Xu thế phát triển ngành công nghiệp đóng tàu và phát triển đội tàu trên thế giới trong kỷ nguyên mới
Thế kỷ XXI là “Thế kỷ của đại dương”, cùng với những tiến bộ vượt bậc của khoa học công nghệ và sự phát triển nhanh chóng của các ngành công nghiệp, con người đã từng bước làm chủ thiên nhiên, làm chủ biển cả, các hoạt động, dịch vụ khai thác tiềm năng của biển không ngừng ra đời và phát triển. Việc xây dựng và phát triển kinh tế biển đã trở thành nhiệm vụ, chiến lược trọng tâm hàng đầu của mỗi quốc gia có biển. Chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam nhằm vươn ra biển, khai thác tiềm năng của biển phục vụ phát triển đất nước là chiến lược đúng đắn, sâu sắc, thể hiện tầm nhìn vĩ mô của Đảng và Nhà nước trong suốt thời gian qua. Ngành vận tải biển đang đối mặt với nhiều thách thức từ kinh tế, chính trị đến môi trường, đòi hỏi sự thích ứng mạnh mẽ để duy trì khả năng cung cấp dịch vụ và tỷ lệ vận chuyển ổn định. Trong bối cảnh địa chính trị trên thế giới với việc cạnh tranh giữa các nước lớn, xung đột, khủng hoảng đang diễn ra ở nhiều “điểm nóng” trên thế giới như Biển Đỏ, xung đột Israel - Lebanon, xung đột Nga – Ukraine, Biển Đông,... Hậu quả còn dư âm của đại dịch Covid-19 những năm 2020 - 2021 cũng như sự phát triển như “vũ bão” của khoa học công nghệ với việc sử dụng trí tuệ nhân tạo AI và các thành tựu khoa học kỹ thuật của nhân loại là những nguyên nhân để định hình nên xu thế mới của ngành công nghiệp đóng tàu và đội tàu trên thế giới trong kỷ nguyên mới.
1. Sự phát triển của đội tàu hàng hải toàn cầu
Tình hình ngành vận tải biển năm 2022 - 2023: Ngành vận tải biển đang đối mặt với nhiều thách thức như biến động kinh tế toàn cầu, khủng hoảng logistics và sự chuyển đổi sang phương thức vận chuyển bền vững hơn. Thị trường vận tải container đã bình thường hóa sau cơn bùng nổ năm 2021, dẫn đến áp lực về công suất tàu.
Các vấn đề địa chính trị cũng ảnh hưởng đáng kể đến ngành đóng tàu thế giới do tác động đến các tuyến đường biển thương mại thay đổi, do đó thúc đẩy nhu cầu về tàu quân sự và hợp đồng đóng tàu. Những căng thẳng đang diễn ra và lợi ích chiến lược ở các khu vực như Biển Đông và Bắc Cực thúc đẩy đầu tư vào tàu hải quân và tàu phá băng. Ngoài ra, các chính sách thương mại và quan hệ quốc tế đang định hình nhu cầu về tàu thương mại, tác động đến quỹ đạo tăng trưởng của ngành.
Về đội tàu: Đội tàu toàn cầu tăng trưởng 3,2% trong năm 2022, nhưng tuổi thọ trung bình của tàu đã cao hơn so với một thập kỷ trước, với các tàu thương mại có tuổi đời trung bình 22,2 năm. Quy định môi trường ngày càng nghiêm ngặt đang thúc đẩy nhu cầu đổi mới, thay thế tàu cũ hết sức cấp bách và là cơ hội cho các quốc gia có ngành công nghiệp đóng tàu trong ít nhất 30 năm tới. Hơn 70% công suất tàu được đăng ký dưới cờ nước ngoài, điển hình là Panama và Liberia. Quốc gia cung cấp cờ hiệu không nhất thiết liên quan đến quốc tịch chủ tàu, điều này tạo ra sự phức tạp trong quản lý và quy định.
