Rạng Đông – Chiến hạm gắn với cuộc Cách mạng Tháng 10 Nga vĩ đại

“21 giờ 45 phút ngày 25/10/1917 (theo lịch cũ Julius của Nga), tức ngày 07/11 (theo lịch hiện đại), phát súng lệnh được bắn ra từ khẩu pháo trước mũi của tuần dương hạm Rạng Đông là hiệu lệnh cho cuộc tấn công vào Cung điện Mùa Đông. Tới 2 giờ 10 phút, ngày 26/10/1917 ( tức ngày 08/11 theo lịch hiện đại), lực lượng công nhân vũ trang, chiến sĩ đồn trú tại Petrograd, các thủy thủ của Hạm đội Baltic đã chiếm được Cung điện Mùa Đông. Cũng ngay trong đêm 25/10/1917, Ðại hội các Xô viết toàn Nga lần thứ II khai mạc. Ðại hội thông qua lời kêu gọi "Gửi công nhân, binh lính và nông dân" do V.I.Lênin dự thảo. Kể từ đó, ngày 25/10 (07/11) đã trở thành thời khắc lịch sử khiến cho chiến hạm Rạng Đông trở thành một biểu tượng của Cách mạng Tháng Mười Nga”.

Đó là những dòng thông tin lịch sử hào hùng mà báo chí thường viết về chiến hạm lừng danh đã từng gắn bó tên tuổi với Cuộc cách mạng tháng 10 Nga vĩ đại: AVRORA, còn gọi là chiến hạm Rạng Đông.

Chiến hạm Rạng Đông hạ thủy lần đầu tiên ngày 24/5/1900, được coi là chiến hạm số 1 của Nga lúc đó.  Năm 1903, chiến hạm này được đưa vào sử dụng với lượng choán nước khi đó là 6.731 tấn; chiều dài 126,8m, chiều rộng 16,8m; vận tốc đạt 20 hải lý/giờ. Thủy thủy đoàn gồm 570 người. Chiến hạm Rạng Đông được trang bị hệ thống pháo ấn tượng: 08 khẩu 152mm, 24 khẩu 75mm, 08 khẩu 37mm, 02 ống phóng ngư lôi. Hệ thống pháo Canet cỡ nòng 152mm trang bị trên tàu có tầm bắn tối đa 9.800m.

Năm 1903, chiến hạm Rạng Đông hoạt động tại vùng Viễn Đông để củng cố lực lượng cho Hải đội 2 thuộc Hạm đội Thái Bình Dương của Nga và đã tham gia cuộc chiến tranh Nga - Nhật (1904 - 1905).  Trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất 1914 - 1916, chiến hạm Rạng Đông thực hiện nhiệm vụ tuần tra trên biển Baltic.  Năm 1941, chiến hạm Rạng Đông tham gia phòng thủ Leningrad. Chiếc tàu đã chiến đấu từ cửa ngỏ xa thành phố cùng Giang đội Chudskaya cũng như trong trận đánh gần tại đồi Voronya. Khi mặt trận đã áp sát, các khẩu pháo của nó được tháo dỡ khỏi con tàu và sử dụng trong việc phòng thủ thành phố, còn thủy thủ của hạm đội Baltic được biên chế thành sáu lữ đoàn Thủy quân Lục chiến tác chiến trên bộ. Bản thân con tàu được cho neo đậu tại cảng Oranienbaum liên tục bị bắn pháo và ném bom.  Tháng 9/1941,chiến hạm Rạng Đông bị thủng ngập nước và mắc cạn tại nơi neo đậu.  Sau đó, người ta cho con tàu nổi trở lại, sửa chữa và neo đậu trên sông Neva ở Leningad như một đài kỉ miệm về cuộc Cách mạng tháng Mười và từ năm 1957, chiến hạm trở thành một tàu bảo tàng và tồn tại đến bây giờ.
Một số hình ảnh về Avrora:

                                                                                              Nguyên Phong