Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy: Nỗ lực vượt khó thực hiện nhiệm vụ

Năm 2020, toàn thể cán bộ, công nhân viên, người lao động (CBCNV-NLĐ) Tổng công ty đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh (SXKD) và tái cơ cấu đã đề ra”- Đây là khẳng định của ông Vũ Anh Tuấn – Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ, kế hoạch năm 2021 vào ngày 09/01 tại tỉnh Khánh Hoà.

Tới dự Hội nghị Triển khai nhiệm vụ, kế hoạch năm 2021 có Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Nhật, đại diện lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Đăng kiểm Việt Nam, Vụ Quản lý doanh nghiệp, các đối tác của SBIC.

Các đồng chí: Vũ Anh Tuấn - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Thành viên (HĐTV); Ngô Tùng Lâm - Phó Bí thư thường trực Đảng ủy; Cao Thành Đồng - Tổng giám đốc Tổng công ty chủ trì Hội nghị.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Báo cáo tại Hội nghị, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy SBIC Ngô Tùng Lâm cho biết: “Năm 2020 là một năm đầy khó khăn và thách thức đối với Tổng công ty công nghiệp tàu thủy, do chịu ảnh hưởng của thiên tai và đại dịch Covid-19 trên toàn cầu. Thị trường đóng tàu, vận tải biển đều chưa phục hồi, các đơn hàng mới với các đối tác nước ngoài ký được không lớn. Đối với thị trường trong nước, do đầu tư giai đoạn này không hiệu quả nên các chủ tàu trong nước đều dừng hoặc giãn tiến độ triển khai đóng mới. Trong bối cảnh thị trường đóng mới ngưng trệ, khối sửa chữa của các đơn vị vẫn duy trì khá đều đặn, việc đẩy mạnh hoạt động sửa chữa đã phần nào bù đắp được doanh thu thiếu hụt từ hoạt động đóng mới. Tuy nhiên, với việc khan hiếm đơn hàng cả đóng mới và sửa chữa đã ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh và quỹ việc làm của nhiều đơn vị.

Để ứng phó với những khó khăn đó, ngay từ thời điểm bùng phát dịch Covid-19, Đảng ủy, HĐTV, Ban Tổng giám đốc SBIC đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đơn vị triển khai kế hoạch công tác năm, xác định nhiệm vụ trọng tâm, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tái cơ cấu doanh nghiệp theo chỉ đạo củ Chính phủ, Bộ GTVT, Đảng ủy khối doanh nghiệp trung ương (DNTƯ).

Kết quả đạt được trong năm 2020 thể hiện mặt tích cực, sự nỗ lực, cố gắng của tập thể CBCNV-NLĐ Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy và các đơn vị thành viên đã  đồng lòng vượt qua khó khăn, thách thức để thực hiện tối đa các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh đề ra. Theo báo cáo kết quả thực hiện các chỉ tiêu như: số tàu bàn giao, giá trị sản xuất, doanh thu đều đạt mức trên 95% so với kế hoạch, toàn Tổng công ty đã giảm lỗ 115 tỷ đồng so với kế hoạch, chênh lệch doanh thu – chi phí sản xuất kinh doanh đạt 34,7 tỷ đồng, bằng 116% kế hoạch đề ra,…

Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch năm 2020, Tổng Giám đốc Cao Thành Đồng cho biết: “Tính đến hết năm 2020, tổng số lao động toàn Tổng công ty là 9.235 người, trong đó số lao động có việc làm là 8.835 người. Trước diễn biến của đại dịch Covid-19, các đơn vị thành viên của SBIC đã chủ động tìm kiếm các hợp đồng với chủ tàu trong nước để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh,. Việc ký các hợp đồng đóng mới gặp nhiều khó khăn, các chủ đầu tư giãn, hoãn tiến độ thi công, do đó các đơn vị phải chủ động tìm hướng đi mới và dòng sản phẩm mới phù hợp với nhu cầu thị trường nhằm đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động, góp phần bổ sung doanh thu kế hoạch năm 2020 của đơn vị. Năm 2020, thu nhập bình quân người lao động toàn Tổng công ty đạt 7,19 triệu đồng/người/tháng.

Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch HĐTV SBIC Vũ Anh Tuấn lĩnh hội chỉ đạo của cấp trên

Đối với ngành đóng tàu, trang thiết bị công nghệ được đầu tư quá lớn. Vì vậy, Tổng công ty đã chủ động xây dựng, giao mức khấu hao tài sản cố định theo mức độ khai thác, sử dụng của từng đơn vị hợp lý đã hỗ trợ các đơn vị khai thác tốt hơn mức độ sử dụng tài sản và phát huy tính chủ động sáng tạo cho các đơn vị. Mỗi sản phẩm đóng mới được hoàn thành và bàn giao là sản phẩm nỗ lực của tập thể người lao động tại các đơn vị để hướng tới duy trì năng lực cạnh tranh của Tổng công ty. Một số đơn vị thành viên như Công ty Đóng tàu Phà Rừng, Hạ Long đã tích cực trong công tác ứng dụng các tiến bộ khoa học trong quản lý điều hành sản xuất, nâng cao năng suất lao động ngày càng đáp ứng nhu cầu của khách hàng nước ngoài, khẳng định vị thế của Tổng công ty trên thị trường khu vực và quốc tế.

