Vì sao cảng biển Việt Nam liên tục nằm trong top thế giới?

Thời gian qua, nhiều cảng biển của Việt Nam liên tục nằm trong top trong các bảng xếp hạng cảng biển uy tín của thế giới. Vậy lý do gì dẫn đến điều này?

Cụm cảng Cái Mép được xếp vào nhóm cảng biển lớn với sản lượng hàng container thông qua đạt hơn 4 triệu Teu/năm

Nhiều cảng biển nằm trong top

Ngân hàng Thế giới World Bank và Hãng tin Tài chính S&P Global Market Intelligence vừa công bố Chỉ số CPPI (Container Port Performance Index – chỉ số hoạt động cảng container) cho 348 cảng container toàn cầu, bao gồm cảng Hub port trung tâm trung chuyển quốc tế và cảng cửa ngõ xuất nhập khẩu quốc gia.

Đây là chỉ số được tính trên các yếu tố liên quan tới thời gian tàu vào luồng, cập cảng, năng suất bốc và dỡ hàng lên xuống cảng cùng tổng lượng hàng/chuyến, tàu rời cảng ra luồng. Hai yếu tố khác cũng được tính toán là yếu tố tàu lớn (tiết kiệm nhiên liệu hơn) và yếu tố công nghệ thông tin, số hoá.

Cảng Cái Mép của Việt Nam giữ vị trí thứ 12, cao hơn một số cảng biển lớn như Singapore (vị trí thứ 18), Yokohama – Nhật Bản (vị trí thứ 15), Busan – Hàn Quốc (thứ 22). Cụm cảng Cái Mép cũng được xếp vào nhóm cảng biển lớn với sản lượng hàng container thông qua đạt hơn 4 triệu Teu/năm.

Đặc biệt, Cái Mép vẫn tiếp tục duy trì vị trí thứ 13 (theo cách tính kỹ thuật, cho trọng số cao hơn cho kích cỡ tàu phổ biến ở cảng đó).

Bảng xếp hạng này dựa trên các tiêu chí liên quan tới thời gian tàu container cần để hoàn thành việc bốc và dỡ container tại một cảng trong toàn bộ thời gian suốt năm 2022.

Không riêng Cái Mép, thời gian qua, một số cảng biển của Việt Nam cũng đi vào top cảng biển của thế giới ở những tiêu chí khác nhau. Trong đó, trong bảng xếp hạng 100 cảng container năm 2022 có lưu lượng hàng hóa qua cảng lớn nhất thế giới do Tạp chí hàng hải Lloyd’s List (Vương quốc Anh) đưa ra có cảng Hải Phòng, TP.HCM và Cái Mép.

Bảng xếp hạng này căn cứ trên số lượng hàng qua cảng và tốc độ tăng trưởng của các cảng biển. Trong đó, cảng biển Hải Phòng có sản lượng hàng năm 2021 đạt 5,69 triệu Teus, tăng gấp đôi so với năm 2012. Cảng biển TP.HCM có sản lượng thông qua là 7,9 triệu Teus trong năm 2021 và tốc độ tăng trưởng đạt khoảng 1,3% so với năm 2020. Cảng biển Cái Mép có lượng hàng thông qua đạt 5,38 triệu Teus năm 2021, được đánh giá là điểm sáng tại khu vực Đông Nam Á với tốc độ tăng trưởng sau đại dịch khoảng 22%.

Mỗi bảng xếp hạng được đưa ra dựa trên những tiêu chí riêng. Tuy nhiên, việc các cảng biển của Việt Nam liên tục lọt top trong các bảng xếp hạng thế giới cho thấy, cảng biển Việt Nam ngày càng hoàn thiện và đạt được những tốc độ tăng trưởng ấn tượng.

Đến nay, cả nước có 296 bến cảng với chiều dài khoảng 103 km cầu cảng, cũng như đã hình thành các cảng cửa ngõ kết hợp trung chuyển quốc tế tại khu vực phía Bắc và phía Nam

Cảng Hải Phòng nằm trong 100 cảng container có lưu lượng hàng hóa qua cảng lớn nhất thế giới năm 2022

Lý do để cảng biển Việt Nam nằm trong top

Trong Chương trình hành động của Bộ GTVT thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 50/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, một trong những mục tiêu đặt ra là ưu tiên đầu tư, sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng trọng điểm về giao thông đường biển. Đây là lý do đầu tiên và quan trọng nhất.

Thời gian qua, lĩnh vực này được quan tâm đầu tư để nâng tầm các cảng biển Việt Nam. Hệ thống các cảng biển đã được đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp. Theo Cục Hàng hải Việt Nam, ngành giao thông đã hoàn thành đầu tư cảng cửa ngõ quốc tế Cái Mép – Thị Vải, Lạch Huyện có khả năng tiếp nhận được tàu tải trọng lớn từ 130.000 tấn đến 200.000 tấn (DWT) đi thẳng tới bờ tây nước Mỹ, Canada và châu Âu.

Bên cạnh đó, nhiều cảng biển có khả năng tiếp nhận các tàu có trọng tải lớn, phù hợp với xu hướng của thế giới. Nhờ đó, hàng hóa xuất nhập khẩu có thể đi thẳng tới các quốc gia Châu Âu, Châu Mỹ, giảm được chi phí vận tải đồng thời góp phần thúc đẩy dịch vụ logistics của Việt Nam phát triển.

Đơn cử, các cảng biển tại khu vực Cái Mép như cảng Gemalink đã đón được tàu OOCL Spain hơn 230.000 DWT. Cảng CMIT cũng đón được những chuyến tàu có trọng tải hơn 200.000 DWT cập cảng. Trong khi tại khu vực miền Bắc, cảng Lạch Huyện cũng đã đón được tàu có trọng tải gần 145.000 DWT.

Thêm lý do để cảng biển Việt Nam đạt tiêu chuẩn vào top là việc huy động nguồn vốn doanh nghiệp để xây dựng hệ thống cảng biển, tới nay, nhiều cảng biển đã được đầu tư mới, trang thiết bị hiện đại, phát triển công nghệ thông tin với các hệ thống phần mềm quản lý,… đóng góp vào việc tăng hiệu suất khai thác cảng, giúp các cảng có được những bước tăng trưởng, đóng góp cho sự phát triển của ngành cảng biển.

Riêng về nguồn vốn đầu tư, nguồn vốn ngân sách tập trung đầu tư cho các hạng mục kết cấu hạ tầng công cộng (luồng tàu, đê chắn sóng dùng chung) kết nối với cảng biển quan trọng. Các hạng mục kết cấu hạ tầng bến cảng chủ yếu được đầu tư bằng nguồn huy động hợp pháp của doanh nghiệp.

Thời gian tới, cảng biển Việt Nam cũng có nhiều tiềm năng tăng trưởng, đặc biệt từ xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc. Để đáp ứng điều này, đòi hỏi ngành cảng biển cần được quy hoạch, phát triển và đầu tư một cách hợp lý, bài bản.

VNL