Bất chấp những khó khăn trong việc đặt hàng tàu mới, nhu cầu cho các loại tàu xanh và sử dụng nhiên liệu thay thế đang có xu thế gia tăng. Đây là cơ hội của ngành công nghiệp đóng tàu cần mở rộng quy mô để đáp ứng nhu cầu trên toàn cầu, đặc biệt là các quốc gia có tiềm năng, lợi thế về bờ biển, công nghệ và nguồn nhân lực.
Công suất tàu container đã tăng trưởng nhưng có dấu hiệu giảm sút do quản lý tình trạng thừa công suất. Các nhà điều hành tuyến đang tìm kiếm giải pháp như giảm tốc độ và hủy chuyến để tối ưu hóa hoạt động.
Các nhà khai thác đang theo đuổi chiến lược tích hợp dọc để cải thiện hiệu quả, dù có lo ngại về tính cạnh tranh. Liên minh giữa các hãng tàu lớn như Maersk và MSC sẽ kết thúc, dự kiến làm thay đổi cấu trúc thị trường.
2. Xu thế phát triển ngành đóng tàu thế giới
Ngành công nghiệp đóng tàu thế giới tiếp tục có những điều chỉnh căn bản gắn với xu thế giảm phát thải, bảo vệ môi trường và ứng dụng công nghệ mới, vật liệu mới là xu thế tất yếu. Cụ thể:
a. Xu thế phát triển gắn với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững:
Tính bền vững về môi trường vẫn là mối quan tâm hàng đầu của ngành đóng tàu thế giới hiện nay, với các quy định quốc tế chặt chẽ hơn về khí thải và tác động đến môi trường đang thúc đẩy các nhà máy đóng tàu đẩy mạnh việc đổi mới và áp dụng các hoạt động xanh hơn. Việc phát triển các loại nhiên liệu thay thế như: khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), methanol và hydro, cùng với những tiến bộ trong thiết kế thân tàu và hệ thống đẩy là những lĩnh vực trọng tâm chính nhằm mục đích giảm lượng khí thải carbon của tàu và tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường toàn cầu.
b. Xu thế ứng dụng công nghệ:
Đổi mới công nghệ tiếp tục là động lực quan trọng trong ngành đóng tàu. Các nhà máy đóng tàu sẽ phải gia tăng việc áp dụng tự động hóa, số hóa và các kỹ thuật sản xuất tiên tiến đang cách mạng hóa các quy trình đóng tàu.
Công nghệ tàu tiên tiến kết hợp trí tuệ nhân tạo và Internet vạn vật (IoT) nâng cao hiệu quả hoạt động, an toàn và bền vững. Những tiến bộ này sẽ đóng vai trò thiết yếu trong việc định hình tương lai của ngành đóng tàu thế giới và mang lại lợi thế cạnh tranh đối với những doanh nghiệp đóng tàu áp dụng sớm.
c. Xu thế về đội tàu:
Theo số liệu thống kê [1], với mỗi thập kỷ trôi qua, kích thước của tàu chở hàng tăng lên đáng kể. Trong vòng chưa đầy 70 năm từ tàu chở hàng đầu tiên đến tàu lớn nhất hiện nay sức chứa hàng của tàu đã tăng vọt lên 2.900%.
Xu thế gia tăng công suất tàu chở hàng trong khi nhu cầu giảm có thể dẫn đến giảm giá cước vận chuyển, ảnh hưởng đến hiệu quả và kế hoạch của các hãng tàu và chủ hàng và đang có triển vọng tích cực cho ngành LNG.
Tàu hàng 65.000T Trường Minh Dream 01 chuẩn bị hạ thuỷ tại Công ty Đóng tàu Nam Triệu
3. Triển vọng ngành đóng tàu thế giới trong kỷ nguyên đại dương
Thị trường đóng tàu thế giới đang sẵn sàng tận dụng nhiều cơ hội khác nhau phát sinh từ xu hướng kinh tế toàn cầu, địa chính trị và các chính sách của nước lớn, do đó triển vọng phát triển của ngành được thể hiện qua các đặc điểm sau:
- Nhu cầu ngày càng tăng về vận tải biển và sự mở rộng của các dự án năng lượng ngoài khơi tạo ra nhu cầu về nhiều loại tàu khác nhau, bao gồm tàu container, tàu chở hàng rời, tàu chở dầu và tàu hỗ trợ ngoài khơi chuyên dụng.
