Đăng kiểm Việt Nam: Dấu ấn tuổi 55

Ngày 25/4/1964, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) ký Quyết định số 345-TL thành lập Ty Đăng kiểm trực thuộc Bộ GTVT. Đó là sự khởi đầu, là dấu mốc quan trọng để tạo dựng Ngành Đăng kiểm Việt Nam. Qua 55 năm xây dựng và trưởng thành, Ngành Đăng kiểm Việt Nam ghi dấu tuổi 55 (năm 2019) với nhiều thành tích đáng ghi nhận.

Đăng kiểm viên kiểm tra  tại hiện trường một công trình giàn khoan dầu khí

Trong bức thư  của Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam gửi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Đăng kiểm Việt Nam nhân kỷ niệm 55 năm ngày thành lập Ngành (25/4/1964 - 25/4/2019, có đoạn: Ra đời từ năm 1964, hơn nửa thế kỷ đi qua, Cục Đăng kiểm Việt Nam thực hiện sứ mệnh đảm bảo an toàn sinh mạng con người, phương tiện, tài sản và bảo vệ môi trường thông qua hoạt động đăng kiểm phương tiện đường thủy, đường bộ, đường sắt, công trình biển, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng vào bảo vệ tổ quốc. Đảng, Nhà nước, Bộ Giao thông Vận tải đã ghi nhận những đóng góp to lớn của Ngành Đăng kiểm, trao tặng cho Cục và nhiều đơn vị, cá nhân trong Ngành những phần thưởng cao quý. Thành tựu này là kết quả sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Ngành Đăng kiểm.

“Những ngày đầu, cơ quan đăng kiểm có  4 phòng chức năng với biên chế 23 người, trong đó 17 người là cán bộ kỹ thuật, đến nay, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã xây dựng được nguồn nhân lực hơn 1.200 cán bộ, công chức, viên chức đăng kiểm và đào tạo nghiệp vụ cho hàng nghìn cán bộ kỹ thuật làm công tác đăng kiểm của các sở GTVT và doanh nghiệp. Mạng lưới hoạt động đăng kiểm của Cục được mở rộng, bao gồm 24 Chi cục Đăng kiểm, 16 trung tâm thực hiện công tác đăng kiểm phương tiện giao thông đường bộ, đường thủy; đồng thời thực hiện vai trò quản lý nhà nước đối với 30 đơn vị đăng kiểm phương tiện thủy nội địa, 157 đơn vị đăng kiểm xe cơ giới với gần 320 dây chuyền kiểm định thuộc các sở GTVT và doanh nghiệp”

Kỷ niệm và đánh dấu tuổi 55, năm 2019, tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Cục Đăng kiểm Việt Nam đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đạt những kết quả tốt, trong đó có lĩnh vực đăng kiểm tàu thủy và công trình dầu khí biển. Tổng kết năm 2019, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã đạt đươc nhiều thành tích quan trọng, tiêu biểu như:

1. Tổ chức hệ thống mạng lưới đăng kiểm các phương tiện thủy nội địa, tàu biển, công trình dầu khí biển, đường sắt, phương tiện cơ giới đường bộ, xe máy chuyên dùng đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước về chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện.

2. Đào tạo và xây dựng đội ngũ cán bộ đăng kiểm, bao gồm cán bộ quản lý, công chức, viên chức, đăng kiểm viên, nhân viên nghiệp vụ các lĩnh vực đủ về số lượng, thỏa mãn tiêu chuẩn, quy định của Bộ GTVT, đảm bảo chất lượng, có trình độ chuyên môn kỹ thuật đáp ứng được yêu cầu công tác đăng kiểm trên toàn quốc.

3. Thông qua việc đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế, đã đào tạo được nguồn nhân lực có nghiệp vụ, chuyên môn cao cho cả hệ thống. Phần lớn hệ thống các đơn vị đăng kiểm có cơ sở vật chất, dây chuyền kiểm định, thiết bị hiện đại, ngang tầm với các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.

4. Xây dựng được hệ thống các phần mềm thẩm định thiết kế, quản lý nghiệp vụ, kiểm soát công tác đăng kiểm, kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện, thiết bị giao thông vận tải và dầu khí biển sử dụng trong toàn quốc. Hệ thống các phần mềm đã hỗ trợ tích cực cho công tác kiểm tra, kiểm soát, và  phục vụ công tác quản lý nhà nước của các Bộ, ngành.

5. Tạo hàng rào kỹ thuật ngăn các phương tiện, thiết bị không đảm bảo an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường nhập khẩu, sản xuất lắp ráp lưu thông, loại bỏ phương tiện hết niên hạn sử dụng. Chất lượng phương tiện, thiết bị được nâng cao, không có phương tiện bị tai nạn giao thông, sự cố lớn liên quan đến lỗi đăng kiểm kỹ thuật. 

6. Việc nâng cao chất lượng công tác đăng kiểm, kiên quyết yêu cầu các phương tiện không đạt tiêu chuẩn phải sửa chữa, khắc phục đã dần làm thay đổi nhận thức của người dân, của chủ phương tiện về việc bảo dưỡng, sửa chữa duy trì chất lượng phương tiện giữa hai kỳ kiểm định.

7. Cải tiến công tác đăng kiểm, thủ tục hành chính thường xuyên được rà soát, cải cách theo hướng loại bỏ bớt, đơn giản hóa, triển khai bộ phận một cửa theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, từng bước nâng mức dịch vụ công trực tuyến với mục tiêu tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân nhưng vẫn đảm bảo vai trò quản lý nhà nước.

