Hành trình về cực Bắc thiêng liêng
Kỉ niệm 76 năm Ngày Thương binh liệt sĩ (27/7/1947- 27/7/2023), 78 năm Ngày Cách mạng Tháng Tám thành công (19/8/1945 - 19/8/2023) và Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945 - 02/9/2023), trong 3 ngày từ 13 đến 15/7/2023, Tạp chí Công nghiệp tàu thủy Việt Nam đã có chuyến công tác, về cực Bắc thiêng liêng – tỉnh Hà Giang, nơi địa đầu của Tổ quốc.
Đoàn Phóng viên, Biên tập viên Tạp chí viếng nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên
Dâng hương tưởng nhớ các liệt sĩ tại Nghĩa trang Vị Xuyên
Không phải tình cờ, ngẫu nhiên mà Đoàn công tác của Tạp chí Công nghiệp tàu thủy Việt Nam lựa chọn chuyến đi vào dịp tháng 7 này. Trước hết, đó là bởi tháng 7 là tháng cả nước đồng tâm tri ân, tưởng nhớ và ghi công các bà mẹ Việt Nam anh hùng, các anh hùng liệt sĩ đã có cống hiến to lớn, đã hi sinh vì Tổ quốc vì nền độc lập tự do của dân tộc.
Điểm viếng thăm đầu tiên của Đoàn công tác, không đâu khác chính là Nghĩa trang Quốc gia Vị Xuyên, cách Hà Nội chừng 260km (cách thành phố Hà Giang khoảng 18km).
Tham gia lễ viếng Nghĩa trang Liệt sĩ Vị Xuyên buối trưa ngày 13/7/2023 của Đoàn công tác do Nhà báo Vương Chí Dân - Tổng Biên tập làm Trưởng đoàn. Tại đây, tập thể lãnh đạo và CBNV Tạp chí Công nghiệp tàu thủy Việt Nam đã kính cẩn nghiêng mình dâng hoa, thắp nén hương thơm để tri ân, tưởng nhớ công lao trời bể của các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh trọn đời vì sự nghiệp bảo vệ độc lập, tự do cho Tổ quốc.
Nghĩa trang quốc gia Vị Xuyên là nơi an nghỉ của hơn 1.800 liệt sĩ cùng phần mộ tập thể các liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc. Trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc từ 1978 đến 1989, các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng chiến đấu, bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc với ý chí "Một tấc không đi, một ly không dời", quyết tâm giữ vững từng mỏm đồi, vách đá, điểm cao bằng tinh thần quả cảm "Sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá bất tử". Riêng tại mặt trận Vị Xuyên, hơn 4.000 cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, hơn 9.000 người bị thương và hiện vẫn còn hàng nghìn hài cốt của cán bộ, chiến sĩ nằm rải rác trong khe đá, thung sâu chưa tìm thấy và quy tập được.
Trước hôm Đoàn công tác đến viếng nghĩa trang Vị Xuyên, ngày 12/7 là “ngày giỗ trận” của Sư đoàn 356.
Đoàn Phóng viên, Biên tập viên Tạp chí lễ tại đền thờ nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên
Những vòng hoa trắng, hững bó hoa tươi, những nén hương thơm tỏa ngát ở nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên càng làm cho những thành viên trong Đoàn công tác thêm xúc động, càng thấm thía được những cống hiến, hi sinh lớn lao của các thế hệ cha ông để bảo vệ từng mét đất của Tổ quốc, để gìn giữ cho nền độc tập tự do của Tổ quốc hôm nay.
Trong đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, mẹ Việt Nam anh hùng và các anh hùng liệt sĩ tại nghĩa trang Vị Xuyên có đôi câu đối:
“Lịch sử lưu danh đất nước muôn đời tưởng nhớ
Anh hùng ghi dấu nhân dân vạn thuở tri ân”
Tự hào những người mang quân hàm xanh dưới cột cờ Lũng Cú.
