Để Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển (Phần 2)

Phần 2: Bối cảnh mới và những vấn đề đặt ra  đối với Chiến lược Biển Việt Nam

III. Bối cảnh mới và những vấn đề đặt ra  đối với Chiến lược Biển Việt Nam trong thời gian tới

1. Tình hình quốc tế và khu vực:

- Trong những năm tới, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có sự thay đổi nhanh chóng, diễn biến phức tạp, mặc dù hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế chủ đạo, tăng trưởng của kinh tế thế giới và khu vực đạt được một số kết quả nhất định, tuy nhiên tình hình chính trị - an ninh diễn biến phức tạp, tiềm ẩn những nhân tố bất ổn, khó lường tác động đến chiến lược biển của các quốc gia trong đó có Việt Nam. Xuất hiện những xu hướng mới như sự chuyển dịch quyền lực của các nước lớn, tăng cường sự cạnh tranh chiến lược tại nhiều khu vực trên thế giới, nhất là tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông. Các nước lớn vừa gia tăng cọ sát trong các vấn đề mang tính chiến lược vừa tăng cường lôi kéo các nước nhỏ và vừa vào các tập hợp lực lượng trong việc triển khai điều chỉnh chiến lược biển của mình. Hai xu hướng bảo hộ và tự do hóa thương mại cọ sát nhau gay gắt mà 2 đại diện chủ yếu là  sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc.

- Biển Việt Nam thuộc Biển Đông nằm trên tuyến đường giao thông huyết mạch nối liền Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương, châu Âu - châu Á, Trung Đông - châu Á. Đây được coi là tuyến đường vận tải quốc tế nhộn nhịp thứ hai của thế giới. Hơn 90% lượng vận tải thương mại của thế giới thực hiện bằng đường biển và 45% số đó phải đi qua Biển Đông.

Biển Đông trong thời gian qua xuất hiện nhiều xu hướng bất ổn mới do Trung Quốc đã xác lập một “hiện trạng mới” có lợi cho Trung Quốc và đang tìm cách củng cố hiện trạng mới này. Trung Quốc công khai khẳng định lợi ích và tuyên bố kiên trì mục tiêu kiểm soát Biển Đông. Bên cạnh đó, nước này cũng triển khai nhiều biện pháp vừa nhằm làm chìm vấn đề biển Đông, hạn chế sự can dự của Mỹ, vừa tiếp tục lôi kéo và chia rẽ các nước ASEAN trong vấn đề này. Trung Quốc thực hiện chiến lược cường quốc đại dương, triển khai sáng kiến “Vành đai, Con đường” và “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ XXI”. Mục tiêu lâu dài và xuyên suốt của Trung Quốc là hiện thực hóa chủ quyền “đường lưỡi bò”, tiếp tục xây dựng các bãi cạn chiếm đóng trái phép của ta thành đảo nhân tạo, thực hiện quân sự hóa biển Đông, âm mưu thôn tính độc chiếm Biển Đông. Đây chính là mối đe dọa trực tiếp đến lợi ích quốc gia, chủ quyền biển đảo của Việt Nam trong hiện tại và tương lai. Thực tế cho thấy trong nội bộ các nước ASEAN có xu hướng bị phân hóa trước vấn đề Biển Đông, một số nước theo đuổi chính sách thực dụng với Trung Quốc và chịu sự tác động của các nước lớn. Quá trình chuyển từ DOC sang Bộ quy tắc ứng xử (COC) thực chất tại Biển Đông giữa Trung Quốc và ASEAN còn gặp nhiều khó khăn. (3)

 Ngoài tác động của các yếu tố an ninh quốc phòng, cạnh tranh các nước lớn trong bối cảnh mới thì tác động của mạnh mẽ của Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng tạo ra cơ hội và thách thức trong việc khai thác sự dụng các tiềm năng to lớn của biển cũng như thách thức trong việc giải quyết các vấn đề nảy sinh từ triển khai chiến lược biển của các quốc gia như giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, nước biển dâng, tình hình cạn kiệt nguồn tài nguyên biển, ô nhiễm môi trường.

