“Tàu nhỏ nhưng thị trường lớn”

Nếu đánh giá một cuộc Triển lãm thương mại qua số hợp đồng đã được ký kết thì Triển lãm Hàng hải Inmex Marine 2019 vừa kết thúc tại thành phố Hồ Chí Minh không có nhiều kết quả đáng kể: Tập họp các gian hàng gom lại không bằng một gian phụ của Vietship hoành tráng những năm 2006 tại Trung tâm Quốc gia Mỹ Đình, toàn cảnh bên ngoài tĩnh lặng, nhiều người không biết tới một cuộc triển lãm đang diễn ra và các hội thảo cũng lèo tèo vài người tham dự trong khi UKHO đã cử cả một chuyên viên kỹ thuật thượng thặng là Tom Mellor đến từ Tổ chức Thủy đạc Quốc tế IHO tại Monaco.

Từ trước ngày khai mạc, nhận thông báo từ Informa,  người tổ chức Triển lãm, các kỹ sư Trần Hùng Nam, Lê Lộc, từ kinh nghiệm hoạt động đối ngoại của mình và nắm khá rõ tình hình kinh doanh không mấy khả quan của công nghiệp trong nước, đã bàn bạc với trung ương hội VISIA ngoài Hà Nội tìm cách sao cho các cơ sở đóng tàu, dịch vụ của chúng ta tham gia sự kiện này với chi phí thấp nhất, có hiệu quả nhất trong khi các nhà tổ chức là công ty quảng cáo hội chỡ Informa của Anh Quốc  và Vinexad của Bộ Công Thương lại muốn giữ vững bảng giá “khá rắn”.

“Tôi đóng tàu nhờ tiền vay của vợ”

Đó là tuyên bố vui nhộn của giám đốc Bùi Văn Công trên đường dẫn trên 20 khách vip tham quan xường Tân Viễn Đông của mình tại khu vực Bình Chánh, ngoại ô thành phố Hồ Chí Minh. Từ Úc về nước lập nghiệp gần 20 năm nay, Tân Viễn Đông đã trở thành một địa chỉ của tàu thuyền nhỏ bằng composite và nhôm. Người đàn ông ngoài 60 tuổi này, với tác phong miệng nói tay làm , luôn lấy thực nghiệm làm kim chỉ nam hành động . Khách đến từ Hàn Quốc, Anh, Đức …rất thú vị thấy cảnh clip chiếu trên màn hình ông giám đốc tự lái chiếc catamaran mẫu phi trên kênh rạch để kiểm tra, thử tính năng của nó mà tiến sĩ Phạm Ngọc Hòe , một người chuyên nghiên cứu về các tàu cao tốc tức có số Froude cao, khá khâm phục. Không chỉ tự thiết kế phương án, thử nó, ông còn là người hướng dẫn chế tạo chi tiết. Trên con đường quanh xưởng, ông phăm phăm dẫn các vị khách xem mọi ngóc ngách từ kho vật liệu, nhà hút chân không, nơi đang gia công và cuối cùng là bãi triền đang cho một chiếc du thuyền hạ thủy trên các túi khí .

Là người quyết định tham gia Triển lãm khá muộn, với sự cổ vũ của VISIA, Tân Viễn Đông đã thuê luôn một gian đúp và một bãi trưng bày hai du thuyền. Đến cuối cuộc Triển lãm, theo thông tin chúng tôi được biết, một chiếc đã được khách hàng tàu mua ngay tại chỗ và một bản hợp đồng đóng 6 du thuyền đã được ký kết . Môt kết quả rất thành công của một xưởng đóng tàu tư nhân 100%.

Tham gia Triển lãm này, các xưởng đóng tàu quốc doanh cũng đang năng động không kém. Dù khộng có gian hàng riêng, nhưng trong gian hàng nhỏ bé của Hội , nhiều khách hàng đã tìm đến để thảo luận với từng xưởng cụ thể, đặc biệt là để tiếp nối cuộc tham quan hiện trường ngày hôm trước.  Bà Yap đến từ công ty Trans-Asiatique Singapore khá thú vị khi tranh luận trực tiếp với Phó Giám đốc Trần Tấn Châm của Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Sài Gòn (SSIC) trên chuyến tham quan vòng quanh nhà máy. Còn kỹ sư đến từ Công ty Schadler Tự động hóa đặt nhiều câu hỏi về hàn nhôm với trưởng phòng kỹ thuật nhà máy đóng tàu quân sự Hải Minh. Nhà máy này tức X51 là nhà máy đóng tàu quân sự hàng đầu phía Nam, thuộc Tổng Công ty Ba Son, đã trưng bảng quảng cáo trên sơ đồ các nhà máy đóng tàu Việt Nam.

