Xử lý các trường hợp không tuân thủ quy định về hàm lượng lưu huỳnh trong dầu nhiên liệu tàu biển từ ngày 01/01/2020
LTS: Từ ngày 01/01/2020, Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) sẽ áp dụng quy định ngưỡng lưu huỳnh mới trong dầu nhiên liệu hàng hải toàn cầu để hạn chế tình trạng ô nhiễm không khí bởi ôxít lưu huỳnh do vận tải biển gây ra. Trong bối cảnh hướng đến ngành năng lượng sạch, IMO đưa ra yêu cầu tàu thủy phải sử dụng dầu nhiên liệu có hàm lượng lưu huỳnh 0,5% theo khối lượng, so với mức 3,5% hiện nay. Dầu nhiên liệu hàng hải đang được sử dụng phổ biến nhất có hàm lượng lưu huỳnh khoảng 2,7%. Yêu cầu mới này xuất phát từ khuyến nghị của một tiểu ban tại Liên Hợp Quốc (UN) hơn một thập kỷ trước và được IMO nhất trí thông qua vào năm 2016. Hơn 170 quốc gia, bao gồm cả các nước phát triển và đang phát triển, trong đó có Việt Nam, đã nhất trí thực hiện quy định ngưỡng lưu huỳnh mới trong dầu nhiên liệu hàng hải. Bắt đầu từ năm 2020, các tàu bị phát hiện sử dụng dầu nhiên liệu có hàm lượng lưu huỳnh lớn hơn 0,5% sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị chính quyền cảng lưu giữ và các quốc gia trên thế giới sẽ giám sát chặt chẽ những con tàu này. Đây là vấn đề được giới hàng hải, năng lượng và những người sử dụng các dịch vụ hàng hải quan tâm đặc biệt, bởi nó sẽ có tác động lớn đến hoạt động của họ. Xuất phát từ tính chất và đặc điểm đó, Tạp chí Công nghiệp tàu thủy Việt Nam xin giới thiệu bài viết “Xử lý các trường hợp không tuân thủ quy định về hàm lượng lưu huỳnh trong dầu nhiên liệu tàu biển từ ngày 01/01/2020” của Th.s Vũ Hải - Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Quy định về hàm lượng lưu huỳnh 0,50% trong dầu nhiên liệu toàn cầu theo Phụ lục VI “Các quy định về ngăn ngừa ô nhiễm không khí” của Công ước quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm do tàu gây ra (MARPOL) sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2020. Theo đó, từ ngày 01/01/2020, tàu biển khi hoạt động tại các vùng biển trên thế giới ngoài các khu vực kiểm soát phát thải ô xít lưu huỳnh (SECA) phải sử dụng dầu nhiên liệu với hàm lượng lưu huỳnh không quá 0,50% theo khối lượng. Còn trong các khu vực kiểm soát phát thải ô xít lưu huỳnh (bao gồm Biển Baltic, Biển Bắc, Vùng biển Bắc châu Mỹ và Vùng biển Caribbe thuộc Hoa Kỳ), tàu đã phải sử dụng dầu nhiên liệu với hàm lượng lưu huỳnh không quá 0,10% từ ngày 01/01/2015.
Trong thực tế khai thác tàu, ở giai đoạn đầu thực hiện quy định mới nêu trên, rất có thể xảy ra các tình huống không tuân thủ như: tàu không thể có được dầu nhiên liệu với hàm lượng lưu huỳnh theo quy định, dầu nhiên liệu cấp cho tàu không phù hợp, trên tàu còn dầu nhiên liệu không tuân thủ ... Để giải quyết các tình huống này, tại khóa họp thứ 74 (tháng 05/2019), Ủy ban Bảo vệ môi trường biển (MEPC) của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) đã ban hành một số hướng dẫn mà huyền trưởng và các công ty vận tải biển cần lưu ý áp dụng khi thực tế phát sinh.
Sự không có sẵn dầu nhiên liệu
Trong trường hợp không thể có được dầu nhiên liệu tuân thủ theo Quy định 18 Phụ lục VI của Công ước MARPOL, trước hết thuyền trưởng phải thông báo cho Chính quyền Hàng hải của tàu và cơ quan có thẩm quyền của cảng mà tàu sẽ ghé vào tiếp theo về thực trạng này theo mẫu Báo cáo sự không có sẵn dầu nhiên liệu (Fuel Oil Non-Availability Report - FONAR) được nêu tại Nghị quyết MEPC.320(74) “Hướng dẫn năm 2019 về thực hiện nhất quán giới hạn lưu huỳnh 0,50% theo Phụ lục VI của Công ước MARPOL”, kèm theo các bằng chứng về nỗ lực để có được nhiên liệu tuân thủ, nhưng không thành công. Bằng chứng này có thể bao gồm các bản ghi về các hành động cố gắng để mua được dầu nhiên liệu tuân thủ phù hợp với kế hoạch hoạt động của tàu (các thư tín, thông báo giữa công ty, tàu và người cung cấp nhiên liệu, …).
