Xu hướng việc làm đối với ngành cảng, logistics, hàng hải

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp logistics vẫn gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn nhân lực logictics, từ các nhân sự quản lý cấp cao đến lao động phổ thông. Nhiều chuyên gia kỳ vọng trong thời gian tới, khi đã có sự liên kết giữa các doanh nghiệp và trường học để đào tạo nguồn nhân lực logistics phần nào sẽ giải quyết được bài toán khát nhân lực.

 

Trong chiến lược phát triển kinh tế Biển bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, mục tiêu phát triển của Việt Nam sẽ trở thành quốc gia biển mạnh. Để làm được vậy, song song với việc phát triển hạ tầng cảng biển, vận tải biển và logistics thì nguồn nhân lực cũng phải được phát triển đầy đủ về số lượng và chất lượng nhằm góp phần nâng cao sức cạnh tranh của kinh tế Việt Nam.
Bên cạnh đó, ngành logistics hiện đang phát triển nóng, tốc độ phát triển hàng năm trên 10%. Hiện nay logistics đang đóng góp vào GDP cả nước khoảng 5%, Chính phủ cũng đã giao nhiệm vụ 2020 - 2030, logictics phải đóng góp 10%, gần tiệm cận với ngành du lịch. Do đó, nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực logistics rất cao, tuy nhiên trên thực tế sinh viên tốt nghiệp các trường nghề chưa đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng về cả chất lượng và số lượng vì vậy dự kiến đến năm 2030 ngành logistics Việt Nam sẽ thiếu rất nhiều lao động.
Cùng với đó, các doanh nghiệp hiện đang gặp nhiều khó khăn khi muốn phát triển nguồn nhân lực trong ngành dịch vụ logistics bởi lao động rất yếu về kiến thức chuyên môn và tiếng anh chuyên ngành. Hầu hết doanh nghiệp khi tuyển người đều phải đào tạo lại rồi mới sử dụng. Điều này rất tốn kém về thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.
Đánh giá về nguồn nhân lực cho ngành cảng, hàng hải hiện nay, tại hội thảo “Các xu hướng tiên tiến trong đào tạo nguồn nhân lực ngành cảng, hàng hải và an toàn an ninh hảng hải”, ông Trương Tấn Lộc, Giám đốc Công ty Tân cảng – STC (Tập đoàn STC Group) cho biết: Hiện 90% hàng hóa xuất nhập khẩu trên thế giới được vận chuyển thông qua cảng biển. Trong đó, xu hướng cảng biển hiện nay là ứng dụng tự động hóa, điện tử hóa vào vận hành. Việc này sẽ tác động đến xu hướng nguồn nhân lực và việc làm trong lĩnh vực logistics. Theo đó, một số vị trí việc làm trong ngành logistics có thể bị mất đi, trong khi một số vị trí việc làm trở có nhu cầu cao, thu nhập tốt.
Trong khi đó, hiện gần 90% vị trí công việc là nhân viên giao nhận tổng hợp, vận tải, kinh doanh. Tuy vậy, xu hướng hiện nay và trong tương lai không xa, vị trí việc làm hấp dẫn nhất là nhân viên marketing trực tuyến, nhân viên kinh doanh. Công việc khai báo hải quan thủ công có khả năng biến mất. Nhu cầu về nhân viên quản lý, vận hành nhà kho, quản lý tồn kho hoặc một số vị trí việc làm thủ công cũng có thể giảm...
Cùng đó, ông Lộc nhận định, việc tuyển dụng sẽ chú trọng kỹ năng làm việc, khả năng ngoại ngữ, sử dụng công nghệ thực tế hơn là bằng cấp. Dự kiến đến năm 2030, ngành logistics cần khoảng 30.000 người, trong đó khu vực phía Nam chiếm hơn một nửa nhu cầu.
Vì vậy, theo ông Lộc, trong thời gian tới, Tập đoàn STC dự kiến sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Hội An Toàn giao thông Việt Nam tổ chức các hoạt động đào tạo, tập huấn góp phần phát triển ngành Giao thông Vận tải Hàng hải.
STC Group là tổ chức giáo dục và nghiên cứu toàn cầu trong lĩnh vực công nghiệp hàng hải, logistics, vận tải. Từ những năm 1990, tập đoàn này hỗ trợ thực hiện một số dự án GTVT tại Việt Nam, trong đó có vận tải hàng hải và đường thủy nội địa. Năm 2018, STC Group đào tạo hơn 300 cán bộ quản lý cấp cao trong lĩnh vực hàng hải, logistics và vận tải thủy.

Hương Lan