Tàu thuyền nhỏ và tiêu chuẩn ISO Small Craft

Ngay tử đầu, chúng ta cần hiểu rằng các tàu nhỏ, theo phân loại quốc tế hiện đang có hiệu lực, là các tàu có chiều dài thân vỏ LH không quá 24m. Thuyền giải trí  (pleasure craft, recreational craft, yacht), theo định nghĩa, là tàu được sử dụng cho thể thao và giải trí, nhưng trong thực tế, một số thuyền có thể được sử dụng cho mục đích thương mại theo dạng cho thuê charter, tức là thuê bao cả thuyền.

Hiện tại, có bốn nhóm tiêu chuẩn đang được sử dụng cho các tàu nhỏ với nhiều mục đích khác nhau:

• Các tiêu chuẩn quốc tế, trước hết, là các “chỉ thị” RCD ( Recreational Craft Directive) của Liên minh Châu Âu, các tiêu chuẩn của nhóm ISO Small Craft tức tiêu chuẩn quốc tế về tàu thuyền nhỏ; một số công ước quốc tế của IMO; các yêu cầu về thuyền cá của FAO; yêu cầu về an toàn thuyền nhỏ của ILO;…

• Các tiêu chuẩn quốc gia, ví dụ, tiêu chuẩn AS của Úc (AS1799.1-1992 Small Pleasure Boats Code), NZS của New Zealand (AS/NZS 3004.2:2014 | Electrical installations – Marina), các quy chuẩn liên bang Hoa Kỳ (CFR-Code of Federal Regulations), các ГОСT của Nga/Liên Xô cũ như “Суда малые гребные и моторные”… Hiện nay, ở một số quốc gia, nhiều quy chuẩn quốc gia lần lượt  lặp lại các tiêu chuẩn ISO quốc tế;

• Quy phạm của các Đăng kiểm;

• Quy phạm của các hiệp hội và tổ chức công nghiệp như: Hội Thuyền Buồm Mỹ ABYS, Hội các Nhà Chế tạo Sản phẩm Hàng hải NMMA, Hiệp hội các cấp  thuyền buồm,…

Chúng ta thử xem xét chi tiết hơn việc phân cấp các tàu thuyền  nhỏ ra sao :

  1. Tàu nhỏ và các quy phạm của các Đăng kiểm

Hiện nay Đăng kiểm Anh Lloyd Register đã kết hợp các quy tắc cho các tàu nhỏ thành các quy tắc cho các tàu dịch vụ đặc biệt (Special Service Craft - LR SSC). Cần lưu ý rằng tàu thuyển nhỏ giải trí được loại trừ khỏi các quy tắc này, chúng được áp dụng theo các tiêu chuẩn ISO Small Craft và quy trình chứng nhận theo  RCD của Châu Âu. Còn yacht có chiều dài trên 24m lại được phân cấp theo SSC.

Đang kiểm Đức GL trong DNV-GL có các quy phạm riêng cho tàu thuyền nhỏ, bao gồm cả tàu nhỏ giải trí. Qua sử dụng, các Quy phạm của GL “Yachts and Boats Rules” (đối với các tàu có chiều dài lên đến 24m) khi thiết kế, nói chung, cho kết quả khá gần với các tiêu chuẩn của ISO Small Craft. Theo thông lệ, GL chứng nhận các tàu thuyển nhỏ giải trí bằng cách sử dụng ISO Small Craft còn phân cấp theo  “GL Yacht” của riêng GL. Đó chỉ là một bổ sung tùy chọn (tùy theo quyết định của khách hàng) và bao gồm cả các thông số, mà tại thời điểm áp dụng, các tiêu chuẩn ISO chưa đề cập tới như: thiết bị lái và neo, trang bị buồm,… Hiện tại, với ISO Small Craft, đã mở rộng phạm vi các thông số, các hệ thống… đã  được chuẩn hóa. Trong tương lai, GL không còn cần đề ra một cấp riêng biệt nào đó đối với tàu thuyền nhỏ.