- Các thị trường mới nổi ở Châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Hàn Quốc, tiếp tục thống trị ngành đóng tàu với các khoản đầu tư đáng kể hàng trăm tỷ USD nhằm đẩy mạnh năng lực đóng tàu và cập nhật, áp dụng các tiến bộ về công nghệ.
- Thị trường đóng tàu toàn cầu dự kiến sẽ tăng trưởng đáng kể vào năm 2024 và các năm tiếp theo, do mức tiêu thụ năng lượng tăng và sự phát triển của ngành vận tải biển toàn cầu. Từ năm 2023 đến năm 2027, thị trường dự kiến sẽ tăng trưởng 24,52 tỷ đô la Mỹ, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 4,5%. Ngành đóng tàu của Trung Quốc cũng nắm giữ một thị phần đáng kể trên thị trường toàn cầu, với các khoản đầu tư lớn vào việc hiện đại hóa đội tàu hải quân và nâng cao năng lực đóng tàu quốc gia.
- Dự báo xu hướng phát triển bền vững và chuyển đổi nhiên liệu, bảo vệ môi trường của đội tàu vận tải biển, gồm các xu hướng sau:
(i) Xu hướng công nghệ đóng tàu chính được dự báo trong giai đoạn tới bao gồm sự nhấn mạnh vào việc tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI), áp dụng các công nghệ đóng tàu xanh, sự gia tăng của động cơ chạy bằng LNG (khí tự nhiên hóa lỏng), sử dụng rô-bốt, triển khai công nghệ kỹ thuật số, phát triển tàu chạy bằng năng lượng mặt trời và gió,... Việc đưa công nghệ in 3D vào đóng tàu cũng sẽ là xu hướng nổi bật trên thị trường đóng tàu.
(ii) Các quy định về môi trường ngày càng tăng sẽ làm tăng nhu cầu về tàu thân thiện với môi trường tuân thủ các tiêu chuẩn phát thải mới nhất. Các ước tính cho thấy việc khử cacbon của đội tàu thế giới vào năm 2050 có thể cần từ 8 tỷ USD đến 28 tỷ USD hàng năm. Các công ty lớn trên thị trường đóng tàu và sửa chữa đang giới thiệu các sản phẩm mới, bao gồm tàu container xanh được thiết kế để giảm thiểu tác động đến môi trường và giảm lượng khí thải carbon. Công nghệ đóng tàu sử dụng nhiên liệu thay thế cho thấy nhiều hứa hẹn, nhưng việc áp dụng chúng vẫn còn ở giai đoạn đầu với 98,8% đội tàu vẫn sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Thời gian tới dự kiến khoảng 20% số tàu được đặt hàng sẽ hoạt động bằng các lựa chọn thay thế sạch hơn như khí tự nhiên hóa lỏng, metanol và công nghệ hybrid. Năm 2022, Hàn Quốc đã được đặt hàng 70% tàu có khả năng sử dụng nhiên liệu thay thế, Trung Quốc 26%, Châu Âu 58% và Nhật Bản 17%.
