Ba Son một thuở

Nhà máy đóng tàu Ba Son – một điểm đóng tàu hiện đại đầu tiên của Sài Gòn - TP. Hồ Chí Minh tồn tại hàng trăm năm đã phải dời đi nơi khác. Hiện nay, nơi này đã ngừng đóng tàu và các hoạt động khai thác cảng biển. Mai sau, những gì về Ba Son sẽ chỉ là một khu di tích nhỏ trên đất cũ và qua những tư liệu…

Nhà máy Đóng tàu Ba Son nhìn từ sông Sài Gòn

Theo sử sách, xưởng đóng tàu Ba Son xưa kia được vua Gia Long cho thành lập để đóng thuyền trong cuộc chiến tranh với quân đội nhà Tây Sơn vào thế kỷ 18. Xưởng Chu Sư gọi nôm na là Xưởng Thủy để sửa chữa và đóng chiến thuyền là cái tên ban đầu của xưởng Ba Son. Sách “Gia Định thành thông chí” của Trịnh Hoài Đức mô tả: “Xưởng Chu Sư ở cách phía Đông thành độ một dặm dọc theo bờ sông Tân Bình (tức sông Sài Gòn) quanh theo sông Bình Trị (tức rạch Thị Nghè), là nơi chế tạo thuyền bè cùng là dụng cụ thủy chiến, xưởng dài đến 3 dặm”.

Đến những năm đầu thế kỷ 19, xưởng đã mở rộng thành một công trường thủ công lớn, nơi sản xuất, sửa chữa mọi loại chiến thuyền, nơi đặt lò đúc các loại súng lớn nhỏ bằng đồng hay bằng gang, nơi tập trung hàng ngàn nhân công với nhiều ngành chuyên môn khác nhau.

Năm 1793, chúa Nguyễn Ánh mua một chiến hạm cũ của châu Âu về cho tháo ra từng mảnh để lấy mẫu. Sau đó, với sự giúp sức của người Pháp, thủy xưởng đã đóng được 9 chiến hạm kiểu châu Âu mang tên Loan Phi, Ưng Phi, Long Ngư, Long Phượng, Long Hưng, Long Phi, Bằng Phi, Phụng Phi và Hùng Phi.

Tháng 11 năm 2015, UBND  thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu trung tâm phức hợp Sài Gòn - Ba Son, phường Bến Nghé, quận 1 do Tổng Công ty Ba Son - Công ty TNHH MTV (Bộ Quốc phòng) thực hiện và làm chủ đầu tư. 

Arsenal Sài Gòn hạ thủy tàu khoảng cuối thể kỉ 19

Ngay sau khi chiếm được thành Gia Định, vì nhu cầu cấp bách cần có nơi đồn trú và sửa chữa tàu bè nên người Pháp đã lập ngay một thủy xưởng gọi là Arsenal. Vị trí được lựa chọn chính là khu vực Xưởng Thủy của chúa Nguyễn trước đây. Ban đầu, người Pháp tạm tân trang và sử dụng chiếc ụ đất ghép ván sẵn có của triều Nguyễn để lại.

Về sau, khi chiếm thêm ba tỉnh Miền Đông Nam Kỳ vào năm Nhâm Tuất 1862, người Pháp gấp rút lập kế hoạch xây dựng Sài Gòn thành căn cứ chính tại Á Châu, đặc biệt chú trọng tới việc thiết lập một quân cảng tối tân đủ sức yểm trợ lực lượng Hải Quân của họ tại Viễn Đông, tương tự như căn cứ Singapore của người Anh hay Macau của Bồ Đào Nha. Vì vậy, ngoài việc sử dụng Xưởng Thủy cũ của nhà Nguyễn để tạm làm nơi sửa chữa tàu bè dùng cho các cuộc hành quân xâm chiếm và bình định Việt Nam, dần dần họ mở rộng quân cảng Sài Gòn thành một vị trí quan trọng có công xưởng lớn đủ khả năng sửa chữa và tu bổ cho toàn hạm đội Pháp tại Á Châu. Hơn nữa, họ còn xây dựng thêm những cơ sở tiếp vận cùng doanh trại rộng rãi và cầu tàu rộng vững chãi để yểm trợ và cung cấp mọi tiện nghi cho thủy thủ cũng như chiến hạm khi cập bến.

