Đóng tàu Sông Cấm luôn nỗ lực vươn cao, bay xa

65 năm với nhiều thăng trầm, khó khăn nhưng với sự nỗ lực, sự đoàn kết nhất trí từ tất cả các CBCNV-NLĐ, Công ty CP Đóng tàu Sông Cấm ngày càng vững mạnh, vươn cao và bay xa.

Công ty CP Đóng tàu Sông Cấm trước đây là một xưởng sửa chữa tàu, thuyền nhỏ của nhà tư sản dân tộc Bạch Thái Bưởi. Vào những năm 1930 do không cạnh tranh được với các nhà tư bản nước ngoài nên Bạch Thái Bưởi bị phá sản, phải nhượng lại xưởng cho một chủ tư bản người Pháp tên là Sopha. Sau khi giải phóng Hải Phòng ngày 13/5/1955, một số nhà công thương Việt Nam đã hùn vốn mua thêm máy móc thiết bị, thuê công nhân để sản xuất các mặt hàng: phụ tùng xe đạp, máy làm ngói, đóng sà lan 30 tấn bằng công nghệ tán đinh rive,…

Ngày 28/5/1959 theo Quyết định số 152 của Ủy ban hành chính thành phố Hải Phòng công nhận: Xí nghiệp Hải Phòng cơ khí tại địa chỉ số 47 (nay là số 8) Chi Lăng – Thượng Lý – Hồng Bàng – Hải Phòng là xí nghiệp công tư hợp doanh. Tháng 3/1961, UB Hành chính thành phố quyết định sáp nhập Xưởng đóng tàu II với Hải Phòng Cơ khí lấy tên là Cơ khí Hải Phòng và chuyển giao xí nghiệp cho Bộ Giao thông vận tải quản lý và trở thành xí nghiệp quốc doanh của Trung ương, với nhiệm vụ chủ yếu là đóng mới và sữa chữa các loại sà lan, tàu.

Đoàn Chủ tịch Hội nghị Tổng kết 2023 - 2024
Lãnh đạo Tổng Công ty chứng kiến và chúc mừng Lễ ký Thoả ước lao động tập thể giữa  Tổng Giám đốc Công ty
và Chủ tịch công đoàn Công ty
 Đoàn Chủ tịch Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024

Đến tháng 3/1983, xí nghiệp được đổi tên thành Nhà máy Đóng tàu Sông Cấm. Đến năm 2007, thực hiện chủ trương đổi mới doanh nghiệp nhà nước, Nhà máy đã tiến hành cổ phần hóa. Từ năm 2008 Nhà máy trở thành Công ty CP Đóng tàu Sông Cấm như ngày hôm nay.

Những năm kháng chiến chống Mỹ, do nhà máy nằm sát cầu Quay với hai tuyến đường sắt và bộ, có vị trí quan trọng cả về kinh tế và quốc phòng nên trở thành một địa điểm bị bắn phá thường xuyên của máy bay Mỹ. Tuy nhiên,  nhà máy vẫn  giành được những thành tích đáng tự hào trên mọi mặt hoạt động. Đó là tiền đề về vật chất và tinh thần cho nhà máy bước vào thời kỳ hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục sản xuất sẵn sàng chiến đấu và chiến thắng.

Sau thời gian khôi phục và phát triển nhà máy đã tạo được thế đứng vững vàng  để bước sang thời kỳ thử thách mới.
Năm 1972, Mỹ tiếp tục leo thang đánh phá miền Bắc. Ngày 18/5/1972 cũng là ngày lịch sử đáng ghi nhớ, máy bay địch từ nhiều hướng, bất thần lao xuống đánh phá nhà máy. Ngay lập tức các trận địa pháo cao xạ của tự vệ nhà máy đồng loạt bắn trả. Bằng lưới lửa nhiều tầng, nhà máy đã bắn rơi một máy bay phản lực A7 và phối hợp với các đơn vị bạn bắn rơi một số máy bay  của Mỹ, đó là sự kiện làm nức lòng cán bộ, công nhân nhà máy. Với thành tích này  tiểu đoàn tự vệ nhà máy được tặng cờ “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” của Quân khu Ba và Huân chương Chiến công hạng Ba.