Tính đến tháng 6/2024, Việt Nam có 1.505 tàu biển đăng ký trong Sổ đăng ký tàu biển quốc gia, với tổng trọng tải khoảng 14,3 triệu tấn, tổng dung tích khoảng 7,6 triệu GT. Trong đó có 961 tàu vận tải với tổng trọng tải khoảng 11,6 triệu tấn, tổng dung tích khoảng 6,9 triệu GT tuổi trung bình là 17,3 tuổi, cụ thể: Tàu chở hàng rời và hàng tổng hợp là 660, chiếm 68,68%, tuổi trung bình 17,5; Tàu chở dầu, hóa chất là 174, tuổi trung bình 18,4; Tàu chở khí hóa lỏng là 20, tuổi trung bình 24,2; Tàu chở container là 45, tuổi trung bình 18,6; Tàu chở khách là 66, tuổi trung bình 9,5. Đội tàu biển của Việt Nam đứng thứ 27 trên thế giới, đứng thứ 3 trong khối các nước ASEN, sau Singapore (thứ 4), Indonesia (thứ 19).
Như vậy, tuổi của đội tàu có ảnh hưởng đến quá trình đổi mới và tái chế đội tàu, đây là các yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến việc tuân thủ các quy định môi trường ngày càng tăng đến thời điểm hiện nay. Đứng trước thực trạng tuổi đội tàu biển Việt Nam đang có xu hướng tăng cao (độ tuổi trung bình 17,3 tuổi, trong đó trên 50% đội tàu trên 15 tuổi), nên nhu cầu cần một thế hệ tàu mới, hiện đại thay để đội tàu cũ đã già. Đồng thời, theo quy định của Tổ chức hàng hải quốc tế IMO về bắt buộc chuyển đổi năng lượng sạch theo (COP 26) là nguyên nhân thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành công nghiệp đóng tàu trong thời gian tới.
Với sự phát triển của thương mại toàn cầu, nhu cầu về tàu vận tải, tàu container và tàu chở hàng đang gia tăng. Nhu cầu vận tải biển của Việt Nam cũng được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh mẽ khoảng 10%/năm trong giai đoạn 2023 - 2030 sẽ thúc đẩy phát triển đội tàu vận tải biển với nỗ lực các chủ tàu Việt Nam nhằm tăng thị phần vận tải hàng xuất nhập khẩu cũng như đảm nhận 100% nhu cầu vận tải nội địa. Vì vậy đóng tàu Việt Nam có thể tận dụng cơ hội này để mở rộng sản xuất, khả năng cạnh tranh để đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước.
Định hướng giai đoạn đến năm 2030 đội tàu biển Việt Nam được cơ cấu lại và phát triển khoảng từ 1.600 - 1.750 chiếc với tổng trọng tải đạt từ 17 - 18 triệu tấn để phát triển kinh tế biển, trong đó đội tàu vận tải biển khoảng 1.200 chiếc với tổng trọng tải khoảng từ 13 - 14 triệu tấn. Dự báo tổng nhu cầu đóng mới bổ sung, thay thế đội tàu vận tải biển Việt Nam giai đoạn từ nay đến năm 2030 khoảng từ 4 - 5 triệu tấn, bình quân khoảng từ 0,7 - 0,8 triệu tấn/năm (bao gồm cả số lượng tàu đóng mới và thay thế đội tàu cũ).
Tính đến năm 2023, đội tàu hàng hải thế giới tham gia vận tải hàng hoá vào khoảng 105.500 tàu có dung tích từ 100 GT trở lên, tuổi tàu trung bình là 22,2 tuổi, trong đó tàu chở dầu, tàu hàng khô rời và tàu container chiếm 85%. Tổng trọng tải đạt 2,27 tỷ tấn trọng tải. Tăng trưởng trọng tải của đội tàu toàn cầu trung bình đạt 4,9%/năm giai đoạn 2011 - 2021.
Sự tăng trưởng của ngành đóng tàu thế giới được thúc đẩy bởi sự tăng trưởng kinh tế ở các thị trường mới nổi, mức tiêu thụ năng lượng ngày càng tăng, thị trường chịu ảnh hưởng của các chiến lược triển khai đội tàu, các thỏa thuận liên quan đến thương mại và nhu cầu khác nhau của các nước phát triển và đang phát triển về loại tàu và công suất.