Ngày 23/3/1922, xưởng Ba Son đã cho hạ thủy tàu Albert Sarraut, dài 85m, rộng 12m, cao 12m, độ mớm nước 5m9, trọng tải 3.100 tấn, sức máy 1.100 mã lực

Nhận thấy việc phát triển quân cảng Sài Gòn rất cần thiết trong kế hoạch bành trướng thế lực tại Á Đông nên người Pháp đã mau chóng thông qua phần tài chính. Ngày 28/4/1863, chính phủ Pháp chính thức chấp thuận dự án tối tân hóa thủy xưởng Sài Gòn, đặt trực thuộc Bộ Hải quân. Vì Xưởng Thủy cũ từ thời chúa Nguyễn dù đã tân trang thêm nhưng vẫn chỉ là tạm bợ không đáp ứng đủ nhu cầu cần thiết sửa chữa các chiến hạm, nên đầu tiên họ quyết định thiết lập một ụ nổi (dock flottant) trên sông Sài Gòn để sửa chữa các tàu bè lớn cập cảng Sài Gòn. Ụ nổi này trị giá 2,2 triệu franc do Công ty Randolph ở Glasgow (Scotland) chế tạo, các bộ phận được sản xuất rời. Tháng 5/1863, các bộ phận rời này được chở bằng 3 chiếc tàu qua Sài Gòn để lắp ráp. Ụ có cửa lớn, có thể cho nước vào nhận chìm một phần để tàu bè ra vào dễ dàng, rồi sau đó tháo khô nước khi sửa chữa. Kích thước ụ nổi này đủ để tiếp nhận sửa chữa các tàu lớn nhất cập cảng Sài Gòn lúc bấy giờ.

Cùng với các thương thuyền bắt đầu ra vào cảng Sài Gòn, dần dần người Pháp phát triển thủy xưởng thành một công xưởng hải quân tối tân với những máy móc, tiện nghi cần thiết đủ để sửa chữa chiến thuyền cũng như thương thuyền và còn có khả năng đóng cả tàu, thuyền mới. Chiếc ụ nổi hoạt động đắc lực trong thời gian mấy thập niên đầu, nhưng về sau, các chiến hạm và nhất là thương thuyền ra vào cảng Sài Gòn ngày càng lớn và tối tân nên công xưởng cần có phương tiện sửa chữa thích hợp hơn. Do đó người Pháp bắt tay ngay vào việc xây dựng chiếc ụ lớn sửa tàu gọi là “Bassin de radoub”. Đây là chiếc ụ “chìm” sâu đào dưới lòng sông như một bể nước hình thù giống một vỏ tàu, có thể được làm ngập nước và đủ lớn để tàu bè ra vào, rồi sau đó tháo nước thành “bể khô” để sửa chữa. Chi phí xây dựng ụ chìm lên đến 7 triệu franc.

Ụ tàu khô tại Arsenal Sài Gòn đầu thế kỷ 20

Khởi công vào năm 1884, tới năm 1888, chiếc ụ chìm lớn xây bằng xi măng cốt sắt, nền và sườn lót bằng đá mới hoàn tất với kích thước dài 156m, rộng 21m, sâu hơn 10m. Ụ chìm lớn này còn dài hơn cả Arsenal ở cảng Toulon bên Pháp tới 12m. Vì tên của ụ lớn này là “Bassin de radoub”, nên sau này người Việt gọi tắt thủy xưởng là xưởng sở Ba Son.