Tổng Giám đốc Công ty Sông Cấm Đàm Quang Trung thăm hỏi, tặng quà người lao động
Tổng Giám đốc Đàm Quang Trung  và Chủ tịch Công đoàn Nguyễn Đức Triều Công ty Đóng tàu Sông Cấm
tặng quà cho CNLĐ

Trong nhiều trận chiến đấu quyết liệt với kẻ thù, nhà máy xuất hiện nhiều tấm gương chiến đấu dũng cảm, hy sinh quên mình vì nhà máy, vì Tổ quốc thân yêu.

Đến tháng 3/1983 xí nghiệp được đổi tên thành Nhà máy Đóng tàu Sông Cấm . Năm 1986, trong bối cảnh kinh tế - xã hội không ổn định, nhà máy gặp nhiều khó khăn. Để khắc phục, lãnh đạo nhà máy đã từng bước vận dụng thực hiện cơ chế mới, khắc phục tồn tại của cơ chế bao cấp, chuyển sang cơ chế hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa. Nhờ đó nhà máy đã hoàn thành kế hoạch nhiều năm liền. Vượt qua thời kỳ khó khăn này, nhà máy đã tự chủ trong sản xuất - kinh doanh, tiếp tục đổi mới và hội nhập.

Tuy nhiên, lãnh đạo và cán bộ công nhân nhà máy không chủ quan, thoả mãn với những kết quả đã đạt được, sớm thấy những hạn chế trước thách thức mới.

Đại hội Đảng bộ nhà máy lần thứ 28 đã thẳng thắn chỉ rõ: Năng lực sản xuất, kỹ thuật lao động của nhà máy, một số mặt vẫn chưa đáp ứng yêu cầu cao của thị trường đóng mới và sửa chữa đa dạng hiện nay, nhất là các loại tàu có trang thiết bị hiện đại, tàu cao tốc, tàu vỏ hợp kim nhôm,… Từ những nhận định và định hướng kịp thời đó, bằng sự nỗ lực của tập thể cán bộ, người lao động của nhà máy đã tiếp cận và đóng mới nhiều tàu có yêu cầu công nghệ mới đảm bảo chất lượng tốt được các đối tác đánh giá cao.

Từ năm 1980 quy mô sản xuất của Nhà máy được mở rộng, từng bước được đổi mới công nghệ, thiết bị máy móc, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho cán bộ, công nhân viên. Công ty đã đủ năng lực đóng mới các loại: tàu kéo sông biển từ 150CV đến 980CV, tàu hàng pha sông biển 650 tấn, tàu chở khách từ 200 đến 300 khách, sà lan từ 150m3 đến 300m3; đóng 2 tàu vận tải 140 tấn cho nước cộng hòa dân chủ nhân dân Lào;; đặc biệt từ năm 1985 đến 1989 Công ty đã hoàn thành dự án đóng mới 40 sà lan 240 tấn trị giá 15 triệu USD theo chương trình hợp tác giữa Việt Nam - Thụy Điển; tham gia chế tạo cột điện cho đường điện 500KV Bắc Nam được cố thủ tướng Võ Văn Kiệt khen ngợi.

Từ năm 1995, trước yêu cầu bảo vệ Tổ Quốc trong giai đoạn mới, Nhà máy đã được Bộ Quốc Phòng, Bộ GTVT, Liên hiệp Khoa học Đóng tàu Việt Nam giao cho đóng loạt tàu tuần tra cao tốc vỏ thép, vỏ hợp kim nhôm thay thế cho việc phải nhập khẩu từ nước ngoài, tàu hàng quân sự từ 450T-650T phục vụ công trình tại đảo Trường Sa. Khi nhà nước chuyển sang cơ chế thị trường định hướng XHCN, Công ty đã chủ động, mở rộng các hình thức liên doanh liên kết với các đơn vị kinh tế trong và ngoài nước, đa dạng hóa sản phẩm, đầu tư theo chiều sâu, từ đó Công ty không ngừng vươn lên đóng mới nhiều loại tàu có tính năng phức tạp, chất lượng cao phục vụ cho giao thông vận tải, quốc phòng và xuất khẩu như: tàu tuần tra cao tốc cho Bộ tư lệnh bộ đội biên phòng, Tổng Cục hải quan; tàu hoa tiêu, tàu tìm kiếm cứu nạn cho Cục hàng hải Việt Nam, tàu khảo sát luồng, tàu cứu thương xuất khẩu cho Irăc, tàu kéo cho Singapore, tàu du thuyền, tàu du lịch cho chủ tàu người Pháp.