Nói đến công trình “Shipyard Map-Việt Nam” thì đây là một công trình hợp tác giữa VISIA và Công ty Quảng cáo bản đồ MapsGlobe tại Singapore. Từ lâu, các nước như Nhật Bản, Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc… đã giới thiệu với thế giới danh mục các nhà máycủa nước mình, kèm theo những đặc tính chủ  yếu như cầu tàu, đà tàu, đặc tính phân xưởng, loại tàu chế tạo… Bắt gặp những thông tin này từ Hội chợ APM năm ngoái tại Singapore, kỹ sư Trần Hùng Nam đã đề xuất VISIA làm tờ giới thiệu mạng lưới các nhà máy đóng tàu nước ta . Và hơn 200 tấm bản đồ đã được phát miễn phí tại Triển lãm, mang thông tin quảng cáo cho các xưởng đóng tàu của chúng ta tới các bạn khắp năm châu.

“Tới 95% tai nạn trên biển là lỗi của con người”

Đó là khẳng định của Tom Mellor , Trưởng phòng kỹ thuật của Tổ chức Thủy đạc Quốc tế IHO trong buổi thuyết trình chuyên đề về hải đồ điện tử kéo dài hai ngày tại cuộc Triển lãm. Những câu chuyện thực tế hàng hải, những mất mát của công ty Maersk lừng danh thế giới vì tin tặc… đã được diễn giả tầm vóc nhỏ nhắn như người Việt, chuyển tải sinh động. Qua trao đổi, tranh luận trực tiếp bằng tiếng Anh của những người nghe như chuyên viên Công ty Vận tải Trường Phát Lộc, các chuyên gia bản đồ của Bảo đảm Hàng hải Bắc và Nam chắc chắn làm cho diễn giả phần nào hiểu rằng những người Việt cũng quan tâm học hỏi và tiếp thu được các vấn đề mới nhất về ENC, về ECDIS…

Dù bận việc giảng dạy, không tham gia được Triển lãm, thuyền trưởng Tiếu Văn Kinh, tác giả của cuốn “Từ hải đồ giấy tới hải đồ điện tử” cũng đã có bài giới thiệu buổi nói chuyện của Tom trên số đặc biệt cùa Tạp chí Công nghiệp Tàu thủy, tiếng nói chính thức của Hội và động viên anh em tham gia. Tom Mellor cũng đã tới gian hàng của Hội và rất vui khi biết các ấn phẩm hàng hải bằng tiếng Việt nhằm nâng cao trình độ người đi biển do các đại học của ta xuất bản. Anh cũng nhận cuồn sách “Từ hải đồ giấy tới hải đồ điện tử” để lưu vào thư viện các đầu sách hàng hải của UKHO . Là một diễn giả của Ty Thủy đạc Anh, Trưởng phòng kỹ thuật IHO, anh đã dự và thuyết trình tại nhiều hội chợ hàng hải quốc tế tại Nga, Đức, Hy Lạp… và đây là lần đầu tiên Tom tới Việt Nam . Đáng tiếc là số người tham dự không nhiều, thiếu mặt nhiều đơn vị hàng hải, các đơn vị hải quân , những người trực tiếp đo vẽ và sử dụng hải đồ của nước ta .

Nếu yếu tố con người là vô cùng quan trọng thì việc đề cao văn hóa hàng hải có lẽ là một điểm son nhân văn của gian hàng của Hội Visia trong Triển lãm này. Hàng loạt sách báo, tạp chí được trưng bày, bán giảm giá bằng cách quét code, sách tặng, buổi ra mắt cuốn Từ điển Hàng hải Anh Việt bản in lần thứ ba … đã thu hút đông đảo khách tham quan, đặc biệt là các sinh viên các trường. Và tác giả của các cuốn sách đó, từ thầy hiệu trưởng Nguyễn Văn Thư tới các thầy Mạnh Quân, Đỗ Hùng Chiến của Đại học Giao thông có dịp gặp gỡ, trao đổi với các đồng nghiệp từ Nha Trang, Bách khoa Thành phố… để trao đổi công việc đào tạo trong tương lai.

Dù thực tế trước mắt, đóng tàu của chúng ta khá trì trệ nhưng những điểm sáng của nghề, các dự báo từ nước ngoài cho ta khá nhiều  hy vọng vào một tương lai phát triển . Trao đổi với chúng tôi, Robert - đến từ một công ty offshore có văn phòng đặt tại nhiều nơi trong vùng Đông Nam Á đã nói dự định tăng cường văn phòng tại thành phố Hồ Chí Minh, vì “Việt Nam có nhiều người trẻ tuyệt vời, chịu làm chịu học”. Điều đó cũng trùng hợp với cuộc “săn đầu người” mà các công ty như Austal (Úc), Vard (Na Uy)… các văn phòng thiết kế của Hitachi đang thực hiện tại nước ta. Chúng ta có quyền hy vọng vào một tương lai tốt đẹp của công nghiệp biển nước nhà.

Đoàn Văn Hai