“Bước chân trên mây” – Đôi điều đọng lại

Giải leo núi “Bước chân trên mây” do UBND huyện Trạm Tấu – Yên Bái phối hợp với báo Pháp luật Việt Nam và Công ty Hưng Việt, tổ chức cho 100 phóng viên, nhà báo của Trung ương và địa phương trên cả nước nước diễn ra từ 29/9 đến 01/10/2023 đã thành công và để lại nhiều dấu ấn cho Ban tổ chức cũng như các vận động viên tham dự. “Bước chân trên mây” là một giải đấu đã đọng lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng vận động viên Tạp chí Công nghiệp tàu thủy Việt Nam.

Tà Chì Nhù, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái

Công tác tổ chức khoa học, bài bản và chuyên nghiệp

Dù đây là giải thi đấu lần đầu tiên được tổ chức, được phối hợp giữa UBND huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái và báo Pháp luật Việt Nam, Công ty Hưng Việt, nhưng suốt từ khi chuẩn bị và khi giải đấu kết thúc đã cho thấy Ban Tổ chức giải đấu đã nghiên cứu rất kĩ lưỡng các phương án, kịch bản tổ chức để giải đấu được thành công mĩ mãn.

Cái khó nhất đối với việc tổ chức một giải đấu thể thao như leo núi chính là đảm bảo yếu tố an toàn tuyệt đối cho vận động viên và khách mời trải nghiệm. Giải leo núi “Bước chân trên mây”, các vận động viên vượt qua cung đường với cự ly khoảng 10km đường đồi núi dốc cao dần đều. Điểm xuất phát từ chân núi thuộc chòm Cang Chi Khúa, thôn Sáng Pao, xã Xà Hồ và đích là đỉnh Tà Chì Nhù ở độ cao 2.979m so mực nước biển. Tà Chì Nhù là một trong 10 ngọn núi cao nhất ở Việt Nam, xếp hạng độ cao thứ 7. Đối với những người từng đi trekking, chinh phục 10 hay 15 ngọn núi cao nhất Việt Nam đều thấu hiểu sự cần thiết bắt buộc làm thế nào để an toàn khi chinh phục các ngọn núi. Vì vậy, tính khoa học được Ban Tổ chức đưa ra rất chặt chẽ, chính xác ở chỗ, trong cung đường 10km từ chân núi lên đỉnh núi Tà Chì Nhù, Ban Tổ chức đặt 5 trạm dừng chân, tính trung bình 2km có 1 trạm. Mỗi trạm có các nhân viên y tế (chăm sóc các vận động viên), chiến sĩ bộ đội, công an (đảm bảo các vấn đề an ninh trật tự và hỗ trợ các vận động viên trong từng tình huống). Chỉ với 5 trạm đó, vận động viên đã hoàn toàn yên tâm trên đường đua. Hơn nữa, Ban tổ chức có tới gần 50 porter là những porter chuyên nghiệp và là người dân địa phương đi cùng đoàn vận động viên. Các porter vừa vận chuyển các nhu yếu phẩm cần thiết lên núi, lại vừa hỗ trợ các vận động viên dọc đường. Như vậy, cùng với 5 trạm dọc đường và bóng dáng của những porter hành quân trên đường, các vận động viên hoàn toàn yên tâm về sự an toàn khi leo núi. Trong bất kì tình huống đáng tiếc nào xảy ra, Ban Tổ chức cũng hoàn toàn chủ động đủ nhân lực, vật lực, thông tin liên lạc để giải quyết kịp thời và chính xác.

Sự linh hoạt và quyết tâm của Ban Tổ chức cũng là một phần trong sự thành công của giải. Trước ngày khai mạc 1 ngày, Hà Nội, Yên Bái và nhiều tỉnh khu vực Bắc Bộ mưa như trút nước. Ban Tổ chức và các vận động viên nín thở theo dõi tình hình thời tiết từng giờ. Nhưng rồi, dường như trời đất cũng không phụ lòng người, đến sáng ngày 29/9/2023, khi các vận động viên bắt đấu bước chân lên xe di chuyển từ Hà Nội lên Yên Bái thì trời xanh ngăn ngắt, nắng hanh vàng mùa thu làm tiết trời thêm xanh và mây thêm trắng hơn. Ông Trần Ngọc Hà – Phó tổng biên tập báo Pháp luật Việt Nam – Phó Ban Tổ chức tiết lộ rằng, kế hoạch tổ chức giải thi đấu chuẩn bị từ 2 năm trước, nay mới thành hiện thực.