 

2. Tình hình trong nước

     Qua  hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội, tích cực chủ động hội nhập quốc tế, thế và lực, sức mạnh tổng hợp của đất nước, uy tín quốc tế của nước ta ngày càng nâng cao, năm 2017, theo Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) năng lực, cạnh tranh của kinh tế Việt Nam đã tăng 5 bậc, lên thứ 55/137. Ngân hàng Thế giới (WB) xếp hạng về môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 14 bậc, lên thứ 68/190 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Việt Nam tích cực  tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA),  ngày 9/3/2018 vừa qua Việt Nam đã cùng các đối tác tham gia ký Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tại Chilê, hiệp định này gần như mở cửa hoàn toàn thị trường của 11 nền kinh tế chiếm tới 13,5% GDP toàn cầu, tương đương khoảng 13.000 tỷ USD. Hiệp định này đã mở ra nhiều cơ hội và thách thức để Việt Nam gia tăng xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài, đẩy mạnh cải cách thể chế, thủ tục hành chính, xây dựng môi trường kinh doanh công khai, minh bạch, góp phần tăng cườnghợp tác quốc tế về biển với các quốc gia trong khu vực, nhằmphát triển bền vững biển trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Nước ta bước vào giai đoạn mới của sự phát triển với những thời cơ thuận lợi, cùng thách thức khó khăn. Bên cạnh những kết quả đạt được, đất nước cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn về tiềm lực, sức cạnh tranh còn hạn chế của nền kinh tế, các nguồn lực đầu tư phát triển còn eo hẹp, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về biển còn hạn chế… Trong bối cảnh đó, trên Biển Đông, tranh chấp chủ quyền, biển đảo còn diễn biến phức tạp khó lường đòi hỏi sự tập trung và chuẩn bị kỹ lưỡng cho tình huống mới. Nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc đang đứng trước rất nhiều thách thức khó khăn, do vậy phải không ngừng nâng cao cảnh giác không để rơi vào thế bị động bất lợi trong vấn đề Biển Đông, sẵn sàng đối phó với mọi tình huống có thể xảy ra, kiên quyết giữ vững chủ quyền, môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.

Tình hình đó tác động mạnh mẽ, toàn diện, sâu sắc đến Chiến lược biển của nước ta trong thời gian tới.

     Xuất phát từ những yêu cầu khách quan cấp bách của thực tiễn đất nước trong bối cảnh mới của khu vực, thế giới trong thời gian tới; qua tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 09 về Chiến lược biển Viêt Nam đến năm 2020, từ đó đề xuất với Trung  ương xem xét, ban hành Nghị quyết mới về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” để tập trung lực lượng, sức mạnh, phấn đấu xây dựng nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

3. Quan điểm chỉ đạo và mục tiêu:

Phát triển quan điểm chỉ đạo trong Nghị quyết số 09-NQ/TW của Hội nghị Trung ương lần thứ tư khóa X, kiến nghị quan điểm chỉ đạo trong Chiến lược biển trong giai đoạn phát triển mới gồm:

Một là, thống nhất nhận thức vai trò then chốt, quan trọng của biển đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Thế kỷ 21 được xác định là “Thế kỷ của đại dương”, do vậy biển có ý nghĩa vô cùng quan trọng sống còn để nước ta phát triển bền vững đối với các dân tộc Việt Nam và các thế hệ mai sau, đồng thời mở rộng hợp tác, giao lưu khu vực và quốc tế. Chiến lược biển phải góp phần quan trọng đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trở thành nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu dân giàu nướcmạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Chú trọng xây dựng và phát triển văn hóa biển Việt Nam thể hiện truyền thống dân tộc và giao lưu hội nhập quốc tế .Tích cực chuẩn bị các điều kiện để nước ta không những khai thác sử dụng hiệu quả vùng biển quốc gia mà còn vươn ra vùng biển quốc tế.

