Chuyện của những người thiết kế tàu không số 100 tấn anh hùng

Lịch sử của đường mòn Hồ Chí Minh trên biển không chỉ nhắc đến những con tàu không số vỏ gỗ 35 tấn anh hùng, mà còn ghi nhiều đến những con tàu không số vỏ thép 100 tấn do những kỹ sư Việt Nam thiết kế và đóng mới…

  1. Nhiệm vụ phải khả thi

Kỹ sư Trịnh Xương năm nay 88 tuổi, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học tàu thủy trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải là người trực tiếp nhận lệnh chỉ đạo của Phó Thủ tướng Phạm Hùng để đóng những con tàu vỏ thép 100 tấn kể: Năm 1961, khi ông đang là Viện trưởng Viện Khoa học tàu thủy thì một hôm, Phó Thủ tướng Phạm Hùng, lúc đó là người phụ trách công tác thống nhất triệu tập, đến nhà riêng cùng với 3 cán bộ cấp cao khác là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Trần Văn Trà, Bộ trưởng Bộ Giao thông Phan Trọng Tuệ, Cục trưởng Cục cơ khí Ngô Văn Năm. Tại đây, Phó Thủ tướng  Phạm Hùng trực tiếp giao nhiệm vụ cho ông Trịnh Xương phải khẩn trương nghiên cứu thiết kế những con tàu có khả năng chở nhiều vũ khí đạn dược vào miền Nam đáp ứng yêu cầu tình hình lúc đó.  Những con tàu đó phải nhỏ gọn, tốc độ phải đảm bảo từ 10 hải lí trở lên, dễ ngụy trang nhưng đảm bảo trọng tải 100 tấn, chịu được sóng gió cấp 8, cấp 9, đặc biệt không tiếp tế trong 20 ngày đêm.

Vốn là người đã từng tham gia thiết kế và đóng tàu gỗ 35 tấn cho đoàn tàu không số chở vũ khí, đạn dược vào miền Nam, ông Trịnh Xương nhận chỉ thị của Phó Thủ tướng Phạm Hùng với một ý chí quyết tâm cao. Ngày hôm đó, ông Trịnh Xương đã có ý kiến: Vấn đề này khó, nhưng tôi cố gắng làm. Nếu có vấn đề gì thì đề nghị các anh đừng đưa ra tòa án quân sự. Để trả lời câu hỏi, Phó Thủ tướng Phạm Hùng trả lời: Nếu làm được thì cả 5 chúng ta đều là anh hùng, còn nếu không làm được thì tôi bị kỷ luật trước tiên.

Kỹ sư Trịnh Xương - Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học tàu thủy

  1. Bảo đảm bí mật đến phút cuối cùng

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Phó Thủ tướng Phạm Hùng và Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ, nhóm cán bộ của Viện Khoa học công nghệ tàu thủy do kỹ sư Trịnh Xương – tác giả phương án chủ trì cùng các cộng sự là những kỹ sư gồm: thiết kế chính Lương Văn Triết, thiết kế kết cấu Cao Bút, Đào Vũ Hùng, đã miệt mài đóng cửa trong phòng 10 ngày để có một phương án tốt nhất cho con tàu 100 tấn, đảm bảo những yêu cầu của cấp trên giao.

Ngày đó, trụ sở của Viện Khoa học công nghệ tàu thủy ở 120 Hàng Trống, gần với trụ sở báo Nhân dân. Từ khi Viện nhận nhiệm vụ đặc biệt này, bỗng nhiên có tăng cường công an gác ở khu vực cổng. Bên ngoài danh nghĩa là bảo vệ báo Nhân dân nhưng theo ông Trịnh Xương, thực chất chính là bảo vệ việc thiết kế cho tàu không số vỏ thép 100 tấn.

Kỹ sư thiết kế chính Lương Văn Triết cũng kể rằng: “Lúc đó mục đích của con tàu hoàn toàn được giữ bí mật, chỉ biết đó là tàu hàng 100 tấn, phải có tính năng vượt biển tốt, mọi việc đều nhận yêu cầu từ kỹ sư Trịnh Xương, mà kỹ sư Trịnh Xương lại nhận chỉ thị trực tiếp từ Cục trưởng Ngô Văn Năm và đôi khi gặp cả Phó Thủ tướng Phạm Hùng, Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ,..”

Chuyện đóng tàu không số đảm bảo bí mật đến phút cuối cùng. Chủ trương của Trung ương là mở đường Hồ Chí Minh trên biển, nhưng việc thực hiện đóng con tàu 100 tấn này như thế nào, thật ra chỉ có 5 người biết.

  1. Đến những con tàu 100 tấn ra khơi…

Ông Trịnh Xương nguyên là người Thanh Hóa, thuở nhỏ học trường làng, sau đi học thiết kế đóng tàu ở Trung Quốc rồi về công tác ở Viện Khoa học công nghệ tàu thủy. Trước những bài toán khó, ông thường đơn giản hóa vấn đề. Chẳng hạn, trước khi bắt tay vào thiết kế con tàu, ông Trịnh Xương nghĩ một điều đơn giản, tàu chở vũ khí sẽ giả dạng tàu cá, nó phải chở cả người, nếu địch biết lên khám, bắt được người thì làm thế nào, người trốn vào đâu? Vì thế ông mới nghĩ ra ý tưởng, trên bộ có hầm bí mật thì trên tàu cũng có hầm bí mật. Tàu 2 đáy đã xây dựng cả một căn hầm bí mật trên biển. Ý tưởng về tàu 2 đáy có hầm bí mật xuất hiện từ đấy. Về tính toán cho con tàu, một con tàu 100 tấn như thế, phải tính trọng tâm nó nằm ở đâu, vì trọng tâm tàu quyết định tất cả các hoạt động xoay xung quanh nó. Từ tính trọng tâm rồi mới tính được ổn định tàu, độ lắc. Ngày đó không có máy tính như ngày nay, chỉ dùng thước Logarit để tính toán. Khi bản vẽ sơ bộ trình lên, tính toán đưa vào thi công thì thấy rất khớp.

