Những tàu thương mại Mỹ đầu tiên cập cảng Việt Nam
Sử liệu của Việt Nam và Hoa Kỳ đều có những ghi chép rất cụ thể về những chiếc tàu thương mại Mỹ đầu tiên cập cảng Việt Nam. Đó là con tàu Fame và tàu Franklin. Các bài viết của các nhà nghiên cứu trong nước như bài viết của Giáo sư Vũ Minh Giang: Sự khởi đầu của quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ và những bài học lịch sử (1), Phó Giáo sư. TS. NGƯT Phạm Xanh: Những cuộc tiếp xúc Việt Mỹ đầu tiên dưới triều Nguyễn nửa đầu thế kỉ XIX (2) hay của tác giả Nguyễn Lục Gia: Tàu Franklin đến Sài Gòn 199 năm trước: Cuộc giao lưu văn hóa đầu tiên Mỹ - Việt (3) đều đã đưa ra những sử liệu về hai con tàu này. Năm 1990, tác giả người Mỹ Robert Hopkins Miller đã viết cuốn “The United States and Vietnam 1787 – 1941”(4) (Quan hệ Mỹ - Việt 1787 - 1941) (National Defense University Press, Washington D.C., 1990) cũng công bố nhiều sử liệu chi tiết về hai con tàu này. Dưới đây là một phần trong cuốn sách qua bản dịch của Ngô Huy Bắc.
Thương thuyền Fame
Năm 1802, Công ty Crowninshields tại Salem, tiểu bang Massachusetts, đã gửi một thương thuyền sang Nam Kỳ (Cochinchina), hiển nhiên để trắc nghiệm một nguồn cung cấp đường và cà phê. Crowninshields có vẻ tin tưởng rằng nếu chuyến du hành sang Nam Kỳ thất bại, chiếc thuyền có thể cất (mua) được một chuyến hàng đáng giá tại Borneo hay một nơi nào khác trên lộ trình và chuyến du hành sẽ không đến nỗi vô ích. Bất kể ra sao, đây là chiếc thuyền đầu tiên của Hoa Kỳ trong lịch sử sang thăm Việt Nam, và vị thuyền trưởng của tàu sẽ là người Hoa Kỳ đầu tiên đặt chân lên vùng đất đó. Chiếc thuyền được chọn cho cuộc hải hành, tàu Fame, đã nhổ neo vào ngày 17/01/1802, do Jeremiah Briggs làm thuyền trưởng. Vào ngày 15/5/1802, tàu Fame đã nhìn thấy đảo Côn Sơn ngoài bờ biển phía nam của Nam Kỳ. Sáng hôm sau, tàu nhìn thấy Mũi St. James (Vũng Tàu, như được ghi chú nơi một phần sau trong nguyên văn, chú thích bởi người dịch) trên bờ biển hướng nam. Ngày 21/5/1802, tàu Fame hạ neo tại vịnh Turon (Đà Nẵng). Thuyền trưởng Briggs lên thăm một trong hai chiếc thuyền đang ở trong vịnh và khám phá ra rằng hai chiếc tàu này thuộc quyền của “Quốc Vương Nam Kỳ” (King of Cochinchina) và được điều khiển bởi người Pháp. J.Briggs đã tới Đà Nẵng để gặp các viên chức điều khiển các chiếc tàu này, và trở về lại thuyền Fame ngày sau đó. Vị thuyền trưởng thâm niên nhất của Pháp mà Briggs đã tiếp xúc đã cố vấn Briggs đi đến kinh đô Huế để yết kiến nhà vua hầu tìm hiểu là liệu có bất kỳ khả năng mậu dịch nào hay không.
Cảnh hạ thủy con thuyền Fame năm 1802. Hình trích từ cuốn sách The United States and Vietnam 1787 – 1941, trang 11
J. Briggs khởi hành đi Huế ngày 23/5 bằng một chiếc thuyền nhỏ cùng với năm người và một hướng dẫn viên người Bồ Đào Nha. Khi J.Briggs tới Huế, ông lên thăm một chiến thuyền thả neo ở đó và tìm gặp vị chỉ huy người Pháp. J. Briggs đã ở trên chiến thuyền ba ngày với vị chỉ huy người Pháp và được cho hay rằng ông ta “Chưa hề nghe thấy sự việc như là việc cất (mua) đường mía từ bờ biển này, và rằng ông ta không nghĩ điều đó có thể xảy ra”. Tuy nhiên, vị chỉ huy người Pháp đã tìm kiếm sự chấp thuận của nhà vua cho phép Briggs được mua bán ở bất kỳ hải cảng nào dọc bờ biển. Nhà vua đã trao cho ông sự chấp thuận này, nhưng Briggs đã ghi nhận rằng ông “Rất cảnh giác từ đầu rằng chúng ta sẽ giao dịch với các đối thủ của mình, khi ông ta chỉ được phép giao dịch tại đây trong vòng khoảng 6 tháng”.
