Dự án giảm rác nhựa thải ra biển từ hoạt động hàng hải và nghề cá

Một dự án toàn cầu mới nhằm ngăn chặn và giảm việc thải rác nhựa ra biển từ hoạt động vận tải biển và nghề cá, với tên gọi Dự án quan hệ đối tác GloLitter, đã được Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) và Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (FAO) triển khai ngày 05/12/2019.

Tài trợ ban đầu cho dự án này đến từ Chính phủ Na Uy, thông qua Thỏa thuận Dự án đối tác GloLitter được Tổng thư ký IMO Kitack Lim và Đại sứ Na Uy tại Vương quốc Anh Wegger Chr. Strømmen ký tại trụ sở IMO (Vương quốc Anh) ngày 05/12/2019.

Rác nhựa trong đại dương được thừa nhận là một trong các vấn đề môi trường rất lớn. Dự án quan hệ đối tác GloLitter nhằm mục đích trợ giúp ngành vận tải biển và nghề cá hướng tới tương lai giảm thiểu rác nhựa. GloLitter sẽ hỗ trợ các nước đang phát triển nhận biết các cơ hội để ngăn ngừa và giảm thiểu rác thải ra biển, bao gồm cả rác nhựa, từ ngành vận tải biển và khai thác thủy sản, cũng như việc giảm bớt sử dụng và tăng cường tái sử dụng, tái chế sản phẩm nhựa trong các ngành này.

Dự án sẽ xem xét sự sẵn có và tính đầy đủ của các cơ sở tiếp nhận rác thải tại cảng; hướng vào việc nâng cao nhận thức về sử dụng nhựa trong lĩnh vực hàng hải và thủy sản cho cả người đi biển và ngư dân; khuyến khích việc đánh dấu nhận biết các ngư cụ để có thể truy xuất được nguồn gốc khi chúng bị bỏ đi.

Các hành động nhằm giảm bớt rác nhựa thải ra biển đã được xác định trong Kế hoạch hành động của IMO để giải quyết rác nhựa từ tàu biển được thông qua vào năm 2018.

Dự án GloLitter sẽ phát triển các tài liệu hướng dẫn, tài liệu đào tạo và bộ công cụ để giúp thực thi các quy định quốc tế hiện hành về ngăn ngừa ô nhiễm biển do rác thải, bao gồm Phụ lục V “Quy định về ngăn ngừa ô nhiễm do rác thải từ tàu” của Công ước quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm do tàu gây ra (MARPOL) của IMO. Theo quy định của Phụ lục V Công ước MARPOL, việc thải nhựa từ tàu ra biển, bao gồm cả ngư cụ, đã bị cấm từ năm 1988.

Dự án cũng sẽ thúc đẩy việc tuân thủ các văn kiện của FAO có liên quan (bao gồm Hướng dẫn tự nguyện về đánh dấu ngư cụ) và sẽ nhắm vào việc quản lý chất thải từ tàu tại các cảng. Bên cạnh đó, Dự án sẽ nhấn mạnh việc thực hiện và thi hành các quy định của Công ước Luân Đôn của IMO và Nghị định thư của công ước này về đổ chất thải ra biển. Công ước Luân Đôn yêu cầu các chất thải (như vật chất nạo vét) phải được đánh giá trước khi cấp giấy phép cho hoạt động đổ thải ra biển.

Dự án GloLitter hướng tới sự tham gia của khu vực tư nhân thông qua một liên minh công nghiệp toàn cầu và đang tìm kiếm đối tác từ các công ty hàng hải và thủy sản lớn trên thế giới.

“Rác nhựa trong đại dương đang gây hại cho cá, động vật có vú, chim biển và đe dọa toàn bộ hệ sinh thái biển. IMO đã đi đầu trong việc giải quyết vấn đề này từ lĩnh vực vận tải biển và hoạt động đổ thải ra biển. Dự án toàn cầu này sẽ tăng cường hơn nữa những nỗ lực của ngành hàng hải và khai thác thác hải sản trong việc thí điểm, chứng minh và thử nghiệm các biện pháp tốt nhất để đối phó với rác nhựa thải ra biển. Tham vọng của chúng tôi là đưa ngành hàng hải và nghề khai thác hải sản hướng tới tương lai không có rác nhựa thải ra biển, và chia sẻ những thành công của chúng tôi với các ngành khác nhằm khuyến khích việc tăng cường những nỗ lực của những ngành này", ông Kitack Lim - Tổng Thư ký IMO nói.