Người Pháp thành lập Arsenal Sài Gòn không chỉ nhằm mục đích sửa chữa các tàu qua lại mà cón có thể chế tạo tàu biển. Arsenal Sài Gòn trực thuộc Hải quân, có 2.500 thợ, trong đó có 60 người Âu. Xưởng có trường học nghề với nhiều ngành: điện, nguội, mộc, đúc,... Ngoài việc sửa chữa và đóng tàu, Arsenal Sài Gòn còn nhận sửa chữa máy móc cho các nhà máy (như nhà máy đường Hiệp Hòa), cho nhà ga Sài Gòn,... Ban đầu, xưởng do toàn nhân công người Pháp hay người Trung Quốc tuyển mộ từ Hồng Kông, Ma Cao, Singapore,… đảm trách việc sửa chữa hay đóng tàu bè, còn người Việt chỉ được làm thợ phụ làm việc lặt vặt. Xí nghiệp đầu tiên mà Pháp lập ở Việt Nam là sở Ba Son… Không bao lâu,  Ba Son đã tập hợp gần nghìn thợ và “cu li”. Trong số người Việt làm trong xưởng tiện, nổi tiếng là đồng chí Tôn Đức Thắng, nhà cách mạng kiên cường, sau này là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Theo tác giả Martini: “Đến năm 1930, những tàu buôn qua lại cảng Sài Gòn đều có thể sửa chữa tại Sài Gòn hoặc ở một số cơ sở kỹ nghệ khác ngay trong thành phố Sài Gòn. Lúc này, Sài Gòn đã có 2 bể sửa tàu, một bể dài 156m và một bể dài 70m. Xưởng nổi (ụ nổi) cũng được nâng cấp, tàu 350 tấn có thể vào bể sửa chữa”.

Theo tác giả cuốn Tableau de la Cochinchine: “Xưởng Ba Son còn có thể đúc súng đại bác”. Theo GS. Trần Văn Giàu: “Trong chiến tranh thế giới nhứ nhất, Ba Son đóng được tàu 4.200 tấn, chữa được tàu dài 95m”.

Vào lúc hiệp định Geneve 1954 được ký kết, quân đội Pháp rút khỏi Đông Dương, Ba Son được bàn giao lại cho người Việt. Từ sau 30/4/1975, cán bộ, công nhân đóng tàu Ba Son luôn hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, đã sửa chữa và đóng mới tàu cùng các phương tiện nổi, đảm bảo cho quân chủng Hải quân, Cảnh sát biển hoạt động, góp phần bảo vệ vững chắc các hải đảo, thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế biển giàu tài nguyên của Tổ quốc.

Ngoài nhiệm vụ chính là đóng và sửa chữa tàu chiến, đảm bảo kỹ thuật cho lực lượng tàu của Quân chủng Hải quân, Cảnh sát biển hoạt động, Ba Son đã không ngừng phát triển đóng và sửa chữa các loại tàu vận tải biển đáp ứng yêu cầu của khách hàng kinh tế trong và ngoài nước. Mở rộng thị trường sang nhiều nước như: Nga, Ucraina, Đan Mạch, Thụy Sỹ, Tây Đức, Hà Lan, Hy Lạp, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Lào, Campuchia,... và hàng chục công ty vận tải trong nước, ngành dầu khí Việt Nam. Tổng công ty đã sửa chữa hàng trăm lượt tàu quốc tế thu về nhiều ngoại tệ cho đất nước, đã sửa chữa tại nhà máy các loại tàu hơn 30.000 tấn và sửa chữa ngoài khơi các loại tàu hơn 150.000 tấn. Ngoài người công nhân -  nhà cách mạng mở đường Tôn Đức Thắng sau là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đóng tàu Ba Son còn có nhiều cán bộ, công nhân khác có nhiều thành tích cho ngành, cho đất nước, đã được đặt tên đường tại thành phố Hồ Chí Minh, đó là: Ngô Văn Năm, Trần Đình Xu, Lý Chính Thắng, Đoàn Văn Bơ, Nguyễn Thị Nhỏ, Nguyễn Đình Chính, Nguyễn Văn Nghi, Nguyễn Bảo, Nguyễn Văn Lượng, Tống Văn Hên, Phan Văn Năm./.

Lí Học

 

Tài liệu tham khảo và nguồn ảnh:

  1. Tạp chí Xưa và Nay, số 41B, tháng 7-1997
  2. Tài liệu từ Internet: Navygermany, Delcampe.net
  3. Tài liệu từ Tổng Công ty Ba Son: http://www.basonshipyard.vn