Thời Tự Đức, người An Nam đã đóng được một chiếc tàu thủy

LTS: Nước Việt Nam ta biết đóng tàu đồng, tàu sắt từ bao giờ là câu chuyện mà không chỉ các nhà sử học ngày nay quan tâm, bàn luận mà nó đã được nhắc nhiều trên báo chí thời Pháp thuộc. Trên báo Tràng An, số 298, ngày 25/2/1938, tác giả Lê Thanh Cảnh có bài: “Nước Nam đã biết đóng tàu hơn một trăm năm nay” là để trao đổi lại và gần như phủ định nhận định bài viết: “Thời Tự Đức, người An Nam đã đóng được một chiếc tàu thủy” của tác giả Đông Hà trên báo Nam Cường, số 3, ngày 13/2/1938 mà chúng tôi sẽ giới thiệu ở dưới đây. Theo đó thì tác giả Lê Thanh Cảnh cho rằng, nước Nam đã biết đóng tàu từ thời Minh Mệnh, trước cả thời Tự Đức. Tuy nhiên, mỗi bài báo lại đưa ra những cơ sở, căn cứ tài liệu riêng, có sức thuyết phục riêng. Để cung cấp cho bạn đọc cái nhìn toàn cảnh cũng như để tiếp cận các nguồn tài liệu đó, Tạp chí Công nghiệp tàu thủy Việt Nam xin giới thiệu bài viết của tác giả Đông Hà năm 1938.

Một xưởng đóng thuyền buồm ở An Nam, khoảng 1909 đến 1939

Độc giả coi cái đầu đề này chắc đều cho là chuyện hoang đường. Các bạn sẽ nói: Đến bây giờ đây, nước Nam sống dưới quyền bảo hộ của nước Pháp, đã gần hết một thế kỉ, người Pháp vẫn tranh nhau nhận cái thiên chức khai hóa cho mình, mà ngoài chiếc tàu Bình Chuẩn đóng bằng xi măng của ông Bạch Thái Bưởi thì người mình chưa hề đóng được chiếc tàu nào.

Vả lại, chiếc tàu Bình Chuẩn, tuy là người mình chế ra, kì thực của mình chỉ có cái vỏ xi măng mà thôi, còn các máy móc đều phải mua của nước ngoài hết cả. Thế mà bảo rằng, tời Tự Đức người mình đã đóng được chiếc tàu thủy, ai mà tin được.

Thú thật, mắt tôi cũng không được thấy chiếc tàu thủy ấy, câu chuyện sẽ thuật ra đây là tôi theo trong cuốn “Đặng Hoàng Trung thi sao”.

Chân dung quan Bình Chuẩn Đặng Huy Trứ

Tác giả sách ấy, tức là ông Đặng Huy Trứ, người Minh Hương, đậu cử nhân, trước làm Bố chính Quảng Nam, sau làm Bình Chuẩn đại sứ. ta vẫn thường gọi là quan Bình Chuẩn. Chức quan ấy có từ thời Tự Đức chuyên coi việc buôn bán của nước ta với nước Tàu. Ông Bạch Thái Bưởi dùng hai chữ Bình Chuẩn mà đặt tên chiếc tàu chạy biển của mình, chính là lấy cái nghĩa ấy.

Năm Ất Sửu hiệu Tự Đức, ông Đặng vâng mệnh vua sang Quảng Đông có việc chi đó, nhân đến Hương Cảng được cưỡi thử chiếc tàu thủy của người mình mới chế, ông có làm một bài thơ kỉ niệm: Cuốn thi sao của ông thuê in ở Quảng Châu có chép bài thơ ấy. Đề là “Thí sử ngã quốc tân chế ám cơ đại đồng thuyền truy chí” (Ghi lại việc chạy thử chiếc tàu đồng lớn máy ngầm của nước ta mới chế), nguyên văn như sau:

Khí đồng, khí tắng sảo cơ quan

Thụ tẩu sơn phi cô hễ gian

Thủy kí tu du hành bách lí

Kim Long khoảnh khắc lịch Tam Hoàn.

Ngoại nhượng dự bốc kinh quần phỉ

Nội tự hàm xứng kiến nhất ban,

Thuận hải quy lai như thí khả,

Ưng tri hủ úy mãn long nhan.

Lược dịch như này:

Ống hơi lắp máy với nồi hơi

Chớp mắt cây đi núi cũng dời,

Ngựa nước nửa giây trăm dặm vượt.

Rồng vàng một khắc mấy vòng bơi.

Chống ngoài rồi hẳn kinh đàn giặc.

Trị nước nay nghe nức miệng người

Cửa Thuận một mai về chạy thử,

Mặt rồng bao xiết kẻ vui tươi.

Theo lời tiểu dẫn trong bài thơ này, thì người chế ra chiếc tầu ấy là Nội tạo viên ngoại lang Hoàng Xưởng, xuất đội Lê Bân và chín người nữa.