Đăng kiểm Na Uy DNV có “Rules for High Speed, Light Craft and Naval Surface Craft”, tức là quy phạm cho tàu cao tốc, tàu hạng nhẹ và tàu chiến nhỏ trên mặt nước. Tàu thuyền nhỏ giải trí dài dưới 24m cũng được phân cấp theo các quy phạm này với ký hiệu YACHT. Đồng thời, qua phân tích các quy phạm nói trên, cho thấy đối với phần lớn các tàu giải trí nhỏ tuân thủ khá khó khăn, nhưng đối với các tàu có chiều dài trên 24m thì hoàn toàn có thể áp dụng. Bản thân các quy phạm đó có  đề cập đến chỉ thị RCD của EU, tức là đề cập đến việc chứng nhận các tàu nhỏ thuộc loại theo tiêu chuẩn ISO Small Craft. Trước đó, vào năm 1998, quy phạm  NBS đã được dùng để chứng nhận các tàu nhỏ mang cấp DNV, hiện nay không dùng nữa.

Đăng kiểm Pháp Bureau Veritas có các quy phạm riêng đối với du thuyền có chiều dài lên tới 100m, cũng có thể được áp dụng cho các tàu có chiều dài dưới 24m, và mang cấp BV. Hơn nữa, các quy phạm theo chỉ định EC RCD là một tùy chọn khi chứng nhận cho tàu thuyền nhỏ, được thực hiện trực tiếp bởi BV (không mang cấp). Do đó, việc áp dụng các quy phạm riêng của BV cho tàu thuyền nhỏ không còn là việc quan trọng.

Đăng kiểm Mỹ ABS hiện không có quy tắc nào riêng cho tàu thuyền nhỏ. Quy tắc “Rules for Building and Classing Offshore Racing Yachts” đã không còn áp dụng  kể từ năm 1994.

Đăng kiểm Ý RINA (Registro Italiano Navale) có quy phạm riêng cho du thuyền “Rules for the Classification of Pleasure Yachts” dùng cho tàu dài hơn 24m. Trên thực tế, RINA là người đứng đầu thị trường này so với tất cả các tổ chức Đăng kiểm khác. Trong kho các quy phạm của RINA còn có những quy tắc cũ đối với các tàu thuyền nhỏ, từ những năm 1950 - 1980, nhưng trong thực tế, chúng không còn được áp dụng. Chứng nhận tàu nhỏ hiện đang được RINA thực hiện dựa trên các tiêu chuẩn ISO Small Craft. Ngoài ra, RINA còn phát triển phần mềm rất thuận tiện để ước tính các thông số của tàu theo tiêu chuẩn ISO.

Qua trình bày ở trên, ta thấy rằng, hiện nay có các Đăng kiểm  hàng đầu thế giới không còn phân cấp tàu thuyền nhỏ giải trí theo quy phạm riêng của họ. Đối với những Đăng kiểm trong quá khứ đã soạn thảo nhiều bộ quy phạm cho tàu thuyền nhỏ, do hoàn cảnh lịch sử, các quy phạm này được xây dựng trước năm 1998, trên thực tế, các quy phạm này ít được đem ra áp dụng (có lẽ chỉ trừ GL). Đồng thời, tất cả các Đăng kiểm hàng đầu của các nước EU đều là “cơ quan khai sinh – Notified Body”, được ủy quyền cấp chứng nhận CE/RCD/ISO Small Craft và đó chỉ là những tùy chọn khi chứng nhận cấp này cho tàu thuyền nhỏ. Ngoài tàu thuyền nhỏ giải trí, các quy tắc ISO Small Craft cũng có thể áp dụng cho nhiều loại tàu thuyền nhỏ khác.

  1. Việc chứng nhận tàu thuyền nhỏ ở một số nước

Ở đây, chúng tôi xin trình bày chi tiết hơn về việc chứng nhận tàu thuyền nhỏ ở một số quốc gia.