Quy mô thị trường đóng tàu thế giới đã tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm gần đây thể hiện qua mức tăng trưởng đơn hàng đóng mới tàu. Đơn đặt hàng tàu đóng mới trên toàn cầu vẫn ở mức trung bình, chiếm 10% tổng đội tàu hiện có.
Vào đầu năm 2023, đơn đặt hàng đóng tàu mới đứng ở mức 4.029 tàu, với 237,3 triệu tấn, giảm 2,1% về lượng tàu nhưng tăng 4,1% về trọng tải so với cùng kỳ năm 2022. Đơn đặt hàng tàu đóng mới trên toàn cầu vẫn ở mức trung bình, chiếm 10% tổng đội tàu hiện có. Giá trị của đơn đặt hàng tăng gần 20% so với cùng kỳ năm trước. Điều này phản ánh đội tàu đóng mới theo xu thế hiện đại hơn, trọng tải lớn hơn và nhu càu ngày càng tăng đối với tàu chuyển đổi công nghệ xanh và sử dụng nhiên liệu sạch.
Tổng giá trị đóng mới toàn thị trường đóng tàu năm 2023 là 207,15 tỷ USD và năm 2024 là 220,52 tỷ USD (tăng trưởng là 6,5%). Số lượng đơn đặt hàng đóng tàu mới năm 2023 là 4.029 tàu tương đương với 237,3 triệu tấn. Các loại tàu được đặt hàng đóng mới cũng thay đổi trong những năm gần đây. Đến đầu tháng 5 năm 2023, đơn đặt hàng tàu chở dầu chỉ chiếm 4%, mức thấp nhất trong hơn 25 năm qua; đơn đặt hàng cho tàu chở hàng rời cũng chỉ chiếm 7%, trong khi đơn đặt hàng cho tàu container và tàu LNG lần lượt đạt 26% và 46%.
Dự báo giai đoạn 2024 - 2028, quy mô thị trường đóng tàu dự kiến sẽ tăng khoảng 22,1 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng bình quân là 3,95% /năm và sẽ dự kiến đạt khoảng 195 tỷ USD vào năm 2030.
Các loại sản phẩm chính của thị trường đóng tàu thế giới vẫn bao gồm tàu hàng rời, tàu chở dầu, tàu container, tàu du lịch, phà và các loại tàu chuyên dụng khác (Đội tàu chở dầu tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2021; tàu hàng khô rời tăng 2,8%; tàu chở khí hóa lỏng tăng 5,0%). Sự xuất hiện của các cảng biển mới ở các nền kinh tế mới nổi tại Châu Á - Thái Bình Dương cũng đang thúc đẩy nhu cầu về tàu container mới. Tàu chở dầu sẽ chiếm thị phần lớn nhất, bao gồm tàu chở dầu thô, xăng dầu, hóa chất, khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) và khí thiên nhiên nén (LNG). Những tiến bộ trong công nghệ, cải tiến tàu chở dầu và toàn cầu hóa là những yếu tố chính thúc đẩy thị trường toàn cầu, từ đó làm tăng nhu cầu về tàu chở dầu trong giai đoạn dự báo, đặc biệt là đối với tàu LNG.
Châu Á - Thái Bình Dương dự báo vẫn tiếp tục là khu vực lớn nhất trong thị trường đóng tàu toàn cầu đến năm 2030 với ước tính sẽ đóng góp 74%. Tây Âu là thị trường lớn thứ hai về thị phần đóng tàu toàn cầu nhưng chủ yếu sẽ tập trung vào các loại tàu cao cấp có mức độ công nghệ cao, tự động hóa và tàu xanh. Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản tiếp tục thống trị nguồn cung tàu biển, chiếm từ 85% - 94% thị trường đóng tàu thế giới những năm gần đây. Hàn Quốc chiếm 64% tàu chở khí và 42% tàu chở dầu, và Nhật Bản chiếm 45% tàu chở hóa chất. Đông Nam Á cũng tập trung tương tự vào hoạt động phá hủy tàu, với Bangladesh, Ấn Độ và Pakistan chiếm gần 90% hoạt động phá dỡ tàu toàn cầu.