Đặc biệt vào năm 2002, với uy tín về chất lượng của các dòng tàu đã thi công,  Công ty đã ký hợp đồng đóng mới 05 tàu tìm kiếm, cứu nạn (SAR 27, SAR41) cho  tập đoàn đóng tàu DAMEN - Hà Lan. Sau thành công của dự án này, cán bộ công nhân viên Nhà máy đã đạt được trình độ quản lý, chuyên môn kỹ thuật và chất lượng sản phẩm để thi công các sản phẩm xuất khẩu có yêu cầu khắt khe về chất lượng của các đăng kiểm quốc tế như LR, BV. Chính vì vậy tập đoàn đóng tàu Damen của Hà Lan đã tin tưởng, tiếp tục hợp tác với Công ty đóng mới rất nhiều các sản phẩm tàu thương mại dịch vụ như tàu kéo, tàu cao tốc, tàu dịch vụ dàn khoan dầu khí… xuất khẩu cho các nước Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Úc.  Từ năm 2005 đến nay Công ty  đã hợp tác toàn diện với tập đoàn Damen với 100% các sản phẩm là tàu xuất khẩu có chất lượng cao.

Trong mối quan hệ hợp tác với tập đoàn Damen của Hà Lan, lãnh đạo của hai bên luôn thể hiện sự trân trọng, tin tưởng lẫn nhau và mong muốn tiếp tục duy trì, phát triển quan hệ thành những đối tác  chiến lược lâu dài trong tương lai. Để hiện thực mong muốn đó, hai bên đã đi đến quyết định thành lập liên doanh Damen – Sông Cấm tại Hải Phòng là một trong nhưng trung tâm của của nghành công nghiệp tàu thủy Việt Nam. Được sự chấp thuận của Tập đoàn CNTT Việt Nam (nay là Tổng công ty CNTT). Ngày 29/9/2011, Công ty đã chính thức ký kết hợp đồng liên doanh với Tập đoàn Đóng tàu Damen, thành lập công ty liên doanh Damen - Sông Cấm. Từ đầu năm 2012, liên doanh đi vào xây dựng trên mặt bằng khu đất dự án tại xã Hoàng Động, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng. Đến ngày 20/3/2014 Công ty TNHH đóng tàu Damen- Sông Cấm đã chính thức đi vào hoạt động. Sự kiện này đánh dấu bước ngoặt cho sự hợp tác và phát triển bền vững, lâu dài giữa Công ty CP đóng tàu Sông Cấm và tập đoàn Damen – Hà Lan.

Đoàn CBCNV-NLĐ Công ty Đóng tàu Sông Cấm vào Lễ đền thờ Bác Hồ tại Nam Đàn, Nghệ An
Đoàn CBCNV-NLĐ Công ty Đóng tàu Sông Cấm vào thăm nhà Bác Hồ tại Nam Đàn, Nghệ An
Đoàn CBCNV-NLĐ Đóng tàu Sông Cấm chụp ảnh lưu niệm cạnh tượng đài  Bác Hồ tại Nam Đàn, Nghệ An

Bước vào những năm đầu của thế kỷ 21, đất nước đi vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, mở cửa và hội nhập ngày càng sâu rộng hơn với các nước trong khu vực và thế giới. Cùng với việc đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật, nhà máy đã chú trọng bồi dưỡng nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, công nhân. Với kết quả của việc đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, nhà máy có thể đóng được những sản phẩm có yêu cầu kỹ thuật cao, phức tạp, như tàu vỏ hợp kim nhôm, tàu cứu nạn trên biển.

Thực hiện chiến lược phát triển của ngành đóng tàu, ngày 30/7/2007, nhà máy chuyển đổi thành Công ty Cổ phần đóng tàu Sông Cấm theo chủ trương cổ phần hoá của Tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam. Do đó, Công ty có chức năng sản xuất kinh doanh rộng rãi, phù hợp với xu thế phát triển kinh tế của đất nước và thế giới, tạo cơ hội cho con đường hội nhập sâu rộng hơn của đơn vị. Đồng thời cũng là cơ hội để cán bộ, công nhân công ty trở thành những cổ đông của công ty trực tiếp thực hiện quyền làm chủ của mình, cùng chăm lo cho công ty ngày càng phát triển. Đưa Công ty trở thành một trong những đơn vị đóng tàu xuất khẩu hàng đầu của nước ta.

