Cảng Chân Mây: 20 năm xây dựng và phát triển
Ra đời từ năm 2003 với vai trò là động lực thúc đẩy sự phát triển của Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô nói riêng và tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung. Đến nay Cảng Chân Mây đã tròn 20 năm hoạt động. Từ cơ sở vật chất ban đầu chỉ có một bến với chiều dài 300m, đón được tàu 30.000DWTgiảm tải, đến nay tại khu Bến Chân Mây đã có 3 bến với tổng chiều dài 910m đón được cỡ tàu đối với tàu hàng rời 50.000DWT, tàu container có trọng tải 35.000DWT và tàu khách có dung tích toàn phần 225.000GT. Thị trường hàng hóa chủ yếu phục vụ các khu công nghiệp Thừa Thiên Huế, Quảng Trị và các khu vực Trung và hạ Lào.
Toàn cảnh Cảng Chân Mây
Với lợi thế và khác biệt của Cảng Chân Mây được thiên nhiên ban tặng khi có vùng nước sâu kín gió được che chắn bởi mũi Chân Mây đông, ít bị bồi lấp. Cửa Vịnh rộng 7km, diện tích mặt nước lớn đến 20km2, đa phần có độ sâu tự nhiên từ 9-14m, chiều dài bến cảng kéo dài vài km với hậu phương rộng mở, khu vực đất liền là đồng bằng rất thuận lợi trong xây dựng các khu hậu cần cảng. Từ Cảng Chân Mây là nơi kết nối gần nhất và thuận lợi trên tuyến hành lang kinh tế Đông Tây qua các cửa khẩu Lao Bảo và La Lay. Vị trí Cảng lại nằm cách biệt với khu dân cư nên việc vận chuyển hàng hóa từ các khu kinh tế, khu công nghiệp đi qua quốc lộ 1A vào cảng khá thuận lợi,… Dịch vụ du lịch tàu biển cũng nhiều lợi thế khi du khách tàu biển cập cảng Chân Mây sẽ có nhiều lựa chọn để tham quan các thành phố du lịch Huế và Đà nẵng, các di sản văn hóa thế giới được Unesco công nhận như cố đô huế, phố cổ hội An, tham quan dịch vụ du lịch sinh thái như hệ thống đầm phá Tam giang, Cầu Hai, Bạch Mã và hệ thống suối thác phong phú trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Việc tận dụng tiềm năng lợi thế để phát triển vươn xa luôn là niềm trăn trở thôi thúc của nhiều thế hệ lãnh đạo và người dân Huế.
Công ty Cổ phần Cảng Chân Mây đến hôm nay đã trải qua 20 năm với nhiều gian nan thử thách, gặt hái nhiều kết quả đáng tự hào, trong đó mỗi thời kỳ phát triển đều có thay đổi kiến tạo để hình thành diện mạo Cảng Chân Mây hôm nay.
Tàu hàng cập Cảng Chân Mây
Giai đoạn khởi đầu: 2003 - 2007
Ra đời từ một dự án đầu tư xây dựng cảng biển mới, được khánh thành vào ngày 19/5/2003, Cảng Chân Mây vừa phải hoàn thành các hạng mục xây dựng, mua sắm trang thiết bị vừa phải tuyển dụng đào tạo để thành lập bộ máy vận hành cảng với nhiều thiếu thốn, bỡ ngỡ. Với số lượng 70 CBCNV ban đầu, từ trong quá trình sản xuất dần dần đúc rút kinh nghiệm, xây dựng các quy trình để cố gắng hoàn thiện dịch vụ ngày càng tốt hơn.
Là đơn vị kinh doanh dịch vụ dưới sự điều hành của Ban quản lý dự án Chân Mây là đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính nên mọt số hoạt động còn nhiều thụ động, khó khăn, không bắt kịp với các cơ hội phát triển.
Với vùng hậu phương cảng chủ yếu từ các nhà máy dăm gỗ trên địa bàn và một số ở các vùng phụ cận còn thưa thớt nên lượng tàu cập cảng và sản lượng hàng hóa còn khiêm tốn. Cầu cảng không khai thác hết công suất thiết kế, doanh thu chưa đủ bù đắp chi phí, thu nhập người lao động còn ở mức thấp. Nhưng bù lại, Cảng Chân Mây luôn nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các cấp chính quyền, sự đồng hành chung thủy của những khách hàng, những đại lý tàu biển đầu tiên như Công ty cung ứng nhựa đường Adico, Công ty cổ phần Nguyên liệu giấy, Công ty cổ phần chế biến lâm sản xuất khẩu pisico huế, đại lý Vosa Đà nẵng,...Và người lao động như những chiến sỹ hăng say không mệt mỏi để xây dựng ngôi nhà của Cảng Chân Mây.
