Công ty CP Đóng tàu Sông Cấm: Cải tiến kĩ thuật góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh

Công ty Cổ phần Đóng tàu Sông Cấm là một trong những đơn vị tiêu biểu của Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC). Nhờ truyền thống vững mạnh với 64 năm xây dựng và trưởng thành, Công ty đã vững vàng vượt qua những giai đoạn khó khăn nhất của ngành đóng tàu, ổn định và vững bước đi lên. Một trong những nguyên nhân của thành công đó, ngoài sự chỉ đạo, lãnh đạo của Ban lãnh đạo Công ty; sự đoàn kết, quyết tâm của toàn Công ty, đó là sự không ngừng cải tiến kĩ thuật, tìm những phương án sản xuất tối ưu, hiệu quả của CBNV Công ty.


Trong những năm gần đây, ngành đóng tàu thế giới và trong nước đã bị ảnh hưởng nặng nề do suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng hoạt động sản xuất của Sông Cấm vẫn giữ được ổn định và phát triển, các chỉ tiêu kế hoạch hàng năm đều hoàn thành với năm sau cao hơn năm trước từ 5% đến 20% và luôn được các cơ quan tài chính, ngân hàng, kiểm toán đánh giá là doanh nghiệp hoạt động SXKD có hiệu quả, không có nợ xấu, sản xuất phát triển, thu nhập của người lao động được nâng cao rõ rệt.

Tính đến giữa năm 2023, tổng số CBCNV Công ty Đóng tàu Sông Cấm gần 900 người, trong đó nhiều thợ có tay nghề cao với kinh nghiệm làm việc cũng hàng chục năm. 100% cán bộ quản lý cấp trung là các Trưởng, Phó phòng, Quản đốc, Phó Quản đốc Phân xưởng đều đã được bồi dưỡng kiến thức về kỹ năng quản trị điều hành. Hàng năm có trên 200 cán bộ công nhân kỹ thuật được đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng tay nghề và cấp chứng chỉ đăng kiểm quốc tế LLOYD, BV, DNV, NK chiếm tỉ lệ cao trong số công nhân kỹ thuật của công ty.

Kinh nghiệm 64 năm xây dựng và trưởng thành của Sông Cấm cho thấy rằng, nếu không có đổi mới, sáng tạo, cải tiến kĩ thuật trong sản xuất thì Công ty không thể tạo đươc lợi thế cạnh tranh, không thể làm ra được những sản phẩm tốt nhất, nhanh nhất, an toàn nhất và chi phí tốt nhất trong cùng một thời gian và sử dụng cùng một lực lượng lao động. Vì vậy, lao động sáng tạo, đổi mới, cải tiến kĩ thuật đã trở thành hoạt động thường xuyên và liên tục xuyên suốt quá trình hoạt động sản xuất của Công ty trong hơn nửa thế kỉ qua.

Không thể liệt kê và ghi chép hết những sự lao động, sáng tạo, cải tiến kĩ thuật của đội ngũ kĩ sư, người thợ, công nhân lành nghề của Công ty Đóng tàu Sông Cấm trong một vài trang giấy, ở đây chúng tôi chỉ xin phép giới thiệu một vài sự cải tiến nổi bật.

Thiết bị cắt tự động

Năm 2015, Kĩ sư Quách Đình Nguyên, Phó Tổng giám đốc Công ty đã báo cáo 3 đề tài khoa học với 3 sáng kiến, làm lợi cho Công ty 280 triệu đồng, đó là các giải pháp: Phương án lắp ráp và hàn hoàn thiện nắp hầm máy trên chế độ tổng đoạn; Giải pháp vận chuyển tổng đoạn tàu ATD 2412 từ công ty lên, đấu tổng thành hoàn thiện tại chi nhánh Bến Kiền; Tận dụng dầm chữ I cũ để căn kê tổng đoạn 111, tổng đoạn 114 trên xe nâng tổng đoạn và trong nhà xưởng đóng tổng đoạn.

