Trở lại với con tàu của Pháp bị đắm trên Vịnh Hạ Long

Lâu nay, những người dân chài thường truyền tai nhau câu chuyện có một con tàu chiến của Pháp bị đắm trên Vịnh Hạ Long, nhưng không ai rõ con tàu đó tên là gì và đắm vào năm nào.

Hạ thủy tàu Sully tại La Seyne năm 1901 (Nguồn: http://forummarine.forumactif.com)

Trên báo Quảng Ninh ngày 23/9/2012, tác giả Đại Dương trong bài viết “Đáy Vịnh Hạ Long có gì” có đưa thêm một số thông tin về chuyện này: “Thời người Pháp chiếm đóng khu mỏ Quảng Ninh, mặc dù có tàu sắt tiên tiến, hệ thống thiết bị phục vụ đi biển tốt kèm theo, nhưng người Pháp vẫn để xảy ra các vụ đắm tàu trên Vịnh Hạ Long. Tại khu vực biển gần hòn Con Cóc và làng chài Cửa Vạn có một con tàu sắt thời Pháp bị đắm. Mấy năm qua, thậm chí đến gần đây vẫn có một nhóm người Hải Phòng đưa thiết bị ra lặn xuống cắt lấy sắt để bán”.

Trong quá trình tìm hiểu những bức ảnh cũ về Vịnh Hạ Long, chúng tôi cũng tìm kiếm được 3 bức ảnh tương đối giống nhau về một con tàu bị đắm trên Vịnh. Song, việc giải thích sự việc có rất ngắn gọn và không rõ thời gian con tàu đắm. Thông tin duy nhất biết được tên con tàu là “Sully”.

Tàu Sully ở Toulon trước khi rời Viễn Đông (Nguồn: http://forummarine.forumactif.com)

Và câu chuyện về chiếc tàu Sully chỉ thực sự khai mở khi chúng ta đọc được những tường thuật trong cuốn “Đông Dương ngày ấy” của Claude Bourrin, in lần đầu ở Sài Gòn năm 1940 và được Lưu Đình Tuân dịch, xuất bản năm 2016 do NXB Thanh niên ấn hành.

“Đông Dương ngày ấy” là cuốn sách có tính chất “hồi ký” kể về những điều mắt thấy tai nghe của Claude Bourrin khi ông này làm việc ở Đông Dương trong thời gian từ 1898 đến 1908. Riêng sự kiện về con tàu Sully được Claude Bourrin kể rất kĩ trong chương “Năm 1905”.

Bourrin cho biết như sau: “Ngày 8/2/1905, ông Spas nhận được điện tín của một nhân viên thu ngân ở Vịnh Hạ Long, báo tin chiếc tuần dương hạm Sully trưa hôm đó bị vỡ toang bụng trong khi va phải hòn Carnot trong hẻm Henriette. Bức điện cho biết, tình hình chiếc tàu rất nguy ngập nhưng không cho biết ai có bị sao không”.

Tàu Sully trên Vịnh Hạ Long (Nguồn: http://forummarine.forumactif.com)

Như vậy, chiếc tàu Sully bị đắm vào 1905. Theo nhiều tài liệu khác, con tàu đắm vào 7/2/1905. Ở đây cần nói thêm, hòn Carnot chúng ta gọi là hòn Ca-nô và và hẻm Henriette chúng ta gọi là hòn Sà Lan. Cả 2 hòn này đều thuộc Thị xã Hồng Gia trước đây, nay là Vịnh Hạ Long - TP Hạ Long (Căn cứ theo Quyết định số 372-NV ngày 27/3/1968 về Sửa đổi và thống nhất tên gọi của các hòn đảo, cồn, đỉnh, núi, cửa, bến, vịnh, luồng, lạch, sông, cái, mũi, ghềnh, bãi, chương,… của miền Bắc, do Bộ trưởng Bộ nội vụ Ung Văn Khiêm ký). Ngày nay, tên gọi hòn Ca-nô và hòn Sà Lan ít được sử dụng, song cũng như tác giả Đại Dương nói ở trên, cùng với những thực tế chứng kiến trên vịnh và so sánh hình núi đá đằng sau con tàu đắm trong bức ảnh chúng ta có thể dự đoán, nó hoàn toàn nằm ở khu vực gần hòn Con Cóc và làng chài Cửa Vạn. Nơi mà ngư dân làng chài thường gọi là vụng tàu đắm.

