Tháng 4, trên đảo quốc Singapore

Cũng như các tỉnh miền Nam nước ta, Singapore đón chào tháng 4 với những cơn mưa chợt tới, chợt đi, sau những đợt nắng bức kéo dài. Vào dịp này, những lễ hội bắt đầu tại các tỉnh ven biển nước ta, như carnaval Sầm Sơn kéo dài dọc đường Hồ Xuân Hương còn Singapore bắt đầu bằng “Tuần lễ Hàng hải” với hàng loạt các hoạt động nhằm giữ vững danh hiệu “Thủ đô Hàng hài của Thế giới” (được phong tặng năm 2017), trong đó có cuộc Triển lãm “Biển Châu Á” (Sea Asia) và cuộc Triển lãm Du thuyền (Yacht Show). Hội Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam VISIA cũng có đoàn tham dự hai cuộc Triển lãm này.

Biển Châu Á, Đại dương toàn cầu

 Cũng giống như Triển lãm APM (Hàng hải Châu Á - Thái Bình Dương) tổ chức vào năm chẵn, Sea Asia này vào các năm lẻ, cũng được làm tại Marina Bay Sands, nơi mà nhìn xa như một con tàu khổng lồ vượt đại dương. Tại đây, bạn có thể tìm thấy từ cái túi khí để hạ thủy do Thanh Đảo Trung Quốc sản xuất tới những chiếc bè cứu sinh mang nhãn hiệu Fujikura Nhật Bản, từ các thiết bị điện tử hàng hải mang nhãn hiệu KVH Hoa Kỳ tới các đài phát sóng của SingTel, công ty điện thoại, điện tử của nước này.

Tại triển lãm, chúng tôi bắt gặp nhiều bạn vừa tham gia Inmex tại thành phố Hồ Chí Minh tháng trước nay cũng có mặt tại đây như anh Schader cùa Công ty Tự động hóa Đức cùng chị Marjan, Hà Lan, người đã cùng ông thân sinh sát cánh với công nghiệp đóng tàu nước ta trong nhiều cuộc triển lãm tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh từ đầu thế kỷ tới nay. Vừa cà phê nói chuyện, họ đã góp cho chúng tôi nhiều ý kiến thẳng thắn về sản xuất, về marketing, về những điểm son cần cù lao động và học tập và cả về những cái “chúng ta chẳng giống ai trên thế giới này”…

Hội Họp tác các Xưởng Đóng tàu Nhật Bản CAJS

Gian hàng Cooperative Association of Japanese Shipbuilders - Hiệp hội Hợp tác các xưởng Đóng tàu (CAJS) được trình bày như một cái nấm che chở cho một nhóm các xưởng đóng tàu vừa và nhỏ của nước này, quần tụ nhau trong một tổ chức mang tình hợp tác xã, có trụ sở tại Tokyo. Những ai đã từng đi sang Nhật mua tàu cỡ 1.000 tấn (tàu “paragraph” hết thời theo Công ước Solas) giá rẻ như bèo vào những năm 80 - 90 hẳn còn nhớ các tên xưởng Mura, Imura, Murakami...  Hiện nay, các xưởng đó có mặt tại đây dưới ngọn cờ chung CAJS, xưởng nào không có mặt thì gửi catalogue, brochure, có những xưởng quá nhỏ, chỉ gửi một tờ A4, in cả hai mặt. Phó Chủ tịch CAJS cũng là ông chủ cỡ 70 tuổi của xưởng mang tên dòng họ Murakami, có tên là Eiji, đã niềm nở đón tiếp chúng tôi tại gian của xưởng đóng tàu của mình bên cạnh gian chính trình bày toàn cảnh của Hiệp hội.  Hai người con của ông, anh Hiroshi và Hiroaki phụ trách kỹ thuật và marketing của xưởng, giúp chúng tôi tìm hiểu thêm về xưởng đóng tàu của cha mình vừa kỷ niệm 50 năm thành lập. Qua câu chuyện với ông Eiji, chúng tôi được biết các xưởng này, ngoài ngôn ngữ thiết kế phổ biến là Autocad, còn thường dùng Nupas Cadmatic đã được chuyển sang tiếng Nhật. Bên cạnh đó, thiếu thốn nhân lực là vấn đề nan giải hiện nay. Cùng với hiện tượng dân số già đi, người trẻ thiếu động lực làm việc trong công nghiệp và cả cuộc sống, nước này đang tuyển các tu nghiệp sinh, các nhà thiết kế, đang thay đổi chế độ làm việc cho người nước ngoài hấp dẫn hơn. Và một số nhà tuyển dụng đã tới Hà Nội, Hải Phòng và thành phố Hồ Chí Minh. Có phải đó là cơ hội và cũng là thách thức với nhân lực đóng tàu nước ta ? Làm thế nào để bổ sung những thiếu sót trong giáo dục đào tạo? Thật may mắn, trước khi tới triển lãm, chúng tôi đã có cuộc khảo sát tại nước láng giềng của đảo quốc, đó là bán đào Malaysia láng giềng

