Tình cảnh thợ thuyền nước ta

LTS: Năm 1925, cuộc bãi công của công nhân đóng tàu Ba Son (Sài Gòn) do Tôn Đức Thắng chỉ đạo là một tiếng vang gây chấn động đối với tư sản Pháp nói riêng và chế độ thực dân Pháp ở Việt Nam nói chung. Cuộc bãi công cho thấy giới hạn chịu đựng của giai cấp công nhân Việt Nam lúc đó và sự đấu tranh không khoan nhượng của công nhân Việt Nam trước sự bóc lột của thực dân.
Kỉ niệm 78 năm Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 – 2/9/2023). Tạp chí Công nghiệp tàu thủy Việt Nam xin đăng lại bài báo phản ánh một góc thực trạng “Tình cảnh thợ thuyền nước ta” vào năm 1925 cũng như giai đoạn trước khi Cách mạng Tháng Tám thành công với mong muốn cung cấp thêm những tư liệu về người thợ thuyền Việt Nam của “đêm trước Cách mạng” để ngày nay chúng ta hiểu và thấm sâu hơn giá trị của cuộc Cách mạng giành độc lập tự do trong cuộc kháng chiến chống Pháp do Lãnh tụ Hồ Chí Minh và Đảng ta lãnh đạo, đưa đường dẫn tới thành công.

Đóng tàu thời Pháp thuộc tại Sài Gòn năm 1864. Ảnh: Charles Parant

Ở nước nào cũng vậy, chỉ trừ một hạng người làm việc với Nhà nước là vững vàng, chắc chắn thôi, chỉ quý hồ chịu khó làm, không điều chi phạm luật trái phép, thì cứ lần lượt, năm nay thăng lên chức nầy, sang năm tăng lên chức khác, mà lương bổng cũng mỗi ngày một nhiều, cứ là sống lâu lên lão làng, không còn lo ngại điều chi.

Trong khi làm việc, lỡ có ốm đau thì đã có Nhà nước cho đi nhà thương, vào nằm hạng mất tiền nhưng Nhà nước trả cho. Làm độ ngoài hai mươi năm, nghĩa là khi đã mãn lệ với nhà nước, vì tuổi già sức yếu, phải cáo lui về dưỡng lão thì có lương hưu rất hậu, đủ để dung thân cho tới khi hồn về nơi chín suối, khi thác rồi, mà vợ còn dại, con còn thơ, thì Nhà nước lại cấp tiền tử tuất cho.

Vì những cái lợi đó mà ai cũng muốn bước chân vào làm ở các sở nhà nước, để có nơi vững vàng dung thân, khỏi lo lắng đến cái vấn đề lí tài, chừng nào lỡ không lọt vô nổi thì mới chịu đi làm tư. Vì cái nghề đi làm tư, lương vừa ít mà bấp bênh, nay đây mai đó không nhất định là ở nơi nào lâu dài, mà về sau khi già yếu về nằm nhà, có con thì con nuôi, không thì còn trông cậy nhờ vả ai đặng.

Những người đi làm tư, khi già trở về thì không mấy người có vốn, trong một trăm người thì mơi có thấy độ năm ba người có vốn, mà trong số năm ba người đó, là nhờ đặng có vợ buôn bán tần tảo thêm, chứ chỉ trông vào lương tháng thì khó lòng lắm. Cái số người mang công mắc nợ thì rất nhiều, vì lương tháng nào xài tháng ấy, lỡ khi ốm đau hay mất việc, thì chỉ trông cậy ở sự đi vay, mà những nhà có tiền cho vay ở nước ta thì có ai lạ chi, gặp lúc người ta cơ lỡ tới vay, thì thừa cơ hội ấy lấy nặng lời, một vốn bốn năm lời, khi kiếm đặng việc làm, thì lương tháng chỉ đủ xài phí tầm thường và góp lãi lời cho chủ nợ hết.

Như vậy còn lấy chi để dành được. Ấy là cái tình cảnh những người biết chữ mà đi làm tư là thế, chứ tình cảnh những thợ thuyền mới tiêu điều, khốn nạn, coi rất thương tâm hơn nữa. Đi làm đầu tắt mặt tối, từ sáng tinh sương cho đến tối đen kịt mới kiếm đặng vài cắc, thì cả nhà trông vào đó, dẫu nhờ có vợ buôn bán rau dưa cà cải chỉ để giúp thêm thì khéo lắm ngày kiếm đặng hai bữa rau cháo, đã là tốt phúc, còn lấy đâu ra mà để dành dụm.