Thiết kế trải qua 3 bước: thiết kế sơ bộ, thiết kế kĩ thuật, thiết kế thi công. Sau 10 ngày đầu trình bản vẽ sơ bộ, được cấp trên phê duyệt, nhóm của kỹ sư Trịnh Xương bắt tay ngay vào thiết kế kỹ thuật và thi công. Chỉ trong 4 tháng, vừa thiết kế, vừa thi công, con tàu vỏ thép 100 tấn dành cho đoàn tàu không số đã ra đời. Kích cỡ, thông số kỹ thuật con tàu đã được thể hiện đầy đủ như bản vẽ đưa ra: dài 32m, rộng 6,4m, mớn nước 2,4m, số thuyền viên 12, trọng tải 100 tấn, máy Đức 225 HP. Tàu có thể chịu được sóng gió cấp 8 - 9, nhiên liệu đủ cho 20 ngày đêm. Xưởng 3, Nhà máy Đóng tàu Tam Bạc, Hải Phòng là đơn vị trực tiếp đóng mới. Tàu 100 tấn được đóng một loạt bốn chiếc tại Xưởng 3 (Nhà máy Đóng tàu Tam Bạc), sau đó đóng hàng loạt tại các nhà máy khác và khi đóng được 13 tàu thì tiếp tục chuyển bản thiết kế để đóng tại Quảng Châu (Trung Quốc).

Kỹ sư Trịnh Xương và nhóm cộng sự của ông không gì vui hơn là nhận được những ý kiến hài lòng về con tàu từ các thủy thủ của đoàn tàu không số khi họ hoàn thành nhiệm vụ lên tàu chở vũ khí, đạn dược vào Nam. Tính năng của con tàu đã đáp ứng được mọi yêu cầu về trọng tải, mớm nước, thời tiết cũng như trong chiến đấu.

(Ảnh tư liệu)

Có một chi tiết rất đáng nói trong lịch sử Đoàn tàu không số nói chung và lịch sử đóng tàu nói riêng, đó là chuyện tàu 198 bị địch phát hiện năm 1967. Kĩ sư - dịch giả Đỗ Thái Bình hiện là Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Công nghiệp tàu thủy Việt Nam có cung cấp một bài báo trên tạp chí quân sự của Mỹ kể về con tàu không số 100 tấn vỏ thép mang số hiệu 198, đại ý như sau: Ngày 11/7/1967, máy bay tuần tra Mỹ phát hiện tàu 198 chạy dọc theo bờ biển ở khu Sa Kỳ - Quảng Ngãi, mà khu vực này lại không có cảng nào. Chúng đã đeo bám, chụp ảnh, đặt ra-đa theo dõi sát sao tàu cá. Đến ngày 13/7/1967, tàu 198 thả neo cách phía đông quần đảo Hoàng Sa 50 hải lý và cách Chu Lai khoảng 200 hải lý về phía Đông Đông Bắc. Đến 16 giờ chiều, tàu 198 tiếp tục di chuyển và tới 23 giờ, tàu đột ngột chuyển sang hướng Tây Nam. Khi cách mũi Sa Kỳ 225 hải lý, tàu cá đột ngột chuyển hướng chạy thẳng về phía bờ biển. 13 giờ 9 phút ngày 14/7/1967, chỉ huy chiến dịch Market Time của Mỹ quyết định cử 5 tàu gồm USS Wilhoite, USS Gallup PG 85, USS Walker DD 517, PCF-79 và USCGC Point Orient tham gia cuộc rượt đuổi và vây bắt tàu cá. Cuộc chiến đấu giữa tàu 198 với quân Mỹ đã diễn ra. Kết quả, 2 chiến sĩ trên tàu 198 hi sinh và tàu 198 bị mắc cạn và rơi vào tay quân Mỹ. Sau đó không lâu, Mĩ mang tàu 198 về triển lãm tại bến Bạch Đằng (Sài Gòn).

Sự việc này cho thấy khả năng cơ động và tính chiến đấu linh hoạt của tàu 198 là rất lớn. Việc Mỹ đưa tàu 198 ra triển lãm, có thể hiểu không chỉ là hành động của cái gọi là “mừng thắng lợi” mà mặt khác cho thấy đối phương lúc đó cũng rất quan tâm đến kỹ thuật đóng tàu cũng như kỹ năng tác chiến của quân đội miền Bắc Việt Nam, bởi đó vẫn là những bí ẩn mà đối phương đang tìm kiếm.

Bây giờ, những người tiên phong của nhóm thiết kế con tàu vỏ thép 100 tấn cho đoàn tàu không số có người đã mất, có người còn sống nhưng cũng đã xấp xỉ tuổi 90. Họ vẫn sống và hi sinh thầm lặng như nhiều chiến sĩ cảm tử của Đoàn tàu không số. Họ, như lời của Phó Thủ tướng Phạm Hùng nói: Đúng là anh hùng (vì họ đã thiết kế và đóng mới được con tàu huyền thoại), nhưng họ không có danh hiệu anh hùng nào, đơn giản họ là những anh hùng trong lòng nhân dân./.

Lí Nguyễn