậy niềm tự hào và tinh thần trách nhiệm của  toàn thể cán bộ, công nhân viên, người lao động với Công ty, trên cơ sở sẻ chia gian khổ, vững niềm tin, gắn bó với công ty trong thời kỳ đại dịch Covid-19. Đồng thời, Đảng ủy, Ban Giám đốc áp dụng triệt để các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 để tránh dịch bệnh phát sinh và lây lan làm đình trệ sản xuất.

Song song với đó, Đảng bộ sẽ tiếp tục quán triệt, triển khai nghiêm túc Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII sắp tới, Nghị quyết Đảng bộ Quân đội lần thứ XI và Nghị quyết Đảng bộ TCCNQP lần thứ X, tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện. Huy động các nguồn lực, đề xuất đầu tư nhằm củng cố, nâng cao năng lực và tham mưu, đề xuất đóng mới, sửa chữa các tàu quân sự có hàm lượng kỹ thuật, công nghệ cao, tính năng kỹ, chiến thuật hiện đại phù hợp với nhu cầu của Quân đội, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc trong tình hình mới; đẩy mạnh đóng mới và sửa chữa các tàu phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Ứng dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong quản lý, sản xuất kinh doanh. Giữ gìn, thu hút đội ngũ cán bộ và công nhân kỹ thuật có năng lực chuyên môn, trình độ tay nghề cao nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời gian tới. Đồng thời, công ty tăng cường hợp tác quốc tế, xây dựng và phát triển mối quan hệ chiều sâu với một số đối tác chiến lược tạo nền tảng để phát triển ổn định; đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại; nghiên cứu, phát triển thị trường; đa dạng hóa sản phẩm kinh tế; huy động sức mạnh tập thể trong thực hiện công tác tiếp thị, quảng bá, tìm kiếm sản phẩm trong và ngoài nước. Thực hiện quyết liệt các giải pháp nâng cao chất lượng, giảm giá thành sản phẩm kinh tế, xuất khẩu để nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường. Tiếp tục xây dựng, nâng cao năng lực ứng phó với các tình huống của thị trường, cơ chế, chính sách. Chú trọng đến bản quyền và thương hiệu sản phẩm xuất khẩu.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

                                                                                  Chí Dân