Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức các hội nghị chuyên đề năm 2023

Trong 2 ngày 16 - 17/11, tại thành phố Hòa Bình, tỉnh Hoà Bình, Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức loạt 4 hội nghị chuyên đề gồm: Tổng kết 17 năm Giải Báo chí quốc gia; Công tác hỗ trợ báo chí chất lượng cao năm 2022 và triển khai chương trình hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao năm 2023, 2024; Hội nghị sơ kết 1 năm phong trào thi đua xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí và Hội nghị Hội nghị tổng kết 6 năm thực hiện Luật Báo chí 2016 gắn với 10 điều quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam.

Ông Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương,
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam (đứng giữa) và Đoàn Chủ tịch điều hành hội nghị tại lễ khai mạc

Dự khai mạc và chỉ đạo các hội nghị có đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình; ông Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; đại diện một số cơ quan tỉnh Hòa Bình, các cơ quan thông tấn, báo chí trung ương và 25 tỉnh, thành phố phía Bắc. Nhà báo Vương Chí Dân – Tổng biên tập Tạp chí Công nghiệp tàu thủy Việt Nam đại diện Chi hội Nhà báo Tạp chí Công nghiệp tàu thủy Việt Nam tham dự hội nghị.

Phát biểu khai mạc, ông Lê Quốc Minh nhấn mạnh việc tổ chức hội nghị nhằm phân tích, đánh giá kết quả đạt được cũng như những khó khăn, vướng mắc và những bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện. Từ đó có những đề xuất, giải pháp nhằm đổi mới hoạt động của báo chí phù hợp với xu thế chuyển đổi số, nâng cao hơn nữa vị thế của báo chí trong xã hội.

Toàn cảnh Hội nghị Tổng kết 17 năm Giải Báo chí Quốc gia và Chương trình hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao

Hội nghị “Tổng kết 17 năm Giải Báo chí quốc gia” đã phân tích, đánh giá kết quả đạt được qua 17 năm tổ chức Giải Báo chí Quốc gia, cũng như những khó khăn, vướng mắc và những bất cập hiện nay trong quá trình tổ chức giải, từ đó đề xuất, giải pháp nhằm đổi mới hoạt động của giải phù hợp với xu thế chuyển đổi số, nâng cao hơn nữa vị thế của giải chuyên ngành lớn nhất cả nước. Trải qua 17 năm tổ chức, Giải Báo chí Quốc gia thu hút hơn 20.000 tác phẩm tham dự, cho thấy sức hút của giải ngày càng lớn, thu hút được sự quan tâm và tham gia của đông đảo giới báo chí và công chúng.

Hội nghị đã đánh giá những kết quả đạt được, những vướng mắc, hạn chế trong việc thực hiện đề án Hỗ trợ các tác phẩm báo chí chất lượng cao, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm để quán triệt, triển khai có hiệu quả chương trình hỗ trợ trong 5 năm tiếp theo. Trong đó chú trọng đánh giá việc triển khai hướng dẫn thực hiện Quyết định số 558/QĐ-TTg ngày 8/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật, báo chí ở trung ương và các Hội Văn học nghệ thuật địa phương; hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao ở các Hội Nhà báo địa phương giai đoạn 2021 – 2025; Hướng dẫn số 3824/HD-BVHTTDL ngày 15/10/2021 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thực hiện Quyết định số 558/QĐ-TTg ngày 8/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ đối với 3 khu vực phía Bắc, Miền Trung – Tây Nguyên và các tỉnh phía Nam.

Tại hội nghị, các đại biểu tham luận và đóng góp nhiều ý kiến nhằm đổi làm rõ đóng góp của chương trình hỗ trợ sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao đối với việc củng cố chuyên môn, nâng cao nghiệp vụ cho các nhà báo trong quá trình tác nghiệp, tăng cường chất lượng sản phẩm của cơ quan báo chí, phục vụ hiệu quả các kế hoạch công tác của đơn vị và nhiệm vụ chính trị của địa phương; việc tuyển chọn các tác phẩm báo chí chất lượng cao tham gia Giải Báo chí Quốc gia, giải báo chí tỉnh và các giải báo chí chuyên ngành khác; các quy trình, quy định trong thẩm định tác phẩm,…