Đồn Biên phòng Lũng Cú là điểm đến trọng tâm thứ 2 của Đoàn công tác Tạp chí Công nghiệp tàu thủy Việt Nam. Từ thành phố Hà Giang, phải đi đường đèo quanh co, gấp khúc tay áo chừng 200km mới tới được xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Đồn Biên phòng Lũng Cú (Đồng Văn) có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ hơn 26 km đường biên, với 26 cột mốc giới và Cột cờ Quốc gia Lũng Cú tiếp giáp với biên giới Việt Nam - Trung Quốc; phụ trách địa bàn 2 xã biên giới là Má Lé, Lũng Cú với gần 9.600 nhân khẩu, trong đó, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông.
Đoàn Phóng viên, Biên tập viên Tạp chí làm việc với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Lũng Cú
Đoàn Phóng viên, Biên tập viên Tạp chí tặng quà cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Lũng Cú
Đoàn Phóng viên, Biên tập viên Tạp chí tặng quà con nuôi Đồn biên phòng Lũng Cú
Tại đây, thay mặt cán bộ, nhân viên Tạp chí Công nghiệp tàu thủy Việt Nam, Nhà báo Vương Chí Dân – Tổng Biên tập đã trao bức tranh hoa sen bằng đồng được làm ra bởi các nghệ nhân làng Đồng Kị và trao tặng 3 phần quà cho 3 cháu là con nuôi của Đồn Biên phòng Lũng Cú.
Thay mặt cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Lũng Cú, Trung tá Đỗ Đăng Nhiệm – Đồn trưởng đã cảm ơn những tình cảm mà Đoàn công tác dành cho Đồn và chia sẻ với Đoàn công tác những hoạt động, kết quả công tác của Đồn đã thực hiện trong thời gian qua. Theo đó, để hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, xây dựng địa bàn nơi địa đầu Tổ quốc vững mạnh, Đảng ủy, Ban Chỉ huy Đồn khắc phục mọi khó khăn, thực hiện “3 bám, 4 cùng” triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp; trong đó, đẩy mạnh học tập và làm theo Bác bằng những việc làm cụ thể hằng ngày gắn với chức trách, nhiệm vụ được giao. Công tác phối hợp, tuần tra bảo vệ được biên được thực hiện tốt, đảo bảo nhiệm vụ đặt ra. Đồn Biên phòng Lũng Cú đã tập trung bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh. Triển khai đồng bộ, hiệu quả các biện pháp công tác biên phòng, phối hợp với các lực lượng và nhân dân tổ chức tuần tra, kiểm soát giữ vững chủ quyền lãnh thổ. Chủ động nắm chắc âm mưu, phương thức hoạt động của các loại tội phạm; xây dựng phương án, kế hoạch, đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, ngăn chặn, xử lý kịp thời, không để bị động, bất ngờ, giữ vững an ninh, trật tự trên khu vực biên giới. Đồng thời, tăng cường phối hợp với lực lượng bảo vệ biên giới phía Trung Quốc duy trì, thực hiện nghiêm các hiệp định, quy chế biên giới.
Đoàn Phóng viên, Biên tập viên Tạp chí chụp ảnh kỷ niệm
với Trung tá Đỗ Đăng Nhiệm - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Lũng Cú
Từ 2017 - 2021, Đồn Biên phòng Lũng Cú đã tuyên truyền, vận động được 5 tập thể, 16 hộ gia đình đăng ký; thành lập 21 tổ an ninh tự quản với 1.652 người tham gia bảo vệ đường biên, hệ thống mốc quốc giới.
