Gò Cỏ: Làng cổ ven biển

Theo chuyên gia của UNESCO, đã đánh giá: Gò Cỏ là báu vật của tỉnh Quảng Ngãi. Nơi đây hội đủ điều kiện văn hóa - địa chất để trở thành một thực thể sống động của không gian văn hóa Sa Huỳnh.


Làng du lịch Gò Cỏ. Ảnh Chu Mạnh Trinh

Xóm Cỏ (hay làng Gò Cỏ) là một trong những điểm dừng chân khi đến tham quan Công viên địa chất Lý Sơn – Sa Huỳnh, thuộc phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ, cực nam Quảng Ngãi. Làng Gò Cỏ với diện tích vỏn vẹn 105ha, nằm giữa hai đồi núi cao, cách biệt với cư dân bên ngoài. Làng từng có lớp cư dân cổ, là chủ nhân nền văn hóa Sa Huỳnh, niên đại cách đây 2.500 - 3.000 năm. Rồi đến nền văn hóa Chămpa, những người dân tiếp tục sống nơi đây đã co cụm lại thành từng xóm nhỏ cho tới ngày nay. Gò Cỏ là nơi giao hòa của núi và biển, nằm sát những con sóng, khá tách biệt với các khu vực dân cư khác do vị trí địa lý khuất nẻo và đường tiếp cận chưa thuận tiện.

Đường đá dẫn ra biển Gò Cỏ . Ảnh: Trần Cao Duyên

Làng cổ Gò Cỏ nhìn đâu cũng thấy đá. Người Sa Huỳnh cổ dùng đá dựng tường rào ngăn thú dữ, bảo vệ vườn tược, làm mương thủy lợi, làm bờ kè giữ đất. Công trình nào cũng vừa vững chãi vừa thẩm mỹ. “Thập loại chúng sinh” đá với đá lớn, đá nhỏ, đá vuông, đá tròn… khi đặt bên nhau đều kín kẽ, trùng khít, bằng phẳng một cách đáng kinh ngạc. Đường đá dẫn về phía biển. Đường đá dẫn đến đền thờ, dinh xưa, miếu cổ rêu phong. Đường đá tìm mọi cách nối nhà nhau thành xóm thành làng. Nhiều du khách đã lặng người khi đứng trước những giếng cổ bằng đá có tuổi đời cả mấy trăm năm. Đây là những giếng khơi, phần nhiều không còn nước nhưng vẫn được người Gò Cỏ gìn giữ như những sản vật linh thiêng.

Biển Gò Cỏ. Ảnh Kim Huệ

Người dân nơi Gò Cỏ sống bình lặng với những chiếc thuyền nhỏ đánh cá gần bờ. Tre làng tươi tốt quanh năm cho người làng nghề đan lát. Tre thành nan đan thuyền, đan thúng, đan nong nia, rổ rá... Tre thong dong nhàn rỗi “tám” với gió rì rào, tre “thả thính” mời gọi khách đường xa. Gò Cỏ hiện nay có khoảng 80 nóc nhà. Nhà nào cũng cấp 4 thôi, nhỏ xinh, gọn gàng, sạch đẹp. Nơi đây không có nhà lầu nhưng người ta vẫn ngước lên, chỉ là để ngắm những giàn hoa giấy rực rỡ đong đưa, những buồng dừa trĩu trái, những bóng tre già lả ngọn. Đường bê tông chỉ rộng hơn một mét, quanh co, ngoằn ngoèo, bất ngờ lên, đột ngột xuống rồi thình lình làm người đi dạo chững lại vì một gộp đá chắn gần hết lối đi.

Không chỉ thế, nông dân, ngư dân, sau những giờ lao động bỗng trở thành… nghệ sĩ làng với giọng hát mộc mạc nhưng thiết tha, truyền cảm. Các làn điệu bài chòi, hát đố, hát hố, hát đối, hát sắc bùa của dân làng hay đến mức khiến du khách ngẩn người.

Đến với làng du lịch cổ Gò Cỏ, du khách có thể cảm nhận nếp gấp của trùng điệp thời gian, cảm nhận cả một hành trình văn hóa đá, kiến trúc đá bền bỉ, nhẫn nại, kiên gan, cứng cỏi để trường tồn.

Lan Hương