Với phương án lắp ráp và hàn hoàn thiện nắp hầm máy trên chế độ tổng đoạn, Kĩ sư  Quách Đình Nguyên nhận thấy, trước đây nắp hầm máy được gia công bằng phần tôn boong tận dụng sau khi cắt lỗ nắp hầm máy trên tôn boong. Tấm tôn cắt ra sẽ được thi công trên bệ cong khác để đảm bảo tiến độ thi công song song giữa tổng đoạn và thiết bị. Việc thực hiện mất nhiều thời gian và phức tạp, phát sinh sai số giữa nắp hầm và tổng đoạn thân tàu do sai số giữa hai bệ khuôn khác nhau. Đứng trước vấn đề phức tạp đón, anh đã tiến hành phương thức thi công nắp hầm theo phương án mới. Đó là: Gia công nắp hầm ngay trên bệ khuôn tổng đoạn; Nắp hầm, các cơ cấu gia cường nắp hầm sẽ được lấy dấu, lắp ráp, hàn hoàn thiện theo bệ khuôn tổng đoạn. Các cơ cầu trên được lắp ráp và hàn theo một thứ tự quy trình chuẩn. Sau khi hàn hoàn thiện xong sẽ cắt và nhấc nắp hầm máy ra ngoài để hoàn thiện chi tiết và phun sơn. Quá trình thi công được tiến hành cùng với việc lắp ráp tổng đoạn nên đảm bảo độ chính xác cũng như tiến độ đề ra mà không hề ảnh hưởng đến các phần việc khác của tổng đoạn. Việc không phải gia công thêm bệ mới cũng góp phần giảm được nhân công và vật tư so với phương án thi công cũ.  Kết quả là giải pháp mới đảm bảo chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn theo yêu cầu; Giảm sai số lắp ráp và thi công nắp hầm; Nâng cao năng suất, giảm độ phức tạp khi thi công và giải pháp này có thể áp dụng cho tất cả các sản phẩm tương tự.

Cũng trong năm 2015, kĩ sư Trần Hồng Sơn của Công ty đã có 3 sáng kiến đề tài khoa học là: Chế tạo máy hút chân không để hút hạt mài và bụi sau khi phun hạt mài làm sạch tổng đoạn; Thiết kế, chế tạo khuôn uốn ống d34 dùng trên máy uốn NC của xưởng ống 1; Thiết kế, chế tạo đồ gá mẫu để gá bích ống Ø76 đảm bảo năng suất cao.

Ống cắt dùng đèn rùa cắt vát

Với giải pháp “Chế tạo máy hút chân không để hút hạt mài và bụi sau khi phun hạt mài làm sạch tổng đoạn” đã làm lợi được 100 triệu đồng. Trước đó, công ty Sông Cấm có nhập 1 máy hút chân không (dùng gió nén 7~8 BAR tạo áp suất âm) do NAUY chế tạo, nguyên lý làm việc về cơ bản là đúng, tuy nhiên, kĩ sư Trần Hồng Sơn đã phát hiện ra rằng, kết cấu lọc bụi của thiết bị là hút chân không qua 76 quả lọc bụi dạng ống nhựa mà trên chu vi của nó có vô số lỗ lọc bé ly ty (được coi là lọc bụi có kích cỡ hạt < 50 µm );  do vậy, trong điều kiện khí hậu của chúng ta có độ ẩm cao nên thực tế chỉ sau 1 - 2 ngày hút là lại bị tắc lọc, không hút được nữa mặc dù trong thiết bị có hệ thống xả gió ngược tự động làm sạch lọc. Khi đó, người thi công lại phải tháo toàn bộ thân thùng lọc để chải, sấy khô, thổi gió rồi lắp lại. Việc này phức tạp và gây khó khăn cho người thi công, tốn nhân công. Vì vậy hệ thống này gần như bỏ không gây lãng phí trong khi vẫn thiếu thiết bị hút vệ sinh trong các két tổng đoạn. Nghiên cứu giải pháp cũ, kĩ sư Trần Hồng Sơn đã thấy một số nhược điểm như: Công việc hút vệ sinh bị gián đoạn bất cứ lúc nào, chậm trễ tiến độ sản xuất; Lãng phí thời gian, nhân công tháo – sửa – lắp; Thiết bị không có hiệu quả sử dụng khi vào mùa thời tiết độ ẩm cao.

Từ đó, KS Trần Hồng Sơn đã ghiên cứu, đề xuất chế tạo và áp dụng mô hình thiết bị hút chân không kiểu trực tiếp cho công tác vệ sinh, thu gom hạt mài, bụi và tạp chất. Thực chất, giải pháp này đã thay đổi quy trình theo kiểu hút trực tiếp: bụi và khí bẩn bị cưỡng bức đi qua cyclo lọc bụi và tiêu âm rồi xả ra môi trường. Kết quả, phương pháp này không phụ thuộc vào việc tắc lọc do độ ẩm thời tiết. Thiết bị có thể hoạt động liên tục đạt hiệu quả cao. Các chi tiết cấu thành thiết bị chỉ là vật tư tôn sắt thép thông thường, giá thành chế tạo hoặc sửa chữa rất rẻ, thuận tiện.