Xu thế dịch chuyển ngành công nghiệp tàu thủy trên thế giới diễn ra mạnh mẽ từ Châu Âu sang Châu Á, từ các quốc gia phát triển sang các quốc gia đang phát triển với chu kỳ dịch chuyển ngành công nghiệp tàu thủy của một quốc gia bao gồm quá trình tiếp nhận dịch chuyển, xây dựng hạ tầng và tăng thị phần đóng mới tiến sang quá trình dịch chuyển giảm sản lượng, tăng dần giá trị.
- Ở các quốc gia Châu Âu, quá trình chuyển dịch xảy ra khá chậm, Anh Quốc là quốc gia mạnh nhất về đóng tàu giai đoạn cuối thế kỷ 19, chiếm 80% sản lượng tàu trên thế giới. Sang thế kỷ 20, thị phần đóng tàu Anh Quốc giảm dần từ 35,4% (1920) xuống 0,82% (1990).
- Ở Nhật Bản, quá trình xây dựng và phát triển kéo dài khoảng 45 năm, từ 1920 – 1965 với thị phần tăng trưởng từ 5,2% lên 44%; quá trình bão hòa, duy trì vị thế và sản lượng đứng đầu thế giới kéo dài trong 30 năm (1960 – 1990) và bắt đầu quá trình dịch chuyển, giảm sản lượng và xuất khẩu công nghệ đóng tàu ra khỏi quốc gia để đến năm 2008 còn chiếm 4% thị phần đóng tàu thế giới. Chính sách hỗ trợ của chính phủ thể hiện qua các chương trình hỗ trợ chuyển đổi thiết bị (1976 và 1987), hỗ trợ chuyển đổi Nhà máy đóng tàu sang phá dỡ tàu (1978) nhằm điều hòa năng lực đóng tàu, hỗ trợ cho phía cầu; cùng với Ngân hàng phát triển Nhật bản (DBJ) hỗ trợ cho các Công ty vận tải biển đóng mới tàu, đồng thời Chính phủ cũng tạo thêm nhiều nhu cầu mới như tàu phục vụ cho hành chính công hoặc các thiết bị, kho chứa dầu nổi khi thị trường dầu có nhiều biến động.
- Tại Hàn Quốc, quá trình xây dựng và phát triển kéo dài khoảng 23 năm, từ 1970 – 1993 với thị phần tăng trưởng từ 1,5% lên 45,5% (năm 1993 Hàn Quốc có sản lượng đóng tàu đứng đầu thế giới); quá trình bão hòa, duy trì vị thế và sản lượng đứng đầu thế giới dự kiến kéo dài trong 20 năm và bắt đầu quá trình dịch chuyển, giảm sản lượng và xuất khẩu công nghệ đóng tàu ra khỏi quốc gia từ năm 2013. Để phát triển ngành đóng tàu, Chính phủ Hàn Quốc thể hiện chức năng điều tiết của mình qua vai trò của các ngân hàng thuộc sở hữu của chính phủ thông qua vị thế vốn chủ sở hữu hoặc là chủ nợ chính. Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, một số ngân hàng thuộc sở hữu của chính phủ đã đóng vai trò hàng đầu trong việc tái cơ cấu tài chính và doanh nghiệp, với tư cách là chủ nợ chính hoặc nắm giữ vị thế chủ sở hữu, như điều này có thể thấy trong sự gia tăng tỷ lệ sở hữu trong các công ty đóng tàu lớn. Các biện pháp hỗ trợ cho phía cầu: Có một số quỹ vận tải biển được thành lập tại Hàn Quốc như quỹ Hàng hải do KAMCO thành lập năm 2009, quỹ vận tải biển KDB do KDB thành lập năm 2009 và KIC (Tập đoàn đầu tư Hàn Quốc) do KEXIM quản lý để hỗ trợ ngành vận tải biển đặt đóng tàu.