Tàu thuyền nhỏ ở Mỹ phải  phù hợp với CFR tức các quy định của Liên bang và được Cảnh sát Biển USCG kiểm tra/thực hiện cho con tàu và các thành phần của tàu. Chứng chỉ tự nguyện (Volunteer Certificate) cũng được thực hiện bởi một số hiệp hội ngành nghề (như ABYC, NMMA), phát triển các tiêu chuẩn của riêng họ. 90% tàu thuyền nhỏ cùa nước này được sản xuất theo tiêu chuẩn tự nguyện (voluntary standard ) của ABYC. Kể từ năm 2002, các tiêu chuẩn này càng gần với tiêu chuẩn ISO Small Craft. Tuy nhiên, trong thực tế, các chứng chỉ được gọi là “tự nguyện”, trên thực tế lại là bắt buộc đối với tàu thuyền chế tạo hàng loạt, vì nó giúp bảo vệ các nhà sản xuất khỏi các rủi ro liên quan đến kiện tụng trong trường hợp xảy ra sự cố với tàu. Các thông số được chuẩn hóa trong hệ thống chứng nhận của Mỹ chủ yếu là sức nổi dự trữ  (đối với tàu hở), các yếu tố trang bị, các yếu cầu trang bị về an toàn và bảo vệ sinh thái, yêu cầu chống  cháy, thông gió, bơm đáy thuyền, nước thải, hệ thống quạt, hệ thống điện. Đối với những chỉ tiêu này, yêu cầu khá nghiêm ngặt. Tính  ổn định và sức bền của tàu thuyền  nhỏ tại Mỹ không được tiêu chuẩn hóa. Tuy nhiên, do một số lượng đáng kể các tàu thuyền được sản xuất tại Mỹ được cung cấp cho thị trường châu Âu, nên hiện tại các tàu nhỏ dành cho xuất khẩu được chế tạo theo tiêu chuẩn ISO.

Ở Úc, không yêu cầu chứng chỉ các tàu thuyền nhỏ giải trí. Tiêu chuẩn quốc gia AS chỉ nêu các yêu cầu về việc trang bị  thiết bị cứu sinh, thiết bị đạo hàng và cấp cứu, một số trang bị khác. Đối với các tàu được sử dụng để cho thuê charter  hoặc tàu nhỏ mục đích thương mại thì áp dụng luật USL (Uniform Shipping Laws) và một số yêu cầu địa phương phụ thuộc vào từng tiểu bang. Hệ thống này khá phức tạp. Trong từng trường hợp, ta phải thuê một giám định viên được cấp phép tại Úc để đánh giá dự án. Nhìn chung, hệ thống này tương thích khá tốt với các tiêu chuẩn ISO Small Craft. Đặc biệt, nó được phép sử dụng chúng cho các tàu thương mại nhỏ có chiều dài lên tới 13m.

Tại châu Âu, từ năm 1998, RCD (Fecreational Craft Directiive), tức chỉ thị   94/25/EC đã được ban hành. Theo RCD, việc chứng nhận các tàu thuyền nhỏ giải trí cung cấp cho thị trường EU phải tuân theo các tiêu chuẩn ISO Small Craft . RCD được cập nhật bởi Directive 2003/44/EC, có hiệu lực vào năm 2005.

  1. Tiêu chuẩn RCD của Châu Âu và Tiêu chuẩn ISO Small Craft

ISO Small Craft là một bộ tiêu chuẩn do Hội đồng Kỹ thuật ISO/TC 188 khởi sự từ những năm 1990 và cho tới nay vẫn tiếp tục hoàn thiện. Tiêu chuẩn này ra đời là tiếp nối các tiêu chuẩn về tàu thuyền nhỏ, về tàu cá do Tổ Chức Lương Nông FAO của Liên Hiệp Quốc tiến hành từ nhiều năm trước đây. Một số tiêu chuẩn trong bộ tiêu chuẩn được nêu trong bảng sau:

Ký hiệu

Tên

Nội dung

ISO 8666:2016

Small craft - Principal data

Các thông số chủ yếu của tàu thuyền nhỏ

ISO 12217-1-2015

Small craft - Stability and buoyancy assessments

Đánh giá tình ổn định và sức nổi cho tàu thuyền nhỏ

ISO 12217-2-2017

Small Craft - Stability and buoyancy - Part 2: Sailing boats of hull length greater than or equal to 6 m     

Tính ổn định và sức nổi cho thuyền buồm chiều dài thân vỏ từ 6m trở lên

ISO 12217-3-2016                   

Small Craft - Stability and buoyancy – Boats of hull length less than 6m       

Tính ổn định và sức nổi cho thuyền có chiều dài thân vỏ dưới 6m

ISO 12215-1-2000

Small Craft - Hull construction and scantlings

Kết cấu thân tàu thuyền nhỏ và kich thước các chi tiết

ISO 12215-9-2019

Small Craft-Hull construction and scantlings – Part 9 - Sailing craft  appendages 

Kết cấu thân tàu thuyền nhỏ và kích thước các chi tiết. Phần 9: Các phần nhô trên thuyền buồm

ISO-12216

Small craft - Windows, portlights, hatches, deadlights and doors

Cửa sổ, cửa lấy sáng, miệng hầm, cửa bắt chết và các cửa ra vào của tàu thuyền nhỏ

ISO 11812:2001

Small craft - Watertight cockpits and quick-draining cockpits.

Cockpit (cabin, khu điều khiển) kín nước và cockpit thoát nước nhanh

ISO 9094:2015         

Small Craft - Fire protection

Phòng chống cháy cho tàu thuyền nhỏ

ISO 9093-1:1994         

Small craft - Seacocks and through-hull fittings - Part 1: Metallic

Van thông biển và phụ tùng xuyên thân vỏ .

Phần 1 : Bằng kim loại

ISO 9093-2:2002          

Small craft - Seacocks and through-hull fittings - Part 2: Non-metallic

Van thông biển và phụ tùng xuyên thân vỏ.

Phần 2 : Vật liệu phi kim loại

 

Do tầm quan trọng của các tiêu chuẩn  ISO Small Craft , chúng ta phải xem xét trong một mục riêng biệt như thế này, một tiêu chuẩn có tác dụng rất dài lâu, và có ảnh hưởng lớn tới tàu thuyền nhỏ của nước ta. Vì đây là vấn đề quá mới, nên chúng tôi đã được tiến sĩ Albert Nazarov, một nhà thiết kế du thuyền người Nga, một cộng tác viên của Đăng kiểm Nga RMRS, hiện kinh doanh tại khu du lịch Pattaya Thái Lan giúp đỡ, tư vấn. Về bản chất, ISO Small Craft là một tập hợp các tiêu chuẩn tách rời được lần lượt ban hành và đưa vào hoạt động như các tài liệu riêng biệt, tuy nhiên, được thống nhất bởi một triết lý chung và phương pháp thống nhất trong đảm bảo an toàn. Các tiêu chuẩn phân chia tất cả các tàu thành “thuyền buồm” và “thuyền không buồm”, và áp dụng cho các tàu nhỏ có chiều dài thân vỏ từ 2,5m đến 24m. Lưu ý rằng, mặc dù các tiêu chuẩn ISO được sử dụng cho các tàu giải trí nhưng nó cũng không giới hạn áp dụng cho các loại tàu thuyền nhỏ khác. Các tàu thuyển nhỏ được phân thành 4 chủng loại thiết kế (design category, có văn bản gọi là nhóm thiết kế) như bảng sau :

Loại

 

Sóng có ý nghĩa (m)  

(significant wave)

Gió (m/s)

A

Ocean - Biển

Dưới 7

28

B

Offshore - Ngoài khơi

4

21

C

Inshore - Ven bờ

2

17

D

Sheltered - Có che chắn

Dưới 0,2 (tới 0,5m do tàu thuyền qua lại)

13

 

Tất nhiên, trong tình hình ngày nay, khi một chiếc thuyền 8m cũng có thể thuộc loại offshore, nhưng nói chung, bộ tiêu chuẩn này đã được cân nhắc khá kỹ lưỡng và tiếp tục được cải thiện.