Giải phong trào, kết quả chuyên nghiệp

Theo Ban Tổ chức, thông qua giải leo núi mong muốn lan tỏa hình ảnh đẹp về non sông gấm vóc, đất nước, con người Việt Nam nhằm phát triển du lịch trên địa bàn huyện Trạm Tấu và tỉnh Yên Bái. Giải leo núi cũng là nơi tăng cường sự đoàn kết, cống hiến và sáng tạo của báo giới với nhiều tác phẩm báo chí có giá trị về du lịch, phát triển kinh tế gắn với lợi thế vùng. Đây cũng là dịp tạo động lực, nâng cao nhận thức về rèn luyện sức khỏe, thúc đẩy phong trào thể thao leo núi ở Việt Nam hiện nay. “Bước chân trên mây” quy tụ 100 vận động viên là các phóng viên, nhà báo trên cả nước tham gia nên giải mang tính phong trào. Tuy vậy, nhìn vào thành tích của các vận động viên đoạt giải nhất, nhì, ba, khuyến khích của giải đấu, không ai nghĩ đó là kết quả của giải phong trào, mà như là của giải thi đấu của các vận động viên chuyên nghiệp. 

7h15 phút buổi sáng ngày 01/10/2023, tiếng còi của trọng tài khai cuộc. 100 vận động viên từ chân núi thuộc Mỏ Chì bắt đầu tranh tài. Ngay sau lệnh xuất phát của Ban tổ chức, các vận động viên đã nhanh chóng bước vào chinh phục đỉnh núi Tà Chì Nhù. Sau 02 giờ 09 phút, vận động viên Phạm Minh Thành (Đài Truyền hình Việt Nam) đã xuất sắc chạm cột mốc 2.979m và trở thành vận động viên giải Nhất nội dung nam của cuộc thi. Vận động viên Trịnh Hoàng Yên – Chánh văn phòng Hội Nhà báo tỉnh Yên Bái xuất sắc đạt giải Nhì với thời gian chỉ chậm hơn nhà vô địch 6 phút dù anh bị lạc một đoạn đường dài. Giải nhất nữ thuộc về vận động viên Trần Thu Trang - Thông tấn xã Việt Nam và giải nhì, ba của nữ thuộc về vận động viên đến từ báo Vnexpress.net

Thời gian chinh phục Tà Chì Nhù 2.979 mét trong thời gian 02 giờ 09 phút được coi là thành tích kỉ lục từ xưa tới nay, chưa ai đạt tới và cũng không ai nghĩ tới. Đối với nhiều vận động viên tham gia giải đấu, đó thật sự là một thành tích “kinh hoàng”. Bởi, với một porter chuyên nghiệp, có sức khỏe, leo núi lâu năm thì ít nhất để hoàn thành chặng đường 10km đường núi đó cũng phải mất 2 tiếng 30 phút.

Những kết quả “kinh hoàng” này không những làm cho giải đấu thêm hấp dẫn, đẳng cấp hơn mà qua đó những người ham thích môn thể thao leo núi có cái nhìn khác, chân thực, đúng đắn hơn về những người làm báo ở Việt Nam. Họ không chỉ là những người quanh năm trung thành với cây bút, bàn phím mà họ cũng là những nhà leo núi rất đáng nể đấy, rất chuyên nghiệp đấy.

Nhà báo Nguyễn Văn Học - Trưởng phòng Phóng viên Tạp chí Công nghiệp tàu thủy Việt Nam, vận động viên tham dự giải đấu, mang Tạp chí Công nghiệp tàu thủy Việt Nam lên đỉnh Tà Chì Nhù

Lan tỏa các giá trị vẻ đẹp tự nhiên của núi rừng và giá trị văn hóa của vùng đất Yên Bái

Tà Chì Nhù là ngọn núi không xa lạ với dân trekking, nhưng để lan tỏa các giá trị thẩm mĩ, giá trị văn hóa của ngọn núi này nói chung và vùng Trạm Tấu – Yên Bái nói riêng thì cần thêm nhiều tiếng nói, nhiều hình ảnh, nhiều sự cảm nhận, trong đó cần đề cao vai trò của các nhà báo.

Tà Chì Nhù nổi tiếng là “thiên đường mây”, là biển mây, là xứ sở mây. Bước chân lên đỉnh Tà Chì Nhù trong ngày trời trong, nắng vàng, bạn sẽ chứng kiến lớp lớp mây xô nhau trùng điệp, như đứng trước đại dương mây bao la. Lúc hoàng hôn, bóng mặt trời đỏ chiếu từng tia nắng xiên qua những lớp mây bồng bềnh, cảm giác Tà Chì Nhù như một lẵng hoa nổi bềnh trên một đại dương mây mênh mang vô tận. 