Sau khi rời tàu trong 6 ngày, J. Briggs đã trở lại thương thuyền Fame với giấy phép mậu dịch của nhà vua. Trong 10 ngày sau đó, thương thuyền Fame đã đi thăm dò dọc bờ biển, nhưng hiển nhiên là không hề đặt chân lại trên đất liền bởi gặp phải các triều sóng to. Vào ngày 10/6, thương thuyền Fame đổi hướng sang Manila.
Thuyền hai buồm Franklin
Sự tường thuật thứ nhì ghi nhận một người Hoa Kỳ thăm Việt Nam là hồi ký của John White, một trung úy hải quân Hoa Kỳ, đi thuyền hai buồm Franklin, bỏ neo tại Cape St. James (mũi Vũng Tàu) hôm 07/6/1819. Ông White, sinh tại Marblehead, Massachusetts, vào năm 1782, đã được bầu làm hội viên Hội Hàng Hải Đông Ấn (East India Marine Society) tại Salem, Massachusetts vào năm 1806. Ông đã từ trần tại Boston năm 1840 sau khi đã vươn tới cấp thuyền trưởng.
Sự tường thuật của White về chuyến hải hành được ấn hành năm 1823 tại Boston dưới nhan đề “Lịch sử một chuyến du hành đến biển Trung Hoa” (A History of a Voyahe to the China Sea). Trong đó, ông White phát biểu sự tin tưởng của ông rằng chiếc thuyền Franklin là chiếc thuyền Hoa Kỳ đầu tiên đã trương lá cờ “sao và sọc tại thành phố Sài Gòn”. Người chủ biên của ông đề cập đến nhiều nỗ lực không thành công của các tàu thuyền Hoa Kỳ tìm kiếm các mối hàng để buôn tại Việt Nam xảy ra trước cuộc thăm viếng của ông White, kể cả cuộc hải hành của thương thuyền Fame do Jeremiah Briggs làm thuyền trưởng. Trong hồi ký của mình, ông White không đưa ra một manh mối nào về lý do tại sao ông đảm nhận một chuyến hải hành sang Nam Kỳ. Nhiệm vụ của ông rõ ràng có tính chất thương mại - tìm kiếm và mang về một chuyến hàng hóa sinh lợi nhuận - nhưng ông không giải thích tại sao một chiếc thuyền hai buồm dưới sự chỉ huy của một sĩ quan hải quân Hoa Kỳ lại được giao phó một nhiệm vụ như thế hay ai là người đã tài trợ cho phái bộ. Ông White cũng không cho thấy đâu là quyền lợi nói chung của Hoa Kỳ vào lúc đó tại chính vùng Nam Kỳ hay ngay cả về sự hiểu biết bao nhiêu của nền cộng hòa non trẻ đối với phần đất cá biệt đó của thế giới.
Tàu của White, USS Franklin, được chụp quanh Portovenere gần La Spezia vào khoảng năm 1819
Sự tường thuật của John White về chuyến du hành sang Nam Kỳ hoàn toàn đơn giản là một sự tường thuật về chính chuyến du hành, về những người mà ông đã gặp gỡ, đặc tính, phong tục, thói quen, chính phủ và xứ sở của họ. Điều đáng chú ý của quyển sách đối với độc giả thời nay nằm chính yếu ở sự kiện đó là một sự tường thuật chi tiết - và được ấn hành - về một cuộc thăm viếng của người Hoa Kỳ tại Việt Nam, và ở việc nó cung cấp một thí dụ linh hoạt về một phản ứng ban đầu của Hoa Kỳ đối với người Việt và các sự sinh hoạt của họ.
Trung úy White giương buồm từ Salem, Massachusetts, vào ngày thứ 7, 02/01/ 1819, trên chiếc thuyền hai buồm Franklin, một chiếc thuyền có trọng tải 250 tấn. Sau một cuộc tiếp xúc sơ khởi với các giới chức địa phương tại Vũng Tàu, chiếc thuyền Franklin trong ngày kế tiếp đã di chuyển đến ngôi làng tại Canjeo (Cần Giờ) cách Vũng Tàu khoảng 7 đặm về phía tây, và chờ đợi giấy phép để ngược dòng lên tới Sài Gòn. Giấy phép không bao giờ đến, và sau vài ngày thảo luận nhiều bực tức với các giới chức địa phương, ông White đã kết luận rằng các giới chức địa phương đã không có thẩm quyền cho phép ông tiến vào Sài Gòn. Vì thế, vào ngày 12/6, ông đã nhổ neo để đi đến Huế. Các quan lại địa phương tại Cần Giờ đã bảo đảm với ông White rằng nếu ông ta trở lại từ Huế với giấy tờ thích hợp từ nhà vua, ông ta có thể tiến lên Sài Gòn.
