Cục CSGT: Nỗ lực đảm bảo an toàn giao thông đường thủy

Những năm gần đây, giao thông đường thủy ngày càng phát triển, kéo theo tình trạng mất an toàn cũng như số vụ tai nạn có chiều hướng gia tăng. Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần có biện pháp chấn chỉnh nhằm đảm bảo an toàn cho loại hình giao thông này.

Hiện nay, vận tải đường thủy nội địa đang giữ đà tăng trưởng ổn định, đặc biệt là sự phát triển “nóng” của tuyến vận tải ven biển với tỷ lệ tăng trưởng rất cao, trên 250%. Đây là hạt nhân tích cực trong việc “chia lửa” cho vận tải đường bộ, cũng như phát triển vận tải theo chiến lược chung của ngành giao thông vận tải (GTVT). Thế nhưng, tỉ lệ nghịch với sự phát triển ấy, an toàn giao thông cho loại hình vận tải này lại chưa được sự quan tâm đúng mức. Đặc biệt là sự chủ quan, thiếu ý thức tuân thủ an toàn của cả chủ phương tiện lẫn hành khách.Đó là chưa kể đến tình trạng tàu thuyền vận chuyển, khai thác cát sỏi trái phép xảy ra phổ biến ở hầu hết các địa phương đã làm ảnh hưởng rất lớn đến an toàn giao thông (ATGT) đường thủy.

Bên cạnh đó, ngoài đảm nhiệm chức năng hoạt động giao thông vận tải, đường thủy nội địa còn là địa điểm để khai thác về du lịch, nuôi, trồng, đánh, bắt thủy hải sản, tổ chức các hoạt động văn hóa - xã hội. Có nhiều địa phương người dân chọn địa bàn sông nước làm nơi cư trú, làm việc, sinh hoạt. Chính sự chênh lệch về trình độ chuyên môn, nhiều người được đào tạo cơ bản, có bằng cấp học vấn và chứng chỉ chuyên môn cao, nhưng cũng có nhiều người tham gia giao thông, làm việc trên đường thủy nội địa có học vấn thấp, điều khiển phương tiện theo thói quen “cha truyền con nối”. Chính vì thực trạng này mà nhiều người điều khiển phương tiện thuỷ khi hoạt động trên đường thuỷ nội địa không chấp hành các quy định của Nhà nước.

Theo Ủy ban ATGT Quốc gia, tính đến 9 tháng đầu năm 2019, Đường thuỷ xảy ra 43 vụ, làm chết 19 người, bị thương 7 người. So với cùng kỳ năm trước, giảm 15 vụ (-25,86%), giảm 13 người chết (-40,63%), số người bị thương tăng 2 người (40%). Hàng hải xảy ra 10 vụ, làm chết 13 người, không có người bị thương. So với cùng kỳ năm trước giảm 5 vụ (-33,33%), tăng 9 người chết và mất tích (225%).

Nhằm đảm bảo công tác an toàn giao thông đường thủy, Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) đã thực hiện tổng kiểm tra, xử lý vi phạm về đăng ký, đăng kiểm với phương tiện thủy nội địa. Theo đó từ 11/ 9/2019 đến 25/10/2019, lực lượng Cảnh sát đường thủy toàn quốc đã tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm của các thuyền viên, chủ phương tiện đường thủy đặc biệt các vi phạm về đăng ký, đăng kiểm, an toàn kỹ thuật và hoán cải, sửa chữa phương tiện thủy nội địa.

Theo lãnh đạo Cục CSGT, trong đợt cao điểm xử lý lực lượng CSGT đã tổ chức hơn 8.765 ca tuần tra kiểm soát. Qua quá trình kiểm tra xử lý đã phát hiện, lập biên bản sử phạt 22.277 trường hợp vi phạm. Trong đó, lỗi đăng ký, đăng kiểm, an toàn kỹ thuật và hoán cải, sữa chữa phương tiện với mục đích khai thác tài nguyên khoáng sản đường thủy chiếm 19,6%; việc chấp hành quy định chở hàng hóa vượt quá vạch dấu mớn nước an toàn của phương tiện chưa được chấp hàng nghiêm chiếm 56,5%; vi phạm quy định về bằng, giấy chứng nhận khả năng chuyên môn (CNKNCM), chứng chỉ chuyên môn (CCCM) chiếm 8,3%, các vi phạm khác chiếm 15,6%. Kết quả này chính là cơ sở quan trọng để kiến nghị các cơ quan chức năng có biện pháp giải quyết tình trạng vi phạm an toàn giao thông đường thủy hiện này.

Bên cạnh đó, thông qua công tác kiểm tra, xử lý để Cục CSGT đã tuyên truyền, hướng dẫn cho chủ phương tiện thực hiện các quy định về đăng ký, đăng kiểm, an toàn kỹ thuật và hoán cải phương tiện; phối hợp chính quyền địa phương, các cơ quan quản lý đường thủy nội địa, cơ quan đăng kiểm tạo điều kiện cho người dân chấp hành và thực hiện nghiêm túc công tác đăng ký, đăng kiểm, hoán cải, sửa chữa phương tiện, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước đối với công tác này.

Đông Nghi