Nâng cao công tác đăng kiểm phương tiện thủy nội địa chở khách du lịch

Bài báo cung cấp về công tác đăng kiểm phương tiện thủy nội địa chở khách du lịch. Do sự khác nhau về vị trí địa lý, dòng chảy, chiều cao sóng tại các sông, hồ trên cả nước và nhu cầu về phát triển, gìn giữ di sản thiên nhiên tại một số địa phương, vì vậy hiện nay trong công tác đăng kiểm phương tiện thủy nội địa chở khách du lịch đang có một số địa phương tự ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định thêm các yêu cầu về kỹ thuật và dịch vụ. Bài báo cũng nêu ra một số giải pháp trong công tác chỉ đạo, điều hành hiện đang được Cục Đăng kiểm Việt Nam thực hiện và giải pháp trong thời gian tới, trong đó nhấn mạnh sự cần thiết phải ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân cấp và đóng phương tiện thủy nội địa chở khách du lịch để giải quyết các vấn đề nêu trên.


Công tác đăng kiểm phương tiện thủy nội địa chở khách du lịch

Hiện nay, phương tiện chở khách du lịch trên thế giới đang ngày càng phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng dịch vụ để đáp ứng nhu cầu du lịch của người dân. Tại Việt Nam, không chỉ riêng di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, mà các khu du lịch khác cũng có nhu cầu rất lớn về du lịch bằng phương tiện thủy nội địa như vịnh Bái Tử Long, các vịnh thuộc quần thể đảo Cát Bà, vịnh Nha Trang, hồ Hòa Bình, hồ Núi Cốc, sông Cổ Cò (Hội An), sông Hương (Thừa Thiên - Huế), sông Sài Gòn (TP. Hồ Chí Minh), sông Hàn (Đà Nẵng) và một số khu du lịch lòng hồ, tuyến sông du lịch khác.

Cụm từ “phương tiện thủy nội địa chở khách du lịch” chưa được giải thích trong văn bản quy phạm pháp luật. Theo giải thích từ ngữ tại Điều 3 Luật Giao thông đường thủy nội địa (ĐTNĐ) thì “phương tiện thủy nội địa là tàu, thuyền và các cấu trúc nổi khác, có động cơ hoặc không có động cơ, chuyên hoạt động trên ĐTNĐ”. Theo quy định của Luật Du lịch thì loại hình kinh doanh du lịch bằng phương tiện thủy nội địa gồm vận tải khách du lịch và lưu trú du lịch. Như vậy, “phương tiện thủy nội địa chở khách du lịch” (sau đây gọi là tàu du lịch) được hiểu là tàu, thuyền và các cấu trúc nổi khác, có động cơ hoặc không có động cơ, hoạt động trên đường thuỷ nội địa, có đăng ký kinh doanh vận tải khách du lịch hoặc lưu trú du lịch.

Tàu du lịch bao gồm: tàu lưu trú du lịch ngủ đêm, nhà hàng nổi, khách sạn nổi và tàu du lịch khác. Các quy định về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với tàu du lịch được quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy phạm phân cấp và đóng phương tiện thủy nội địa (sửa đổi 2:2018 QCVN 72:2015/BGTVT) và Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia về quy phạm giám sát kỹ thuật và đóng phương tiện thủy nội địa cỡ nhỏ (QCVN 25:2015/BGTVT). Ngoài hai quy chuẩn trên, đối với tàu lưu trú du lịch ngủ đêm, nhà hàng nổi, khách sạn nổi còn phải đáp ứng quy định tại Thông tư số 43/2012/TT-BGTVT ngày 23/10/2012 của Bộ trưởng Bộ GTVT quy định các yêu cầu kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với tàu thủy lưu trú du lịch ngủ đêm, nhà hàng nổi, khách sạn nổi. Theo giải thích từ ngữ tại Thông tư số 43/2012/TT-BGTVT: “Tàu thủy lưu trú du lịch là phương tiện thủy nội địa chở khách du lịch, có buồng ngủ, phục vụ nhu cầu lưu trú của khách du lịch”; “Nhà hàng nổi là phương tiện thủy nội địa chở khách hoặc chở khách du lịch, có đăng ký kinh doanh nhà hàng nổi phục vụ ăn uống trên phương tiện mà không bố trí các buồng ngủ lưu trú trên phương tiện”; “Khách sạn nổi là phương tiện thủy nội địa chở khách du lịch, có buồng ngủ, có đăng ký kinh doanh khách sạn, được neo tại một địa điểm trên ĐTNĐ và có thể di chuyển từ địa điểm neo này tới địa điểm neo khác khi cần thiết.”. Các trang thiết bị kỹ thuật và tiện nghi trên tàu du lịch có sự khác nhau rất lớn giữa các loại tàu du lịch thông thường và các loại tàu lưu trú du lịch ngủ đêm, nhà hàng nổi, khách sạn nổi.

