Tiềm năng cho phát triển vận tải đường thủy nội địa còn rất lớn

Đó là nhận định của Tiến sĩ Phạm Xuân Dương, Hiệu trưởng trường Đại học Hàng hải Việt Nam về tiềm năng phát triển vận tải đường thủy nội địa trong thời gian tới.

Phóng viên (PV): Thưa ông, hiện có nhiều ý kiến cho rằng, đầu tư vào đường thủy nội địa từ 1- 2% so với lĩnh vực khác nhưng đem lại hiệu quả lớn. Vậy ông có đánh giá như thế nào về quan điểm này?

PGS.TS Phạm Xuân Dương: Theo báo cáo mới đây của Ngân hàng thế giới (WB) về tình hình phát triển đường thủy nội địa Việt Nam đã đưa ra 3 trụ cột: khung pháp lý, cơ cấu thể chế và nguồn tài chính. Theo tôi đây là những khuyến  cáo rất sát thực, góp phần giúp cho Chính phủ Việt Nam và các ban ngành liên quan đưa ra các chính sách phù hợp.

Hiện vận tải thủy nội địa thật sự có thể đóng góp giảm thiểu chi phí logistic, áp lực vận tải, giảm được tai nạn và áp lực cho vận tải đường bộ. Đây là những hiệu quả mà bản thân tôi và những người làm công tác đào tạo đánh giá rất cao.

Bên cạnh đó, những giải pháp mà WB đưa ra rất sát thực, nhưng tôi cũng mong trong báo cáo của WB cần có thêm phần đánh giá nghiên cứu về thực trạng cũng như chất lượng, quy mô về vấn đề đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển vận tải đường bộ và đường thủy nội địa. Đặc biệt, Báo cáo cũng nên đưa ra những khuyến cáo, giải pháp để đào tạo nguồn nhân lực sát thực với những chiến lược để sự phát triển của đường thủy nội địa và đường bộ một cách hài hòa. Đồng thời gia tăng sự phát triển về các loại hình vận tải nhằm làm giảm chi phí logistic như Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo cách đây vài tháng.

PV: Ông có thể đưa ra một số dẫn chứng về việc nguồn nhân lực có thể giúp cho đường thủy nội địa phát triển trong thời gian tới?

PGS.TS Phạm Xuân Dương: Chúng ta có thể thấy rằng, nguồn nhân lực là một trong những điều kiện để đảm bảo tất cả các chiến lược phát triển. Chính vì vậy, cần phải có những chính sách để cho các cơ sở đào tạo để phát triển bền vững hơn, sát thực với những doanh nghiệp vận tải thủy nội địa và doanh nghiệp vận tải.

Đối với quy mô đào tạo của từng ngành từng lĩnh vực một cần phải đưa ra một cách cụ thể. Các trường và cơ sở đào tạo này cần có sự đầu tư nhiều hơn cả về cơ sở vật chất, giảng viên và đổi mới chương trình đào tạo để phù hợp với yêu cầu của phát triển vận tải mà trong đó có vận tải đường bộ, đường thủy nội địa theo xu hướng phát triển hiện nay trên thế giới và yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

PV: Theo báo cáo của WB, chúng ta phát triển vận tải thủy nội địa nên bắt đầu từ cơ chế chính sách và quy định tài chính. Theo ông, vấn đề quan trọng nhất hiện nay chúng ta cần là gì?

PGS.TS Phạm Xuân Dương: Trong báo cáo của WB cũng đã đưa ra 3 trụ cột rất quan trọng để phát triển đường thủy nội địa là khung pháp lý, cơ cấu thể chế và nguồn tài chính. Thực ra cả 3 trụ cột này đều rất quan trọng và cần phải có sự đầu tư và quan tâm đồng thời thì mới có thể phát triển được các lĩnh vực liên quan đến đường thủy nội địa cũng như logistic nói chung. Trong đó, việc chúng ta phải có sự đầu tư khoa học, kỹ thuật liên quan đến sự phát triển nghề này cũng cần được quan tâm.