Tà Chì Nhù cũng nổi tiếng là xứ sở của hoa Chi Pâu. Chi Pâu – cái tên quen mà lạ, lạ mà quen. Trên Tà Chì Nhù, có một loài hoa, nói theo ngôn ngữ của các nhà khoa học là Swertia hoặc cỏ Mật Rồng hay Đại Tử Đương Dược (nghĩa là cây thảo dược có hạt lớn), là một chi thuộc họ Long đởm thảo - Gentianaceae. Loài hoa này được miêu tả lần đầu tiên vào năm 1883, là một loại thuốc dân gian truyền thống ở vùng Tây Tạng, Vân Nam và Quý Châu (Trung Quốc). Nhưng ngôn từ nghe hàn lâm quá thể đó, hẳn người dân vùng Trạm Tấu khó nhớ. Và rồi, từ một câu chuyện truyền miệng, khi có một du khách lên núi, nhìn hoa đẹp, hỏi người H’mông đây là hoa gì? Người dân thổ địa cũng chẳng biết nó tên là gì, nói hai từ tiếng H’mông là “chi pâu”, nghĩa là “không biết”, rồi người du khách ghi vào sổ đó là hoa Chi Pâu, mang về xuôi và khoe khắp thiên hạ. Cứ thế, lâu ngày thành quen, bây giờ người ta định danh loài hoa đó tên là Chi Pâu. Một hình thức bản địa hóa danh từ. Chi Pâu – tên một loài hoa đẹp mọc tự nhiên thành một cánh rừng trên đỉnh Tà Chì Nhù. Đó là một tấm áo hoa tim tím của ngọn núi, làm cho ngọn núi này thêm duyên dáng hơn, trữ tình hơn, trở thành một nét không thể thiếu cho du khách chiêm ngưỡng, chụp ảnh khi đến với Tà Chì Nhù.

Những người H’mông ở đây làm các dịch vụ: Bán hàng, porter,… cùng với những sự thật thà, nhiệt tình, chu đáo của họ chính là một nét bản sắc khiến cho Trạm Tấu trở nên đẹp hơn, lưu luyến du khách hơn. Những giá trị về cảnh quan và văn hóa trên vùng đất Trạm Tấu này lại tiếp tục được lan tỏa sau giải đấu. Còn gì tuyệt vời hơn?

Núi phải nở hoa

Núi cao là một giá trị, một tiềm năng để khai thác du lịch. Việt Nam có nhiều ngọn núi cao và đẹp, trữ tình mà hùng vĩ. Trong 10 ngọn núi cao nhất của Việt Nam hiện nay, ngoài Fansipan ở Lào Cai đã được khai thác cho du lịch tương đối tốt còn nhiều ngọn núi cao và đẹp khác vẫn phần nhiều ở dạng tiềm năng, chưa được đánh thức và phát huy triệt để giá trị vốn có. Trong đó phải kể đến Putaleng, Bạch Mộc Lương tử, Pusilung, Khang Su Văn, Tả Liên Sơn ở Lai Châu, Lảo Thẩn ở Lào Cai và với Yên Bái thì Tà Chì Nhù và Lùng Cúng cũng mới chỉ ở giai đoạn đầu của công cuộc phát triển du lịch.

Để cho “núi nở hoa”, để cho tiềm năng và các giá trị của các ngọn núi đó phát huy, phục vụ trở lại đối với con người khi khai thác du lịch thì rất cần sự đầu tư và liên kết của ba nhà: Nhà nước – Nhà đầu tư (Doanh nghiệp) và Người dân.

Trạm Tấu – Yên Bái đã đầu tư nhiều về hạ tầng, cơ sở lưu trú, các dịch vụ du lịch cùng công tác quảng bá giá trị, tiềm năng du lịch của huyện, tin rằng du lịch ở đây sẽ cất cánh. Và một ngày không xa. Tà Chì Nhù sẽ “nở hoa” cùng với sự phát triển đa dạng về các loại hình du lịch trải nghiệm, leo núi, qua đó góp phần ổn định xã hội, phát triển kinh tế tại địa phương.

Vĩ thanh

Giải đấu “Bước chân trên mây”, chinh phục đỉnh núi Tà Chì Nhù tại Trạm Tấu – Yên Bái đã khép lại. Người đoạt huy chương cũng như những vận động viên tham gia khác đều là những người chiến thắng, ai ai cũng hoan hỉ, phấn khởi trong lòng. Chiến thắng là vì 100 vận động viên đều đã về đích, đều vượt lên trên bản thân để về đích trong một giải đấu lần đầu tiên họ tham gia. Phấn khởi là vì cuộc tranh tài có quá nhiều vận động viên xuất sắc, để các vận động viên phải tâm phục, khẩu phục. Hoan hỉ là vì tham gia giải đấu, các nhà báo – vận động viên đã được đến và hiểu về mảnh đất và con người Trạm Tấu – Yên Bái, được học hỏi thêm từ những người đồng nghiệp trong hành trình chinh phục đỉnh núi và ít nhiều góp phần vào việc quảng bá các giá trị của đất và người Trạm Tấu đến với công chúng.

Nguyên Phong