Theo Bộ trưởng Phát triển quốc tế Na Uy Dag-Inge Ulstein: “Trong cuộc chiến chống rác thải ra biển, việc tăng cường năng lực ngăn chặn ô nhiễm từ hoạt động vận tải biển và khai thác hải sản ở các nước đang phát triển là rất quan trọng. Do đó, Na Uy, là quốc gia có nhiều năng lực chuyên môn trong lĩnh vực này, đang phân bổ 40 triệu krone cho dự án mới trong khuôn khổ của IMO”.

Tiến sĩ Matthew Camilleri, người đứng đầu bộ phận công nghệ và hoạt động khai thác hải sản của FAO, nhấn mạnh sự hợp tác giữa FAO và IMO, được thúc đẩy thông qua sự hỗ trợ của Chính phủ Na Uy, sẽ đẩy mạnh việc hỗ trợ kỹ thuật cho các nước đang phát triển và tăng cường khả năng phát triển các chiến lược giảm rác thải ra biển từ các hoạt động đánh bắt cá, và để thực hiện Hướng dẫn tự nguyện về đánh dấu ngư cụ.

“Ngành khai thác hải sản có vai trò quan trọng trong việc giảm ô nhiễm môi trường biển do rác nhựa, đặc biệt là từ ngư cụ bị bỏ rơi, bị mất hoặc bị loại bỏ, và nên tìm cách phát triển các cơ sở tiếp nhận tại cảng cá và các kế hoạch xử lý, tái chế, tái sử dụng chất thải bền vững đối với các vật liệu tạo thành rác thải ra biển”, Tiến sĩ Camilleri nói.

Thỏa thuận Dự án đối tác GloLitter được Tổng thư ký IMO Kitack Lim (bên trái) và Đại sứ Na Uy tại Vương quốc Anh Wegger Chr. Strømmen ký ngày 05/12/2019

Mười quốc gia, từ năm khu vực ưu tiên cao (Châu Á, Châu Phi, Caribbe, Mỹ Latinh và Thái Bình Dương) sẽ được chọn để dẫn đầu Dự án GloLitter. Ở cấp quốc gia, GloLitter sẽ mở rộng năng lực quản lý cảng, thúc đẩy cải cách pháp lý, chính sách và thể chế. Hợp tác khu vực cũng sẽ được tăng cường thông qua dự án này.

Dự án GloLitter dự định là một chương trình có nhiều nhà tài trợ. Khoản tài trợ ban đầu trị giá 40 triệu krone Na Uy (khoảng 4,5 triệu USD) do Chính phủ Na Uy cấp cho dự án trong thời gian 3 năm rưỡi.

“Vận tải biển và khai thác hải sản là nguồn chính tạo ra rác thải biển, và Na Uy có kiến ​​thức đáng kể trong lĩnh vực này. Thông qua dự án GloLitter, chúng tôi sẽ góp phần tăng cường các nỗ lực quốc tế để chống lại rác thải nhựa từ hoạt động vận tải biển và nghề cá. Chính phủ Na Uy cũng đang nỗ lực để đạt được một thỏa thuận toàn cầu toàn diện để chống lại rác nhựa thải ra biển từ tất cả các nguồn”, Bộ trưởng Khí hậu và Môi trường Na Uy Ola Elvestuen nói.

Dự án quan hệ đối tác GloLitter được kỳ vọng là sẽ trực tiếp hỗ trợ cho việc đạt được một trong số các tiêu chí cụ thể của mục tiêu số 14 “Bảo tồn và sử dụng bền vững các đại dương, biển và các nguồn tài nguyên biển cho phát triển bền vững” trong số 17 mục tiêu phát triển bền vững của thế giới cho giai đoạn 2015 - 2030 do Liên hợp quốc đặt ra, đó là: “Đến năm 2025, ngăn chặn và giảm đáng kể ô nhiễm biễn ở mọi hình thức, cụ thể là từ các hoạt động trên đất liền, bao gồm rác thải ra biển và ô nhiễm dinh dưỡng”.

Vũ Hải