Trong nhịp sống dường như chậm rãi ấy đã có một dấu ấn làm sôi động hơn hoạt động sản xuất khi Cảng Chân Mây được Tập đoàn sản xuất quặng nhôm hàng đầu thế giới ALCAN lựa chọn là nơi lắp ráp các môdul và cấu kiện siêu trường siêu trọng vào năm 2006. Tuy dự án hợp tác không dài nhưng đã giúp cho đơn vị có những kinh nghiệm xếp dỡ các loại hàng hóa siêu trường siêu trọng, được nhiều khách hàng biết đến.

Giai đoạn chuyển mình: 2007 - 2015
Từ tháng 9/2007, Cảng Chân Mây bắt đầu hoạt động dưới mô hình doanh nghiệp với tên gọi Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Cảng Chân Mây trực thuộc Tập đoàn Vinashin nay là Tổng Công ty công nghiệp tàu thủy Việt Nam. Việc chuyển sang hình thức hoạt động doanh nghiệp với những cơ chế mới đã giúp cảng phát huy được nội lực, chủ động trong công tác sản xuất, đầu tư thêm trang thiết bị, tăng năng lực bốc xếp để thu hút nguồn hàng. Kể từ đó, Cảng Chân Mây bắt đầu có nhiều khởi sắc với những bước đi phát triển toàn diện hơn.
Từ năm 2010, sản lượng hàng hóa thông qua đạt mức 1.275.000 tấn vượt công suất thiết kế (1.000.000 tấn/năm). Đến năm 2015, mức sản lượng đạt được 2.200.000 tấn vượt 120% công suất thiết kế. Bến số 1 vừa khai thác bốc xếp một lượng hàng hóa vượt công suất thiết kế vừa phải tiếp nhận tàu khách quốc tế nên quá tải, xuất hiện tình trạng tàu chờ bến.
Đồng thời, tình hình trên địa bàn đã có nhiều thay đổi, Khu kinh tế Chân Mây phát triển mạnh mẽ, nhiều dự án lớn được hình thành, hạ tầng kết nối đường bộ từ bởi đường trục chính từ quốc lộ 1A vào đến khu vực cảng tăng thêm năng lực vận chuyển hàng hóa đến cảng.
Để giải quyết những khó khăn về tình trạng kẹt cầu bến cũng như nâng cao năng lực hàng thông qua cảng nhằm đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ kinh tế lâu dài của tỉnh thì việc đầu tư xây dựng thêm Bến số 2 càng trở nên cấp bách.
Ở giai đoạn này, song hành với việc đầu tư cho hoạt động sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường, Cảng đã không ngừng xây dựng và phát triển thương hiệu, đấy là một trong những yếu tố quyết định thành công vào sự phát triển của Cảng.
Tàu khách cập Cảng Chân Mây
Giai đoạn sau khi cổ phần hóa
Thực hiện chủ trương cổ phần hóa các công ty nhà nước, đơn vị đã chính thức chuyển sang mô hình Công ty cổ phần từ tháng 6/2015, trong đó cổ đông chi phối là Tổng công ty công nghiệp tàu thủy và các cổ đông cá nhân đa phần là cán bộ, công nhân viên công tác tại Cảng
Hoạt động của Công ty cổ phần có vốn nhà nước chi phối vừa phải đảm bảo quy định chặt chẽ của người đại diện vốn nhà nước, vừa thực hiện tính công khai thường xuyên thông tin đến với các cổ đông. Phát huy tính chủ động tự chịu trách nhiệm trong doanh nghiệp, từ đó góp phần tăng trưởng ổn định doanh thu, sản lượng.
Với những lợi thế và sự nhanh nhạy trong công tác điều hành hoạt động Cảng, Cảng Chân Mây đã chủ động liên kết với các đối tác để đầu tư mở rộng cảng, như việc hợp tác với hãng tàu Royal Caribbean theo hình thức ứng vốn đầu tư để nâng cấp Bến số 01 đủ điều kiện tiếp nhận tàu chở hàng trọng tải đến 50.000DWT và tàu khách cỡ 225.282GT để trở thành một trong những cảng biển hàng đầu trong cả nước có thương hiệu về đón tàu khách. Từ đó các hãng tàu du lịch nổi tiếng thế giới đã lựa chọn Cảng Chân Mây như Hãng Royal Caribbean, Hãng TUI Cruise, Princess Cruise, Costa Cruises hay Hãng Silversea Cruises lựa chọn Cảng Chân Mây là điểm dừng chân cố định trên chuyến hành trình.