Mối hàn rùa tự động

Hay như Kĩ sư Nguyễn Đức Triều đã đưa ra 03 giải pháp và làm lợi 240 triệu đồng, trong đó giải pháp Thiết kế chế tạo máng xả gom hạt mài và tạp chất vào thùng chứa khi vệ sinh trong các két sau khi phun làm sạch tổng đoạn làm lợi 70 triệu đồng bằng biện pháp hết sức đơn giản. Trước đây, các tổng đoạn sau khi hoàn thiện phải trải qua quá trình bắn bi (hạt mài) làm sạch và sơn. Khi bắn bi vỏ ngoài hạt mài sẽ rơi xuống sàn của nhà phun bi. Tuy nhiên, khi bắn bi trong két của tổng đoạn, hạt mài rơi xuống đáy két và che lấp diện tích bên dưới, do vậy công nhân phải vệ sinh vụn hạt mài và tạp chất, đổ qua lỗ xả đáy két hoặc lỗ công nghệ cho xả tự do xuống của nhà phun bi. Do không thể đưa thùng chứa vào sâu trong gầm tổng đoạn được (xe nâng không chui vào dưới gầm tổng đoạn được) nên tiếp theo lại phải gạt, xúc hạt mài từ nền vào thùng chứa và sau cùng là vệ sinh hút chân không làm sạch nền xưởng. Công việc này rất vất vả, bụi bẩn và tốn nhiều thời gian vì khối lượng hạt mài xả ra từ trong két là rất lớn.

Trước khó khăn đó, kĩ sư Nguyễn Đức Triều đã tìm ra phương án dùng xe nâng chuyển thùng chứa vào sâu nhất có thể dưới gầm tổng đoạn; thiết kế, chế tạo 1 máng xả có cơ cấu rung định hướng (tạo độ dốc cho máng gần với giá trị góc tự chẩy của hạt liệu rời) để hứng và tự xả hạt mài cùng các tạp chất về thùng chứa và có thể dùng xe nâng thu gom, di chuyển đi. Máng xả hạt mài này có thể di động bằng bánh xe để dễ dàng đưa vào vị trí thích hợp nhất để xả hạt mài vào thùng chứa. Kết quả, Máng xả được trang bị một cơ cấu rung 2.2 KW với độ nghiêng máng có thể điều chỉnh được theo yêu cầu đã hoạt động rất tốt, dễ dàng gom vụn hạt mài vào thùng chứa, giảm được rất nhiều công vệ sinh và hạn chế lượng bụi phát tán gây ảnh hưởng môi trường làm việc. Phạm vi áp dụng cho việc vệ sinh, thu gom hạt mài và các tạp chất sau khi phun tổng đoạn cho tất cả các tàu.

Hàn trên ống lăn

 Kĩ sư Phạm Văn Trọng – Trưởng phòng Kĩ thuật của Công ty CP Đóng tàu Sông Cấm cho biết: Kế thừa và đưa vào sử dụng hiệu quả những sáng kiến, cải tiến kĩ thuật của CBNV Công ty, thời gian qua, đội ngũ cán bộ kĩ thuật, công nhân lành nghề của Công ty dưới sự chỉ đạo của Ban lãnh đạo Công ty và sự ủng hộ, tham gia nhiệt tình của tất cả đội ngũ CBNV Công ty mà Công ty ngày càng có thêm nhiều cải tiến kĩ thuật, mang lại giá trị kinh tế cao, làm lợi hàng trăm triệu đồng. Trong đó, một số cải tiến đang được áp dụng như: Dùng đèn rùa cắt vát CNC; Hàn đạo lưu trên ống con lăn Puly; Hàn rùa tự động cụm vách; Hàn 2 đèn,…

Định hướng trong thời gian tới, Công ty tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu những công nghệ, ứng dụng KHCN ngành đóng tàu vào sản xuất, đổi mới, cải tiến kĩ thuật để tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng và tiết kiệm chi phí sản xuất. Định hướng tăng cường sử dụng các phần mềm, cải tiến thiết bị, cắt ống bằng laze, đầu tư máy hàn robot, máy cắt laze có độ chính xác cao,…

Năm 2023, Công ty CP Đóng tàu Sông Cấm có kết quả kinh doanh sản xuất đảm bảo kế hoạch đề ra và có nhiều triển vọng cho năm 2024. Năm 2023, thi công đóng mới 54 tàu, 1 tàu sửa chữa. Trong năm đã bàn giao 27 sản phẩm đóng mới, 1 tàu sửa chữa, giá trị sản lượng đạt hơn 1 nghìn tỉ đồng, bằng 140% kế hoạch năm; doanh thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh bằng 163% kế hoạch, lợi nhuận trước thuế dự kiến bằng 160% kế hoạch đề ra.  Hoàn thành kế hoạch và vượt chỉ tiêu của Công ty CP Đóng tàu Sông Cấm là kết quả tổng hòa các mối quan hệ, hoạt động trong bộ máy Công ty. Trong đó, công tác cải tiến, sáng tạo kĩ thuật của CBNV Công ty đã góp một phần nhỏ vào thành công đó. Với đà này, năm 2024, Sông Cấm sẽ tiếp tục ổn định sản xuất, hoàn thành các Kế hoạch đề ra và phấn đấu thu nhập trung bình của người lao động đạt trên 14 triệu đồng/người/tháng.

Nguyên Phong