Năm mới nói mở hàng

Tục ta mỗi năm đến buổi chiều ngày ba mươi tháng chạp kêu là ngày trừ tịch nghĩa là ngày hôm đó là ngày hết năm, trừ bỏ hết sự cũ mà sắp sửa tiếp các sự mới. Qua khỏi mười hai giờ đêm, bước sang một giờ, nhà nào nhà nấy làm lễ giao thừa, từ đó thì là đầu năm mới rồi.

 “Đông Dương tạp chí” số 37 ngày 22/01/1914

Sáng hôm mồng một tết nhà nào cũng đã trang hoàng rực rỡ, cảnh tượng trông ra mới mẻ, trong nhà bầy đồ thờ tự mới, treo nghi môn màn quán mới, (tuy cũ như mà bây giờ mới giở ra thì cũng là mới). Đồ tam sự ngũ sự mới (đánh cho mới). Cửa nhà cũng đã lau rửa quét nước vôi cho mới. Ngoài cửa dán câu đối mới. Quần mới, áo mới, giầy mới, khăn mới, yếm mới, mà người cũng tắm rửa cho mới. Nói rút lại thì trăm việc, việc gì cũng theo năm mới mà mới hết, chỉ có một thứ cũ kỹ mấy nghìn năm nay thì vẫn giữ vậy mà thôi.

Đã gọi là năm mới thì phàm việc gì từ hôm mồng một giở đi, bắt đầu mới làm, tổng chi kêu là mở hàng lấy may. Thoạt tiên có người xông nhà cố mời cho được uống chén rượu mở hàng lấy may, rồi lại ăn một miếng bánh mở hàng lấy may. Trong ba ngày tết có đi đâu cũng là đi xuất hành mở hàng lấy may. Ai thích hát cũng hát một chầu mở hàng cho các chị lấy may. Nghĩa hai chữ lấy may này là cầu lấy sự hạnh phúc của giời cho chớ không phải ai quyết chí mà làm lấy cho được; Mà đầu năm đã muốn mở hàng lấy may, thì chắc là trong năm lúc nào cũng muốn trông cậy vào sự gặp may.

Thôi mà cũng phải, tài nhỏ sức mọn, đã chẳng tự lực làm được việc gì, thì cũng nên cầu lấy một sự may, họa chăng giời có chiều lòng, thì cũng có lúc cầu sao được vậy.

Tôi xin phép đông bang liệt vị bỏ quá, các ngày đánh bạc lấy may, uống rượu lấy may, xuất hành lấy may, đi hát lấy may mà tôi thì rượu không biết uống, cờ bạc không biết đánh, tính lại không hay đi chơi, đi hát thì không biết cầm chầu. Mà không lẽ năm mới mà tôi ngồi không cho được, vậy thì tôi xin nói một đôi câu truyện mở hàng lấy may. Truyện cũng không biết nói truyện gì bây giờ, thôi thì biết truyện nào sào chuyện ấy, nhân thể tôi ở trong tòa báo, xin nói ngay truyện báo:

Nhật báo là một sự đầu tiên việc khai hóa. Điều đó thì đa phần nhiều người đã hiểu rồi. Nhưng có xem đến việc phát hành báo chương của các nước; thì mới biết trình độ văn minh của người ta. Nước Pháp hiện nay ước chừng có hơn 6.000 báo quán. Các báo có danh tiếng trong một làng hoặc một phương ước được 2.000 nhà. Mà danh giá lừng lẫy nhất truyền khắp ra ngoại quốc thì là Tảo báo (le matin), Thời báo (le temps), Nhật báo (le journal), Tiểu nhật báo (le petit journal),... Mấy cái báo ấy phát hành mỗi ngày tới 3 triệu trương. Báo Hông mao (nước Anh) có danh nhất là Luân  Đôn thời báo (The Time); báo Huê Kỳ (nước Mỹ) có danh nhứt là Nữu Ước báo (New-Yord Herald) cũng mỗi ngày phát hành được 3 triệu. Đó là còn những báo khác không kể. Nhựt bổn (nước Nhật) gần nay cũng có đến một triệu người xem báo rồi. Trung Quốc là nước tối hậu khai hóa mà cách độ một năm nay, ở Bắc Kinh đã có được 11 cái báo chương, ba cái bán mỗi ngày được 1 muôn 2 nghìn số (1 vạn 2 nghìn số). Ở Thiên Tân có 19 cái nhựt trình (báo ngày, nhật báo), mỗi ngày bán được 87.000 số. Mà có cái vô tư báo bán được mỗi ngày 8.400 số. Về các miền hướng nam, nhựt trình lại thịnh hành hơn. Ở Thượng Hải có hơn 70 báo quán, phát hành khắp cả miền Dương Tử Giang.

Đó Đông bang ta thử xem các nước ham chuộng sự xem báo như thế đó, trách nào mà người ta chẳng cường thịnh ? trách nào mà người ta chẳng tung hoành ?

Tôi lại nghe có người nói truyện ở bên Pháp, mỗi buổi sáng nhựt trình mới in ra người kéo lại buôn cũng là đến mua đông như kiến. Mà chính mắt tôi cũng trông thấy, vì tôi tuy không được qua Pháp, nhưng tôi có xem chớp ảnh một khi, người ta có chớp một lần bán nhựt trình, chẳng khác nào ở Hà Nội ta gần tết mà xúm đến cửa hàng cầm đồ.

Thôi, nhân đầu năm mới, tôi xin nói một vài câu mở hàng lấy may thế mà thôi. Tôi ước gì nhời cầu may của tôi, mai sau giời cho nước ta được một ít như các nước, chẳng dám mong đến 3 triệu người xem báo, chỉ xin lấy 1 triệu người xem báo, cũng đủ vui hơn tết rồi.

Phan Kế Bính

(“Đông Dương tạp chí” số 37 ngày 22/01/1914)