Ông Eiji , chủ xưởng Murakami và là Phó Chủ tịch Hiệp hội CAJS (thứ hai từ bên phải) gặp gỡ đoàn VISIA

Trường Đại học Đóng tàu tại càng Lumut Malaysia

Với ý tưởng tìm kiếm nơi đào tạo, huấn luyện nâng cấp, đặc biết là tiếng Anh cho đóng tàu, chúng tôi cũng đã tới Lumut, một thành phố hải quân, thành phố du lịch biển nằm cách thủ đô Kuala Lumpur về phía tây bắc ba giờ xe buýt. Trường có tên là Mimet (viết tắt Malaysian Instittute of Maritime Engineering Technology ) được coi là một thành phần trong đại học Kuala Lumpur viết tắt là UniKL. Đón tiếp chúng tôi là Tiến sĩ Yuzri – Hiệu trưởng và Hiệu phó Samsol, thường được gọi là “Ông 3I” tức là người phụ trách International – quốc tế, Industrial – kết nối với giới công nghiệp và Instutional – kết nối đào tạo, những người mà chúng tôi đã gặp hồi tháng 10 năm ngoái trong cuộc hội thảo quốc tế mà kỹ sư Lê Lộc được mời làm thuyết trình viên. Toàn bộ khuôn viên campus rộng chục hecta, sát biển được bố trí như một xưởng đóng tàu \: vỏ (kim loại, gỗ, composite), máy (máy chính, máy phụ, các lab về máy ), điện,… rồi tới đà hạ thủy tàu dài hơn 100 mét. Ví dụ khu học về vỏ kim loại là hai nhà xưởng cao lớn giống như phân xưởng vỏ của 189 hiện nay, với chiều ngang khoảng 30 mét, dài 50 mét có đủ các máy gia công như cắt, uốn (ba trục và máy ép thủy lực ), máy CNC, hàng chục vị trí thực tập hàn Tig, Mig. Trong phân xưởng dạy về composite có cả máy thử sức bền và giải nghĩa chi tiết các vật liệu vải thủy tinh theo cỡ gam/mét vuông, việc làm khuôn mẫu. Là dụng cụ để học tập, nên các máy móc được kèm theo các mô hình cắt chi tiết, các quy trình thao tác an toàn, trình bày nghiêm túc theo tiêu chuẩn khoa học sư phạm. Một hệ thống mô phỏng về máy tàu gồm một buồng máy tàu thu nhỏ hoạt động như thực và một phòng simulator trên gác lửng, tất cả đều do công ty Unitest Ba Lan cung cấp. Xuất phát từ trường Hàng hải Gdynia khá quen thuộc với chúng ta, tiến sĩ Tomczak dã đưa sản phẩm này ra toàn cầu và Kuala Lumpur trở thành nơi đại lý châu Á, đã từng cung cấp cho vài trường của ta. Trường Mimet gợi mở cho ta nhiều điều, trong đó, phía bạn sẵn sàng hợp tác đào tạo, trao đổi sinh viên, điều chỉnh chủ đề theo yêu cầu, có nhiều lựa chọn: ngắn ngày, dài ngày… Điều kiện sinh hoạt, ăn ở cũng giản dị, đi lại thuận tiện, với nhiều chuyến bay giá rẻ, xe buýt phổ biến… Có lẽ đó có thể giúp ta nâng cao trình độ, chuẩn bị hợp tác, bổ sung vào nền giáo dục hàng hải của chúng ta. Và đó cũng là xu hướng như Bộ Giáo dục nước ta đã chỉ ra: mô hình Hàn Quốc và Malaysia có lẽ là thích hợp với chúng ta hơn cả sau khi đã khảo sát toàn cầu.

