ROV 2020: Nhiều sản phẩm ấn tượng

Được sự hướng dẫn của Ban lãnh đạo Viện Cơ khí - Trường Đại học Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh và sự hỗ trợ, tài trợ từ Liên chi hội Khoa học kỹ thuật Công nghiệp tàu thủy phía Nam (VISIA.S), công ty Vimatec Engineering, Hội Khoa học kỹ thuật và Kinh tế biển thành phố Hồ Chí Minh, Đoàn thanh niên và Hội sinh viên Viện Cơ khí đã phát động cuộc thi sáng tạo “Sinh viên với Robocon dưới nước năm 2020” (Remote Operated Vehicle (ROV) 2020).


Cuộc thi sáng tạo ROV 2020 được tổ chức với mục đích: Tạo sân chơi sáng tạo robocon cho đối tượng là sinh viên ngành Kỹ thuật tàu thủy nói riêng và Viện Cơ khí nói chung; Khơi dậy tiềm năng và phát huy tư duy sáng tạo khoa học và công nghệ, kỹ năng tiếp cận với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 cho thế hệ trẻ; Giúp cho các bạn sinh viên yêu khoa học và công nghệ có dịp giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, thi đua sáng tạo để nâng cao kiến thức, kỹ năng thực hành trong học tập và nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ để sáng tạo ra các mô hình.

TS. Đỗ Hùng Chiến, trưởng Ban tổ chức phát động cuộc thi ROV 2020.
Ông Đỗ Thành Hưng (bên phải) - Chủ tịch VISIA.S trao tài trợ cho Ban tổ chức cuộc thi

Cuộc thi “Sinh viên với Robocon dưới nước”  là một cuộc thi lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam. Viện Cơ khí – Trường Đại học Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh đã tiên phong dẫn đầu tổ chức để tiếp nối các cuộc thi Robocon dưới nước tiếp theo có quy mô toàn quốc giữa các trường đào tạo ngành Kỹ thuật tàu thủy nói riêng và Kỹ thuật nói chung.

Để đạt được giải thưởng cao nhất của cuộc thi ROV 2020 năm nay, các đội thi trải qua 5 vòng thi:

+ Vòng 1: Thi giới thiệu Robocon: Các đội quay video giới thiệu về đội thi của mình gửi về ban tổ chức với thời lượng 60 giây, độ phân giải full HD, trong đó thành viên trong đội mặc đồng phục của đội hoặc trang phục phù hợp. Nội dung của video là giới thiệu về đội, thành viên, ROV của đội và khẩu hiệu/quyết tâm tới với cuộc thi. Cách thức tính điểm và truyền thông sẽ được đăng tải trên fanpage của Viện Cơ khí.

Vòng 1: Sinh viên giới thiệu ROV của đội mình

+ Vòng 2: Thi tốc độ chạy: Vòng thi kiểm tra tốc độ di chuyển của ROV, điểm xuất phát của ROV là từ đầu hồ bơi cho đến giữa hồ bơi là vạch đích.

Vòng 2: Thi tốc độ với các đội ROV

+ Vòng 3: Thi lượn vòng theo quỹ đạo sắp sẵn: Ban tổ chức sắp bong bóng theo hình chữ S để các thí sinh điều khiển ROV của mình vượt qua.

Vòng 3: Thi lượn vòng theo quỹ đạo định sẵn

+ Vòng 4: Thi truyền hình ảnh dữ liệu từ đáy về máy tính: ROV tiến hành lặn xuống đáy bể bơi và ghi hình nhiệm vụ được ban tổ chức sắp sẵn ở dưới hồ thông qua hệ thống camera của ROV.

Vòng 4: Thi truyền hình ảnh dữ liệu từ đáy về máy tính

+ Vòng 5: Thi gắp thả vật nặng: ROV tiến hành gắp các vật nặng có màu trùng với nhiệm vụ được ghi ở vòng 4 và thả nó vào ác ô đúng theo nhiệm vụ đã ghi.

Vòng 5: Thi gắp thả vật nặng

Cuộc thi trải qua chặng đường 9 ngày thi với 2 phần:

+ Phần 1: Giới thiệu Robocon.         

Với thời đại Công nghệ 4.0, mạng xã hội gần như trở thành nơi tuyên truyền, tiếp cận, và giao lưu chủ yếu trong xã hội. Ban tổ chức cuộc thi cũng mong muốn hướng các bạn sinh viên tới việc sử dụng mạng xã hội nhiều hơn cho mục đích có ích trong học tập, công việc. Vì lý do đó, ban tổ chức đã tạo nên 1 vòng thi Tuyên truyền bằng hình thức đăng bài trên mạng xã hội Facebook và tạo video giới thiệu về đội thi trên Youtube. Điều này đã mang lại kết quả đáng ngờ, với việc thu hút hơn 1.000 lượt yêu thích, chia sẻ và tương tác với cuộc thi. Lan toả được cuộc thi đến với đông đảo các bạn sinh viên trong và ngoài trường Đại học Giao thông Vận Tải Thành phố Hồ Chí Minh.

+ Phần 2: Phần này trải qua 4 vòng thi

Đây là phần thi quan trọng, trải qua thời gian nghiên cứu, chế tạo và thử chạy. Với bao nhiêu thất bại là bấy nhiêu bài học đúc kết để các bạn sinh viên hiểu rõ hơn về khoa học công nghệ trong lĩnh vực ROV. Hứa hẹn mang đến những sản phẩm tốt hơn trong tương lai.

Robo của các đội của các đội gần như đều có thiết kế bố trí chân vịt giống nhau bao gồm hai chân vịt hai bên dùng để đẩy nước để lặn xuống và nổi lên theo ý muốn của người điều khiển và hai chân vịt ở phía sau dùng để tiến hoặc lùi.

Sản phẩm sáng tạo ROV của sinh viên được Ban giám khảo đanh giá cao

Kết thúc cuộc thi, giải nhất thuộc về đội LGHT với thiết kế dựa trên mẫu máy bay chiến đấu F117; Giải nhì thuộc về đội Dream Star; Giải ba thuộc về đội Priate, Giải thiết kế đẹp thuộc về đội Friends với robo có nhiều màu sắc nổi bật, đường nét chế tạo độc đáo, thiết kế hoàn thiện tốt; Giải ý tưởng độc đáo thuộc về đội LGHT.

Cuộc thi đã mang đến những kết quả vượt mong đợi của Ban tổ chức. Nhận được đông đảo sự quan tâm từ Ban Giám hiệu nhà trường, Đoàn trường, từ các nhà tài trợ là các Hiệp hội khoa học, các doanh nghiệp. Mang đến những hứa hẹn về những cuộc thi tầm cỡ hơn sắp tới. Hướng đến những cuộc thi có quy mô lớn hơn cho toàn Viện Cơ khí, liên kết tính xã hội nhiều hơn trong quy trình sản xuất, vận chuyển và bốc dỡ hàng hoá. Từ sân chơi này, sinh viên có nhiều ý tưởng sáng tạo hơn, có nhiều sản phẩm ứng dụng thiết thực vào cuộc sống, và hơn hết là khơi dậy niềm đam mê nghề nghiệp trong thiết kế, chế tạo phương tiện thủy thông minh, theo kịp với đà phát triển của thế giới trong kỷ nguyên cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra nhanh chóng.

T.H