STT

Địa phương

                  Loại tàu

Tàu lưu trú du lịch ngủ đêm, nhà hàng nổi, khách sạn nổi (chiếc)

Tàu du lịch thông thường (chiếc)

1

Tỉnh Quảng Ninh

201

345

2

TP. Hải Phòng

58

117

3

TP. Hồ Chí Minh

31

277

4

TP. Đà Nẵng

0

78

5

TP. Nha Trang

6

356

6

Lòng hồ Hòa Bình

0

142

7

Thừa Thiên Huế

0

125

Bảng 1: Bảng thống kê số lượng tàu du lịch đã được đăng kiểm tại một số địa phương điển hình

Bên cạnh các quy định này, tại một số văn bản quy phạm pháp luật khác cũng có nêu một số quy định liên quan đến trang bị cho tàu du lịch, gồm: Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch; Nghị định số 142/2018/NĐ-CP ngày 09/10/2018 của Chính phủ sửa đổi một số quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Quyết định số 62/QĐ-TTg ngày 11/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Kiểm soát chất lượng dịch vụ vận tải và bảo đảm ATGT cho khách du lịch; Thông tư số 42/2017/TT-BGTVT ngày 15/11/2017 của Bộ trưởng Bộ GTVT quy định điều kiện của người điều khiển phương tiện, nhân viên phục vụ, trang thiết bị, chất lượng dịch vụ trên phương tiện vận tải khách du lịch; Quyết định số 2292/QĐ-BKHCN năm 2012 công bố Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9372:2012 Tàu thủy lưu trú du lịch - Xếp hạng do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành; Thông tư số 80/2014/TT-BGTVT ngày 30/12/2014 của Bộ trưởng Bộ GTVT quy định về vận tải hành khách, hành lý, bao gửi trên ĐTNĐ; Thông tư số 66/2014/TT-BGTVT ngày 12/11/2014 của Bộ trưởng Bộ GTVT quy định về vận tải hành khách, hành lý, bao gửi bằng tàu khách cao tốc giữa cảng, bến, vùng nước thuộc nội thủy Việt Nam và qua biên giới; Thông tư số 34/2019/TT-BGTVT ngày 06/9/2019 của Bộ GTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư quy định về vận tải ĐTNĐ.

Việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật trên đã góp phần lớn trong đảm bảo trật tự ATGT khi khai thác tàu du lịch. Các yêu cầu kỹ thuật được quy định tại các văn bản trên là yêu cầu tối thiểu, áp dụng chung cho tàu du lịch của cả nước.