Tàu container đang làm hàng tại Cảng Chân Mây
Bên cạnh đó, những khó khăn trong huy động nguồn lực đầu tư cũng dần được được tháo gỡ để có điều kiện khởi công Bến số 2 vào tháng 9/2018 và chính thức đưa vào sử dụng từ tháng 7/2021.
Thời điểm đưa vào hoạt động Bến số 2, Bến số 3 thì Đê chắn sóng giai đoạn 1 cũng hoàn thành đã tạo ra một diện mạo mới của Khu Bến Chân Mây tiếp cận nhiều cơ hội để tiếp nhận thêm nhiều nguồn hàng mới.
20 năm qua là một quá trình phát triển không biết mệt mỏi của tập thể cán bộ và nhân viên Cảng Chân Mây. Một số dự định được ấp ủ từ ngày đầu thành lập cảng trở thành hiện thực mà cụ thể hóa là việc mở ra được tuyến container nội địa đầu tiên từ tháng 12/2022 đánh dấu sự phát triển không chỉ cho Cảng Chân Mây mà còn cho cả tỉnh Thừa Thiên Huế. Bên cạnh đó, con đường Hành lang kinh tế Đông - Tây đến Cảng Chân Mây tuy được nhắc nhiều trước đây nhưng vẫn còn chưa rõ nét thì đến nay, Cảng Chân Mây là điểm đến tin cậy được các khách hàng nước bạn Lào lựa chọn làm nơi để xuất khẩu hàng hóa đã được chứng minh Cảng Chân Mây hiện là một khâu quan trọng trong chuỗi dịch vụ Logistics của Miền Trung và Hành lang Kinh tế Đông -Tây.
Cảng Chân Mây trải qua 20 năm hoạt động và phát triển, dù đạt được nhiều kết quả đáng tự hào nhưng vẫn còn đó nhiều khó khăn thử thách cần phải vượt qua. Tiếp bước chặng đường sắp tới, hòa chung với khát vọng, khí thế của cả tỉnh đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương Cảng Chân Mây sẽ phát huy tiềm năng thế mạnh trở thành mắc xích quan trọng không thể thiếu trong chuỗi cung ứng dịch vụ logistic của miền trung và Hành lang kinh tế Đông - Tây.
Nhìn lại chặng đường 20 năm hình thành và phát triển, các thế hệ cán bộ, công nhân viên Cảng không khỏi tự hào và xúc động. Bằng nỗ lực của chính mình, dưới sự chỉ đạo sáng suốt của Ban lãnh đạo công ty; sự hỗ trợ của các Sở, ban ngành, của Tổng công ty; sự hợp tác tốt đẹp của đối tác, Cảng Chân Mây nay đã từng bước trưởng thành và phát triển.
Hoàng Thi
Bài viết liên quan
- Lễ ký kết thoả thuận hợp tác giữa trường Đại học Hàng hải Việt Nam và trường Đại học Công nghệ Gdansk - Ba Lan (17/11/2023)
- Công nhân Công ty TNHH Đóng tàu Hạ Long trong lao động, sản xuất (17/11/2023)
- Trường Đại học Hàng hải Việt Nam khai giảng năm học mới 2023 - 2024 (20/10/2023)
- Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Xuân Sang thăm và làm việc tại trường Đại học Hàng hải Việt Nam (21/09/2023)
- CBCNV-NLĐ Công ty Đóng tàu Hạ Long trong lao động, sản xuất (21/09/2023)
- Công đoàn Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy khóa VI, nhiệm kỳ 2023 - 2028 (21/09/2023)
- Chuỗi hoạt động Hướng về cội nguồn của trường Đại học Hàng hải Việt Nam nhân kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2023) (22/08/2023)
- Đảng ủy trường Đại học Hàng hải Việt Nam sơ kết giữa nhiệm kỳ kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ trường lần thứ XXVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 (20/07/2023)
- SBIC phát động Tháng Công nhân và Tháng Hành động về an toàn vệ sinh lao động năm 2023 (23/06/2023)
- Chuyến thăm và làm việc của Ngài Kitack Lim - Tổng thư ký Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) tại trường Đại học Hàng hải Việt Nam (22/06/2023)