Với phương châm “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, Đồn Biên phòng Lũng Cú đẩy mạnh triển khai thực hiện các phong trào, mô hình, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, như: “Bộ đội Biên phòng chung sức xây dựng Nông thôn mới”, “Cải tạo vườn tạp”, “Chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Xuân Biên phòng - ấm lòng dân bản”, “Mái ấm biên cương”, “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, “Nâng bước em tới trường”, “Con nuôi đồn Biên phòng”,... Những năm qua, Đồn đã vận động ủng hộ, xây dựng được 3 căn nhà trị giá 180 triệu đồng; cử hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ sửa chữa, làm mới 132 căn nhà cho các hộ nghèo, gia đình chính sách, cựu chiến binh khó khăn về nhà ở; giúp dân làm hơn 10 km đường giao thông nông thôn; bàn giao 47 con bò giống trong Dự án “Bò sinh sản luân chuyển” tạo điều kiện cho các hộ gia đình phát triển kinh tế; tổ chức khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc cho hàng nghìn lượt đồng bào. Phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Vĩnh Phúc giúp gia đình các hội viên phụ nữ vay vốn sản xuất với số tiền hơn 100 triệu đồng; nhận hỗ trợ, giúp đỡ 9 cháu học sinh nghèo vượt khó với mức hỗ trợ 500.000 đồng/cháu/tháng và trực tiếp nuôi dưỡng tại Đồn 3 cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; định hướng nghề nghiệp, tạo nguồn cán bộ cho địa phương. Thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU của BTV Tỉnh ủy Hà Giang, Đồn giúp đỡ cải tạo được 5 vườn tạp, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào trồng các loại cây có giá trị kinh tế, năng suất cao,...
Một nhiệm vụ rất cao cả cũng rất thiêng liêng là Đồn Biên phòng Lũng Cú vinh dự được Đảng, Nhà nước, Quân đội giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ Cột cờ Quốc gia Lũng Cú. Ý thức rõ điều đó, Đảng ủy, Ban Chỉ huy Đồn đã tổ chức giáo dục, quán triệt cho cán bộ, chiến sĩ niềm vinh dự, tự hào, trọng trách to lớn của mình. Từ đó, khắc phục khó khăn, không quản ngày đêm luôn nêu cao ý thức cảnh giác, bảo vệ an toàn tuyệt đối Cột cờ Quốc gia và tổ chức đón tiếp, hướng dẫn chu đáo các đoàn khách trong nước và quốc tế tham quan, du lịch.
Ghi nhận những thành tích đó, Đồn vinh dự được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tặng nhiều Bằng khen; tỉnh Hà Giang công nhận là tập thể điển hình tiên tiến trong thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2016 - 2020; 6 năm liền (2015 - 2020) Đảng bộ Đồn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, Đơn vị đạt Quyết thắng. Đây là cơ sở, tiền đề quan trọng để Đồn Biên phòng Lũng Cú tiếp tục phấn đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biên giới Quốc gia trong khu vực được phân công.
Tại Đồn Biên phòng Lũng Cú, chúng tôi đọc được 1 câu thơ của Lê Thái Tổ (Lê Lợi), được khắc trên đá đặt trước vị trí trang trọng của Đồn: “Biên phòng hảo vị trù phương lược/Xã tắc ưng tu kế cửu an”. Dịch nghĩa là: Biên phòng cần có phương lược tốt/Đất nước nên lo kế lâu dài”. Đây là câu thơ được trích dẫn trong bài Chinh Điêu Cát Hãn hoàn, quá Long Thủy đê" vào tháng Tư niên hiệu Thuận Thiên thứ 2 – 1429 được khắc trên núi đá ở tỉnh Hòa Bình trong dịp vủa Lê Thái Tổ đích thân cầm quân đánh dẹp cuộc phản loạn của Đèo Cát Hãn ở miền Tây Bắc.
Thế mới biết, tinh thần “Biên phòng hảo vị trù phương lược” được đề cao và quyết tâm thực hiện thắng lợi tất cả nhiệm vụ được giao của Đồn Biên phòng Lũng Cú như thế nào.
Thiêng liêng và tự hào chào cờ trên Cột cờ Lũng Cú
Cột cờ Lũng Cú từ lâu nay đã trở thành biểu tượng thiêng liêng, khẳng định của chủ quyền bất khả xâm phạmTổ quốc Việt Nam. Theo nhiều tài liệu, cột cò Lũng Cú ra đời từ thời Lý, gắn với sự kiện Thái úy Lý Thường Kiệt đã cho cắm một lá cờ trên đỉnh núi Rồng để khẳng định chủ quyền lãnh thổ nước ta. Đến thời Tây Sơn, vua Quang Trung đã cho xây dựng một đồn gác nơi đây, dưới đồn gác cho đặt một trống đồng, mỗi một canh được đánh lên ba hồi đĩnh đạc, vang xa để khẳng định chủ quyền lãnh thổ.