Tuy nhiên, do đặc thù về hoạt động du lịch và yêu cầu về chất lượng kỹ thuật, trang thiết bị sử dụng trên phương tiện chở khách du lịch tại mỗi địa phương khác nhau, vì vậy một số địa phương đã ban hành văn bản quy phạm pháp luật riêng để nâng cao chất lượng kỹ thuật và tiện nghi đối với các phương tiện chở khách du lịch trên địa bàn như: UBND TP. Hải Phòng ban hành Quyết định số 32/2018/QĐ-UBND ngày 20/11/2018 ban hành quy chế quản lý hoạt động du lịch trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà, huyện Cát Hải, TP. Hải Phòng; UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành Quyết định số 4088/2015/QĐ-UBND ngày 21/12/2015 ban hành quy định tạm thời về quản lý hoạt động tàu du lịch trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long; Quyết định số 1069/2016/QĐ-UBND ngày 08/4/2016 sửa đổi một số điều của Quyết định số 4088/2015/QĐ-UBND. Việc ban hành quy định riêng với căn cứ theo điều kiện, môi trường hoạt động của phương tiện chở khách du lịch trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long mang tính đặc thù riêng so với các vùng khác trên toàn quốc, đòi hỏi tiêu chuẩn, điều kiện an toàn kỹ thuật phải cao hơn quy định chung thì cũng cần có văn bản quy phạm pháp luật quy định về cơ chế, chính sách đặc thù riêng cho vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long và việc ban hành văn bản này phải phù hợp về thẩm quyền, nội dung và trình tự, thủ tục như kiến nghị tại văn bản số 02/BC-BTP ngày 03/01/2017 của Bộ Tư pháp. Trong khi đó, một số địa phương như tỉnh Hòa Bình lại đề nghị ban hành Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia về đóng phương tiện thủy nội địa áp dụng cho phương tiện hoạt động ở vùng hồ nước ngọt, nơi có điều kiện mặt nước tĩnh, ít chịu tác động của gió bão, qua đó giúp giảm giá thành đóng phương tiện thủy cho người dân.

Như vậy, các quy định về an toàn kỹ thuật đối với phương tiện thủy nội địa chở khách du lịch hiện nay chưa được tập trung trong một văn bản quy phạm pháp luật và chưa có quy chuẩn riêng cho loại tàu này.

Một số giải pháp đã thực hiện trong công tác đăng kiểm phương tiện thủy nội địa chở khách du lịch

Để nâng cao chất lượng công tác đăng kiểm cho tàu du lịch và tiến tới ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia riêng cho tàu du lịch, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:


Giải pháp về xây dựng văn bản quy phạm pháp luật:

Thực hiện theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 7085/VPCP-KGVX ngày 25/8/2016 về việc đề nghị Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng, ban hành theo thẩm quyền tiêu chuẩn và các yêu cầu cụ thể đối với tàu chở khách du lịch trên vịnh Hạ Long; các văn bản số 9891/BGTVT-KHCN ngày 25/8/2016; văn bản số 9445/BGTVT-VT ngày 16/8/2016 của Bộ GTVT về việc tham gia ý kiến đối với đề xuất của UBND tỉnh Quảng Ninh; Thông báo số 392/TB-BGTVT ngày 11/7/2016 về Kết luận của Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh. Cục Đăng kiểm Việt Nam đã yêu cầu các đơn vị đăng kiểm tại tỉnh Quảng Ninh và các địa phương có loại phương tiện chở khách du lịch thống kê các thông tin liên quan đến tình trạng kỹ thuật, trang thiết bị trên phương tiện để làm cơ sở xây dựng quy chuẩn phương tiện thủy nội địa chở khách du lịch. Đối với các phương tiện chở khách du lịch tại tỉnh Hòa Bình, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã có công văn số 1442/ĐKVN-TS ngày 19/04/2019 gửi Sở GTVT tỉnh Hòa Bình, đề nghị  Sở GTVT tỉnh Hòa Bình phối hợp các cơ quan chức năng của tỉnh tiến hành khảo sát, thu thập các số liệu về điều kiện thủy văn, chiều cao sóng, cấp gió tại lòng hồ Hòa Bình, cung cấp số liệu cho Cục Đăng kiểm Việt Nam báo cáo Bộ GTVT để có căn cứ xem xét xây dựng các yêu cầu kỹ thuật phù hợp với điều kiện sóng, gió tại khu vực khảo sát.

Đến nay, việc xây dựng dự thảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân cấp và đóng phương tiện thủy nội địa chở khách du lịch đã được Bộ Khoa học Công nghệ thẩm định, trong thời gian tới sẽ trình Bộ GTVT ban hành.