Claude Bourrin cho biết thêm về nguyên nhân đắm của con tàu: “Trong vịnh Hạ Long, cảnh chiếc Sully bị một hòn đá ngầm cắm vào chính giữa, theo đúng nghĩa đen của từ này trông thật tan hoang. Đó là một chiếc tàu mới tinh, theo người ta nói, trị gia 32 triệu franc. Theo những thông tin đầu tiên chúng tôi nhận được khi cập mạn vào chiếc Gueydon, không có thiệt hại về nhân mạng. Gueydon cũng là tuần dương hạm, lúc đó đang cùng chiếc Assas tới cứu hộ cho con tàu cùng hạm đội mắc cạn”.

Tàu Sully đang chìm trên Vịnh Hạ Long (Nguồn: http://forummarine.forumactif.com)

Tàu Sully chìm trong sự bất lực của thủy thủ (Nguồn: www.aavh.org)

Theo thông tin từ một diễn đàn hải quân của Pháp (http://forummarine.forumactif.com), tuần dương hạm Sully bắt đầu đóng từ năm 1899 và hạ thủy vào 4/6/1901. Năm 1904, nó được điều sang Đông Dương. Tàu tuần dương Sully có trọng lượng 10. 000 tấn và chiều dài là 139,70 mét. Con tàu không thể giải cứu, vũ khí và trang thiết bị được sơ tán trước khi nó đắm hẳn.

Theo những gì Claude Bourrin kể thì con tàu Sully mắc cạn tương đối lâu rồi mới đắm hẳn, bởi khi nó bị mắc vào đá, các tuần dương hạm còn đến giải cứu và chính Brounlin cũng đã lên tàu: “Chúng tôi dùng ca nô nhỏ chạy tới chiếc Sully. Tới nơi, chúng tôi vất vả lắm mới leo lên được. Một sĩ quan nói với tôi rằng ở trên một con tàu như thế này là không thận trọng và người ta đã quyết định đúng khi sơ tán thủy thủ sang chiếc Gueydon. Trên chiếc Sully chỉ còn lại chỉ huy và ban tham mưu cùng vài người để làm thủ tục nếu chiếc tàu bị gãy làm đôi khi thủy triều xuống”.- Bourrin thuật lại.

Và cuối cùng số phận con tàu được Bourrin viết trong sự bỏ rơi cùng với chiếc cờ ba sắc của Pháp: “Không còn thủy thủ, chiếc tàu đã có vẻ như bị bỏ, chỉ còn lại lá cờ ba sắc ở đuôi tàu và những đốm xanh của nững cây cọ trang trí trên boong chỉ huy”. “Vài tháng sau, chiếc Sully coi như bị đắm”.Như vậy, tàu tuần dương hạm Sully của Pháp vĩnh viễn nằm lại đáy biển Hạ Long – nơi mà những người dân chuộng hòa bình- độc lập thường không muốn có xự xuất hiện của những con tàu quân sự cưỡng bức xuất hiện tại nơi này.

Claude Bourrin là công chức Pháp làm việc ở An Nam (Việt Nam), đồng thời là một nhà văn, nhà viết kịch. Bourrin đến Hải Phòng năm 1898, làm nhân viên thuế quan. 1927, Bourrin làm giám đốc Nhà hát lớn Hà Nội. Sang 1928, làm giám đốc 3 nhà hát lớn Hà Nội, Hải Phòng và Sài Gòn. Bourrin đã xuất bản nhiều cuốn sách về Việt Nam như: Le Vieux Tonkin 1884-1889 (Xứ Bắc Kì xưa 1884-1889)- NXB Aspar SàiGòn 1935; Le Vieux Tonkin 1890-1894 (Xứ Bắc Kì xưa 1890-1894)- NXB Aspar SG. 1941; Choses et gens en Indochine 1898-1908 (Sự việc và các nhân vật ở Đông Dương 1898-1908). SG. 1940; và cuốn Choses et gens en Indochine 1908-1916 (Sự việc và các nhân vật ở Đông Dương 1908-1916). Claude Bourrin ở Đông Dương đến 1952 thì về hẳn Pháp.

Nguyễn Văn Học