Chiếc thuyền Franklin đã đến Đà Nẵng vào ngày 18/6. Con thuyền tức thời được thăm viếng bởi các thẩm quyền địa phương, các người đã thông báo ông White rằng nhà vua hiện không có mặt ở Huế vì đang ra ngoài Bắc Kỳ, rằng xứ sở đang hồi phục từ nhiều cuộc chiến tranh tàn phá, và rằng sản lượng ít ỏi (đường mía và tơ sống) có trong nước dành cho các giao dịch thương mại đã bị hứa bán cho hai chiếc thuyền của Pháp trước đây đã kết ước để cung cấp cho nhà vua “các vật dụng kỳ lạ” cùng với vũ khí và quân phục cho binh lính của ngài. Trong tháng 7, White đã tiến tới Manila để tìm kiếm một vài người nói được tiếng Việt và có thể đi cùng họ quay trở lại Nam Kỳ, và giúp họ có được giấy phép đi ngược dòng sông để đến Sài Gòn (“bởi đó vẫn là địa điểm mà chúng ta muốn nhắm tới”).
Ông White trú lại Manila trong hai tháng, trong thời gian này, nhờ vận may, ông có gặp Thuyền Trưởng John Brown của chiếc thuyền Marmion đến từ Boston, nguyên thủy dưới quyền chỉ huy của thuyền trưởng Oliver Blanchard. Chiếc thuyền Marmion rõ ràng là đã đến Vũng Tàu và Cần Giờ ít ngày sau khi chiếc tàu Franklin khởi hành. Thuyền trưởng Blanchard và các sĩ quan đồng sự đã nhận được đón tiếp nồng hậu hơn bởi các quan lại địa phương, rõ ràng nhờ ở phản ứng của vị phó vương ở Sài Gòn trước tin tức cho hay về sự cập bến của chiếc tàu Franklin dưới cửa sông. Dù sao đi nữa, vị phó vương đã gửi xuống một thông dịch viên có khả năng đàm thoại “hạng xoàng” tiếng “Đông Bộ Bồ Đào Nha.” Qua thông dịch viên này, Blanchard đã nhận được phép tiến lên Sài Gòn trong một chiếc thuyền bản xứ cùng với một sĩ quan khác, một ông Putnam nào đó, và một thủy thủ biết nói đôi chút tiếng Bồ Đào Nha. Tuy nhiên, khi tới Sài Gòn rồi, ông Blanchard nhận thấy rằng ông chỉ có thể chi tiêu bằng đồng tiền vàng với tỷ suất chiết khấu quá cao và rằng các giới chức ở Sài Gòn ưa thích tiền tệ của Tây Ban Nha hơn vì là đồng tiền mà họ quen thuộc nhiều hơn. Vì thế Blanchard đã từ bỏ ý nghĩ chất hàng tại Sài Gòn và quyết định tiến tới Manila trong mục đích này. Không may, ông ta ngã bệnh tại Sài Gòn và đã chết ngay trước khi chiếc thuyền Marmion rời khỏi sông ở Vũng Tàu. Ông John Brown đã nắm quyền chỉ huy chiếc thuyền và tiếp tục hướng về Phi Luật Tân và đã đến nơi hôm 22/6. Trong thời gian họ trú ngụ tại Manila, một chiếc thuyền Hoa Kỳ khác cũng đã cập bến sau chuyến viếng thăm ngắn ngủi, không thành công tại vùng Nam Kỳ. Đây là chiếc thuyền Beverly, thuộc cùng sở hữu chủ của chiếc thuyền Marmion, đã cố gắng lái thuyền xuôi nam đọc theo bờ biển từ Đà Nẵng xuống Vũng Tàu nhưng bị đẩy ra khơi bởi các cơn gió mùa.