Giải pháp về quản lý, kỹ thuật; ban hành văn bản chỉ đạo, điều hành:

Trước mắt, để nâng cao an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với các phương tiện chở khách du lịch trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long, Cục Đăng kiểm Việt Nam đề nghị chính quyền địa phương chỉ đạo các cơ quan liên quan tăng cường quản lý, kiểm soát đội tàu này về hành trình, thuyền viên, người lái phương tiện, chấp hành các quy định về phòng chống cháy, cứu hộ cứu nạn...

Để phòng chống cháy nổ trên tàu do những nguyên nhân như chập, cháy các dây dẫn điện, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh cùng Cục ĐKVN tăng cường tuyên truyền đến các chủ phương tiện thực hiện các quy định an toàn trong vận hành đối với hệ thống điện trên tàu và không tự ý sửa chữa, thay thế dây dẫn điện, các thiết bị điện trên tàu không đúng chủng loại theo yêu cầu quy chuẩn. Khi sửa chữa, thay thế các trang thiết bị điện trên tàu, chủ phương tiện phải báo đăng kiểm kiểm tra lại phù hợp quy chuẩn nhằm đảm bảo duy trì tình trạng an toàn kỹ thuật của phương tiện. Khi phương tiện hoạt động cần thường xuyên theo dõi, phát hiện sớm và xử lý kịp thời sự cố sẽ an toàn cho phương tiện và du khách, hạn chế lớn tổn thất về vật chất.

- Đối với phương tiện thủy nội địa chở khách du lịch của cả nước, để tăng cường công tác đăng kiểm, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã ban hành các văn bản số 527/ĐKVN-TS ngày 10/02/2015 về việc tăng cường giám sát kỹ thuật các phương tiện chở người, vận chuyển khách du lịch; văn bản số 2583/ĐKVN-TS ngày 10/6/2016 triển khai chỉ thị số 06/CT-BGTVT; văn bản số 3206/ĐKVN-TS ngày 14/7/2016 thực hiện các giải pháp cấp bách bảo đảm trật tự, ATGT đường thủy trong tình hình mới; văn bản số 4086/ĐKVN-TS ngày 11/7/2018 thực hiện các giải pháp cấp bách bảo đảm trật tự, ATGT đường thủy 2018. Tại các văn bản này, Cục Đăng kiểm Việt Nam yêu cầu các đơn vị đăng kiểm:

+ Kiểm tra chéo, kiểm tra lại sự phù hợp giữa thiết kế, tàu thực và quy định áp dụng;

+ Kết hợp với cơ quan chức năng để lập kế hoạch kiểm tra đột xuất tình trạng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ với các phương tiện 3 tháng/lần giữa hai kỳ kiểm định;

+ Kiểm tra, rà soát chặt chẽ sức chở người, trang thiết bị an toàn, phòng chống cháy nổ trên phương tiện, đồng thời phải có lưu ý cụ thể trong giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (nếu có);

+ Duy trì các đường dây nóng để nắm bắt kịp thời các yêu cầu của khách hàng, doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các doanh nghiệp, ngăn chặn các hiện tượng nhũng nhiễu, tiêu cực; công khai các thủ tục đăng kiểm; tiếp tục nghiên cứu cải cách thủ tục hành chính để đơn giản hóa các thủ tục trong đăng kiểm.

+ Phối hợp với Cục CSGT và Cục ĐTNĐ Việt Nam, ban ATGT các tỉnh, lực lượng TTGT, các lực lượng chức năng tại địa phương, thanh tra, kiểm tra đột xuất tình trạng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường giữa hai kỳ kiểm tra, phát hiện và xử lý đối với trường hợp tự ý thay đổi kết cấu, hình dáng, kích thước phương tiện; tăng cường xử lý nghiêm đối với các trường hợp đưa các phương tiện thủy nội địa đã hết niên hạn, quá hạn kiểm định, không đảm bảo điều kiện an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường tham gia giao thông.

+ Thu hồi hoặc không cấp giấy chứng nhận giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường khi phát hiện phương tiện không thỏa mãn quy định.

