Để Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển (Phần 1)

Thế kỷ XXI được coi là thế kỷ của đại dương, để nhấn mạnh tầm quan trọng của đại dương đối với đời sống của nhân loại, Liên hợp quốc đã lấy ngày 8 tháng 6 hàng năm là ngày Đại dương thế giới với thông điệp “Đại dương của sự sống” (Ocean of Life). Sở dĩ như vậy, vì bước sang thế kỷ XXI, dưới tác động của quá trình toàn cầu hóa kinh tế, cách mạng khoa học công nghệ phát triển vũ bão, trước bối cảnh nguồn tài nguyên thiên nhiên trên đất liền ngày càng cạn kiệt, nên “Vươn ra biển” đã trở thành xu thế chủ đạo của các quốc gia có biển, thậm chí một số quốc gia không có biển cũng tìm mọi cách để tiếp cận với biển, nhằm tranh thủ các điều kiện thuận lợi, nguồn tài nguyên từ biển để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước mình.

Đối với nước ta, vùng biển, đảo không chỉ là một bộ phận cấu thành chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, mà cùng với đất liền, còn tạo ra môi trường sinh tồn phát triển đời đời bền vững của dân tộc Việt Nam. Hội nghị lần thứ Tư Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) đã thông qua Nghị quyết số 09 ngày 9 tháng 2 năm 2007 “Về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”. Việc tổng kết những thành công, hạn chế và bài học kinh nghiệm qua 10 năm triển khai Chiến lược biển từ năm 2007 ở nước ta,  qua đó đề xuất những quan điểm, định hướng, giải pháp mới trong thời gian tới là điều cấp bách hiện nay. Đây cũng là một trong các nội dung mà Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XII tiến hànhnghiên cứu trao đổi.

I. Cơ sở lý luận, thực tiễn về Chiến lược Biển Việt Nam

1. Sự phát triển nhận thức lý luận của Đảng ta về Chiến lược biển Việt Nam

    Việt Nam có một vùng biển đặc quyền kinh tế rộng trên 1 triệu km2, gấp 3 lần diện tích đất liền, có bờ biển dài 3.260 km từ Bắc vào Nam, chiếm tỷ lệ khoảng 100 km2 đất liền/1 km bờ biển (mức trung bình trên thế giới là 600 km2 đất liền/1 km bờ biển) và khoảng 4.000 hòn đảo đá lớn, nhỏ, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, biển có vai trò, vị trí rất quan trọng, gắn bó mật thiết và ảnh hưởng to lớn, lâu dài đến sự phát triển kinh tế - xã hội, đến việc bảo đảm quốc phòng an ninh, đối ngoại, hội nhập quốc tế, bảo vệ môi trường của nước ta.

     Sau hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đặc biệt qua hơn 10 năm thực hiện Chiến lược biển, tiềm lực biển của nước ta đã không ngừng lớn mạnh và đã có những đóng góp vô cùng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tư duy nhận thức của Đảng ta và xã hội về vai trò của biển cũng không ngừng được bổ sung, từng bước hoàn thiện phát triển.

Ngày 2 tháng 8 năm 1977, Hội nghị về Biển lần thứ nhất của nước ta đã họp tại Nha Trang. Khi đó Đại tướng Võ Nguyên Giáp là Ủy viên Bộ chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ đã tới dự và nói chuyện tại hội nghị. Trong bài nói chuyện, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã phân tích tiềm năng to lớn và vị trí rất quan trọng của biển nước ta trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, về tầm quan trọng của biển trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và chiến lược quân sự quốc phòng, về quan điểm kết hợp giữa phát triển kinh tế và an ninh  quốc phòng … đến nay vẫn có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh cả nước ta đang hướng về Biển Đông.

     Ngày 2 tháng 9 năm 1997, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 20 – CT/TW về đẩy mạnh phát triển kinh tế biển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Từ những quan điểm cơ bản của chỉ thị này, cùng với việc tiếp tục nhấn mạnh chủ trương lớn xây dựng Việt Nam trở thành một nước mạnh về biển, phát triển kinh tế - xã hội vùng biển, hải đảo, ven biển phải gắn kết với yêu cầu bảo vệ đất nước, Đảng ta chủ trương đặt kinh tế biển trong tổng thể kinh tế cả nước, trong quan hệ tương tác với các vùng và trong xu thế hội nhập kinh tế với khu vực và thế giới.