Tiếp nối những thành công, tháng 11/2013, thực hiện chủ trương tái cơ cấu Tập đoàn CNTT Việt Nam của Đảng, Nhà nước và Bộ GTVT, Công ty CP Đóng tàu Sông Cấm được Tổng công ty CNTT đã đầu tư cơ sở vật chất của Công ty TNHH MTV Đóng tàu Bến Kiền. Với chủ trương đúng đắn này, Công ty có điều kiện mở rộng sản xuất, phát huy hiệu quả cơ sở hạ tầng hiện có của Công ty Bến Kiền. Bên cạnh đó toàn bộ người lao động của Bến Kiền được bố trí công việc đầy đủ. Đây là cơ hội, nhưng cũng vừa là thách thức rất lớn, nhưng với sự năng động, sáng tạo của tập thể ban lãnh đạo và toàn thể CBCNV, Công ty đã từng bước sắp xếp, sửa chữa, đầu tư các hạng mục máy móc, thiết bị, phương tiện, dụng cụ làm việc, nhà xưởng đã bị xuống cấp để hợp lý hóa dây chuyền sản xuất phù hợp với các dòng sản phẩm của công ty.

Tháng 9/2017 chính thức công ty đã di dời toàn bộ trụ sở và cở sở sản xuất về thôn Ngô Hùng, xã An Hồng, huyện Hải Dương để tập trung sản xuất tại một địa điểm để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Trước khi tái cơ cấu:

Tổng số lao động của Bến Kiền: 713 người

Trong đó:

Lao động có việc làm: 421 người

Lao động không có việc làm, nghỉ chờ giải quyết chế độ: 292 người

Sau khi tái cơ cấu:

Ký hợp đồng lao động cho 503 CBCNV-NLĐ Công ty Bến Kiền đủ điều kiện sức khỏe và bố trí làm việc tại dây chuyền sản xuất, nâng tổng số lao động tại Công ty lên gần 1.500 người

Song song với việc duy trì nhịp độ sản xuất, Công ty đã tiến hành cải tạo, sắp xếp, nâng cấp cơ sở hạ tầng của Chi nhánh như khu vực nhà xưởng, nhà ăn ca, nhà y tế, khu vực vệ sinh tại hiện trường sản xuất, đảm bảo sạch sẽ, gọn gàng.

Tháng 11/2014, được sự đồng ý của HĐTV Tổng Công ty, Công ty đã triển khai xây dựng nhà nghỉ công nhân nhằm tạo điều kiện cho CBCNV-NLĐ sau giờ làm việc.

Đánh giá cao những thành tựu và năng lực của Công ty, ngày 19/11/2014, ông Kommer Damen – Chủ tịch Tập đoàn Damen Hà Lan cùng đoàn công tác đã sang thăm và làm việc  tại Sông Cấm. Chứng kiến sự thay đổi vượt bậc của Chi nhánh, vị lãnh đạo cao nhất của Tập đoàn Damen đánh giá rất cao Ban Lãnh đạo Sông Cấm, mặc dù trong một thời gian ngắn nhưng đã tổ chức, sắp xếp mặt bằng sản xuất của cơ sở mới một cách khoa học, hợp lý, phù hợp với một dây chuyền đóng mới tàu xuất khẩu.

Và sau đó, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Hà Lan tại Việt Nam cũng đến thăm và ghi nhận những kết quả mà công ty đã đạt được. Đó cũng là những sự động viện kịp thời, là động lực tiếp sức cho cán bộ, công nhân công ty tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, xây dựng những phương án sản xuất kinh doanh có hiệu quả trong tình hình mới.

