Vận tải biển: Giảm phát thải như thế nào?

Theo Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) thống kê, hơn 90% lượng hàng hóa giao dịch trên thế giới được vận chuyển bằng đường biển và ngành vận tải biển phát thải hơn một tỷ tấn CO2, chiếm gần 3% lượng khí thải toàn cầu do hoạt động của con người gây ra.


Vì vậy vận tải biển cần là ngành dẫn đầu trong những nỗ lực giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Năm 2021, IMO đã nhất trí mục tiêu đến năm 2030, giảm lượng khí thải carbon của ngành 40% so với năm 2008. Theo ước tính, năm 2018, ngành vận tải biển phát thải hơn một tỷ tấn CO2, chiếm gần 3% lượng khí thải toàn cầu do hoạt động của con người gây ra. Ðến năm 2050, lượng khí thải này được dự báo sẽ tăng từ 90% đến 130% so mức năm 2008, đe dọa các mục tiêu của Thỏa thuận Paris hạn chế sự nóng lên toàn cầu xuống dưới 2°C và những nỗ lực quốc tế hướng tới mức tăng chỉ 1,5°C.

Chiến lược ban đầu của IMO về giảm phát thải carbon do tàu biển đã được thông qua năm 2018, đưa ra cam kết giảm mức độ phát thải carbon trên mỗi chuyến tàu vận tải xuống ít nhất 40% vào năm 2030, nỗ lực hướng tới giảm 70% vào năm 2050 và tổng lượng phát thải carbon hằng năm từ ngành vận tải biển quốc tế giảm ít nhất 50% vào năm 2050, so mức năm 2008.

Ðể đạt được mục tiêu nêu trên, IMO sẽ áp dụng chỉ số hiệu quả năng lượng tiêu thụ (EEXI), đồng thời thiết lập chỉ số và xếp hạng mức độ phát thải hằng năm (CII). Các tàu được đánh giá về hiệu suất năng lượng theo thang điểm, trong đó tàu chạy bằng nhiên liệu có thành phần carbon thấp sẽ được đánh giá cao hơn tàu tiêu thụ nhiều nhiên liệu hóa thạch.

Các nhiên liệu tiềm năng cho tương lai ngành vận tải biển bao gồm: amoniac, nhiên liệu sinh học, điện, pin năng lượng, hydro, methanol, gió. Tuy nhiên, đối với từng lựa chọn nhiên liệu khác nhau, IMO vẫn cần xem xét các vấn đề như: An toàn, quy định, giá cả, mức đáp ứng của cơ sở hạ tầng, lượng khí thải trong vòng đời, các ràng buộc của chuỗi cung ứng, các rào cản đối với việc áp dụng,...

Tại châu Âu, vận tải hàng hải chiếm khoảng 3% đến 4% tổng lượng khí thải CO2, tương đương hơn 144 triệu tấn CO2 vào năm 2019. Liên minh châu Âu (EU) đang trong quá trình chuyển đổi, hướng tới ngành vận tải biển số hóa và thân thiện với môi trường. EU có kế hoạch hỗ trợ nghiên cứu và đầu tư cho các nhà chế tạo thiết bị, các hãng đóng tàu, ngành logistics, ngành cung cấp nhiên liệu, dịch vụ và cảng biển.

Năm 2021, Ủy ban châu Âu (EC) đã thông qua loạt đề xuất về lập pháp để thực hiện “Thỏa thuận Xanh châu Âu”, đề ra mục tiêu giảm ít nhất 55% lượng khí thải ròng vào năm 2030 ( so mức năm 1990), qua đó hướng tới trở thành lục địa trung hòa carbon đầu tiên trên thế giới vào năm 2050.

Để thực hiện điều đó, EU  đã đưa ra một số đề xuất để giải quyết tác động khí hậu của ngành vận tải biển, bao gồm: Mở rộng Hệ thống mua bán quyền phát thải của EU (ETS); Thúc đẩy nhu cầu đối với nhiên liệu tái tạo và carbon thấp trên biển; Thúc đẩy cơ sở hạ tầng nhiên liệu thay thế; Đẩy nhanh cung cấp năng lượng tái tạo ở EU; Sửa đổi cách đánh thuế năng lượng hiện có…

Như vậy, các cam kết của IMO hay EU không chỉ là những mục tiêu đầy tham vọng mà còn đặt ra một khuôn khổ pháp lý ràng buộc, áp dụng cho đội tàu vận tải biển thế giới. Với vị thế của ngành vận tải biển, một cách tiếp cận toàn cầu để giải quyết vấn đề phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính do IMO dẫn đầu sẽ là giải pháp hiệu quả nhất.

V.R