Mười năm sau, trong bối cảnh mới về trong nước  và quốc tế, nhằm tiếp tục phát huy, khai thác sử dụng hiệu quả các tiềm năng của biển trong thế kỷ XXI, Hội nghị lần thứ Tư Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) đã thông qua nghị quyết số 09 ngày 9 tháng 2 năm 2007 “Về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, trong đó nhấn mạnh “Thế kỷ XXI được thế giới xem là thế kỷ của đại dương”. Nghị quyết đã xác định các quan điểm chỉ đạo về định hướng chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, khẳng định: “Nước ta phải trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển trên cơ sở phát huy mọi tiềm năng từ biển, phát triển toàn diện các ngành, nghề biển với cơ cấu phong phú, hiện đại, tạo ra tốc độ phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả cao với tầm nhìn dài hạn”.

Đây là lần đầu tiên sau quá trình chuẩn bị, phát triển nhận thức lý luận, Việt Nam đã xây dựng và ban hành Chiến lược biển tổng thể, toàn diện nhằm phát huy mạnh mẽ vai trò to lớn và quan trọng của biển đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nghị quyết đã khẳng định tầm nhìn chiến lược của Đảng và Nhà nước ta về tầm quan trọng của biển trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, gắn với giữ vững độc lập chủ quyền, an ninh quốc phòng, đối ngoại. Qua đó, nhận thức của xã hội, người dân về các nội dung của chiến lược biển từng bước được nâng lên.

Nghị quyết cũng đã xác định  định hướng và mục tiêu cụ thể về phát triển kinh tế biển đến năm 2020 trên lĩnh vực kinh tế - xã hội; chiến lược quốc phòng, an ninh, đối ngoại; phát triển khoa học – công nghệ biển; xây dựng kết cấu hạ tầng biển, hợp tác quốc tế. Sau 5 năm thực hiện nghị quyết số 09-NQ/TW, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 60-KL/TW ngày 16/4/2013 về Kết quả sơ kết 5 năm thực hiện Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, theo đó, Bộ Chính trị đề ra phương hướng tiếp tục đẩy mạnh thực hiện thắng lợi nghị quyết số 09-NQ/TW.

     Nhằm tiếp tục thực hiện Chiến lược biển theo tinh thần nghị quyết số 09-NQ/TW trong bối cảnh mới, nhận thức của Đảng ta tại Đại hội XII tháng 1/2016 về Chiến lược Biển có bước phát triển mới khi xác định chủ trương: “Phát triển mạnh các ngành kinh tế biển gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia và nâng cao đời sống nhân dân vùng biển, đảo. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển các ngành khai thác, chế biến dầu khí; cảng biển, đóng và sửa chữa tàu biển, vận tải biển; khai thác và chế biến hải sản, các dịch vụ hậu cần nghề cá; du lịch biển, đảo. Xây dựng các khu kinh tế, các khu công nghiệp tập trung và khu chế xuất ven biển gắn với phát triển các khu đô thị ven biển. Xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phục vụ sản xuất và đời sống vùng biển, đảo”. (Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII. Văn phòng Trung ương Đảng. Hà Nội năm 2016, trang 288-289)

2. Kinh nghiệm quốc tế

Xác định thế kỷ XXI là thế kỷ của Đại dương, Liên Hợp quốc đã đưa ra các quy định, luật pháp quốc tế quy định thống nhất xác định về chủ quyền và các hoạt động trên biển, đảo. Trên cơ sở này nhiều quốc gia có biển đã xây dựng và thực hiện chiến lược, chính sách về biển của mình.

Luật Biển quốc tế nhằm mục đích chủ yếu phân chia chủ quyền trên biển, quy định việc sử dụng khai thác tài nguyên biển, bảo vệ môi trường biển và hợp tác giữa các quốc gia trong lĩnh vực này. Trải qua nhiều phiên họp, đến ngày 10/12/1982 tại vịnh Montego (Jamaica), Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982) với sự tham gia của hơn 160 nước đã được thông qua. Công ước này có hiệu lực từ ngày 16/11/1994. Đây là văn bản pháp luật quốc tế (Gồm 17 phần, 320 điều kèm theo 9 phụ lục, 4 nghị quyết), được coi như Hiến pháp trên biển, có vai trò quan trọng chỉ sau Hiến chương Liên hợp quốc. Quốc hội Việt Nam đã phê chuẩn Công ước UNCLOS 1982 ngày 13/06/1994 và nộp lưu chiểu Liên hợp quốc ngày 25/07/1994. Ngoài ra, Liên Hợp quốc còn xác định mục tiêu phát triển bền vững về đại dương đóng vai trò trung tâm trong Chương trình nghị sự đến năm 2030.

