Các lễ hội đua thuyền rồng ở Việt Nam và thế giới

Thuyền rồng để vua dùng gọi là “thuyền ngự”. Thuyền rồng trong lễ hội dân gian mang ý nghĩa linh thiêng, trang trọng. Đặc biệt, ở những lễ hội thờ các vị anh hùng dân tộc, võ tướng, có công đức thì theo ý niệm dân gian, chính các Ngài đã về “ngự” trên thuyền để việc cầu phúc, cầu sức khỏe, an khang thịnh vượng của người tổ chức hội, dự hội, xem hội được như ý nguyện.

Thuyền rồng sử dụng trong lễ hội phải là những chiếc thuyền được đóng một cách chắc chắn, chuẩn bị kỹ lưỡng, sơn son thiếp vàng, trang trí hình rồng ở đầu thuyền với màu sắc bắt mắt. toát lên vẻ uy nghi, lẫm liệt. Thuyền có hình thoi, được đóng bằng thứ gỗ khô, nhẹ, bền, chắc, lòng thuyền có chỗ ngồi cho các tay đua. Mỗi đội đua có từ 22 đến 26 người. Lễ hội đua thuyền rồng thường có hai phần, phần lễ và phần hội. Sau khi chuẩn bị thuyền cho cuộc thi, người dân tiến hành nghi thức cúng lễ, đây được coi là phần quan trọng nhất thể hiện quan niệm tâm linh của người dân biển về tổ tiên của mình, về các vị thần sông, thần biển. Khi cúng lễ xong, các đội bắt đầu thi tài, thường có từ hai đến bốn đội thi với nhau, đội về đích trước sẽ là đội chiến thắng.

Đua thuyền rồng tại huyện Cát Hải, Hải Phòng

Dân đi biển Cát Bà, Cát Hải, Đồ Sơn,... thường tổ chức đua thuyền hình rồng khi kết thúc vụ cá Bắc mở đầu vụ cá Nam khoảng tháng 4, 5 dương lịch,... tạo thành nét văn hóa biển độc đáo. Dịp lễ cúng thần nước hay hạ thủy con thuyền cũng là thời điểm đua thuyền của cư dân ven sông, biển.

Đua thuyền rồng tại Lễ hội đền Quả xã Bạch Ngọc, huyện Đô Lương, Nghệ An

Lễ hội đền Quả xã Bạch Ngọc, huyện Đô Lương, Nghệ An có đua thuyền rồng. Vùng này có nơi toàn các tay đua nữ thi đấu với nhau như ở Xa Long, huyện Hương Sơn, còn thường thì nam thi với nam, nam thi với nữ cũng có nhưng ít hơn. Trước khi hạ thủy thuyền đua, có tục lệ trai đinh rước 12 thuyền rồng sau 4 ngựa gỗ, gồm hai ngựa hồng, hai ngựa bạch từ đền Quả đến hạ thủy ở sông Lam. Tương truyền, dân ở đây đua thuyền để tỏ lòng biết ơn công đức của Hoàng tử Uy Minh Vương, con trai thứ tám của vua Lý Thái Tổ.

Đua thuyền rồng tại Quảng Bình

Lễ hội đua thuyền rồng ở Đồng Hới (Quảng Bình) lại mang nét đặc sắc khác. Theo tín ngưỡng dân gian ở địa phương, thuyền rồng là “dương” đua với thuyền phượng là “âm”. Đua đường dài 20km từ đình làng Đồng Hải đến cửa sông Nhật Lệ, qua các địa hình, hướng gió khác nhau và theo với nước thủy triều lên, xuống. Cũng theo tín ngưỡng âm dương cổ, nhưng ở làng Đào Xá (huyện Tam Thanh, Phú Thọ) tạo dáng thuyền đua và quan niệm cũng có khác. Ở đây, “dương” lại là thuyền hình chim, “âm” có thuyền hình cá. Chỉ đua một chải đực (chim) với một chải cái (cá) về đêm, sau khi tế lễ xong và gọi là “tiệc bơi”, bơi để lễ thần.