Đoàn Phóng viên, Biên tập viên Tạp chí chụp ảnh kỷ niệm
với Trung tá Đỗ Đăng Nhiệm - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Lũng Cú tại cột cờ Lũng Cú
Trải qua nhiều tháng năm lịch sử, Cột cờ Lũng Cú vẫn lừng lững hiện hữu để khẳng định chủ quyền đất nước. Đến năm 1978, Đồn Công an nhân dân vũ trang Lũng Cú (nay là Đồn Biên phòng Lũng Cú) cho cắm cột cờ trên đỉnh núi Rồng tại vị trí bây giờ. Lúc đó, cột cờ chỉ bằng cây sa mộc, cao 12m, lá cờ rộng 1,2m2. Năm 1979, chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra, đỉnh núi Rồng được lực lượng Công an nhân dân vũ trang Lũng Cú đóng chốt, bảo vệ vững vàng. Năm 2000, Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dâ tỉnh Hà Giang, đã cho phép huyện Đồng Văn xây dựng công trình mang tầm cỡ quốc gia - Cột cờ Lũng Cú, bằng bêtông cốt thép, thay cho cột cờ bằng gỗ lúc bấy giờ. Với những giá trị lịch sử sâu sắc, ngày 18/11/2009, Nhà nước đã công nhận Cột cờ Lũng Cú là Di tích lịch sử Quốc gia. Năm 2010 tỉnh Hà Giang xây dựng cột cờ mới to đẹp hơn, bề thế hơn để khẳng định vị thế của đất nước ta trong công cuộc đổi mới và khẳng định chủ quyền quốc gia. Cột cờ Lũng Cú hiện nay được khởi công ngày 8/3/2010, hoàn thành vào đúng ngày Quốc khánh 2/9/2010. Cột cờ tọa lạc trên đỉnh núi Rồng, có có độ cao 1.468m so với mặt nước biển. Tổng chiều cao cột cờ là gần 35m, lá cờ rộng 54m2, tượng trưng cho 54 dân tộc anh em cùng chung sống trên lãnh thổ Việt Nam. Dưới chân cột cờ có 8 bức phù điêu bằng đá xanh, trên 8 bức phù điêu là những hình ảnh minh họa quá trình dựng nước và giữ nước của ông cha ta, đan xen vào đó là các nét văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc ở Hà Giang. Phía trên 8 bức phù điêu có gắn 8 mặt trống đồng, vừa là biểu trưng của văn hóa Việt Nam, vừa gợi nhớ tiếng trốg của vua Quang Trung khi xưa, để con cháu ngàn đời sau ghi nhớ công ơn dựng nước của ông cha ta.
Sáng ngày 14/7/2023, sau khi trải qua 279 bậc thang bộ lên tới khu vực chân cột cờ trên đỉnh núi Rồng, là nơi Đoàn công tác Tạp chí Công nghiệp Tàu thủy đứng xếp thành hàng ngay ngắn, thẳng thắn dự Lễ Chào cờ trang nghiêm, trang trọng và đúng quy định do cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Lũng Cú tổ chức thực hiện.
Tổng Biên Tập Vương Chí Dân chụp ảnh kỷ niệm
với Trung tá Đỗ Đăng Nhiệm - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Lũng Cú tại cột cờ Lũng Cú
Đứng trên độ cao gần 1500m so với mặt nước biển tại vị trí cực bắc của Tổ quốc nơi mà gần sát với điểm đầu của chữ S trên bản đồ, trong tiết trời tháng 7 trời xanh, mấy trắng, khí núi trong lành, gió thổi vù vù... Khi tiếng nhạc và lời bài hát Tiến quân qua của nhạc sĩ Văn Cao vang lên, nhìn lá cờ 54 mét vuông đang phần phật tung bay trước gió, các thành viên trong đoàn hát chào cờ mà trong lòng cảm xúc trào dâng, dưng dưng một nỗi niềm Tổ quốc. Ai cũng thấy trên đầu mình là Tổ quốc, ai cũng thấy niềm tự hào đất nước Việt Nam.
