Duy trì chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu: Nỗ lực vượt thách thức
Chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu, vốn đang chịu nhiều tổn thương do các quy định hạn chế đi lại trong đại dịch Covid-19 suốt 1 năm qua đang phải đối mặt với nhiều sức ép khi mưa lũ liên tục hoành hành tại Trung Quốc và châu Âu. Đứng trước nguy cơ đứt gãy dòng chảy của các vật liệu thô, linh kiện và hàng hóa tiêu dùng, nhiều quốc gia đang nỗ lực tìm biện pháp vượt qua thách thức này.
Với khả năng lây lan mạnh, biến chủng Delta của vi rút SARS-CoV-2 đang hoành hành buộc hàng loạt quốc gia phải đưa ra lệnh cấm thủy thủ từ tàu biển lên bờ. Lệnh cấm này khiến các thuyền trưởng không thể thay đội thủy thủ đã rất mệt mỏi sau chuyến đi dài và số thủy thủ bị mắc kẹt ngoài biển dù đã xong nhiệm vụ lên tới khoảng 100.000 người. Tình trạng này tương tự như những gì đã xảy ra trong năm 2020, ở giai đoạn đỉnh điểm của phong tỏa và đóng cửa biên giới. Trong khi đó, vận tải biển chiếm khoảng 90% thương mại toàn cầu, nên cuộc khủng hoảng thủy thủ đoàn có thể gây gián đoạn nguồn cung tất cả các mặt hàng, từ dầu lửa, quặng sắt tới thực phẩm và đồ điện tử. Tổng Thư ký Hội đồng Vận tải biển quốc tế (ICS) Guy Platten cho hay, đây là một thời điểm rất nhiều rủi ro đối với các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu càng gia tăng khi lũ lụt lần lượt xảy ra ở châu Âu và Trung Quốc, ảnh hưởng nghiêm trọng tới các tuyến vận chuyển hàng nông sản, gây thiệt hại nặng nề cho các doanh nghiệp liên quan. Hiện tại, các quốc gia và cộng đồng doanh nghiệp đang tìm nhiều phương thức để giải phóng hàng hóa bị mắc kẹt tại các cảng biển châu Á và châu Âu do những bất lợi liên tiếp xảy đến.
Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất tạo ra “luồng xanh” để tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa. Việc kiểm tra sức khỏe chỉ cần thực hiện ở một bên của biên giới để tránh mất thời gian cho nhiều cuộc kiểm tra ở những quốc gia thành viên khác nhau.
Tại Mỹ, Chính phủ nước này đã thành lập lực lượng đặc trách về chuỗi cung ứng, do Bộ trưởng Giao thông - Vận tải, Bộ trưởng Thương mại và Bộ trưởng Nông nghiệp đứng đầu, nhằm hợp lực nhận diện những vấn đề đặt ra cũng như tìm kiếm các giải pháp khắc phục.
Trong khi đó, ở cảng biển, Chính phủ Ấn Độ yêu cầu các hãng vận tải không áp dụng phí giam giữ container đối với hàng hóa xuất nhập khẩu trong thời gian phong tỏa,...
Theo các chuyên gia kinh tế, những nỗ lực nói trên sẽ giúp khơi thông dòng chảy cung ứng hàng hóa toàn cầu, tuy nhiên, phải đến tháng 3/2022, tình trạng thiếu hụt hàng hóa mới được giải tỏa. Về dài hạn, cộng đồng quốc tế cần có những giải pháp để khắc phục những điểm yếu khi khủng hoảng xảy ra, đồng thời lên kế hoạch quản lý rủi ro nhằm bảo đảm tính liên tục của chuỗi cung ứng trong tương lai.
Q.D
Bài viết liên quan
- Cảng Đà Nẵng: Kết nối vì sự thịnh vượng (05/12/2024)
- Xu hướng tích hợp chuỗi, xanh hóa cảng biển để phát triển ngành hàng hải (14/11/2024)
- Đạt tiêu chí cảng xanh: Thuận lợi và thách thức gì? (28/10/2024)
- Gỡ rối cho doanh nghiệp có vốn nhà nước mua bán tàu biển (09/10/2024)
- Khai thác tiềm năng vận tải thủy phía bắc (22/08/2024)
- Mở rộng giao thông đường thủy (19/07/2024)
- Cảng biển trung chuyển quốc tế của Việt Nam: Tìm cơ hội (21/05/2024)
- Tín hiệu tích cực từ các doanh nghiệp đóng tàu (19/04/2024)
- Cơ hội cho cảng biển Việt Nam (25/03/2024)
- Cơ hội phát triển ngành đóng tàu Việt Nam (21/12/2023)