Hai là, xây dựng và phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế, xã hội, khoa học - công nghệ, nguồn nhân lực, tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của ta trên các vùng biển và thềm lục địa, làm cho đất nước ta thật sự giàu mạnh từ biển, bảo vệ vững chắc môi trường biển.

Ba là, xác lập chủ quyền đầy đủ, quản lý bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của nước ta trên các vùng biển, thềm lục địa. Phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước, của hệ thống chính trị nhằm giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ vững chắc vùng trời, các vùng biển, hải đảo của Tổ quốc, góp phần giữ gìn môi trường hòa bình, hợp tác hữu nghị giữa các quốc gia trong khu vực Biển Đông. Mở rộng quan hệ đối ngoại, đẩy mạnh hợp tác quốc tế với các nước trên thế giới, nhất là các nước có lợi ích tại khu vực biển Đông. Tăng cường đối thoại, hợp tác, giải quyết các vấn đề xung đột trên biển bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế và trên nguyên tắc tôn trọng chủ quyền quốc gia của mỗi nước.

Bốn là, đảm bảo phát triển nhanh, bền vững các ngành kinh tế biển, có lộ trình bước đi hợp lý đến năm 2030, 2045, trước mắt chú trọng phát triển các ngành kinh tế tiềm năng như du lịch biển, kinh tế hàng hải, khai thác nuôi trồng chế biến hải sản, xây dựng các đặc khu kinh tế, tìm kiếm thăm dò, khai thác chế biến dầu khí....

Năm là, xây dựng và triển khai thực hiện Chiến lược biển là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trực tiếp là của các cấp ủy, tổ chức Đảng mà trước hết là người đứng đầu. Phát huy mạnh mẽ vai trò của Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và cơ quan truyền thông báo chí trong việc tuyên truyền, phổ biến về vị trí vai trò của biển, đảo.

4. Định hướng mục tiêu và lộ trình thực hiện:

- Mục tiêu tổng quát: Phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo vệ tốt môi trường đa dạng sinh học biển, đảm bảo giữ vững chủ quyền biển đảo của đất nước. Phấn đấu đến năm 2045, Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển tầm cỡ trong khu vực và trên thế giới, chuẩn bị đủ các điều kiện để vươn ra vùng biển quốc tế.

- Mục tiêu cụ thể:

+ Về kinh tế: Tập trung nguồn lực, phát triển có trọng điểm các ngành kinh tế biển (du lịch biển, đảo; kinh tế hàng hải, khai thác và chế biến dầu khí, khai thác và chế biến hải sản, dịch vụ; phát triển công nghiệp đóng tầu, năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế mới); phát triển các trung tâm kinh tế ven biển; kết cấu hạ tầng khu vực ven biển và các đảo phát triển đồng bộ. Phấn đấu đến năm 2030, kinh tế biển chiếm  60% GDP của cả nước.Phấn đấu thu nhập bình quân đầu người cao gấp 50% so với thu nhập bình quân chung của cả nước.

+ Về quốc phòng, an ninh, đối ngoại: củng cố, tăng cường tiềm lực, thế trận quốc phòng toàn dân, đảm bảo an ninh, nâng cao uy tín, vị thế quốc tế của đất nước để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, môi trường hòa bình, ổn định, để phát triển đất nước.

+ Về văn hóa, xã hội: Giữ vững an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên vùng biển, đảo, ven biển; bảo đảm việc làm, cải thiện đời sống, nâng cao trình độ dân trí, chăm sóc sức khỏe, phát triển các hoạt động văn hóa cho nhân dân vùng biển, đảo. Xây dựng nền văn hóa biển Việt Nam.