Để giảm thiểu sự chậm trễ trong hoạt động thương mại của tàu, FORNA cần được gửi cho Chính quyền Hàng hải tàu mang cờ quốc tịch và cơ quan có thẩm quyền của cảng ngay khi xác định việc không mua được dầu nhiên liệu tuân thủ. Bản sao của FONAR phải được lưu giữ trên tàu trong thời gian tối thiểu là 36 tháng để phục vụ cho công tác kiểm tra của các cơ quan chức năng.
Đối với tàu mang cờ quốc tịch Việt Nam, trong trường hợp không thể cấp được dầu nhiên liệu tuân thủ cho tàu, chủ tàu hoặc thuyền trưởng cần gửi FONAR cho Cục Đăng kiểm Việt Nam để thông báo tới IMO.
FONAR không phải là tài liệu cho phép tàu miễn áp dụng quy định về dầu nhiên liệu tuân thủ. Tuy nhiên, đây sẽ là tài liệu chính để các cơ quan có thẩm quyền đánh giá việc không có sẵn là lý do mà tàu không thể có được dầu nhiên liệu tuân thủ. FONAR cũng là tài liệu chính để IMO giám sát sự có sẵn của dầu nhiên liệu tuân thủ trên phạm vi toàn cầu (các Quốc gia thành viên có trách nhiệm tải các FONAR nhận được lên hệ thống trực tuyến của IMO).
Chính quyền Hàng hải và cơ quan có thẩm quyền của cảng, khi nhận được FONAR của tàu, vẫn có thể thực hiện các hoạt động kiểm soát, giám sát tùy theo quyết định của họ. Thêm vào đó, các cơ quan chức năng này sẽ giám sát chặt chẽ bất kỳ tàu hoặc chủ tàu nào thường xuyên gửi báo cáo FONAR và có thể yêu cầu thêm thông tin khi xem xét báo cáo đã gửi.
Thông báo về sự không tuân thủ
Trong trường hợp tàu không được nhận phiếu giao nhận dầu nhiên liệu (Bunker Delivery Note - BDN) hoặc mẫu đại diện dầu nhiên liệu theo quy định của Phụ lục VI MARPOL từ người cấp dầu nhiên liệu; hoặc thuyền trưởng phát hiện ra dầu nhiên liệu đã nhận lên tàu không tuân thủ quy định, thì tàu cần gửi thông báo cho các bên liên quan theo chỉ dẫn nêu trong Nghị quyết MEPC.321(74) “Hướng dẫn năm 2019 về kiểm soát của Chính quyền cảng theo Chương 3 của Phụ lục VI MARPOL (Hướng dẫn PSC 2019)”.
Theo mục 2.1.5 của Hướng dẫn năm 2019, khi thực hiện kiểm tra của Chính quyền Cảng (PSC) trên tàu, nếu nhân viên kiểm tra của Chính quyền Cảng (PSCO) phát hiện BDN hoặc mẫu dầu nhiên liệu đại diện được giao cho tàu không tuân thủ các quy định liên quan của Phụ lục VI Công ước MARPOL, thì PSCO có thể kiểm tra xem thuyền trưởng hoặc sỹ quan chịu trách nhiệm về dầu nhiên liệu của tàu có lập thông báo về vấn đề không phù hợp để gửi cho Chính quyền Hàng hải tàu mang cờ quốc tịch, cơ quan có thẩm quyền tại cảng mà tàu nhận dầu nhiên liệu và người giao dầu nhiên liệu hay không.
Trong trường hợp các thông tin ghi trong BDN thể hiện dầu nhiên liệu tuân thủ, nhưng thuyền trưởng có kết quả thử nghiệm được thực hiện độc lập đối với mẫu dầu nhiên liệu được lấy trong quá trình nhận dầu nhiên liệu cho thấy sự không tuân thủ, thì thuyền trưởng cần lập thông báo gửi cho Chính quyền Hàng hải tàu mang cờ quốc tịch, cơ quan có thẩm quyền của cảng mà tàu đến, Chính quyền Hàng hải nơi người cấp dầu nhiên liệu đặt trụ sở và gửi cho người cấp dầu nhiên liệu.