Lao động xuất sắc, tiêu biểu Nguyễn Văn Linh nhận bằng khen tại Hội nghị Biểu dương cán bộ, công nhân, viên chức, lao động xuất sắc ngành Giao thông Vận tải năm 2021

Trong khi những doanh nghiệp đóng tàu khác gặp nhiều khó khăn, thì tại Sông Cấm, vẫn rộn ràng tiếng búa, tiếng máy và ánh lửa hàn. Không nhiều người biết, những con tàu cao tốc đặc chủng, hiện đại nhất thế giới hiện nay được chế tạo bởi đôi bàn tay vàng của những người thợ Đóng tàu Sông Cấm. Thế mạnh đặc thù của Sông Cấm là đóng mới các loại tàu đặc chủng chất lượng cao, như tàu cao tốc, tàu cứu nạn hàng hải, tàu kéo sức kéo lớn,... Một trong những sản phẩm nổi bật mà Sông Cấm thực hiện trong thời gian qua là tàu cao tốc FCS 5009 thuộc lớp Defiant là thiết kế độc quyền của Tập đoàn Damen (Hà Lan), được đóng tại một số nhà máy của Damen trên toàn cầu. Nhưng Công ty CP đóng tàu Sông Cấm đã thi công hàng chục con tàu của seri tàu FCS 5009, toàn bộ tàu được xuất khẩu cho các chủ tàu trên khắp thế giới. Nói tới FCS 5009 – tàu cao tốc đặc chủng hiện đại nhất thế giới hiện nay, không nhiều người biết là do những người thợ Công ty CP Đóng tàu Sông Cấm tự sản xuất và làm chủ công nghệ. Ngoài FCS 5009, sản phẩm của Sông Cấm còn có: Tàu cứu nạn hàng hải SAR 413, SAR 27, tàu cao tốc hỗ trợ du thuyền FYS 6711, tàu kéo lớp ASD, ATD, RSD, SPA,... công suất lớn nhất hiện nay trên thế giới. Mỗi năm, Sông Cấm xuất khẩu hàng chục tàu loại này, toàn bộ cho các chủ tàu quốc tế.

Mới đây, công ty đã bàn giao cho đối tác Canada sà lan chở dầu Wolverine Spirit 01 đảm bảo tuyệt đối an toàn, đáp ứng yêu cầu của các cấp đăng kiểm. Qua đó khẳng định thương hiệu đóng tàu Sông Cấm, củng cố lòng tin và uy tín đối với khách hàng.

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra sâu rộng, Công ty CP Đóng tàu Sông Cấm cũng đang từng bước ứng dụng chuyển đổi số trong quản trị doanh nghiệp. Bộ phận công nghệ thông tin được giao nhiệm vụ làm đầu mối phối hợp với các phòng ban chức năng nghiên cứu đề xuất thí điểm các phương án chuyển đổi số trong các lĩnh vực họat động của công ty, từng bước thay đổi mô hình doanh nghiệp truyền thống sang doanh nghiệp số, để thay đổi phương thức lãnh đạo, điều hành và quy trình làm việc nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty.

Công tác thi đua khen thưởng
Công tác thi đua khen thưởng
Công tác thi đua khen thưởng
Công tác thi đua khen thưởng
Công tác thi đua khen thưởng

Bên cạnh đó, Sông Cấm luôn quan tâm đến việc bảo vệ môi trường, vệ sinh lao động, an toàn phòng cháy chữa cháy,… coi công việc này là điều bắt buộc đối với một nhà máy chuyên sản xuất hàng xuất khẩu, quan hệ nhiều với các bạn hàng ngước ngoài có thương hiệu. Mới đây, Sông Cấm đước các chuyên gia đánh giá cao và cấp chứng nhận Hệ thống thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn mới, từ phiên bản ISO 14001:2004 sang phiên bản ISO 14001:2015.

Trong 65 năm xây dựng và phát triển, công ty đã được Nhà nước tặng thưởng 16 huân chương các loại trong đó có Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Chiến công hạng Hai, Huân chương Hữu nghị của nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào, 04 Huân chương Lao động hạng Nhất vào các năm 1985, 1990, 1995, 1999; 02 Huân chương Độc lập vào các năm 2003, 2009 và 1 lần được tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới năm 2005 và nhiều phần thưởng cao quý khác. Đó chính là sự ghi nhận, động viên cho Công ty Đóng tàu Sông Cấm tiếp tục phát huy góp phần đưa ngành đóng tàu của nước ta vươn lên ngang tầm thế giới.

Trong thời gian tới, tuy còn nhiều khó khăn nhưng với tinh thần đoàn kết, chủ động, đổi mới, sáng tạo và tích cực công tác của toàn thể CBCNV-NLĐ, Công ty CP Đóng tàu Sông Cấm vẫn nỗ lực bay cao và vươn xa hơn nữa.

Nguyên Ngọc