Thợ thuyền nước ta tình cảnh rất khổ, không nơi nào là không thấy, mà khổ mỗi ngày càng thấy nhiều mãi ra.

Ôi! Càng nghĩ đến tình cảnh thợ thuyền nước mình bao nhiêu, lại càng thương tâm bấy nhiêu, mà tuyệt nhiên từ xưa tới nay, cũng chưa thấy mấy người chịu nghị luận đến, thì thật người mình quả là vô tâm quá.

Dẫu mấy năm nay tuy có một đôi hội nhóm thành, song xét ra người đứng chủ trương cốt cầu danh, cầu lợi mới lập nên hội, cho nên thấy các hội ấy nay mời nhau ăn, mai mời nhau uống, một năm đôi ba lần, hiệp đại hội đồng, tiểu hội đồng,  đit-cua (diễn văn) đọc rùm tai, nghe lời biện thuyết rất hùng hồn, nào mục đích này, tôn chỉ kia, nghe nhói tai nhức óc mà có chi lạ đâu, chẳng qua toàn là những câu tung bợ lẫn nhau, ông này kể công trạng ông kia, ông kia tán tài giỏi ông này, rồi bầu cử nhau làm chánh hội trưởng, tổng thư kí, phó thư kí, nghe cái tên cũng đủ rùng mình kinh sợ.

Nào là hữu ái, nào là tương trợ, nào là tương phù, nghe rặt những tiếng êm ái, nghĩ thì cảm động mà kì thật không làm đặng một việc chi. Chẳng qua hiệp nhau lại mà bàn nhau những cách lòi- lỏi bôn tẩu lấy phẩm hàm cho cao, mề-đay cho nhiều, khi đã mãn nguyện rồi thì các ngài đánh trống lảng, mỗi ông hội viên đi một ngả, bỏ trơ trơ lại còn có cái tên hội đó mà thôi, chứ thiệt thì công việc không làm nổi đặng một chút chi nửa.

Thế mà nay thấy đăng báo hô hào, mai lại đăng báo cổ động, không biết các ông ấy hiệp người lại cho đông hay là để khi nào các ông ấy hiệp nhau ăn uống thì cho thêm vui thêm long trọng chăng.

Thật không nói thì không được, mà nói ra hổ nhục cho người nước mình vô cùng.

Ấy là thương lưu trí thức thì thế đó, giá vào hạng hạ lưu thì không biết chúng nó làm chi đáng bật cười nữa. Ôi! Ngán lắm thay, ngán lắm thay!

Ấy, cái tình trạng nước mình như thế, thợ thuyền còn biết trông cậy vào đâu? Tôi nay tuy trí thiển, tài sơ cũng đánh bạo khác một cái đơn thuốc cứu thợ thuyền nước nhà, rất mong ở chính phủ xét rồi châm chước cho thi hành thì rất may cho thợ thuyền ta biết mấy.

Ụ tàu nhỏ trong khu Ba Son

Thứ nhất, ví như Nhà nước thi hành cái luật ép của các nhà nuôi thợ thuyền làm việc cho mình, mỗi tháng phải lưu lại 10 phần trăm cái lương của họ, đặng khi tuổi già không làm việc nổi thì tính cộng cái số tiền ấy rồi gia trả lại tử tế. Khi ốm đau thì phải cấp thuốc cho, và cũng phải cho lương ít nhiều để cho vợ con ở nhà dùng. Người nào đã làm việc cho mình được năm sáu tháng mà không muốn nuôi nữa thì phải cho thêm hai tháng lương nữa để có tiền ăn mà đợi việc khác. (Khoản này hiện có thi hành song chưa mấy người biết mà đem dùng nên cũng không có công hiệu mấy).

Thứ hai là lập ra một hội đề dành tiền đem gửi cũng được và được tính lời theo quốc lệ. Công việc quản đốc thì do Chính phủ cắt người trông nom, thế thì dân gian mới dám tin cậy, vì từ xưa tới nay, rất nhiều hội lập rồi lại tan mà thường hay xảy ra lắm sự lôi thôi. Hội này cũng lập theo quy củ chương trình của các nhà để dành tiền bên Pháp.

Ấy, hai điều đó, theo điều nào cũng được, mà theo cả hai điều thì càng hay. Mà thế lại tập đặng cho người nước ta có cái tư cách tiết kiệm.

Cái mục đích của tôi luận đâu thật là chỉ mong cho thợ thuyền có cái tương lai vững vàng, không lo xảy cái vạ thất nghiệp.

Thọ Sơn

(Theo Trung lập báo, Số 322, 14/02/1925)

(Nguyên Phong sưu tầm và giới thiệu)