SBIC: Vẫn luôn hoàn thành nhiệm vụ

Năm 2019 tiếp tục là một năm khó khăn với ngành đóng tàu nói chung, Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) nói riêng khi thị trường đóng tàu vẫn chưa có nhiều khởi sắc. Tuy nhiên, SBIC vẫn nố lực, cố gắng để trụ vững và cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, kế hoạch được giao.

Trong những năm gần đây, hoạt động kinh doanh của SBIC chưa có nhiều khởi sắc do những khó khăn của ngành đóng tàu. Trong khi đó, Tổng công ty vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn về tài chính và nhân sự cấp cao khi tái cơ cấu kéo dài.

Bên cạnh đó, các công ty đóng tàu thành viên hiện hầu như không có các khách hàng lớn do các công ty vận tải hàng hải trong nước cũng đang gặp nhiều khó khăn trong cạnh tranh cũng như việc tìm kiếm nguồn vốn để đầu tư mở rộng đội tàu. Quỹ việc làm hàng năm của các đơn vị đang giảm dần không phát huy được năng lực cơ sở hạ tầng đã đầu tư lớn từ những năm trước

Đồng thời, nhiều doanh nghiệp đóng tàu cũng đang gặp phải khó khăn về vấn đề tài chính do các khoản nợ đầu tư lớn tại các ngân hàng chưa được tái cơ cấu; việc vay vốn ngân hàng để sản xuất gần như là không thể, việc vay vốn đầu tư dài hạn lại càng khó khăn hơn. Tổng công ty và các đơn vị cũng không thể mở thủ tục bảo lãnh thực hiện hợp đồng theo thông lệ quốc tế với các hợp đồng đóng tàu thương mại cho chủ tàu nước ngoài.

Tuy nhiên, năm 2019, SBIC và các đơn vị thành viên đạt mức giá trị sản xuất 2.945,6 tỉ đồng, đạt 97,6% kế hoạch. Trong đó, giá trị đóng tàu đạt 1.979,3 tỉ đồng, sửa chữa đạt 574,7 tỉ đồng và công nghiệp phụ trợ đạt 139,4 tỉ đồng. Hoạt động thương mại, cảng biển, kinh doanh dịch vụ đạt hơn 252,2 tỉ đồng. Doanh thu và thu nhập khác của toàn Tổng công ty đạt hơn 2.498 tỉ đồng, trong đó một số doanh nghiệp có hiệu quả như Công ty Đóng tàu Sông Cấm, Công ty TNHH MTV Đóng tàu Hạ Long, Công ty TNHH MTV Công nghiệp hàng hải Sài Gòn,…

Số sản phẩm bàn giao toàn Tổng công ty là 71/68 sản phẩm, tăng 03 sản phẩm so với kế hoạch đề ra.. Trong đó, 8 đơn vị thành viên giữ lại bàn giao 58/56 sản phẩm, các đơn vị đang tái cơ cấu bàn giao 13/12 sản phẩm. Tổng số lao động của các đơn vị được giao kế hoạch năm 2019 là 5.205 người/5.792 người, giảm 587 người so với kế hoạch. Thu hoạch bình quân của các đơn vị giao kế hoạch là 8,19 triệu đồng/người/tháng.

Theo báo cáo của SBIC, toàn Tổng công ty hầu như đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Đây là những số liệu đáng mừng trong bối cảnh ngành đóng tàu vẫn chưa có nhiều dấu hiệu khởi sắc.

Để vượt qua những khó khăn và đạt được kết quả năm 2019, Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy đã có đưa ra những giải pháp về sản xuất kinh doanh, tái cơ cấu doanh nghiệp như: Chỉ đạo quyết liệt, sát sao các công đơn vị tăng cường công tác phát triển thị trường, tìm kiếm các sản phẩm đóng mới, công tác sửa chữa, xúc tiến mở rộng thị trường sản xuất công nghiệp phụ trợ để bổ sung quỹ việc làm năm 2019 và các năm tiếp theo; Tiếp tục duy trì và phát triển các dự án đóng mới đã hợp tác với Tập đoàn DAMEN tại các đơn vị: Sông Cấm, Hạ Long,… Đối với thị trường trong nước, sẽ luôn bám sát các Bộ, Ngành, các Tổng công ty, đối tác có khả năng có dự án đóng tàu, dịch vụ dầu khí, dự án cơ khí. Ngoài ra, SBIC sẽ tiếp tục rà soát, cắt giảm chi phí bất hợp lý, cân đối, có kế hoạch sử dụng lao động trên cơ sở quỹ việc làm để vẫn đảm bảo được sản xuất kinh doanh đồng thời ổn định đời sống của người lao động.

Năm 2020, với nhiều dự báo ngành đóng tàu, hàng hải có nhiều thay đổi, cơ cấu, cũng như sự nỗ lực phát triển, theo kịp xu thế, ngành công nghiệp tàu thủy Việt Nam sẽ có nhiều hi vọng, cơ hội để vượt qua khó khăn, vững bước đi lên./.

Nguyên Ngọc