Đoàn Chủ tịch điều hành Hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện phong trào thi đua Xây dựng môi trường văn hóa
trong các cơ quan báo chí

Hội nghị đã tổ chức sơ kết 01 năm phong trào thi đua xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí và hướng dẫn thực hiện Điều lệ Hội Nhà báo Việt Nam; tổng kết công tác quản lý hội viên là phóng viên cơ quan báo chí thường trú tại các địa phương đã nhấn mạnh việc cấp ủy, người đứng đầu cơ quan báo chí tiếp tục đẩy mạnh lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng, triển khai thực hiện nội quy, quy chế hoạt động của cơ quan báo chí đảm bảo dân chủ, đoàn kết, minh bạch, chú trọng xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí cùng văn hóa người làm báo, xây dựng môi trường làm việc tích cực, năng động, sáng tạo. Nâng cao ý thức, trách nhiệm của đội ngũ nhà báo, hội viên, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp; phát huy vai trò người làm báo trong xây dựng nền nếp làm việc khoa học, trật tự, kỷ cương, phong cách ứng xử chuẩn mực, trong tiếp xúc với công chúng, đồng nghiệp và hoạt động của người làm báo cách mạng Việt Nam.

Ông Nguyễn Đức Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu khai mạc Hội nghị “Báo chí với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong thời kỳ chuyển đổi số”

Tại hội nghị “Báo chí với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong thời kỳ chuyển đổi số” nhằm trao đổi kinh nghiệm, cách làm, thảo luận những giải pháp cụ thể, giúp các cơ quan báo chí thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của mình, ông Nguyễn Đức Lợi -  Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam đánh giá các cơ quan báo chí đã chủ động vào cuộc, tích cực tham gia quảng bá các chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng, chính sách, pháp luật tiến bộ của Nhà nước, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đồng chí Nguyễn Đức Lợi đề nghị, trong bối cảnh mới, báo chí cần có sự đổi mới, cải tiến mạnh mẽ hơn nữa khi các thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch không ngừng thay đổi, phức tạp, khó lường. Các ấn phẩm cần kết hợp hài hoà giữa "xây" và "chống", "xây" là tập trung củng cố nền tảng bên trong, còn "chống" là việc ngăn chặn những tác động tiêu cực bên ngoài.

Hội nghị Tổng kết 6 năm thực hiện Luật Báo chí 2016 gắn với 10 Điều quy định về đạo đức nghề nghiệp
của người làm báo Việt Nam, quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam

Trong chuỗi các sự kiện trên, Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức Hội nghị Tổng kết 6 năm thực hiện Luật Báo chí 2016 gắn với 10 Điều quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam. Sau 6 năm thực hiện, Luật Báo chí 2016 gắn với 10 Điều quy định đạo đức nghề nghiệp, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam, Giớ bái chí cả nước đã nhận được nhiều đánh giá tích cực từ những người làm báo và toàn xã hội. Đội ngũ người làm báo đã xuất hiện nhiều tấm gương trong sáng về đạo đức, tinh thông về nghiệp vụ, lao động cần cù, cống hiến vì lợi ích của Đảng và nhân dân.

Tuy nhiên, hoạt động báo chí còn một số tồn tại, bất cập. Hiện tượng cơ quan báo chí không thực hiện đúng tôn chỉ mục đích, thông tin sai sự thật, thổi phồng, bóp méo sự thật có chiều hướng ngày càng tăng. Đã xuất hiện hiện tượng tiêu cực trong hoạt động báo chí với nhiều cách thức tinh vi, đối phó với các biện pháp quản lý của cơ quan chức năng nhằm mục đích tống tiền hoặc vì động cơ không trong sáng khác,...

Qua 5 năm thực hiện Quyết định số 979/QĐ-HNBVN của Hội Nhà báo Việt Nam về sinh hoạt của hội viên là phóng viên thường trú tại địa phương, nhìn chung, các văn phòng đại diện, hội viên là phóng viên cơ quan báo chí thường trú tại địa phương đã bám sát định hướng của cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý báo chí địa phương, thực hiện tốt Luật Báo chí, tôn chỉ mục đích cơ quan báo chí.

P.V