- Đối với các tàu du lịch trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long: Ngoài các yêu cầu như trên, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã chỉ đạo và hướng dẫn các đơn vị đăng kiểm trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh tăng cường kiểm tra điều kiện an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với phương tiện, bao gồm:

+ Thực hiện rà soát, kiểm tra các phương tiện chở khách du lịch đang hoạt động theo chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Ninh tại Thông báo số 31/TB-UBND ngày 16/02/2017 về kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh tại cuộc họp bàn các biện pháp cấp bách để phòng chống cháy nổ và các nguy cơ khác trên tàu du lịch ảnh hưởng tới công tác đảm bảo an toàn cho khách du lịch tham quan, lưu trú trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long. Đối với các tàu du lịch đóng mới, các đơn vị đăng kiểm trên địa bàn phải giám sát, kiểm tra phương tiện tuân thủ nghiêm ngặt theo các quy định của QCVN 72:2013/BGTVT.

+ Lập kế hoạch và thực hiện kiểm tra kỹ lưỡng các phương tiện ngay trong năm 2017, phát hiện các hư hỏng, các vấn đề không phù hợp quy định và kiên quyết yêu cầu các chủ phương tiện thực hiện, đặc biệt là vấn đề chống chìm, chống cháy, cứu hộ, cứu nạn...

Giải pháp và kiến nghị trong thời gian tiếp theo

Ngoài việc tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt hơn các biện pháp đã thực hiện trong các năm qua, Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ thực hiện các giải pháp và đưa ra một số kiến nghị trong thời gian tiếp theo như sau:

Giải pháp về xây dựng văn bản quy phạm pháp luật để tăng cường công tác quản lý và quy định về an toàn kỹ thuật đối với tàu du lịch:

- Xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy phạm phân cấp và đóng phương tiện thủy nội địa chở khách du lịch để tập trung quản lý tốt hơn về đăng kiểm cho loại phương tiện này, nâng cao chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường nhưng cũng phù hợp với đặc thù của từng địa phương. Trong đó, đưa ra quy định về các hạng của một số tàu lưu trú du lịch ngủ đêm, khách sạn nổi để phân loại tàu về bố trí buồng, phòng, trang thiết bị, phù hợp với việc xếp hạng sao cho tàu du lịch theo Luật Du lịch;

- Xây dựng dự thảo quy định quản lý nhằm tăng cường đảm bảo an toàn kỹ thuật đối với tàu du lịch và đảm bảo phân mức như sau:

+ Không đóng mới thân tàu thủy lưu trú du lịch ngủ đêm, nhà hàng nổi, khách sạn nổi bằng vật liệu gỗ hoặc hoán cải các tàu vỏ gỗ có công dụng khác thành tàu thủy lưu trú du lịch ngủ đêm, nhà hàng nổi, khách sạn nổi;

+ Không được sử dụng máy móc, thiết bị đã qua sử dụng trên các tàu lưu trú du lịch ngủ đêm, khách sạn nổi, nhà hàng nổi và tàu du lịch cấp VR-SB khi đóng mới, hoán cải; không sử dụng máy bộ đã thủy hóa làm máy chính của tàu thủy lưu trú du lịch ngủ đêm;

+ Không lập hồ sơ thiết kế và thực hiện giám sát kỹ thuật trong các trường hợp sau: các tàu đã hết niên hạn sử dụng theo quy định của Nghị định số 111/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Thủ tướng Chính phủ; các tàu không phải tàu khách, tàu chở người dự định hoán cải thành tàu du lịch; các tàu đã đóng mà không có sự giám sát của đăng kiểm; các tàu du lịch đang khai thác dự định hoán cải tăng sức chở người; nhà hàng nổi dạng bè.

- Sửa đổi, bổ sung các quy định về kỹ thuật đối với các phương tiện hoạt động tại vùng SIII (có chiều cao sóng đáng kể không quá 0,4 m) tại chuẩn kỹ thuật quốc gia về đóng phương tiện thủy nội địa (sửa đổi 2:2018 QCVN 72:2013/BGTVT) để giảm bớt yêu cầu về kết cấu, trang bị cho những tàu du lịch hoạt động ở các vùng này.