8. Thường xuyên kiểm tra, phối hợp kiểm tra liên ngành với các lực lượng chức năng của Trung ương và địa phương. Việc kiểm tra, hậu kiểm, phát hiện và xử lý nghiêm, khách quan, kịp thời các vi phạm đã tạo sự chuyển biến, thay đổi về ý thức phục vụ nhân dân và vai trò, trách nhiệm của những người làm công tác đăng kiểm trong thực thi công vụ.

9. Chú trọng công tác truyền thông được, góp phần tuyên truyền pháp luật quy định về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với phương tiện, thiết bị giao thông vận tải, dầu khí biển và phòng, chống tiêu cực, kiểm soát tải trọng phương tiện, nâng cao chất lượng công tác đăng kiểm.

Mớn nước-Đăng kiểm viên tàu biển kiểm tra dấu mớn nước tại thành phố cảng Hải Phòng

“Trước những đòi hỏi thực tế, Ngành Đăng kiểm cần liên tục cố gắng và đổi mới để theo kịp sự phát triển chung của đất nước, hội nhập nhập quốc tế. Muốn vậy, chúng ta cần nhìn nhận một cách khách quan, rút ra bài học cần thiết để thay đổi thực sự từ suy nghĩ đến những hành động cụ thể. Cần tiếp tục nâng cao đạo đức nghề nghiệp, tinh thần phục vụ nhân dân và trách nhiệm cá nhân trong thực thi nhiệm vụ, tôn trọng pháp luật và quy định kỹ thuật. Thủ trưởng các đơn vị cần thường xuyên tổ chức những đợt sinh hoạt chính trị sâu, rộng trong toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động để nâng cao nhận thức, từ đó sẽ có những chuyển biến tích cực” - Ông Trần Kỳ Hình - Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam

Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức thực hiện công tác đăng kiểm chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện thủy và công trình dầu khí biển, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã thực hiện tốt việc chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, đánh giá và chứng nhận cho phương tiện, thiết bị. Cục thường xuyên cập nhật các quy định mới, bổ sung, sửa đổi của các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, công ước quốc tế; phát hành nhanh các thông báo kỹ thuật, các hướng dẫn đối với từng tàu thủy, công trình dầu khí biển trên cổng thông tin điện tử để chủ tàu có kế hoạch áp dụng. Bên cạnh đó, Cục đẩy mạnh kiểm soát công tác đánh giá và công nhận năng lực của các cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu, sản xuất công nghiệp phụ trợ, bảo dưỡng, thử nghiệm liên quan đến tàu biển. Hiện có 43 cơ sở đóng mới và sửa chữa tàu biển đã được Cục Đăng kiểm Việt Nam đánh giá và công nhận đủ điều kiện kinh doanh đóng mới, hoán cải, sửa chữa tàu biển. Đã đánh giá và công nhận năng lực 67 cơ sở cung cấp dịch vụ kiểm tra tàu biển theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Hiện đã có 141 cơ sở chế tạo sản phẩm công nghiệp tàu thủy (bao gồm 84 cơ sở trong nước và 57 cơ sở nước ngoài) đã được Cục Đăng kiểm Việt Nam đánh giá công nhận với trên 500 loại hình sản phẩm.

Việc ủy quyền và kiểm soát hoạt động của các tổ chức đăng kiểm nước ngoài  và hợp tác cùng giám sát tàu ở trong nước và nước ngoài đạt kết quả tốt. Cục ĐKVN hợp tác đăng kiểm tàu biển với các tổ chức có uy tín trên thế giới là thành viên IACS cho 256 tàu biển Việt Nam hoạt động tuyến quốc tế trong số 553 tàu hoạt động tuyến quốc tế.

Đăng kiểm viên lên tàu kiểm tra trước khi tàu rời bến

Tính đến ngày 31/12/2019 đội tàu biển Việt Nam hiện tại bao gồm 1.306 tàu với tổng trọng tải là 7,81 triệu tấn, tổng dung tích là 4,96 triệu GT.

Số lượng tàu biển hoạt động tuyến quốc tế là 550 tàu với tổng trọng tải là 6,14 triệu tấn, tổng dung tích là 3,91 triệu GT.

Hiện có 179 tàu biển đang được Cục Đăng kiểm Việt Nam giám sát đóng mới tại các cơ sở đóng tàu trên cả nước. 2.300 phương tiện thủy nội địa đã được đăng ký mới trong năm 2019.

Trong năm 2019, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã tích cực tham gia chương trình đánh giá của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) đối với ngành hàng hải Việt Nam với kết quả rất tích cực. Việc đánh giá của IMO cho thấy Cục đã hoàn thành tốt vai trò quản lý nhà nước trong công tác đăng kiểm chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện thủy và công trình dầu khí biển.

Cục đã tích cực, chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan, đặc biệt là Cục Hàng hải Việt Nam, triển khai thực hiện Đề án duy trì đội tàu biển Việt Nam trong ”Danh sách trắng” của các tổ chức hợp tác việc kiểm tra nhà nước tại cảng biển (PSC MOU) có hiệu quả, đạt được mục tiêu đề ra. Đội tàu biển Việt Nam luôn được duy trì trong Danh sách trắng từ năm 2014 đến nay. Cục Đăng kiểm Việt Nam luôn được các  PSC MOU đánh giá xếp hạng trong tốp 10 tổ chức đăng kiểm thực hiện chức năng tốt nhất thế giới. Cục đã hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch Hiệp hội các tổ chức Đăng kiểm tàu thủy châu Á (ACS), Hiệp hội các tổ chức giám sát kỹ thuật và phân cấp tàu thủy quốc tế (TSCI) trong năm 2019.                                                                               

Lí Nguyễn