- Tại Trung Quốc, quá trình xây dựng và phát triển kéo dài khoảng 20 năm, từ 1990 – 2012 với thị phần tăng trưởng từ 1% lên 45% (6 tháng năm 2010 Trung Quốc chiếm 41% và đứng đầu thế giới về tấn trọng tải tàu xuất khẩu, đứng thứ 2 thế giới về doanh thu). Ngành đóng tàu tại Trung Quốc được đầu tư mạnh mẽ từ kế hoạch kinh tế quốc gia 5 năm lần thứ 11 (2006-2010), Trung Quốc đã đưa ra một số chính sách nhằm phát triển ngành công nghiệp đóng tàu của nước này trở thành ngành công nghiệp lớn trên toàn thế giới. Các chính sách đặt ra các mục tiêu sản lượng và công suất cụ thể, đồng thời bao gồm sự kết hợp giữa sản xuất, đầu tư và trợ cấp doanh nghiệp. Trợ cấp sản xuất bao gồm nguyên liệu đầu vào và tín dụng xuất khẩu, tài trợ của người mua,... Trợ cấp đầu tư dưới hình thức cho vay dài hạn lãi suất thấp. Các chính sách hỗ trợ về giá đất, thủ tục cấp phép xây dựng cho các Nhà máy đóng tàu xây dựng mới. Sau khi gặp khủng hoảng kinh tế năm 2008-2009, Chính phủ Trung quốc đã có chương trình hỗ trợ tài chính cho các chủ tàu bán tàu cũ đóng tàu mới để phát triển thị trường nội địa đến hết năm 2017. Năm 2019, Trung Quốc sáp nhập 02 tập đoàn đóng tàu nhà nước Trung Quốc để thành lập Tổng công ty đóng tàu nhà nước Trung Quốc mới. Doanh nghiệp nhà nước mới này là công ty đóng tàu lớn nhất thế giới với 20% thị phần toàn cầu và 110 tỷ đô la Mỹ tài sản
Đóng tàu là một ngành công nghiệp lớn, liên quan mật thiết đến nhiều ngành công nghiệp khác nhau, đặc biệt là lĩnh vực cơ khí, luyện kim, chế tạo, lắp ráp thiết bị, máy móc cơ khí thuỷ, điện, điện tử, tự động hóa, vật liệu mới. Để sản phẩm đóng tàu có tính cạnh tranh, cần có lĩnh vực công nghiệp phụ trợ hoặc xây dựng chuỗi giá trị toàn cầu ngành công nghiệp tàu thủy. Đặc thù ngành đóng tàu cũng như ngành cơ khí có tỷ suất lợi nhuận không cao, nhưng có tác động lan tỏa lớn đến nền kinh tế, có thể thúc đẩy nhiều ngành cùng phát triển. Tuy nhiên, đóng tàu là một ngành công nghiệp có nhu cầu vốn lớn. Một số bài học kinh nghiệm có thể nghiên cứu áp dụng như sau:
(1). Kinh nghiệm phát triển các nước cho thấy để phát triển ngành, nhà nước cần tiếp tục có các gói vay với lãi suất ưu đãi cho các doanh nghiệp đóng tàu, bảo lãnh thực hiện hợp đồng với chủ tàu nước ngoài đối với những sản phẩm được đánh giá là hiệu quả.
(2). Hình thành doanh nghiệp được nhà nước lớn, trụ cột, đóng vai trò dẫn dắt, quản lý toàn diện với ngành đóng tàu như Trung Quốc, Hàn Quốc.
(3). Ban hành đồng bộ, có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ hợp lý để thu hút, đào tạo nguồn nhân lực bao gồm cả quản lý và công nhân kỹ thuật lành nghề có chứng chỉ quốc tế, có trình độ chuyên môn và kiến thức công nghệ đóng tàu mới, hiện đại; đồng thời tiếp tục nghiên cứu để có các giải pháp về thuế, điều kiện vay, lãi suất vay vốn ngân hàng...
