Mở rộng giao thông đường thủy
Thành phố Hồ Chí Minh có gần 1.000 km đường thủy địa phương và quốc gia cùng với luồng tuyến có sẵn được đánh giá là tiềm năng sông nước rất lớn giúp phát triển các loại hình du lịch cũng như giao thông. Nhiều tuyến vận tải đường thủy đã và đang đưa vào hoạt động, góp phần đưa giao thông thủy phát triển xứng tầm, qua đó tăng cường kết nối vùng để phát triển bền vững.
Du lịch đường thủy tăng mạnh
Nhìn hành khách lên xuống tàu rời bến Bạch Ðằng thưởng ngoạn trên sông Sài Gòn, ông Nguyễn Kim Toản - Giám đốc Công ty TNHH Thường Nhật, đơn vị khai thác tuyến buýt sông số 1 phấn khởi vì từ năm 2017 đến nay, kể từ khi tuyến buýt sông đưa vào khai thác thì đây là lúc lượng khách đang ở “đỉnh điểm”. Theo ông Toản, mỗi ngày trung bình công ty khai thác 50 lượt buýt đường sông (WaterBus) với 3.500 đến 4.000 khách đi lại; với loại hình buýt du lịch (WaterGo) bình quân đón 300 khách/ngày.
Thống kê của Công ty Thường Nhật, năm 2023 đã có gần 813.000 lượt hành khách sử dụng buýt đường sông và dự kiến năm 2024 số lượt hành khách sẽ tăng hơn 30% so với năm 2023.
“Qua khai thác loại hình buýt đường sông, điều chúng tôi nhận thấy nét văn hóa “trên bến dưới thuyền” đã có quá trình lịch sử, đặc trưng rất lâu đời của Thành phố Hồ Chí Minh, từ đó chúng tôi tạo ra một sản phẩm đồng hành với nhịp thở của một đô thị sông nước. Chúng tôi cũng xác định sông nước như là một phương thức giao thông vận tải và du lịch, cho nên sản phẩm cần phục vụ được đại đa số người dân với chi phí hợp lý, mang đến cho người dân và du khách khoảng thời gian trải nghiệm có ý nghĩa khi đặt chân đến Thành phố Hồ Chí Minh…”, ông Toản chia sẻ. Ðiều đó cũng chứng tỏ, tiềm năng đường thủy của thành phố còn nhiều dư địa, cần được quy hoạch, đầu tư để phát triển xứng tầm.
Chọn loại hình vận tải hành khách đường thủy liên tỉnh, mới đây Công ty cổ phần Tàu cao tốc Phú Quốc đã khai trương và đưa vào hoạt động chuyến tàu cao tốc từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Côn Ðảo-siêu tàu Thăng Long có sức chứa lên đến 1.017 hành khách. Ông Vũ Văn Khương, Chủ tịch HÐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tàu cao tốc Phú Quốc cho biết, công ty đã phối hợp Bộ Quốc phòng để đóng tàu Thăng Long phục vụ tuyến vận tải này.
Tàu có tiêu chuẩn quốc tế với trang thiết bị hiện đại, bảo đảm tiêu chuẩn cao nhất của hệ thống an toàn tàu biển trên thế giới. Mũi tàu với thiết kế đặc biệt giúp chịu được sức gió lớn cũng như giảm say sóng. Phương tiện với tốc độ đến 35 hải lý/giờ trong điều kiện thời tiết thuận lợi có thể tới Côn Ðảo chỉ hơn 4 tiếng đồng hồ.
Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh Bùi Hòa An đánh giá: Có thể nói, tuyến vận tải này sẽ là một sự chọn lựa mới, đem lại trải nghiệm du ngoạn cho người dân và du khách với cung đường thủy từ cảng Sài Gòn-Hiệp Phước tại huyện Nhà Bè (Thành phố Hồ Chí Minh), thông qua luồng Soài Rạp-vịnh Ðồng Tranh-Biển Ðông đến cảng Bến Ðầm tại Côn Ðảo. Tuyến vận tải hành khách này khi được đưa vào hoạt động sẽ đáp ứng phục vụ nhu cầu đi lại, kết nối giao thương, vận tải hành khách, phát triển du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, kết nối vùng đồng thời góp phần giảm tải, hỗ trợ hành khách bằng đường hàng không.
