Cảng biển Việt Nam: Phát triển ngày càng nâng cao
Hệ thống cảng biển của Việt Nam đang cơ bản hoàn thiện, đón những tàu container có trọng tải lớn và nhiều cảng biển lọt top những cảng container hoạt động hiệu quả nhất thế giới,… là những thông tin cho thấy cảng biển Việt Nam đang có những bước phát triển đáng khích lệ.
Năm 2022, ba cảng biển: Hải Phòng, TP.HCM và Cái Mép lọt top xếp hạng 100 cảng container có lưu lượng hàng hóa qua cảng lớn nhất thế giới do Tạp chí hàng hải Lloyd’s List (Vương quốc Anh) công bố.
Tháng 6/2023, cụm cảng Cái Mép được xếp thứ 12 trong những cảng container hoạt động tốt nhất thế giới do Ngân hàng Thế giới World Bank và Hãng tin tài chính S&P Global Market Intelligence bình chọn. Cũng tại khu vực Cái Mép – Thị Vải, cảng Gemalink đã đón được tàu container có trọng tải lên tới 232.000 DWT.
Theo Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng, khu vực cảng biển Hải Phòng hiện có 2 bến cảng khai thác tuyến châu Mỹ. Trong đó, bến cảng TC-HICT có 6 tuyến với tần suất 6 tàu/tuần, bến cảng Vip Greenport khai thác 1 tuyến. Bến cảng MPC Port còn có tàu Silver Queen (tàu Vinfast thuê) để chở ô tô xuất khẩu sang Mỹ, Canada (đã xuất khẩu được 3 chuyến). Những tháng cuối cùng của năm 2023, cảng biển Hải Phòng vẫn tấp nập tàu bè, hàng hóa. Chẳng ai có thể ngờ từ “bến sáu kho” năm nào, giờ nơi đây đã trở thành thương cảng lớn nhất miền Bắc với hàng trăm kho bãi và hàng chục cảng biển trải dài từ sông Cấm ra tận Lạch Huyện.
Theo thống kê của Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu, tính đến tháng 9/2023, tại cụm cảng Cái Mép – Thị Vải đã thiết lập được 35 tuyến tàu container quốc tế vào cảng hàng tuần (11 tuyến nội Á, 10 tuyển bờ Đông nước Mỹ, 8 tuyến bờ Tây nước Mỹ, 2 tuyến Mỹ – Canada, 4 tuyến châu Âu).
Có thể thấy được sự phát triển ngày càng nâng cao của cảng biển Việt Nam, và có được những kết quả này là nhờ những chủ trương, định hướng đúng đắn của Chính phủ và ngành GTVT.
Theo Cục Hàng hải VN, từ năm 1999, Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam lần đầu tiên được Bộ GTVT lập trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Quy hoạch này là cơ sở quan trọng cho việc phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thống nhất trên quy mô cả nước. Đây cũng là tiền đề để lập quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển giai đoạn tiếp theo từ năm 2011 – 2020 và giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Điều này làm cho quá trình thực hiện quy hoạch, những chính sách mở trong đầu tư khai thác kết cấu hạ tầng cảng biển đã tạo tiền đề thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước.
Nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực vận tải và khai thác cảng biển trên thế giới đã có mặt tại Việt Nam để hình thành các liên doanh đầu tư xây dựng và khai thác cảng biển như: Hutchison, PSA, DP World, SSA, Maersk A/S, CMA – CGM, APMT,…
Hiện nay, nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục muốn đổ tiền đầu tư, khai thác hạ tầng cảng biển tại Lạch Huyện, Liên Chiểu, Cái Mép – Thị Vải…
Theo Cục Hàng hải Việt Nam, hiện quy hoạch cảng biển đã định hướng nhiều vấn đề sẽ thực hiện trong thời gian tới. Trong đó, cảng biển được xác định là bộ phận quan trọng của kết cấu hạ tầng hàng hải, kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, cần ưu tiên đầu tư phát triển đồng bộ, hiện đại. Trong 5 loại hình kết cấu hạ tầng giao thông, cảng biển được ưu tiên lựa chọn vị trí, các loại hình khác sẽ được kết nối đồng bộ liên hoàn dựa trên những ưu thế của từng phương thức trong từng hành lang vận tải.
V.C
Bài viết liên quan
- Đạt tiêu chí cảng xanh: Thuận lợi và thách thức gì? (28/10/2024)
- Gỡ rối cho doanh nghiệp có vốn nhà nước mua bán tàu biển (09/10/2024)
- Khai thác tiềm năng vận tải thủy phía bắc (22/08/2024)
- Mở rộng giao thông đường thủy (19/07/2024)
- Cảng biển trung chuyển quốc tế của Việt Nam: Tìm cơ hội (21/05/2024)
- Tín hiệu tích cực từ các doanh nghiệp đóng tàu (19/04/2024)
- Cơ hội cho cảng biển Việt Nam (25/03/2024)
- Cơ hội phát triển ngành đóng tàu Việt Nam (21/12/2023)
- Xây dựng đồng bộ đội tàu và hạ tầng cảng biển (17/11/2023)
- Đầu tư, nâng cấp cảng biển đón tàu lớn như thế nào cho phù hợp? (19/10/2023)