Từ hồi tháng Giêng năm Ất Sửu, bọn đó vâng mệnh vua Tự Đức đi vào Gia Định nói với nguyên soái Tây dương xin học cách chế máy móc tàu thủy. Khi tới nơi, người Tây mỗi ngày hai buổi sáng và chiều đưa họ xuống tàu chỉ bảo qua loa về các máy móc trong tàu, đúng một tiếng đồng hồ thì thôi.

Cách học như vậy ai cũng biết là không ăn thua gì. Bọn đó có ý chán nản.

Sang tháng 2 có người anh tên là Vị Sĩ Lắc, một tay hiệp khách ở ngoại dương, tình cờ gặp Xưởng và mấy người kia. Bọn Xưởng bèn đem việc mình đi học đóng tầu kể cho Vị nghe. Vị cũng cảm động, tình nguyện đem bọn Xưởng sang Hương Cảng kiếm chỗ cho học.

Tới tháng Ba, bọn Xưởng từ biệt nguyên soái Tây dương, rồi họ cùng với một viên thông ngôn là Nguyễn Đức Hậu xuống tầu Đa Sách. Vị cũng đi xuống tàu thủy cùng sang Hương Cảng.

Trước khi đi, bọn Xưởng đã có tâu với vua Tự Đức và được ngài ưng ý.

Khi ông Đặng về kinh hỏi ý kiến về việc đi sang Quảng Đông thì vua có đem việc đó nói cho ông này biết qua.

Đến tháng 7 thì ông Đặng và ông Nguyễn Tặng Doãn sang đến Hương Cảng nghe tin Vị Sĩ Lắc đưa bọn Xưởng vào học ở miền Hạ Hoàn, và bọn đó đã đóng được một chiếc tàu thủy, hai ông bèn cùng đến thăm.

Ở đó vài ngày, thấy bọn Xưởng hết lòng học tập, ông Đặng rất lấy làm mừng.

Qua ngày mồng Ba tháng ấy, bọn Xưởng mời ông Đặng xuống chơi chiếc tàu của họ mới đóng. Tàu bằng đồng, đầu tàu chạm hai con rồng dát vàng.

Họ mở máy cho tàu diễu qua mấy hòn cù lao trong biển, ông Đặng ngồi trên tàu, trông vào bờ biển, cây cối núi non đều như chạy như như bay, tàu đi cực kì mau lẹ.

Hôm ấy Lãnh sự Anh là Ba Lê Khuê cùng người Tây, người Tàu, các nhà hào hữu ở quanh phố đến xem rất đông. Người nào cũng tấm tắc khen cách tự cường tự trị của nước mình.

Ông Đặng mừng rỡ khôn xiết bèn mở hành lí lấy cho Hoàng Xưởng một tấm áo chẽn bằng sa hoa màu lam, Lê Bân một lạng bạc, Vị Sĩ Lắc một nghìn hạt sen, tám lạng yến sào, chín người thợ một lạng vàng.

Tám câu thơ trên kia đều là nói theo sự thực trong khi chiếc tàu chạy thử. Và dưới bài thơ ấy ông Đặng còn theo cuốn Bác vật tân biên của người Anh soạn ra mà cắt nghĩa rất kĩ về nối súp de, ống dẫn hơi và các máy móc trong một chiếc tàu thủy.

Coi vậy thì chiếc tàu ấy tuy mắt chúng ta không được trông thấy, nhưng có thể tin là có được.

Một điều còn hoài nghi là, bọn Hoàng Xưởng mới sang Hương Cảng bắt đầu học nghề từ đầu tháng Ba mà đến đầu tháng Bảy đã đóng được một chiếc tàu thủy thì thật chóng quá. Không chắc chiếc tàu ông có thật hoàn toàn của người mình chế ra hay là các máy móc của nước khác lắp vào rồi bảo là tàu của mình?

Dù sao mặc lòng, chúng ta xét nội việc đó, có thể biết rằng: Người mình lúc ấy cũng đã sốt sắng về việc tự cường tự trị, chỉ tiếc rằng không biết đường mà đi.

Thật thế, muốn học nghề đóng tầu mà cho người đi học ở trên một chiếc tầu thì phỏng còn học sao được?

Các ngài tưởng rằng học đóng  tàu thủy cũng như học đóng một chiếc thuyền đó chắc?

Vả lại, sau khi đã cho người sang Hương Cảng học đóng tàu thủy, chắc cũng biết cái lợi hại của các máy móc thì làm sao không phải luôn nhiều người đi học thêm các nghề khác?

Các ngài cứ chịu bó gối ngồi chờ cho đến ngày phải kí Hòa ước 1884…

Có lẽ cũng là cái vận nước Nam xui khiến ra thế.

Đông Hà

Nguồn: Báo Nam Cường, số 3, ngày 13/2/1938

Lí Học (sưu tầm và giới thiệu)