Lễ hội thuyền đua làng Đăm (xã Tây Tựu, huyện Từ Liêm, Hà Nội) có từ thế kỷ XV, đầu và đuôi thuyền đều chạm hình rồng. Cuộc đua được tổ chức lúc chính Ngọ (12 giờ trưa) trên sông Nhuệ. Tương truyền hội đua thuyền vùng này để tưởng nhớ danh tướng Bạch Hạc Tam Giang thời vua Hùng thứ XVI. Có tới 172 làng thờ Bạch Hạc Tam Giang. Thuyền đua có hình đầu rồng, hình chim hạc và hình kỳ lân.

Vùng Trung Bộ do sông ngắn nên có tục lệ đua thuyền trên cạn, có hàng đoàn trai tráng “múa tay chèo” tượng trưng, có phần giống đua ghe ngo Nam Bộ. Vùng biển phía nam còn có tục lắc thuyền thúng đua ngày hội là một nét lạ, góp phần phong phú thêm lễ hội đua thuyền dân gian Việt Nam.

Đua ghe Ngo tại Đồng bằng Sông Cửu Long

Ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, lễ hội đua thuyền (đua ghe Ngo) có một vị trí quan trọng, diễn ra ở nhiều tỉnh, nhưng phát triển nhất là ở Sóc Trăng (tổ chức ngày 15/10 âm lịch). Gần đây, đua ghe Ngo được coi là môn thể thao chính trong khuôn khổ Festival Lúa gạo Việt Nam, quy tụ nhiều đội đua ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước.

Đua thuyền rồng Tết Đoan Ngọ tại Trung Quốc

Ở Trung Quốc, lễ hội thuyền rồng bắt nguồn sau khi nhà thơ nổi tiếng Khuất Nguyên (340 - 278 TCN), tác giả của Ly Tao và Sở Từ – người nước Sở qua đời. Ông là một vị quan tài năng, một kẻ sĩ một lòng trung quân ái quốc nhưng lại bị vua Sở Tương Vương – một vị quân vương thiếu anh minh bạc đãi, quan quân trong triều đố kỵ, vu oan.

Ông thất chí, tự cho mình là người trong sống trong thời đục, suốt ngày ca hát như người điên, làm bài phú Hoài Sa rồi ôm một phiến đá, gieo mình xuống sông Mịch La tự tử.

Từ đó, cứ vào dịp Tết Đoan ngọ (5/5) hàng năm, nhiều nơi ở Trung Quốc đã tổ chức lễ hội đua thuyền rồng, làm bánh nếp để tưởng nhớ đến nhà thơ tài hoa và đầy chí khí này.

Lễ hội thuyền rồng tại Singapore

Quốc đảo Sư tử cũng tổ chức lễ này vào dịp tết Đoan ngọ, tại Bedok Reservoir, nơi quy tụ những đội thuyền mạnh nhất trên toàn thế giới. Đây là một sự kiện không thể bỏ qua đối với người dân Singapore nói chung và những người yêu thể thao nói riêng.

Giống với Trung Quốc, người Hoa đến và mang theo lễ hội đua thuyền tới Singapore. 

Đối với nhiều du khách thập phương, đua thuyền rồng được coi là một trong những môn thể thao thể hiện sức mạnh, sự dẻo dai, tính đoàn kết của người thi đấu.

Campuchia tổ chức lễ hội đua thuyền rồng xuất phát từ những cuộc tuyển chọn binh sĩ và những trận đấu thủy binh thời Angkor. Đây là dịp để người dân Khmer thể hiện bản sắc văn hóa truyền thống, niềm tự hào dân tộc, đoàn kết cộng đồng, sự yêu chuộng hòa bình và trên hết là lòng yêu nước, ý thức bảo vệ đất nước bảo vệ dân tộc.

Lễ hội đua thuyền rồng, không chỉ là một cuộc tranh tài giữa các đội đua mà còn là cơ hội để người dân Campuchia cảm ơn đức Phật đã ban mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Lễ hội thuyền rồng tại các vùng miền diễn ra trong những thời điểm khác nhau, với các nghi thức khác nhau, nhưng cùng chung mục đích là cầu may mắn, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Đồng thời, nó cũng thể hiện phần nào đời sống tâm linh của người dân, với tín ngưỡng thờ thần sông, thần nước, một nét đẹp văn hóa đã tồn tại từ xa xưa.

Không chỉ mang đậm nét văn hóa tâm linh, đua thuyền rồng là hình ảnh đặc trưng, độc đáo của người đi biển, với mong ước sóng yên, biển lặng để những chuyến tàu ra khơi trở về đầy ắp cá.

(Tổng hợp)