(4). Lựa chọn đóng tàu với xu hướng áp dụng công nghệ mới, thân thiện môi trường và sử dụng nhiên liệu, năng lượng sạch.
Tàu kéo chạy điện Tug 2513-E 01 đóng mới tại Công ty Đóng tàu Sông Cấm
- Nâng cao khả năng điều chỉnh: Thực hiện các nghiên cứu theo dõi xu hướng và cải thiện chia sẻ thông tin.
- Xây dựng năng lực cho quốc gia: Cải thiện năng lực và hợp tác giữa các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển.
- Hỗ trợ giảm thiểu biến động cước phí: Thúc đẩy nghiên cứu và thiết lập cơ chế tư vấn để tăng cường minh bạch và hiểu biết trong ngành.
- Áp dụng những tiến bộ của thế giới về những cải tiến trong khoa học vật liệu đang tạo ra những vật liệu bền và nhẹ hơn, có thể nâng cao hiệu quả nhiên liệu và giảm khí thải.
- Đảm bảo các quy trình và hoạt động đóng tàu tuân thủ các quy định và tiêu chuẩn về môi trường.
- Thúc đẩy mạnh việc tập trung vào việc tích hợp các hoạt động bền vững vào thiết kế tàu, bao gồm sử dụng nhiên liệu thay thế và hệ thống đẩy hiệu quả.
- Nghiên cứu tác động môi trường của việc đóng tàu và vận hành tàu, đề xuất các biện pháp giảm thiểu tác động tiêu cực.
- Phát triển và triển khai các hệ thống tiên tiến cho tàu thuyền để giảm ô nhiễm biển.
- Đổi mới trong việc tạo ra vật liệu tàu bền hơn và nhẹ hơn, cải thiện hiệu quả sử dụng nhiên liệu và giảm khí thải.
- phát triển và tích hợp nhiên liệu thay thế như LNG và hydro vào hệ thống đẩy tàu.
- Tập trung vào việc tích hợp công nghệ điện khí hóa vào tàu để giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.
TS. Phạm Hoài Chung
Chú thích: [1] https://www.smithsonianmag.com/smart-news/cargo-ships-keep-getting-bigger-and-infrastructure-is-racing-to-keep-up180984043/#:~:text=Then%2C%20the%20race%20to%20construct,cargo%20capacity%20by%202%2C900%20percent.
Bài viết liên quan
- Nghiên cứu Quy định Công ước Luân Đôn 1972 và Nghị định thư 1996, kinh nghiệm cho Việt Nam (Phần 2) (15/11/2024)
- Nghiên cứu Quy định Công ước Luân Đôn 1972 và Nghị định thư 1996, kinh nghiệm cho Việt Nam (Phần 1) (15/11/2024)
- Nghiên cứu phát triển các bản tin ứng dụng đặc biệt của hệ thống nhận dạng tự động trong cảnh báo nguy cơ đâm va tàu thuyền (30/10/2024)
- Đánh giá thực thi Phụ lục VI Công ước quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm từ tàu thuyền tại Việt Nam (Phần 2) (10/10/2024)
- Đánh giá thực thi Phụ lục VI Công ước quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm từ tàu thuyền tại Việt Nam (Phần 1) (26/08/2024)
- Điều tra các nhân tố tác động đến hoạt động chuyển đổi số trong các doanh nghiệp logistics tại khu vực Hải Phòng (19/07/2024)
- Nghiên cứu một số vấn đề pháp lý về tàu mặt nước tự vận hành và tác động tới quy định của quy tắc phòng ngừa đâm va tàu thuyền trên biển (22/05/2024)
- Phân tích tác động tổng thể của chuyển đổi số đến hoạt động của tàu biển (23/04/2024)
- Xây dựng hệ thống bảo trì theo kế hoạch cho tàu huấn luyện VMU Việt – Hàn (22/12/2023)
- Rủi ro hàng hải: Tổng quan và xu hướng nghiên cứu (20/11/2023)