Thuyền trưởng White và Brown đã quyết định liên kết lực lượng và quay trở lại Sài Gòn bằng cả hai chiếc thuyền, tính toán rằng hai chiếc thuyền có thể đủ mạnh để đi tới Sài Gòn ngay dù các thẩm quyền địa phương tại Vũng Tàu và Cần Giờ kháng cự lại. Thủy thủ đoàn trang bị đầy đủ các phụ tùng sửa chữa trên chiếc thuyền Marmion, đổi đồng tiền vàng lấy tiền Tây Ban Nha, chờ đợi cho hết gió mùa tây nam, xong một lần nữa giăng buồm đi đến Nam Kỳ hôm 06/9. Hai chiếc thuyền đã bỏ neo ở Vũng Tàu lần thứ nhì vào ngày 25/9. Tiến tới Cần Giờ vào ngày sau đó, chúng đã nhận được phép đi đến Sài Gòn trong vòng ít ngày. Ngày 07/10, sau chuyến du hành 7 ngày ngược dòng sông Đồng Nai (hành trình dài 59 dặm rưỡi - theo thuyền trưởng White), chiếc thuyền Franklin, theo sau không xa bởi chiếc thuyền Marmion, đã thả neo xuống lòng sông đối diện với Sài Gòn. Vào ngày 09/10, hai thuyền trưởng cùng với hai viên chức phụ tá của họ là ông Bessel của thuyền Franklin và ông Putnam của thuyền Marmion, cùng một thủy thủ của tàu Marmion biết nói tiếng Bồ Đào Nha, đã bước vào thành phố Sài Gòn. Họ đã sớm hay biết qua viên thông ngôn được cung cấp bởi phía Nam Kỳ rằng hai chiếc thuyền khác của Hoa Kỳ đã thăm viếng Nam Kỳ khi từ chiếc thuyền Franklin bỏ neo lần đầu tiên tại Cần Giờ. Một trong hai chiếc này là thuyền Aurora từ thành phố Salem, được chỉ huy bởi thuyền Trưởng Robert Gould. Giống như thuyền Franklin, tàu Aurora ở ngoài khơi Vũng Tàu trong vài ngày sau khi chiếc thuyền Marmion đã bỏ đi, xong đã ngược lên phía trên để đến Đà Nẵng nhưng không mua bán gì được ở đó, và tiếp tục đi đến Manila. Chiếc thuyền thứ nhì là chiếc Beverly, chỉ huy bởi thuyền trưởng John Gardner, người mà ông White đã gặp tại Manila.
Sự cập bến Sài Gòn của ông White đã được nối tiếp bởi bốn tháng nghi lễ hầu như chằng có kết quả gì cả và việc mặc cả giằng co với các giới chức Nam Kỳ. Trong thời gian lưu ngụ tại đó, ông White đã đi đến một sự đánh giá cao tiềm năng chính trị và kinh tế của Nam Kỳ và người dân ở đó.
Nguyên Phong (sưu tầm và giới thiệu)
Chú thích:
- GS.TSKH Vũ Minh Giang: Sự khởi đầu của quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ và những bài học lịch sử: https://vnu.edu.vn/eng/inc/print.asp?N21396
- PGS.TS.NGƯT Phạm Xanh: Những cuộc tiếp xúc Việt Mỹ đầu tiên dưới triều Nguyễn nửa đầu thế kỉ XIX. Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 6 năm 1999, từ trang 58 đến trang 64
- Nguyễn Lục Gia: Tàu Franklin đến Sài Gòn 199 năm trước: Cuộc giao lưu văn hóa đầu tiên Mỹ - Việt. Tạp chí Xưa và Nay, số 493, tháng 4 năm 2018, từ trang 33 đến trang 38.
- Robert Hopkins Miller: The United States and Vietnam 1787 – 1941, , National Defense University Press, Washington D.C., 1990
Bài viết liên quan
- Thượng thư Trần Văn Thái – “kĩ sư” đóng chiến thuyền của hai triều đại (17/11/2023)
- “Bước chân trên mây” – Đôi điều đọng lại (18/12/2023)
- Tình cảnh thợ thuyền nước ta (22/09/2023)
- Icon of the Seas - siêu du thuyền lớn nhất trên thế giới sắp hạ thủy (21/07/2023)
- Hồ Chí Minh - người sáng lập, nhà báo vĩ đại của báo chí Cách mạng Việt Nam (23/06/2023)
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển kinh tế biển ngành vận tải biển, chủ quyền biển đảo (19/05/2023)
- Độc lạ “tour du lịch” ngắm xác tàu Titanic dưới đáy đại dương (19/05/2023)
- Đường Hồ Chí Minh trên biển: Nơi những kỳ tích xuất hiện (24/04/2023)
- Nikola Tesla – “Nhà phát minh ra thế kỷ XX” (21/04/2023)
- Vài nét về nữ tiến sĩ khoa học đầu tiên của Việt Nam (23/03/2023)