“Tiến lên, cùng tiến lên... Nước non Việt Nam ta vững bền”.... Khi bài hát quốc ca vừa hết, là lúc các thành viên trong đoàn xúc động ngập tràn, ai nấy cũng đều rơm rớm nước mắt.
Đó là buổi chào cờ đầy xúc động và tự hào mà hầu như chưa thành viên nào trong Đoàn tạp chí Công nghiệp tàu thủy Việt Nam được trải qua.
Trong giây phút ấy, hình ảnh lá cờ đỏ của Tổ quốc cuồn cuộn tung bay như vừa nhắc bên cạnh niềm tự hào, bên cạnh sự tri ân, tưởng nhớ công ơn của các thế hệ cha ông đã hi sinh xương máu để bảo vệ biên cương, bào vệ nền độc lập, tự do của dân tộc thì cũng là một sự nhắc nhở, các thế hệ người Việt hôm nay hãy làm gì để xứng đáng với truyền thống ý nghĩa và lớn lao đó.
Lời kết
Đoàn công tác của Tạp chí Công nghiệp tàu thủy Việt Nam còn tiếp tục đi tham quan nhà của Pao - điểm đã từng là bối cảnh của phim “Chuyện của Pao”, rồi thăm nhà Vương, tham quan hẻm Tu Sản, sông Nho Quế, thăm thị trấn Đồng Văn, Mèo Vạc, Phố Cáo, Phó Bảng,...
Đoàn Phóng viên, Biên tập viên Tạp chí chụp ảnh kỷ niệm tại Cột mốc điểm cực Bắc Lũng Cú, Đồng Văn, Hà Giang
Phóng viên, Biên tập viên Tạp chí chụp ảnh kỷ niệm tại Cột mốc điểm cực Bắc Lũng Cú, Đồng Văn, Hà Giang
Hà Giang hiện lên là một điểm cực bắc của Tổ quốc, thiêng liêng và trữ tình, đẹp mà hùng tráng. Ở đó, đất và người Hà Giang là một nét độc đáo có một không hai trên mảnh đất hình chữ S này. Cũng ở đó, có những người chiến sĩ áo xanh Biên phòng đang ngày đêm chắc tay súng để bảo vệ bờ cõi, cột mốc, cột cờ thiêng liêng của Tổ quốc. Ở đó có những di tích, thắng cảnh vừa trang nghiêm, đẹp đẽ và nên thơ, cuốn hút du khách, để mỗi người Việt Nam và khách quốc tế, khi đặt chân lên đất Hà Giang – nơi địa đầu Tổ quốc đều chung một suy nghĩ rằng: Nơi đó là niềm tự hào của đất nước Việt Nam - cực Bắc vừa thiêng liêng, vừa trữ tình.
Nguyễn Văn Học
Bài viết liên quan
- Tổng công ty Công nghiệp tàu thuỷ tăng cường hợp tác với Tập đoàn Damen - Hà Lan (16/11/2023)
- Tuổi trẻ SBIC tham gia sôi nổi các hoạt động thể thao chào mừng kỷ niệm 16 năm thành lập Đoàn Khối Doanh nghiệp Trung ương (11/10/2007 - 11/10/2023) (16/11/2023)
- 10 quốc gia ASEAN với việc khôi phục, phát triển hàng hải bền vững (16/11/2023)
- 2 tàu biển siêu sang đầu tiên cập vịnh Hạ Long trong mùa du lịch tàu biển mới (16/11/2023)
- Nhiều hãng tàu lớn đang lựa chọn đầu tư vào Việt Nam (16/11/2023)
- Cục Đăng kiểm Việt Nam tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong lĩnh vực đăng kiểm phương tiện thủy nội địa (16/11/2023)
- Khách quốc tế qua cảng biển tiếp tục tăng mạnh (16/11/2023)
- Cước tàu chở hàng rời tăng mạnh, tàu container tiếp tục giảm (16/11/2023)
- Một trong những tàu container lớn nhất của MSC lần đầu cập cảng Việt Nam (16/11/2023)
- Hàng hóa qua cảng biển tăng trở lại (16/11/2023)