     Nội dung các điều khoản quan trọng nhất của Công ước UNCLOS 1982 quy định về việc thiết lập các giới hạn, giao thông đường biển, trạng thái biển, đảo, các chế độ quá cảnh, các vùng đặc quyền kinh tế, quyền tài phán thềm lục địa, khai khoáng lòng biển sâu, chính sách khai thác, bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học và dàn xếp tranh chấp xảy ra. Các quốc gia có biển trên cơ sở quy định chung của Liên hợp quốc đã xây dựng chiến lược, chính sách biển của mình, khẳng định tầm quan trọng ngày càng gia tăng của biển đối với việc phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa du lịch biển, an ninh quốc gia, chú trọng yếu tố khai thác bảo tồn tài nguyên, bảo vệ môi trường biển.

Nhìn chung, chiến lược biển qua kinh nghiệm của nhiều quốc gia cho thấy đây là một văn bản thống nhất, mang tính định hướng chung nhằm mục tiêu tổng quát như: Phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ chủ quyền biển quốc gia, giữ gìn bảo vệ môi trường, xây dựng cơ sở quản trị nhằm phát triển bền vững đại dươngtrong quá trình khai thác bảo vệ biển, nhiều nước chú trọng yếu tố không gian biển, dân tộc, văn hóa biển.

Về mặt thuật ngữ, không nhất thiết giống nhau, nhiều nước sử dụng từ chính sách (Policy) thay vì chiến lược biển (Strategy). Tuy vậy, về cấu trúc, phổ biến trong chiến lược hoặc chính sách biển của nhiều quốc gia đều bao gồm các nội dung như : (1) Mục tiêu, (2) Kế hoạch, (3) Các biện pháp cụ thể, (4) Xây dựng thể chế để triển khai. Nhiều nước tách riêng vấn đề chủ quyền - an ninh, không đề cập sâu trong chiến lược.

II. Kết quả đạt được và những hạn chế trong việc tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược biển  Việt Nam

 Triển khai thực hiện Nghị quyết số 09 – NQ/TW, Chính phủ đã ban hành nghị quyết số 27/2007/NQ-CP ngày 30 tháng 5 năm 2007, sau đó trên cơ sở tổng kết, Chính phủ ban hành Chương trình hành động tại nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 10/12/2015 nhằm tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 27/2007/NQ-CP đã ban hành trước đó. Đến nay, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị định, quyết định về quản lý nhà nước, thực hiện các chủ trương chính sách chiến lược, quy hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh - đối ngoại liên quan đến biển, đảo. Để thể chế hóa Nghị quyết, Quốc hội đã thông qua các luật như: Luật Biển Việt Nam (năm 2012), Luật Tài nguyên môi trường và hải đảo (năm2015), Bộ Luật Hàng hải Việt Nam (năm 2015), Luật Thủy sản (sửa đổi và bổ sung 2017) và các văn bản khác hướng dẫn thi hành.

1. Những kết quả đã đạt được:

Qua hơn 10 năm,việc triển khai Nghị quyết số 09 – NQ/TW về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 đã đạt được những thành tựu quan trọng như:

- Góp phần nâng cao nhận thức của các ngành các cấp và toàn xã hội về vai trò của biển, tập trung trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân về chủ quyền, phát triển biển, đảo của Tổ quốc.

- Đảm bảo giữ vững chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo, năng lực và khả năng tác chiến của các lực lượng bảo đảm an ninh, quốc phòng trên biển từng bước được nâng cao, hiện đại hóa.

- Trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, hoạt động đối ngoại được đẩy mạnh nhằm bảo vệ chủ quyền biển đảo, đồng thời thu hút các nguồn lực theo nguyên tắc bình đẳng cùng có lợi.

- Một số ngành lĩnh vực kinh tế biển đã có bước phát triển nhanh, từng bước hình thành một số cảng có tầm cỡ khu vực như cảng Cái Mép - Thị Vải, sản lượng và xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tăng cao, du lịch biển có bước phát triển đóng góp tích cực vào tăng trưởng GDP, đã có sự kết hợp giữa khai thác và nuôi trồng hải sản.

- Công tác điều tra tài nguyên môi trường biển được chú trọng hơn, hạ tầng cơ sở biển được cải thiện từng bước cả về đường bộ ven biển và hệ thống cảng hàng không.