Giải pháp về quản lý:

- Duy trì đường dây nóng để nắm bắt kịp thời các yêu cầu của tổ chức, cá nhân nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho các doanh nghiệp, ngăn chặn các hiện tượng nhũng nhiễu, tiêu cực; công khai các thủ tục đăng kiểm; tiếp tục nghiên cứu cải cách thủ tục hành chính để đơn giản hóa các thủ tục trong đăng kiểm;

- Tiếp tục công khai danh sách các phương tiện quá hạn đăng kiểm và tin phương tiện thủy nội địa quá hạn đăng kiểm kèm đường dẫn website của Cục Đăng kiểm Việt Nam trên các phương tiện thông tin đại chúng tại địa phương và đăng tải trên webstie của Cục Đăng kiểm Việt Nam các phương tiện hết niên hạn sử dụng;

- Phối hợp với Cục CSGT, Cục ĐTNĐ Việt Nam tiếp tục tuyên truyền cho người dân về Luật ĐTNĐ, ý nghĩa của việc đăng kiểm phương tiện trên truyền hình, báo, đài Trung ương và địa phương, tuyên truyền tại chỗ neo đậu;

- Phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác đảm bảo ATGT và môi trường đối với phương tiện thủy chở khách du lịch.

Các kiến nghị:

- Đề nghị Bộ GTVT giao kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cập nhật, bổ sung quy định quản lý phương tiện chở khách du lịch;

- Đề nghị Cục ĐTNĐ Việt Nam, Cục CSGT, sở GTVT cùng phối hợp chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tuyên truyền phổ biến Luật; chỉ đạo các đơn vị CSGT, các cảng vụ, TTGT tăng cường tuần tra kiểm soát người và phương tiện tham gia giao thông ĐTNĐ để chủ phương tiện chấp hành việc đăng kiểm phương tiện. Trong đó, công tác tuần tra kiểm soát là điều kiện tiên quyết để thực hiện thành công. Việc kiểm soát cần đồng bộ giữa kiểm soát trên hành trình và kiểm soát tại các cảng, bến;

- Đề nghị Bộ GTVT, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm, chỉ đạo các cơ quan hữu quan, các quận, huyện, phường, xã tăng cường kiểm soát theo thẩm quyền, cùng phối hợp thực hiện đăng kiểm phương tiện thủy nội địa chở khách du lịch;

- Hiện nay, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân cấp và đóng phương tiện thủy nội địa chở khách du lịch chưa được ban hành nên Cục Đăng kiểm Việt Nam chưa phân loại được loại tàu này. Trước mắt, để có số liệu bao quát và cụ thể hơn đối với loại tàu du lịch, đề nghị Sở GTVT các tỉnh, thành phố có danh sách thống kê các phương tiện thủy nội địa đăng ký kinh doanh chở khách du lịch và gửi Cục Đăng kiểm Việt Nam để tổng hợp.

Kết luận

Trong hai năm vừa qua, thị trường tàu du lịch đang bị ảnh hưởng nặng nề do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, trong tương lai gần, do sự kìm nén về nhu cầu du lịch của du khách trong nước và quốc tế, thị trường tàu du lịch chắc chắn sẽ tiếp tục lại bùng nổ. Để đáp ứng nhu cầu đó, trong thời gian tới, Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp đã nêu trên, nhằm nâng cao chất lượng kỹ thuật đối với đội tàu du lịch nhưng vẫn đảm bảo phù hợp với đặc thù của từng địa phương.

Bài tham luận còn chưa cung cấp được đầy đủ số liệu về tàu du lịch, tác giả mong muốn trong thời gian tới, khi hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về loại tàu này, tác giả sẽ có đầy đủ thông tin để đánh giá kỹ lưỡng hơn về công tác đăng kiểm phương tiện thủy nội địa chở khách du lịch.

Ngọc Bình – Cục Đăng kiểm Việt Nam