Khi các thông báo liên quan được lập, gửi như nêu trên với bản sao được lưu trữ trên tàu và trình cho PSCO, tàu có thể sẽ tránh được các rắc rối liên quan đến việc kiểm tra của Chính quyền cảng.
Quản lý dầu nhiên liệu không tuân thủ còn lại trên tàu
Có những trường hợp tàu có thể buộc phải nhận dầu nhiên liệu không tuân thủ cho chuyến đi cụ thể do sự không có sẵn loại dầu tuân thủ. Khi lập kế hoạch cho chuyến đi như vậy, thông thường dự kiến tàu sẽ nhận lượng nhiên liệu nhiều hơn yêu cầu thực tế cho chuyến đi vì các dự phòng an toàn, và tất nhiên, FONAR cần được gửi cho Chính quyền Hàng hải của tàu và cơ quan có thẩm quyền của cảng tàu đến tiếp theo. Cần phải xử lý thế nào khi tàu đến cảng tiếp theo mà trên tàu vẫn còn dầu nhiên liệu không tuân thủ?
Liên quan đến vấn đề này, MEPC đã ban hành Thông tư MEPC.1/Circ.881 “Hướng dẫn về kiểm soát của Quốc gia có cảng về các biện pháp dự phòng để xử lý dầu nhiên liệu không tuân thủ”. Theo đó, cơ quan có thẩm quyền của Quốc gia có cảng, Quốc gia tàu mang cờ quốc tịch và tàu phải phối hợp với nhau để thống nhất giải pháp phù hợp nhất giải quyết dầu nhiên liệu không tuân thủ còn lại trên tàu. Bất cứ giải pháp nào cũng phải được cơ quan có thẩm quyền của cảng chấp nhận và có thể bao gồm một trong các lựa chọn sau:
- Chuyển dầu nhiên liệu không tuân thủ sang tàu khác để tàu khác đó chở như hàng hóa;
- Chuyển dầu nhiên liệu không tuân thủ lên phương tiện tiếp nhận thích hợp trên bờ hoặc sà lan tiếp nhận;
- Các biện pháp về vận hành tàu, chẳng hạn như sửa đổi lịch trình đi biển hoặc lịch trình nhận dầu nhiên liệu của tàu, hoặc giữ lại dầu nhiên liệu không tuân thủ trên tàu.
Sau khi đã xem xét tất cả các lựa chọn nêu trên, dầu nhiên liệu không tuân thủ có thể được chuyển lên cảng hoặc được giữ lại trên tàu, nếu được chấp nhận bởi Quốc gia có cảng. Việc xem xét của Quốc gia có cảng có thể bao gồm các tác động về môi trường, an toàn, vận hành và logistic cho phép hoặc không cho phép chở dầu nhiên liệu không tuân thủ. Việc chở dầu nhiên liệu không tuân thủ phải tuân theo bất kỳ điều kiện nào của Quốc gia có cảng.
Sau khi dầu nhiên liệu không tuân thủ được sử dụng hoặc xả hoàn toàn khỏi tàu, phải tiến hành làm sạch hoặc xả qua hay pha loãng bằng cách sử dụng dầu nhiên liệu tuân thủ có hàm lượng lưu huỳnh thấp nhất có sẵn đối với cặn của dầu nhiên liệu không tuân thủ còn lại trong hệ thống nhiên liệu của tàu.
Th.s Vũ Hải
Bài viết liên quan
- Đạt tiêu chí cảng xanh: Thuận lợi và thách thức gì? (28/10/2024)
- Gỡ rối cho doanh nghiệp có vốn nhà nước mua bán tàu biển (09/10/2024)
- Khai thác tiềm năng vận tải thủy phía bắc (22/08/2024)
- Mở rộng giao thông đường thủy (19/07/2024)
- Cảng biển trung chuyển quốc tế của Việt Nam: Tìm cơ hội (21/05/2024)
- Tín hiệu tích cực từ các doanh nghiệp đóng tàu (19/04/2024)
- Cơ hội cho cảng biển Việt Nam (25/03/2024)
- Cơ hội phát triển ngành đóng tàu Việt Nam (21/12/2023)
- Cảng biển Việt Nam: Phát triển ngày càng nâng cao (21/12/2023)
- Xây dựng đồng bộ đội tàu và hạ tầng cảng biển (17/11/2023)