Phát huy lợi thế, mở rộng các tuyến liên vùng
Theo Phòng Vận tải đường thủy - Sở Giao thông vận tải, Thành phố Hồ Chí Minh có 101 tuyến giao thông đường thủy với tổng chiều dài 913 km. Trong đó tuyến hàng hải là 11 tuyến với chiều dài 229,2 km, tuyến đường thủy nội địa quốc gia là 5 tuyến với 126,1 km, tuyến đường thủy nội địa địa phương gồm 83 tuyến với 555 km. Thành phố Hồ Chí Minh còn có lợi thế của bốn tuyến sông chính, gồm: Sài Gòn, Ðồng Nai, Lòng Tàu và Soài Rạp, cùng với hệ thống sông, kênh, rạch tạo ra mạng lưới đường thủy liên kết với các tỉnh lân cận như Bình Dương, Tây Ninh, Ðồng Nai, Long An, Tiền Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu và các tỉnh Ðồng bằng sông Cửu Long.
Mạng lưới có nhiều tuyến đường thủy nằm ngay trung tâm thành phố chính là điều kiện rất thuận lợi trong việc vận tải hành khách, kết hợp khách du lịch bằng đường thủy. Vì vậy có nhiều doanh nghiệp lữ hành kinh doanh dịch vụ du lịch có năng lực tài chính của thành phố, mong muốn phát triển du lịch đường thủy. Theo Sở Giao thông vận tải thành phố trong nhiều năm qua, hoạt động vận tải hành khách, du lịch đường thủy trên địa bàn thành phố đã hình thành các loại hình như: Vận tải hành khách, du lịch bằng tàu cao tốc theo tuyến cố định; vận tải hành khách, du lịch theo hợp đồng chuyến; vận tải hành khách ngang sông; vận tải khách du lịch bằng đường biển (chủ yếu là phục vụ hành khách du lịch quốc tế).
Ông Bùi Hòa An cũng cho biết, thời gian qua tại Thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều sản phẩm vận tải hành khách bằng đường thủy được đầu tư theo hình thức xã hội hóa như tuyến buýt đường sông số 1, phà Cần Giờ-Vũng Tàu, phà Cần Giờ-Cần Giuộc, đến nay là tuyến vận tải hành khách cố định từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Côn Ðảo. Ðiều đó cho thấy vận tải hành khách bằng đường thủy của thành phố ngày càng thu hút được nhiều nhà đầu tư có năng lực, tâm huyết, chung sức cùng chính quyền thành phố tạo ra nhiều sản phẩm vận tải hành khách bằng đường thủy mới, thu hút hành khách trong nước và quốc tế.
Từ nay đến cuối năm 2024, thành phố sẽ khôi phục tuyến vận tải hành khách đường thủy Vũng Tàu-Bến Tre-Mỹ Tho và mở tuyến phà biển Cần Giờ đi thị trấn Vàm Láng, Gò Công Ðông. Khi có tuyến phà biển này, huyện Cần Giờ kết nối khép kín với Thành phố Hồ Chí Minh thông qua phà Bình Khánh, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (phà Cần Giờ-Vũng Tàu), tỉnh Long An (phà Cần Giờ-Cần Giuộc).
Do đó, nếu Thành phố Hồ Chí Minh tận dụng được tiềm năng đường thủy sẽ có những đột phá về giao thông, khai mở du lịch đường thủy cũng như góp phần phát triển kinh tế-xã hội cho Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, lãnh đạo Sở Giao thông vận tải cho rằng, hiện khó khăn lớn nhất trong phát triển vận tải đường thủy cần được ưu tiên tháo gỡ đó là quy hoạch. Trong đó, Luật Ðường thủy nội địa yêu cầu bến thủy nội địa phải phù hợp quy hoạch ngành và quy hoạch khác mà quy hoạch ngành không có cho nên phải căn cứ vào quy hoạch phân khu của thành phố. Song trên thực tế quy hoạch phân khu còn phụ thuộc vào sở ngành chức năng và chính quyền địa phương phê duyệt,...
Bài và ảnh: Quý Hiền
Bài viết liên quan
- Khai thác tiềm năng vận tải thủy phía bắc (22/08/2024)
- Cảng biển trung chuyển quốc tế của Việt Nam: Tìm cơ hội (21/05/2024)
- Tín hiệu tích cực từ các doanh nghiệp đóng tàu (19/04/2024)
- Cơ hội cho cảng biển Việt Nam (25/03/2024)
- Cơ hội phát triển ngành đóng tàu Việt Nam (21/12/2023)
- Cảng biển Việt Nam: Phát triển ngày càng nâng cao (21/12/2023)
- Xây dựng đồng bộ đội tàu và hạ tầng cảng biển (17/11/2023)
- Đầu tư, nâng cấp cảng biển đón tàu lớn như thế nào cho phù hợp? (19/10/2023)
- Thông tư số 16 gỡ vướng đăng kiểm phương tiện thuỷ nội địa (21/09/2023)
- Lợi ích khi cảng biển hợp tác với hãng tàu nước ngoài (18/08/2023)