+ Về môi trường: Bảo vệ tốt môi trường và đa dạng sinh học biển, đảm bảo phát triển bền vững biển và các vùng ven biển. Chủ động phòng chống, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

5. Giải pháp và kiến nghị:

- Nâng cao nhận thức, tăng cường tuyên truyền giáo dục chính trị tư tưởng về biển đảo của Tổ quốc, xây dựng và thực hiện định hướng chiến lược biển thống nhất trong giai đoạn tới là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân nên để tạo sức mạnh tổng hợp có thể phổ biến công khai Chiến lược biển. Chiến lược bao gồm các định hướng chung thống nhất, nội dung cụ thể sẽ do các bộ, ngành địa phương triển khai, phần quốc phòng, an ninh, đối ngoại có quy định riêng.

- Tiếp tục kiện toàn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về Chiến lược biển, tăng cường phối hợp chặt chẽ các cấp, ngành và liên kết các thành phần kinh tế trong thực hiện chiến lược biển.

- Đẩy mạnh xây dựng hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về biển đảo. Tập trung xây dựng hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến thực hiện Luật Biển Việt Nam, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, Luật Thủy sản (năm 2017), Luật Quy hoạch (năm 2017) và một số luật khác mới được ban hành liên quan đến biển, đảo, tạo điều kiện cơ sở pháp lý để phát triển một số đặc khu kinh tế ven biển có tầm quốc tế.

- Đổi mới đồng bộ, mạnh mẽ thể chế, cơ chế chính sách, cho phát triển kinh tế biển. Cơ cấu lại tổng thể các ngành kinh tế biển theo hướng liên kết chặt chẽ các ngành, gắn kết phát triển các ngành kinh tế với phát triển các vùng, trung tâm kinh tế biển, doanh nghiệp biển. Xây dựng và mở rộng các mô hình quản lý tổ chức sản xuất kinh doanh phù hợp tiêu chuẩn quốc tế như tổ chức khai thác biển tập trung liên kết các khâu gia tăng chuỗi giá trị sản phẩm, mô hình hợp tác sản xuất trên biển. Nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách vượt trội cho một số địa phương, địa bànđược xác định đóng vai trò trung tâm kinh tế biển mạnh của cả nước. Tập trung đầu tư có hiệu quả các khu kinh tế, khu công nghiệp, đô thị ven biển và hệ thống kết cấu hạ tầng  đồng bộ.

- Áp dụng các thành tựu của Cuộc cách mạng 4.0 vào thực hiện các mục tiêu của Chiến lược biển quốc gia, nhất là chuyển từ kinh tế biển chủ yếu dựa vào vốn đầu tư, khai thác tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường sang kinh tế dựa trên nền tảng tri thức, khoa học công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao, phát huy hiệu quả tiềm năng lợi thế của biển Việt Nam.

- Đảm bảo các nguồn lực, tập trung đầu tư để thực hiện Chiến lược biển nhất là định hướng phát triển khoa học công nghệ, phát triển nguồn nhân lực biển. Tiếp tục đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu kinh tế quốc phòng trên biển. Tăng cường hợp tác quốc tế về biển.

- Coi trọng và tăng cường công tác quy hoạch, kế hoạch, nghiên cứu dự báo trong triển khai thực hiện Chiến lược biển.

------------------------------------------------------------------------------------------------

Chú thích:

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII. Văn phòng Trung ương Đảng. Hà Nội năm 2016, trang 288 – 289.

(2) Có nhiều địa phương sau khi Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 09/02/2007 tại hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020 được ban hành thì hơn 2 năm sau mới có chương trình hành động của địa phương mình. Tình trạng liên minh châu Âu EU ra phán quyết áp dụng thẻ vàng đối với thủy sản Việt Nam cho thấy ngư dân của chúng ta còn thiếu ý thức về luật pháp quốc tế, trong việc đánh bắt thủy sản xa bờ không rõ nguồn gốc xuất xứ.

(3) Ngày 02/6/2018 vừa qua, ngoại trưởng nước này cho hay giới chức nước này và Trung Quốc đã gặp nhau để thảo luận khả năng khai thác chung nguồn tài nguyên ở Biển Đông.

PGS.TSKH Trần Nguyễn Tuyên

                                           Hội đồng Lý luận Trung ương