Tàu hàng 23.500 DWT được đóng mới tại Công ty Đóng tàu Hạ Long
Tàu hàng 23.500 DWT được đóng mới tại Công ty Đóng tàu Phà Rừng. Công trình chào mừng Đại hội Đảng
Tàu kéo ART8532-76 được đóng mới tại Công ty Đóng tàu Sông Cấm

Bước sang năm 2021, Lãnh đạo Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy xác định “Nhiệm vụ chính trị, trọng tâm là nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, tái cơ cấu doanh nghiệp”. Theo đó, triển khai, tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2021 theo hướng hiệu quả. Đẩy mạnh tìm kiếm thị trường đóng tàu, sửa chữa tàu, gia công kết cấu thép; tập trung vào các đối tác khách hàng nước ngoài truyền thống, phấn đấu gia tăng về giá trị sản lượng, doanh thu, hiệu quả của doanh nghiệp để tích lũy trả nợ, đồng thời tạo thêm việc làm và thu nhập cho người lao động.

Về công tác tái cơ cấu, Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy tiếp tục nghiên cứu tình hình, thực trạng các đơn vị thuộc diện giữ lại theo Quyết định 1224/QĐ-TTg, để xây dựng thêm phương án tái cơ cấu đảm bảo khả thi, giảm thiểu thiệt hại cho Nhà nước, đồng thời giúp doanh nghiệp thoát khỏi tình trạng phá sản và giúp ngành đóng tàu Việt Nam giữ lại doanh nghiệp có năng lực đóng và sửa chữa tàu, có cơ sở hạ tầng, trang thiết bị đồng bộ và đội ngũ công nhân, người lao động lành nghề.

Lãnh đạo các cấp ủy chỉ đạo chính quyền phối hợp với công đoàn tổ chức Hội nghị người lao động năm 2021, tổ chức thực hiện “Quy chế dân chủ ở cơ sở”, nâng cao chất lượng việc thương lượng ký kết thỏa ước lao động tập thể,…   

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật ghi nhận và  đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của tập thể lãnh đạo và người lao động của Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy trong năm 2020 đầy khó khăn thách thức. Theo Thứ trưởng Nguyễn Nhật: “Ngành đóng tàu Việt Nam đã có sẵn hạ tầng kỹ thuật nền tảng, thuận lợi về điều kiện địa lý, có đội ngũ kỹ sư và người lao động lành nghề với bề dày kinh nghiệm đóng mới và sửa chữa tàu biển cho nhiều doanh nghiệp vận tải hàng hải trên thế giới. Chính vì vậy, Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy càng cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để giữ ngành, giữ nghề, góp phần phát triển ngành kinh tế biển theo Nghị quyết Trung ương 8 khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia. Đồng thời, Thứ trưởng Nguyễn Nhật cũng chỉ đạo các cơ quan của Bộ như Cục Hàng hải Việt Nam, Vụ Quản lý doanh nghiệp, các cơ quan liên quan hỗ trợ cùng SBIC tiếp tục tái cơ cấu doanh nghiệp cũng như tháo gỡ các khó khăn về thuế và các vấn đề khác.

Tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật, Chủ tịch HĐTV SBIC Vũ Anh Tuấn khẳng định: “Phát huy những thành tích đã đạt được trong năm qua, tập thể CNCNV, người lao động Tổng công ty sẽ nỗ lực ở mức cao nhất để hoàn thành tốt nhiệm vụ mục tiêu, công tác tái cơ cấu, củng cố sắp xếp tổ chức sản xuất hiệu quả, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy lần thứ IV nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra”.

Nhân dịp này, nhiều tập thể đơn vị và cá nhân có thành tích xuất sắc trong năm 2020 đã được lãnh đạo Tổng công ty ghi nhận, biểu dương và khen thưởng.
Một số hình ảnh tại Hội nghị:

Đoàn Chủ tịch Hội nghị

Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy - Tổng Giám đốc SBIC Cao Thành Đồng trình bày Báo cáo Tổng kết

Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Ngô Tùng Lâm trình bày
Báo cáo Công tác xây dựng Đảng
Tổng Giám đốc Công ty CP Đóng tàu Sông Cấm Đàm Quang Trung trình bày Báo cáo tham luận
Công tác thi đua khen thưởng
                              

                                                                                                   Vũ Thu Hiền