Vài nét về tàu phá băng Polarstern

Tàu phá băng Polarstern được thiét kế bởi hãng Howaldtswerke – Đức và  được đưa vào hoạt động năm 1982. Hoạt động chính của tàu là sử dụng để nghiên cứu trong Bắc Cực và Nam Cực.


Polarstern có thể xuyên thủng lớp băng dày 1,5 m (4 ft 11 inch) với tốc độ 5 (9,3 km/h; 5,8 mph). Lớp băng dày hơn dày tới 3 m (9,8 ft) có thể bị phá vỡ bằng cách húc.

Năm 2020, tàu Polarstern hoàn thành sứ mệnh nghiên cứu Bắc Cực lớn nhất lịch sử. Tàu Polarstern của Viện Nghiên cứu đại dương và địa cực Alfred Wegener (Đức) cập cảng Bremerhaven ngày 12/10/2020. Không có sự kiện chào mừng rầm rộ nào do các biện pháp hạn chế dịch Covid-19, tuy nhiên khối dữ liệu về Bắc Cực quan trọng mà họ đem về sẽ giúp các nhà khoa học trên thế giới hiểu hơn về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

 

Tàu phá băng Polarstern trọng tải 12.614 GT, chuyển vị 17.300 tấn. Chiều dài 117,91 m, tốc độ 28,7 km/h, sức chứa 124 người, phi hành đoàn 44 người.

Trong hơn 389 ngày, hơn 300 nhà khoa học từ 20 quốc gia đã tham gia sứ mệnh nghiên cứu trị giá 177 triệu USD mang tên MOSAIC để đánh giá tình hình tại một trong những phần xa xôi và khắc nghiệt nhất hành tinh. Để nghiên cứu, đoàn đã lập 4 điểm quan sát trên biển băng trong bán kính lên tới 40 km xung quanh con tàu. Các nhà nghiên cứu đã thu thập các mẫu nước bên dưới lớp băng trong đêm để nghiên cứu sinh vật phù du và vi khuẩn thực vật, tìm hiểu cách thức hoạt động của hệ sinh thái biển trong điều kiện khắc nghiệt. Họ cũng dùng máy bay không người lái để thu thập thông tin về nhiệt độ, độ ẩm, áp suất, tốc độ gió để giúp tái hiện các điều kiện ở Bắc cực.


Kể từ khi chuyến tàu nghiên cứu khởi hành từ Tromso, Na Uy, vào ngày 20/9/2019, đoàn đã trải qua nhiều tháng dài chìm hoàn toàn trong bóng tối, với nhiệt độ thấp tới âm 39,5 độ C và xung quanh là 20 con gấu Bắc Cực. Chuyến đi cũng gặp sự cố khi dịch Covid-19 bùng phát và các biện pháp phong tỏa khiến nhóm nghiên cứu tiếp sức không thể bay đến tàu và đoàn bị mắc kẹt trong 2 tháng.

Nguyên Phong (tổng hợp)