2. Hạn chế, yếu kém

Ngoài kết quả đạt được, việc triển khai Chiến lược biển trong 10 năm qua cũng bộc lộ những hạn chế yếu kém nổi bật như:

- Một số mục tiêu, chỉ tiêu đề ra trong Nghị quyết về phát triển kinh tế biển và ven biển chưa đạt được như: Chỉ tiêu đóng góp của kinh tế biển và ven biển khoảng 53 - 55% tổng GDP của cả nước, thu nhập bình quân đầu người của nhân dân vùng biển và ven biển cao gấp hai lần so với thu nhập bình quân chung của cả nước... Về tổng thể, quy mô kinh tế biển còn nhỏ bé, chưa tương xứng với tiềm năng; cơ cấu ngành, nghề chưa hợp lý, mới phát triển một phần ở vùng biển quốc gia, chưa chuẩn bị điều kiện để vươn ra vùng biển quốc tế, phương thức khai thác kinh tế biển chủ yếu vẫn là sản xuất nhỏ.

- Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 chưa dự báo và đánh giá sự điều chỉnh chiến lược biển của các nước lớn như Trung Quốc và Mỹ, đặc biệt những xu hướng mới tình trạng gia tăng căng thẳng trên Biển Đông, liên quan đến các nội dung về an ninh, quốc phòng và đối ngoại trên biển.

-Mặc dù trong Nghị quyết đã nêu định hướng phát triển khoa học công nghệ biển xác định phát triển khoa học - công nghệ biển phải trở thành động lực của phát triển các lĩnh vực liên quan đến biển. Xây dựng tiềm lực khoa học - công nghệ biển phục vụ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên việc triển khai nhận thức về hướng đi phát triển khoa học công nghệ biển còn chưa đẩy đủ, trên thực tế khả năng khoa học - công nghệ biển còn hạn chế.  

- Trong Nghị quyết, phần giải pháp có nêu định hướng đào tạo phát triển nguồn nhân lực phục vụ triển khai Chiến lược biển (từ cấp quản lý vĩ mô đến nguồn nhân lực của các ngành liên quan đến kinh tế biển, ngư dân) tuy nhiên việc nhận thức còn chưa sâu sắc đầy đủ, do vậy việc triển khai đào tạo phát triển nguồn nhân lực phục vụ triển khai chiến lược biển còn lúng túng, hạn chế, thiếu đồng bộ.

- Về quản lý nhà nước, mặc dù trong Nghị quyết có đặt vấn đề “Xây dựng cơ quan quản lý Nhà nước tổng hợp, quản lý thống nhất về biển, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về biển một cách đầy đủ”, tuy nhiên việc thành lập Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan quản lý nhà nước tổng hợp về biển, đảo mặc dù là bước đi quan trọng, song chưa  thực hiện được đầy đủ vai trò quản lý thống nhất và tổng hợp các vấn đề trên biển, đảo. Tình trạng quản lý nhà nước về biển, đảo chưa đủ mạnh, thiếu sự tập trung thống nhất; phân công, phân cấp phối hợp giữa các bộ ngành, địa phương chưa chặt chẽ, trong thực hiện thiếu sự kiểm tra đôn đốc và còn hiện tượng chồng chéo, thiếu phối hợp.

- Công tác quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh mặc dù được chú trọng song chưa thực hiện được mục tiêu như Nghị quyết đề ra là phải đi trước một bước với tầm nhìn dài hạn và hiện đại theo những tiêu chuẩn phù hợp với quốc tế và khu vực. Thực tế trong hơn 10 năm qua, hiện tượng đầu tư theo phong trào không theo quy hoạch thống nhất về cảng biển, đánh bắt xa bờ … còn diễn ra phổ biến ở nhiều địa phương. Tình trạng phát triển kinh tế biển, xây dựng kết cấu hạ tầng biển đảo còn mang tính dàn đều, thiếu đầu tư chiều sâu, đủ mức để tạo nhanh đột phá cho phát triển hạ tầng quốc gia liên vùng.

- Việc nhận thức về xây dựng một số tập đoàn kinh tế mạnh làm chủ lực để phát triển kinh tế biển trong một số lĩnh vực như dầu khí, vận tải biển... chưa đồng bộ trong khi cơ chế quản lý và giám sát không chặt chẽ, cộng thêm năng lực phẩm chất của cán bộ quản lý  các tập đoàn quy mô lớn còn hạn chế yếu kém, đã dẫn đến tình trạng làm ăn kinh doanh thua lỗ, thất thoát tài sản, tham nhũng trầm trọng.