Việc chứng nhận các tàu thuyền nhỏ theo RCD được thực hiện bởi các cơ quan có thẩm quyền, được gọi là “cơ quan khai sinh” (notified body), với số lượng hiện nay khoảng 30 đơn vị, trong đó gồm có các Đăng kiểm hàng đầu, các cơ quan tiêu chuẩn hóa của một số nước châu Âu, và các tổ chức công nghiệp khác nhau. Đồng thời, có các phiên bản chứng nhận được đơn giản hóa dựa trên “tuyên bố về sự phù hợp” (Declaration of Compliance) cho các tàu thuộc loại C và D với chiều dài dưới 12 m.

Chiếc NC-14 của hãng Jeanneau mang loại thiết kế B khi chở 12 người, thiết kế C khi chở 14 người. Được mang cấp Đăng kiểm Việt Nam HSC IV

Sự khác biệt cơ bản giữa chứng nhận RCD và công tác đăng kiểm thông thường như sau:

• Một số thủ tục chứng nhận được đề ra với một loạt lựa chọn, mà việc lựa chọn được thực hiện bởi khách hàng, tùy thuộc vào kích cỡ và chủng loại thiết kế của tàu thuyền, tính sản xuất hàng loạt của sản phẩm…

• Một con tàu sẽ được chứng nhận sau khi đóng xong;

• Chứng nhận có thể được thực hiện bằng phương pháp thử nghiệm hoặc trên cơ sở tài liệu kỹ thuật được cung cấp hoặc kết hợp cả hai;

• Tàu được chứng nhận trực tiếp và tài liệu kỹ thuật không cần được phê duyệt một cách hình thức;

• Giám sát việc đóng tàu của tổ chức chứng nhận là tùy chọn, không bắt buộc;

• Các yêu cầu về khối lượng các chứng nhận sẽ trở nên phức tạp hơn cùng với sự gia tăng kích thước của tàu (và giá trị của con tàu);

• Tàu có thể nhận được giấy chứng nhận phê duyệt chủng loại;

Cách xử lý vấn đề như trình bày ở trên  này cho phép ta giảm chi phí trong việc chứng nhận tàu thuyền nhỏ đến giới hạn hợp lý, phù hợp với kích thước và giá trị của chính con tàu. Đối với những người hâm mộ phương pháp tiếp cận nghiêm ngặt, từ kinh nghiệm thực tế, người ta thấy rằng, các tiêu chuẩn ISO Small Craft cũng khá nghiêm ngặt và chỉ có một con tàu được thiết kế kỹ lưỡng mới có thể đáp ứng được. So với hệ thống xét duyệt phân cấp thông thường của Đăng kiểm, chi phí xét duyệt RCD đã được giảm thiểu đáng kể nhờ vào các yếu tố: thay thế một phần các bộ hồ sơ kỹ thuật tốn kém bằng các check-list và các thử nghiệm thực tế, giảm chi phí giám sát từng bước công việc, bỏ việc xét duyệt từng thành phần trang bị của thuyền (chứng chỉ CE cho một số loại thiết bị là đủ) và bỏ đi một số  thủ tục khác tưởng chừng nhằm tăng tính an toàn nhưng trên thực tế là thừa thãi và chỉ làm tăng chi phí phê duyệt.

Chiếc Merry Fischer mang loại thiết kế C cho 9 người và D cho 9 người. Được mang cấp Đăng kiểm Việt Nam HSC IV

Vậy, tiêu chuẩn hóa theo ISO là gì? Thông thường, khi chúng ta làm việc với Đăng kiểm, kể cả Đăng kiểm nước ngoài, ta thường hiểu đó là tiêu chuẩn hóa hệ thống chất lượng doanh nghiệp, là ISO-9001 mà các xưởng đóng tàu thường trưng ra khi giới thiệu năng lực của mình. Đây là một ISO khác, một  nhóm tiêu chuẩn ISO Small Craft chứa các phương pháp kỹ thuật rành mạch để ước tính các thông số của các tàu thuyền nhỏ với các yêu cầu kỹ thuật rõ ràng. Trước hết, đây là những yêu cầu về tính  ổn định, về mạn khô (chính xác hơn đó là chiều cao ngập nước – downflooding height) và sức nổi dự trữ, được xác định theo tiêu chuẩn ISO12217. Theo kinh nghiệm, các yêu cầu của tiêu chuẩn này mang tính quyết định trong việc chỉ định chủng loại thiết kế tàu trong 90% trường hợp.