Trường Đại học Mimet làm việc gặp mặt là trao đổi với đoàn VISIA

Những chiếc yacht sang trọng

Chiều cuối cùng của chuyến đi khảo sát 5 ngày, chúng tôi được tham dự Triển lãm yacht show tại khu vực Sentosa, khu du lịch nổi tiếng mà tất cả những ai tới đảo quốc này đều ghé qua. Nhưng không phải ai cũng tới điểm tận cùng hướng ra biển này, một địa điểm có tên là “One.15”, nơi có Câu lạc bộ Yacht sang trọng của đảo quốc này. Để khỏi định nghĩa dài dòng về du thuyền, có lẽ chúng ta nên gọi nó luôn là yacht, nhập  thêm chữ này vào kho tiếng Việt , như nhiều dân tộc đã làm, như người Nga đã phiên âm và viết chữ “slave” thành “яхта”, đọc thành “yat-khơ-ta”. Cái cảng cho yacht, tức là cái marina này chắc nhỏ bé và không hùng tráng như Ana Marina của anh Đặng Hiếu ở Nha Trang. Cũng phải thôi, Ana Marina là dựa vào thiên nhiên còn Marina One.15 này là do lấn biển, dùng đá sỏi cát đem từ Malaysia sang, và có lẽ có cả cát của Việt Nam xây dựng nên. Dù chật chội, nhưng các yacht đến từ khắp nơi trên thế giới, mang nhiều tên tuổi như Ferretti, Jeanneau, Beneteau,… Có loại chạy máy hoàn toàn hay chạy buồm, có cái chỉ là nhà nghỉ ven hồ hay có chiếc đã từng đoạt giải American Cup lừng danh, hay đã từng tham gia cuộc dua vòng quanh thế giới (mà năm 2017, Việt nam có tham gia một chặng Hobart – Đà Nẵng), tât cả được sắp xếp trật tự theo kích thước, từ vài mét tới trên 40 mét. Đặc biệt, có cả chiếc hai thân, với cột buồm cao trên 20 mét, cùng thiết kế với chiếc hai thân vừa hạ thủy tại xưởng Tân Viễn Đông mà giám đốc Bùi Văn Công giới thiệu với khách nước ngoài trong chuyến tua thăm xưởng tháng trước tại triển lãm Inmex Sài Gòn. 

Đúng 3 giờ chiều, theo phong tục biển, tát cả các yacht rú còi, mở đầu cho lễ khai trương Triển lãm với màn múa lân mang đặc sắc châu Á, và các quan khách kéo nhau xuống cầu tàu tham quan các gian hàng và bỏ giầy dép, bước lên các yacht, tưởng tượng như đang hưởng thụ các tiện nghi xa xỉ trên các thứ đồ chơi mà đơn vị tính là triệu đô la Mỹ. Tại đây, chúng tôi lại được nghe tiếng mẹ đẻ, không phải chỉ từ các bạn đến từ Paris theo nhãn hiệu Des Joyaux với các bể bơi nổi mà cả các bạn đại lý bán hàng, đang cung cấp các yacht hoạt động trên vịnh Hạ Long, Nha Trang hay đang được một vài đại gia sử dụng trên khu vực Sài Gòn. Hình ảnh này tuy ít ỏi, chỉ là thiểu số so với hàng nghìn, hàng vạn người Việt đang lầm lũi làm ăn trên đất khách quê người để gửi tiền về quê nuôi gia đình, mà điển hình là một chị người Hậu Lộc, Thanh Hóa mà chúng tôi đã gặp trên chuyến xe đường dài, nhưng cũng làm cho bức tranh cuộc sống của chúng ta thêm sinh động, cũng như chúng ta đã từng làm ra  tới con tàu 15 vạn tấn, giàn khoan 120 mét nước sâu, hay từng sở hữu các con yacht vài chục tỷ đồng… trong khi đóng tàu hiện nay đang vật vã tìm lối thoát. Đó cũng là điều trăn trở của nhóm anh em VISIA chúng tôi trong chuyến khảo sát, tiếp nối triển lãm Inmex tại Sai gòn và cuộc Hội thảo năm ngoái. Nhiều tấm bản đồ mạng lưới đóng tàu Việt Nam với logo nổi bật của VISIA cùng vài đơn vị thiết kế và đóng tàu (X51) được công ty MapsGlobe phát miễn phí cho mọi khách tham quan Sea Asia cùng vài cân catalogue đã được anh em chúng tôi đưa tới từng gian hàng cũng là một cố gắng nhỏ nhoi trên bước đường phát triển của VISIA sắp tới.

Nhóm Phóng viên