- Nhận thức về bảo vệ môi trường biển và ven biển, phòng, chống thiên tai đã được xác định trong Nghị quyết, tuy nhiên việc quán triệt của các ngành các cấp chưa toàn diện, dẫn đến tình trạng khai thác cạn kiệt nguồn lợi thủy sản, không sử dụng bền vững tài nguyên biển, môi trường biển xuống cấp trầm trọng ở nhiều nơi. Việc khai thác quá “nóng” tài nguyên biển dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường, chưa chú trọng đến phát triển bền vững còn xảy ra ở nhiều địa phương. Việc thực hiện các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng chưa đồng bộ, hiệu quả còn hạn chế.

3. Nguyên nhân của hạn chế, yếu kém:

 Nguyên nhân khách quan do bối cảnh quốc tế và khu vực có nhiều thay đổi theo hướng bất lợi cho Chiến lược biển của nước ta như: Cuộc khủng hoảng tài chính kinh tế toàn cầu nổ ra năm 2008-2009, giá dầu thô sụt giảm nhanh chóng, sự cạnh tranh khốc liệt của các hãng tàu lớn trong ngành vận tải biển… dẫn đến việc thu hẹp ngư trường truyền thống, sự suy giảm nguồn lợi thủy sản nghiêm trọng. Bên cạnh đó, vấn đề biến đổi khí hậu, nước biển dâng, những diễn biến phức tạp về an ninh, chủ quyền trên Biển Đông đã tác động không thuận đối với việc triển khai Chiến lược biển của Việt Nam trong 10 năm qua.

 Tuy nhiên nguyên nhân chủ quan là chủ yếu của những hạn chế yếu kém; ngoài việc Chiến lược biển xác định các mục tiêu nhiệm vụ còn được chưa phù hợp, mang tính chủ quan, việc nhận thức về vị trí, vai trò của biển trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của các cấp, các ngành mặc dù được nâng lên, song còn chưa đầy đủ, đồng bộ. Có nhiều địa phương sau khi Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9/2/2007 tại hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020 được ban hành thì hơn 2 năm sau mới có chương trình hành động của địa phương mình. Tình trạng liên minh châu Âu EU ra phán quyết áp dụng thẻ vàng đối với thủy sản Việt Nam cho thấy ngư dân của chúng ta còn thiếu ý thức về luật pháp quốc tế, trong việc đánh bắt thủy sản xa bờ không rõ nguồn gốc xuất xứ.

 Bộ máy, phương thức quản lý nhà nước về biển, đảo nhìn chung còn nhiều hạn chế. Một số cơ chế chính sách phát triển kinh tế biển chưa phù hợp, hiệu quả không cao, thậm chí bị lợi dụng như chương trình đánh bắt xa bờ, đề án trang bị tàu sắt cho ngư dân hiệu quả thấp, vấn đề thu hút khuyến khích người dân ra đảo định cư còn gặp nhiều khó khăn. Nguồn lực đầu tư cho kinh tế biển, các dự án trọng điểm còn bị phân tán dàn trải, thiếu sự tập trung thống nhất nên chưa phát huy tốt nhất hiệu quả. Trình độ khoa học công nghệ biển và đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực biển chưa được quan tâm đầu tư đúng mức để tạo bước phát triển mới.

4. Một số bài học:

- Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn triển khai Chiến lược biển Việt Nam trong hơn 10 năm qua ở nước ta  cho thấy để xây dựng Chiến lược biển mang tính khoa học và khả thi cao thì tiền đề cần thiết quan trọng là phải đánh giá toàn diện bối cảnh quốc tế khu vực, vị trí của Việt Nam trong khu vực, tình hình trong nước để xác định chuẩn xác lợi thế so sánh của ta trong cuộc cạnh tranh toàn cầu cũng như xác định tầm nhìn chiến lược, động lực phát triển của Chiến lược biển Việt Nam.

- Chiến lược biển phải đảm bảo định hướng chiến lược thống nhất giữa các lĩnh vực như kinh tế kết hợp với quốc phòng, an ninh - quốc phòng - đối ngoại trong bối cảnh hiện nay, và xác định ví trí được chú trọng đặt lên hàng đầu.

- Việc xây dựng và triển khai thực hiện Chiến lược biển là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, việc tổ chức thực hiện phải sâu sát, quyết liệt, phân định rõ trách nhiệm của các cơ quan bộ ngành, địa phương, tập thể và cá nhân. Cần chú trọng đầu tư, huy động các nguồn lực trong và ngoài nước, đổi mới thể chế để thực hiện hiệu quả các mục tiêu đề ra trong chiến lược.

(Phần 2: Bối cảnh mới và những vấn đề đặt ra  đối với Chiến lược Biển Việt Nam)

  PGS.TSKH Trần Nguyễn Tuyên

                                           Hội đồng Lý luận Trung ương