Các tiêu chuẩn của nhóm ISO12215 áp đặt các yêu cầu đối với vật liệu và kết cấu  của tàu thuyền nhỏ. Sau nhiều năm ứng dụng thử nghiệm, vào năm 2008, một tiêu chuẩn ISO12215-5 đã được áp dụng, nhằm chuẩn  hóa sức bền thân  tàu và đưa ra một bộ phương pháp hoàn chỉnh để tính toán và đánh giá thực nghiệm sức bền  của vỏ tàu. Ưu điểm của tiêu chuẩn này, theo quan điểm của các nhà thiết kế, đó là sự thống nhất tải trọng thiết kế cho các kết cấu tàu  được làm từ các vật liệu khác nhau (thép, nhôm, gỗ, nhựa), khả năng xác định các đặc tính cường độ của vật liệu composite bằng cách tính toán hoặc sử dụng kết quả thử nghiệm mẫu, khả năng tính toán các cấu trúc đa lớp (sandwich) phức tạp… Mặc dù tiêu chuẩn này được áp dụng cho tàu thuyền giải trí, nhưng nó hoàn toàn có thể áp dụng cho các tàu nhỏ thuộc các chủng loại khác (trừ tàu cá). Tiến sĩ Albert cho biết, trong phiên bản sơ bộ ban đầu của ISO12215-5 có các tài liệu tham khảo về việc sử dụng nó cho các tàu thuyền nhỏ đặc biệt, nhưng điều khoản này không có trong phiên bản cuối cùng. Được xác định theo ISO12215-5, tải trọng thiết kế và các đặc tính của các yếu tố kết cấu vượt quá so với các yếu tố được xác định bởi các quy phạm của Đăng kiểm. Ngoại lệ duy nhất có lẽ là tiêu chí về độ dày tối thiểu của lớp vỏ ngoài của đáy đối với các cấu trúc ba lớp làm bằng sợi thủy tinh trong các quy phạm của Lloyd’s về tàu đặc biệt SSC, nhưng đừng quên rằng, trường hợp này chủ yếu dành cho các tàu lớn hơn.

Ngoài hai tiêu chuẩn quan trọng về ổn định và kết cấu trình bày ở trên , ISO Small Craft còn có:  tiêu chuẩn ISO12216 chứa các yêu cầu đối với cửa sổ, cửa sập và nắp đậy các lỗ khoét, tiêu chuẩn ISO11812 yêu cầu về cabin khô nhanh. Các tiêu chuẩn khác nhằm chuẩn hóa các yếu tố của các hệ thống, các yếu tố an toàn trên boong, yêu cầu về tầm nhìn từ trạm điều khiển… Một danh sách đầy đủ các tiêu chuẩn ISO Small Craft có sẵn được trình bày trên trang web chính thức của Tổ chức Tiêu Chuẩn hóa Quốc tế ISO mà các bạn có thể tìm hiểu: www.iso.org. Các tàu thuyền nhỏ, không chỉ để vui chơi giải trí, mà còn tham gia nhiều hoạt động khác, vẫn là thành phần chính trên sông biển nước ta. Bởi vậy, việc nghiên cứu ISO Small Craft và đưa nó vào áp dụng là một việc cấp thiết, không chỉ là công việc của các nhà làm luật, kỹ thuật, đăng kiểm, mà có lẽ phải bắt đầu từ nghiên cứu giảng dạy tại các trường, các viện, các cơ quan thiết kế, nghiên cứu.

Đỗ Thái Bình