Do đó, chúng ta không thể đánh giá vấn đề nào quan trọng hơn vì tất cả các giải pháp này phải được triển khai một cách đồng thời thì mới có thể đạt được hiệu quả.

Hiện Việt Nam đang có cơ hội rất lớn để phát triển vận tải đường thủy nội địa, bởi hệ thống sông ngòi, kênh rạch rất đa dạng và hoàn toàn có thể phát triển lĩnh vực này một cách bền vững. Từ đó sẽ có thể giảm tải cho đường bộ rất nhiều. Đặc biệt vận tải đường thủy nội địa và vận tải biển sẽ đưa logistic của Việt Nam thực sự phát triển, giảm thiểu được chi phí và tăng hiệu quả kinh doanh.

PV: Có nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng chúng ta không thể huy động được từ nguồn vốn khác mà chỉ có thể đầu tư bằng nguồn ngân sách của Chính phủ. Ông có nhìn nhận gì về ý kiến này?

PGS.TS Phạm Xuân Dương: Trong những chỉ đạo gần đây của Thủ tướng Chính phủ cho thấy Thủ tướng có những quan tâm đặc biệt đối với sự phát triển của loại hình logistic nói chung trong đó có vận tải đường bộ, đường thủy nội địa, vận tải biển. Do đó, khung pháp lý và những thể chế mà Chính phủ đã ban hành rất phù hợp với đường lối phát triển hiện nay. Trong đó cũng có yêu cầu hài hòa giữa việc đầu tư của Chính phủ cũng như kêu gọi từ các nguồn đầu tư tư nhân.

Tuy nhiên, quan trọng hơn cả là sự đóng góp của từng thành tố trong ngành. Mỗi thành tố trong ngành đều cần có sự cố gắng chứ không phải trông chờ vào bất kỳ một đường hướng cụ thể nào. Bởi Chính phủ rất ủng hộ, Thủ tướng cũng có những chỉ đạo rất cụ thể. Do đó, chỉ cần thực hiện đồng bộ những giải pháp này thì các thành tố trong đó có cả những doanh nghiệp mà Nhà nước, tư nhân, các công ty, các cơ sở nghiên cứu cần phải chung tay đồng hành thì mới có thể triển khai thành công được.

PV: Trong Thông tư và Nghị định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có đưa ra một vấn đề của Tổng cục phòng chống thiên tai là để cấp phép cho doanh nghiệp khai thác đường thủy nội địa thì mùa mưa lũ không được hoạt động. Theo ông, điều này có gây khó để phát triển cho doanh nghiệp đường thủy nội địa không?

PGS.TS Phạm Xuân Dương: Về vận tải thủy nội địa cũng như vận tải bằng đường biển, cần có những nguyên tắc để đảm bảo an toàn cho phương tiện và an toàn sinh mạng cho người. Do đó, những quy định, quy chế đang triển khai đương nhiên tất cả các chủ doanh nghiệp và các chủ phương tiện và những người vận hàng trên đó phải tuân thủ đặc biệt nguyên tắc này. Bơi chúng ta phát triển về nghề và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh nhưng cũng phải đảm bảo cả an toàn sinh mạng của những con người trên phương tiện đó.

Do đó, những quy định này cần phải triển khai một cách nghiêm ngặt. Đơn cử như trên đường bộ, chúng ta cũng có luật đường bộ và tất cả những chủ phương tiện và con người liên quan đến nó cũng phải tuân thủ tất cả.

Vì vậy, những quy định này không gây càn trở mà còn đảm bảo an toàn sinh mạng cho con người trên các phương tiện, đồng thời đảm bảo an toàn cho chính phương tiện. Đây là một trong những điều kiện để chúng ta có thể hài hòa trong cả điều kiện kinh doanh,  tần suất hoạt động của phương tiện và đảm bảo an toàn cho con người.

PV: Xin cảm ơn ông!  

Đông Nghi